CAO BÁ QUÁT
Tiểu chước
Chuyết thê bất tín thượng châu nhan
Tiếu bả lăng hoa tống dữ khan
Thí chước tiểu bôi hoàn tự chiếu
Phân minh hồng khí động mi đoan
Dịch nghĩa:
Người vợ vụng
về của ta không tin mình còn nhan sắc mặn mà
Mỉm cười cầm cái bông ấu đưa cho ta cùng xem
Nàng rót cho ta chung rượu nhỏ (trong đó) phản chiếu
Rõ ràng khí sắc hồng nhuận (khiến nàng cũng) nhíu động đôi mày đoan chính.
Ghi chú về
cái bông ấu trong bài:
Ấu, tên Hán Việt là lăng (chữ Hán: 菱 – bính âm: ling),
tiếng Anh gọi bằng nhiều tên: water caltrop, water chestnut, buffalo nut, bat
nut, vân vân, thuộc hai loài Trapa natans và Trapa bicornis, một
loại cây thủy sinh, được trồng trong ao hay ruộng nước như sen hay súng để lấy
trái làm lương thực. Trái ấu, thường được gọi lầm là củ (ca dao: “Thương
nhau củ ấu cũng tròn…”), loài Trapa bicornis màu đen hay nâu cũ
trông giống bộ sừng trâu tí hon (cho nên tiếng Anh có tên là buffalo nut).
Trái của loài Trapa natans có bốn cạnh, đầu mỗi góc cạnh là một gai
nhọn.
Cả hai loài ấu này đều có ở Việt nam, nhưng dường như củ ấu “sừng trâu” được
biết nhiều hơn.
Đây là loại cây lương thực phụ lâu đời của nhiều dân tộc cho đến thế kỷ trước,
có mặt ở khắp cả châu Phi, Châu Âu và châu Á. Người ta thấy củ ấu được ghi chép
từ rất sớm trong sách Chu Lễ của Trung quốc, khoảng thế kỷ 2 trước công
nguyên. Thời đó, củ ấu được coi là một loại lương thực quan trọng dùng làm lễ
vật cúng tế. Còn theo sách Bản thảo bị yếu của Uông Ngang (Tàu), thế kỷ
17, thì củ ấu có tính mát, giải cảm và giải rượu.
Củ ấu luộc chín, gọt bỏ vỏ bên ngoài, thịt bên trong màu trắng, ăn bùi bùi, như
hột mít. (Có người nói ngon hơn hột mít). Ngay ở thành phố Sài Gòn thỉnh thoảng
thấy có người đẩy xe ba-gác chở củ ấu đi bán dạo.
Dường như không mấy người quan tâm chuyện củ ấu có mặt ở Việt Nam từ bao giờ. Chỉ biết củ ấu mang
một hình ảnh mộc mạc, dân dã và rất quen thuộc. Bông ấu cũng chẳng phải loại
hoa sang trọng hay hiếm quý gì. Đó chỉ là một thứ hoa màu trắng đơn sơ có bốn
cánh, (Google image cho thấy loài Trapa natans hoa có màu đỏ), là một
trong những thứ hoa bình dị, chất phác của đồng quê. Khi đưa cái bông ấu cho
chồng xem, có lẽ bà Cao Chu Thần muốn nói mình giờ đây không còn giữa thời xuân
sắc, mà giống như cái bông ấu quê mùa bình dị này. Nhà thơ tài hoa họ Cao,
người mà theo một số giai thoại văn học nói, từng tự cho mình chiếm hai trong
số bốn bồ chữ của thiên hạ, đã gián tiếp cải chính cái ý tự khiêm của vợ và đã
khen bà một cách kín đáo và tao nhã: trong bài thơ, ông mô tả sắc mặt hồng
nhuận đoan trang của bà phản chiếu trong chung rượu bà rót mời chồng.
Do kiến thức văn học hạn hẹp, người viết không biết bài thơ Tiểu Chước này
được chép hay lưu truyền ở đâu hay trong tác phẩm nào của Cao Bá Quát. Bài được
dịch và giới thiệu ở đây là căn cứ theo bản chữ Hán do người bạn rất nhiệt tình
tìm tòi và giới thiệu thơ chữ Hán của tiền nhân, là Lại Quảng Nam, đưa cho đọc. Cám ơn người bạn
đất Quảng này.
Dịch thơ:
Mời
Chồng Uống Rượu Suông
(lục bát)
Nhà tôi đang nghĩ mình già
“Chàng xem cây ấu nở hoa đây này!”
Mời chồng chén rượu trên tay
Ánh vui tươi nhuận nét mày đoan trang
(song thất lục bát)
Nàng nghĩ mình lúc này già xấu
Đưa chồng xem bông ấu trên tay
Mời ta chung rượu rót đầy
Lung linh phản chiếu nét mày thắm tươi
(thất ngôn tứ tuyệt)
Nàng nghĩ dung nhan đã luống rồi
Trao chồng hoa ấu để xem chơi
Mời ta chung rượu còn tương ánh
Hồng nhuận đoan trang nét rạng ngời
Bài
dịch tiếng Anh:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét