Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

* THIỀN SƯ VẠN HẠNH, BÀI THƠ TÌNH






                                                                                                       
    BÀI THƠ TÌNH 
     ĐẦU TIÊN THỜI LÝ 
    


    * Ảnh:  Tượng Thiền sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu Sơn - Bắc Ninh
Đó là bài thơ Chính Nam, thời Lý, bài thơ có hình thức sấm ký: 

           Chính Nam

Chính Nam Phù Ninh hộ trạch thần
Vinh thế nam nữ xuất đa nhân
Thiên Đức phú quý mãn ốc thịnh
Bát phương hội Nữ thường xuất quân. 

Bài thơ này có quan hệ mật thiết tới Lý Công Uẩn. Nghìn năm nay, nhiều người vẫn tự hỏi: Ai là cha Lý Công Uẩn?
   Thuyết thứ nhất: người thần. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Lý Công Uẩn, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn (xã Tương Giang) cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua.
   Thuyết thứ hai: Lý Khánh Văn. Thời ấy đất Cổ Pháp (còn gọi là Diên Uẩn, tức Đình Bảng ngày nay) có chùa Lục Tổ (còn gọi là chùa Cổ Pháp, chùa Ứng Thiên Tâm, chùa Dận... .). Tại chùa này, có hai sư anh em ruột: Lý Vạn Hạnh (anh) và Lý Khánh Văn (em) cùng trụ trì. Sau, Vạn Hạnh vào tu trong chùa Tiêu Sơn (nay thuộc Tương Giang). Một đêm kia, đang ngồi thiền thì sư Khánh Văn nghe có tiếng trẻ khóc oa oa. Sư bèn ra “nhặt” đem về nuôi. Bấy giờ đã có câu ca cười giễu: Con ai đem bỏ chùa này/ Nam mô di Phật, con thầy thầy nuôi. Lý Khánh Văn không chỉ là cha nuôi mà còn là cha đẻ của Lý Công Uẩn.
   Thuyết thứ ba: Lý Vạn Hạnh. Bà Phạm Thị tuổi đôi mươi xinh đẹp. Do thường lên chùa cầu cúng mà bà Phạm Thị “vướng duyên” cùng sư Vạn Hạnh. Sư đã nhận Phạm Thị vào chùa làm các việc sắp lễ.
   Có nhiều giai thoại về “Cậu bé” Lý Công Uẩn: Một lần, Thiền sư Lý Khánh Văn thấy tượng Phật nước mắt giàn giụa bởi ở lưng bị “Cậu bé” viết mấy chữ Đày ba nghìn dặm (Đồ tam thiên lý). Một đêm vì nghịch bị phạt, nằm đất không chăn màn, muỗi đốt nhiều, Lý Công Uẩn ngẫu hứng, đọc: Thiên vi khâm chẩm, địa vi chiên/ Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên/ Dạ thâm bất cảm trường thân túc/ Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên. Dịch: Trời làm màn gối đất làm chiên/ Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên/ Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi/ Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng.
  Có thời kỳ, Vạn Hạnh lại đưa Lý Công Uẩn sang chùa Kiến Sơ (Phù Đổng), học Thiền sư Đa Bảo. Thấy tướng mạo Lý Công Uẩn, sư Đa Bảo nói: “Cậu bé này cốt tướng chẳng phải tầm thường, ngày sau làm vua ắt là người này”.
   Mãi sau, Vạn Hạnh mới đón Lý Công Uẩn về nuôi dạy. Triều Tiền Lê, Lý Công Uẩn làm quan đến chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Khi Ngoạ Triều băng, Lý Công Uẩn được triều thần “dìu lên” chính điện, lập Thiên tử.
  Vạn Hạnh trước khi tu, họ tên ông là Lý Khánh Vạn, 21 tuổi mới xuất gia, Vạn Hạnh là tên nhà chùa, mới đầu học Thiền Ông đạo giả, sau chuyên tâm tu tập kinh Tổng trì tam ma địa. Bấy giờ sư nói ra điều gì, thiên hạ đều coi là sấm ngữ. Khi nhà Tống sai quân sang  xâm lược, vua Lê Đại Hành hỏi sư. Sư tâu: sẽ thắng, xin gấp tiến quân. Sau, quả vậy. Khi Lý Công Uẩn còn làm Thân vệ, “điềm lạ” xuất hiện nhiều nơi: xoáy lông trên lưng chó (Tuất, năm Canh Tuất trắng- 1010, người tuổi  Giáp Tuất lên ngôi) , trên cây đa ở chùa Song Lâm (làng Nành) có hình chữ Quốc, lại có bài thơ sấm mà sư yết bảng: Tật lê trầm Bắc thuỷ/ Lý tử thụ Nam thiên/ Tứ phương can qua tĩnh/ Bát biểu hạ bình yên - Gốc Lê chìm bể Bắc/ Chồi Lý mọc trời Nam/ Bốn phương tan giáo mác/ Tám cõi được bình an (Đoàn Thăng dịch). Các câu thơ sấm,  Thiền sư đều giải được, hợp với điềm: Nhà Lê mất, nhà Lý lên... Trước cửa chùa Tiêu Sơn có một gò đất cao, Vạn Hạnh bỗng bảo mọi người, đó là phần mộ của Hiển Khánh Vương, cha đẻ của Lý Công Uẩn. Vạn Hạnh nói: Một đêm, sư đang nhập định, nghe xung quanh ngôi mộ của Hiển Khánh Vương bốn phía đều có tiếng ngâm thơ, đó chính là các bài thơ: Chính Nam, Tây vọng, Bắc hướng, Đông hữu. Vạn Hạnh sai người ghi chép rồi viết vào biển gỗ đóng ở bốn phía xung quanh ngôi mộ ấy.       
   Trở lại với bài thơ Hướng Nam.
   Chính nam Phù Ninh hộ trạch thần/ Vinh thế nam nữ xuất đa nhân -  Hai câu đầu, ca ngợi làng Nành- Phù Ninh (cách Cổ Pháp chừng bốn cây số), quê bà Phạm Thị. Làng ấy có thần phù trợ, trai gái đông đúc, mọi người đều biết làm vẻ vang cho đời. Câu 3, Thiên Đức phú quý mãn ốc thịnh - không những nơi ấy mà cả vùng Thiên Đức (châu Cổ Pháp, vua cho đổi thành phủ Thiên Đức)  đầy những nhà giàu sang thịnh vượng. Câu 4, Bát phương hội Nữ thường xuất quân. Sao Nữ, một ngôi sao trong chòm Nhị thập bát tú, chỉ bà Phạm Thị. Tám phương trời hội tụ tinh anh trong ngôi sao Nữ này để sinh ra thánh quân, tức Lý Công Uẩn.   
   Dịch thơ:

Hướng Nam, thần hộ đất Phù Ninh
Trai gái đầy thôn, nức tiếng lành
Thiên Đức giàu sang no đủ khắp
Giữa trời sao Nữ, thánh quân sinh.
                              (Huệ Chi)
   Thiền uyển tập anh, cuốn sách về đạo Phật, được bắt đầu ghi chép từ thời Lý, viết rõ: Sau khi luận giải về bài thơ, Vạn Hạnh còn nói: “Có lẽ chỉ trong vòng ba tháng nữa quan Thân vệ (tức Lý Công Uẩn) sẽ chống đỡ xã tác, cầm giữ ấn chữ quốc”.
   Đến đây, chúng ta có thể phán đoán ra, mối quan hệ mật thiết giữa Vạn Hạnh, Phạm Thị và Lý Công Uẩn. Nếu không có tình, làm sao Vạn Hạnh lại nhớ rõ: Lý Công Uẩn sinh vào đêm 12 tháng 2 năm Giáp Tuất- 974 ? Sư bảo gò đất trước chùa Tiêu là mộ Hiển Khánh Vương (?). Sau khi lên ngôi, dời đô ra Đại La, đặt lại tên là Thăng Long, Lý Công Uẩn truy phong cha (dưới nấm mộ?)  là Hiển Khánh Đại Vương, mẹ là Minh Đức Thái Hậu. Vạn Hạnh nghe được thơ sấm, “cho người chép” (?) và lại giải thích được những chữ uẩn súc trong thơ sấm. Không có tình có ý, sao sớm tôn bà Phạm Thị lên thành “sao Nữ” do tám phương hội tụ. Tương truyền, một đêm khuya phải thổi xôi, bà ngủ trên nền chùa, sư Vạn Hạnh đi qua vô tình chạm vào chân, bà “rùng mình”, từ đấy có thai. Đến kỳ Phạm Thị mãn nguyệt khai hoa, Vạn Hạnh bảo bà sang nhờ Lý Khánh Văn, bên chùa Lục Tổ. Bà sinh con đêm 12 tháng 2 năm Giáp Tuất- 974, lấy họ Lý, đệm là Công ( lập công, công danh),  đặt tên  là Uẩn (vừa có nghiã: chứa cất, sâu kín vừa là tên quê Diên Uẩn).   
  Đến năm 1990, người dân Tương Giang tìm được tấm bia tứ diện tại chùa Tiêu có khắc chữ Hán là Lý gia hình thạch (hòn đá thiêng ghi về dòng họ Lý), mới hé mở đôi điều và thấy thuyết thứ ba gần với sự thực hơn cả: Lý Công Uẩn ra đời là kết quả của cuộc tình đượm màu huyền thoại giữa chàng trai trụ trì là sư Vạn Hạnh (T.S Lê Văn Yên) và cô gái tên là Phạm Thị Ngà. Theo Cổ Pháp cố sự của Nguyễn Khôi ( người Đình Bảng) thì sau khi sinh Lý Công Uẩn, bà Phạm Thị trở lại chùa Tiêu Sơn, nơi Vạn Hạnh đang trụ trì, làm Thủ hộ...   
   Dù sao, cũng không có đủ chứng cớ chứng lý để khẳng định Vạn Hạnh trăm phần trăm là cha đẻ của Lý Công Uẩn, vẫn còn khoảng chìm khuất. Chỉ có một điều chắc chắn, bài thơ Chính Nam, những vần thơ rất có ý nghĩa đối với vận mệnh dân tộc thời ấy, cũng là những vần thơ ca ngợi, làm đẹp lòng người đẹp. Nhiều người cho rằng: Đó là một bài thơ tình sớm nhất, một trong số những bài thơ xứ Bắc “mở mồm” cho nền văn học viết của nước Đại Việt. 


------------
             

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011






* CAO BÁ QUÁT 
VIẾT VỀ CHU AN 

                              
    
  
  Chu An (1292–1370), hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, được phong tước Văn Trinh Công. Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (Thanh Trì), nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.  Thầy Chu An là một tấm gương tiết tháo, suốt đời không màng lợi danh. Thầy có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo. Nhận thấy tài năng và đức độ của thầy, vua Trần Minh Tông(1314-1329) mời ra làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử. Đến đời Dụ Tông-thời kỳ suy sụp nhà Trần- tình hình thế sự thay đổi, vua quan ăn chơi sa đoạ, bọn gian thần tham nhũng, đục khoét dân nghèo ngày một nhiều. Cảm xót trước vận mệnh nước nhà, thầy đã nhiều lần can ngăn và dâng Thất trảm sớ, chém 7 nịnh thần nhưng bất thành nên cáo quan về dạy học, viết sách cho tới khi mất. Sự nghiệp của thầy còn ghi và thờ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.  
   Mấy chục năm trước, may mắn tôi có 8 năm dạy học (trường Cộng Hoà, trường Văn An thuộc Chí Linh, Hải Dương) ngay chân núi Phượng Hoàng. Hồi ấy, rừng còn rậm, không vào được nơi phế tích. (Cũng như hòn đá được gọi là Thạch Bàn bên Côn Sơn, thơ Nguyễn Trãi nói đến, hồi đó, chúng tôi đã vào Côn Sơn hàng chục lần, gần đây quang rừng, chúng tôi mới được thấy tận mắt). Thành ra, ở bên chân núi Phượng Hoàng cách dấu tích ẩn cư của Chu An chỉ hơn một cây số mà phải ba mươi năm sau, trở lại, tôi mới thắp hương được. Ngày nay, đền thờ Chu An ở núi Phượng Hoàng Chí Linh đã rất hoành tráng. Đường đi rộng, từ chỗ tôi, Phủ Lạng Thương, nếu đi bằng xe máy chưa đầy một giờ là tới.   
   Nhiều năm nay, tôi vẫn chịu khó sưu tầm thơ văn về Tiều Ẩn Chu An, có bài thơ chữ Hán nào thấy phần dịch chưa ổn, lẩn thẩn đem dịch lại. Rất mừng, tôi tìm được một số bài thơ hay.
* Bài thơ thứ nhất:
  HẠ TIỀU ẨN CHU TIÊN SINH BÁI QUỐC TỬ GIÁM TƯ NGHIỆP (Mừng Chu tiên sinh Tiều Ẩn được trao chức Tư nghiệp Quốc tử giám) - Trần Nguyên Đán, trích: 
   
Học hải hồi lan tục tái thuần/ Thượng tường sơn đẩu đắc tư nhân/ Cùng kinh bác sử công phu đại/ Kính lão sùng nho chính hoá tân. 

Dịch:

Biển học sóng cao trở lại thuần
Mừng thầy Sơn, Đẩu - một cao nhân
Thông kinh rộng sử, công cao vọi
Kính Lão trọng Nho, ý cách tân… 
                                        
   Tiều Ẩn Chu An (1292- 1370), còn Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán (ông ngoại Nguyễn Trãi) sinh năm 1325, mất năm 1390. Vậy là hai người gần như cùng thời. Bài thơ này được coi là một trong số những bài thơ sớm nhất về Chu An.  
  Thật hiếm! Băng Hồ Tướng công họ Trần lại hết lời ca ngợi một người không trong hoàng tộc, mà ca ngợi ngay lúc bình sinh, ví Tiều Ẩn Chu An như Thái sơn, như Bắc đẩu.

   * Bài thơ thứ hai:
   ĐỀ PHƯỢNG HOÀNG SƠN (Đề thơ núi Phượng Hoàng) - Sái Thuận, trích: 
Thuỵ thế phượng hoàng hà xứ khứ?/ Đồng hoa lạc tận thước sào cô/ Thanh phong mãn viện trác quân tử/ Lương tứ siêu nhân tùng trượng phu/ Tăng hộ thường quan nhân uý hổ/ Thạch nham đa quật vị tầm chu…
Dịch:
Gió, trúc quân tử lay rừng
Mơn man người, trượng phu tùng vút cao
Cổng chùa sợ cọp rấp rào
Nhiều nơi núi đá bị đào tìm son…
   Sái Thuận sinh năm 1441, mất khoảng năm 1500. Nhiều sách ghi, ông là Phó nguyên suý Tao đàn Nhị thập bát tú đời Lê Thánh Tông. Thế kỷ XV, núi Phượng Hoàng còn rừng rậm, còn hổ. Thời đó, có nhiều người đào son để bán, dùng nhuộm hoặc làm “phấn” viết. Bài thơ tỏ ý tiếc Chu An như chim phượng đã bay đi. 

  
  * Bài thơ thứ ba:
   TIỀU ẨN CỔ BÍCH (Tường cổ nhà Tiều Ẩn) - Nguyễn Du?  

   Đã lâu, tôi nghe Chí Linh có 8 bài thơ về 8 di tích, nhưng chưa biết những bài thơ ấy ở đâu? May sao, các đây hơn một năm, nhà văn Đặng Văn Sinh, đang sống và viết tại thị trấn Bến Tắm, thị xã Chí Linh có gửi qua email cho tôi 8 bài thơ ấy. Đặng Văn Sinh quê gốc Nam Sách, cố hương bên cạnh Trạng nguyên cổ đường, thờ Mạc Đĩnh Chi, nơi còn tấm bia khắc Chí Linh bát cổ. Tôi cũng từng được nhìn tận mắt tấm bia ấy. Lại may nữa, ông Hoàng Bao- Phó TBT Thường trực Tạp chí Khoa học Công nghệ Bắc Ninh biết tôi đang quan tâm núi Phượng Hoàng, đã cho tôi mượn cuốn sách do người anh ruột là Hoàng Giáp tặng, cuốn Di sản Hán Nôm Côn Sơn- Kiếp Bạc- Phượng Sơn (Hoàng Giáp, Nguyễn Khắc Minh biên soạn). Đó là một cuốn sách quý, 856 trang, khổ 16 X 24. Chùm thơ Chí Linh bát cổ có in cả chữ Hán. Đối chiếu, đã có một bản tin cậy. Phần chú thích chùm thơ có mấy chữ “Thanh Hiên cẩn chí “, vào năm 1802. Thanh Hiên chính là Nguyễn Du (1765- 1820), Nguyễn Du có cuốn Thanh Hiên thi tập. Cẩn chí là ghi chép cẩn thận, chưa dám khẳng định trường hợp này, Nguyễn Du ghi chép bằng thơ hay Nguyễn Du ghi chép thơ của người khác. Theo phán đoán, thì đây đây là trường hợp thứ nhất.   
    Phượng Hoàng sơn thượng tịch thôn khư/ Tiều Ẩn tiên sinh cổ bích dư/ Phiến thạch quang mang minh nguyệt phủ/ Bán tường phiêu diểu bạch vân lư/ Phương tông tự tích bi vô tác/ Thắng cảnh vu kim tận bất như/ Lẫm liệt anh phong thiên cổ tại/ Trùng san dung bộ phỏng u cư. 
Dịch thơ:
Trên núi Phượng Hoàng thôn vắng thưa
Tiên sinh Tiều Ẩn chốn tiêu sơ
Đá nhô, lưỡi búa- trăng ngời chiếu
Tường lửng, lư hương- mây trắng lùa
Bia mất, tích thơm đâu dấu cũ
Núi còn, cảnh thắng khác ngày xưa
Anh linh lẫm liệt còn muôn thuở
Lần bước núi non hỏi ẩn cư (Duy Phi dịch).

    Vậy, Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã đến nghiêng mình trước Tiều Ẩn?  
    
* Bài thơ thứ tư:
   VỊNH CHU AN-  Cao Bá Quát. 

Kính tiết thanh tu khí phách đương
Dục tương chích thủ vãn đồi dương
Lôi đình bất toả cô trung phẫn
Quỷ mị do kinh thất trảm chương
Hạo khí dĩ bằng thiên địa bạch
Cao phong do đối thuỷ sơn trường
Lâm toàn cựu ẩn kim hà tại
Văn Miếu duy dư tính tự hương.

   Dịch thơ:         

Tiết cứng lòng trong khí phách hùng
Một tay muốn kéo lại vừng hồng
Cô trung sấm sét không chồn chí
Thất trảm yêu ma phải rợn lòng
Trời đất soi chung vầng hạo khí
Nước non còn mãi nếp cao phong
Suối rừng nơi ẩn nay đâu tá?
Văn Miếu còn tên, hương khói nồng
                  (Vũ Mộng Hùng dịch)                              
  
   Cao Bá Quát (1809- 1854) người Phú Thị, nay thuộc Hà Nội, từng làm Hành tẩu bộ Lễ triều Nguyễn, sớm nổi tiếng về thơ phú, được người đương thời tôn là Thánh Quát.  
   Còn nhiều thơ về Chu An, song đây có lẽ là một trong số những bài thơ cổ hay nhất, trong đó có câu thơ hay nhất về Tiều Ẩn Chu An: Cô trung sấm sét không chồn chí (Lôi đình bất toả cô trung phẫn)…   
                                                                                                 
                                        Núi Phượng 11/ 2010 

   

                



   

          

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

* NGUYÊN HỒNG LUYỆN NGÓN ĐỘC

                                                                                
                                     NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG (1918 - 1982) 



   NGUYÊN HỒNG
   LUYỆN NGÓN ĐỘC  


                                                   
   Một nghìn năm, văn chương nước ta đã có nhiều bước ngoặt. Lần thứ nhất, thế kỷ XI, từ văn chương truyền miệng bước sang văn học viết, bằng chữ Hán. Lần thứ hai, thế kỷ XVII- XVIII, văn chương chữ Nôm rực rỡ, đỉnh cao là Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, Cung oán ngâm khúc... Lần thứ ba, nửa đầu thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn chương Pháp: thơ Paul Valéry, Lamartine, Verlaine... , ta có phong trào Thơ Mới, muốn bỏ qua thơ luật Đường (đến nay thơ luật Đường vẫn tồn tại). Thơ Mới hiện thực hơn, giàu tư duy hơn, phóng túng hơn trong diễn đạt cảm xúc.
Hiện nay, trong thơ lại đang có cuộc cách tân. Có tác giả nói: không phải bàn cách tân, hiện đại, cứ viết “hay” là được.
   Thế nào là thơ hay? Chưa thấy có một định nghĩa và có thể sẽ không có một định nghĩa như trong khoa học chính xác. Trong bài Những câu thơ hay (T/c Thơ 3/ 2006), nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho rằng: Khó trả lời cho khúc triết gãy gọn. Bởi những câu thơ hay như hoa nở trăm loài chim kêu trăm giọng...Song anh đã có dẫn chứng: Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang (Hàn Mặc Tử)), Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn (Chế Lan Viên), Ôi chị một em em một chị/ Giời làm xa cách mấy con sông (Nguyễn Bính)... Cũng bàn câu thơ thế nào là hay, nhà thơ Quang Huy (T/c Thơ 2- 2007) viết: “Đó có thể là sự bùng phát một triết lý sống, sự mạnh mẽ của ý tưởng, sự vụt loé của tứ thơ, sự tung hoành của cảm xúc, vẻ tân kỳ của ngôn ngữ, sự khởi sắc của âm điệu, sự giao thoa giữa ý và tình, sự lãng đãng kiếm tìm của đời sống, sự run rẩy cảm động của vần luật và cuối cùng là sự đánh thức từ sâu thẳm tiếp nhận của người đọc”. Cùng với ý niệm đó là các dẫn chứng: Tương tư hoa gạo quê nhà/ Tự nhiên áo đỏ làm ta giật mình (Nguyễn Duy), Có những chiều không biết cất vào đâu (Thi Hoàng), Tóc em buông như hoàng hôn buông xuống/ Anh làm sao có thể chạy qua chiều (Nguyễn Quang Thiều), Tường vi dại trong vườn yên lặng/ Thành phố như vừa tỉnh lại vừa mơ (Ngô Thế Oanh), Em là muối ướp hồn anh tươi mãi (Nguyễn Hoa), Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Nở hoa vàng dọc suối để ong bay (Phạm Tiến Duật)...
   Trong một bài bàn về thơ hay, nhà thơ Vân Long chọn câu thơ: Người đã tiễn tôi bằng cái nhìn vuốt vào đôi mắt (Phùng Khắc Bắc) xếp lên bậc nhất. Quả thật, đọc câu trên thấy bàng hoàng, chợt nhớ câu thơ: Thi bất kinh nhân tử bất hưu- Thơ không kinh người, chết chẳng thể nhắm mắt của Đỗ Phủ.
   Thơ hay, khó định nghĩa, nhưng “Thế nào là thơ hiện đại?” thì có thể khái quát bằng đôi nét:
- Thơ hiện đại đi vào nội tâm, thăm thẳm. Quan niệm: Thơ dĩ đạo chí (Trang Tử) - thơ để nói lên ý chí có lẽ không còn thỏa đáng. Thơ có khuynh hướng cá thể hóa cao độ, bộc lộ khát vọng bản năng, có phần vô thức, ẩn ảo, đôi khi chí thú với việc chơi chữ.
- Thơ hiện đại đang bỏ phía sau sự khúc chiết. Sự rõ ràng rành mạch duy lý trong thơ không còn được trọng.
   Lê Đạt (Á Lữ, BG) nói rõ, ông thích sự kỳ bí: “Triết học ưu đãi sự sáng sủa. Thơ ngược lại khuyến khích sự kỳ bí”. Ông còn viết: “Lý thuyết hỗn độn, khái niệm vật lý này được sử dụng như một khái niệm mỹ học 100%”. Chữ trong thơ ông là bóng chữ được chiếu rọi từ nhiều nguồn sáng, “tạo thành tán xạ, phi hình thể”. “Người đọc phải dấn thân vào kỳ trận chữ”.
- Thơ hiện đại bỏ phía sau những quán tính truyền thống. Thơ trẻ hầu như vắng bóng những khổ thơ vần luật ổn định, mà viết theo nhịp điệu của tâm hồn, nhịp điệu của cảm xúc.
   Nhìn lại, mấy năm trước đã từng có một số tác giả cách tân trong thơ, đưa thơ gần với văn xuôi.
   Từ trong kháng chiến chống Pháp, Nguyên Hồng đã ủng hộ hướng thơ không vần của Nguyễn Đình Thi. Nguyên Hồng cũng thường làm thơ với những câu chữ dài rộng, phóng túng (Cửu Long giang ta ơi! ... ).
   Tập thơ Một chấm xanh của Phùng Khắc Bắc là một hiện tượng lạ. Gần một trăm trang thơ chỉ có sáu câu lục bát, còn đều là thơ tự do, viết gần như văn xuôi:
       Mặt lá nhìn ngửa
Mặt người nhìn ngang
Mặt loài thú hay nhìn xuống
Khi ta nhìn lên kính ngưỡng
Khi ta còn cúi xuống nguyện cầu
Ta đã tạo ra mình bằng những dáng đau…
Ta lạc giữa rừng
Ta lạc giữa những người chết và những cây súng sống
mà trong họng vẫn còn ngậm dầy đạn hận thù.
   Gần đây, thơ nước ta có những bước đi mới, cao hơn. Song người ta vẫn nhớ đến Nguyên Hồng, Lê Đạt, Phùng Khắc Bắc... những người đã đi trước về mặt thi pháp.
   Thơ cách tân, hiện đại, hậu hiện đại là một hiện thực, nhưng thơ là rừng, không đơn điệu. Bởi vậy, cũng tránh có mới nới cũ dẫn đến thái quá, phủ định truyền thống. Nói vậy không chỉ là khuôn sáo, cần thận trọng trước luật phục phản của Dịch học. Có một dẫn chứng thú vị: Khi dịch thơ Nguyễn Trãi xuất bản ở Mỹ, nhà thơ hậu hiện đại Pau Hoover tâm đắc với thơ vị Hành khiển triều Lê thế kỷ XV, “như nhận ra thơ của một người đương thời với mình”.
    Nhiều nhà thơ cho rằng: Thơ hiện đại là một hệ mở, không có con đường chuẩn, không có tiêu đích sẵn.    Mỗi người tự tìm cho mình một con đường. Và chỉ có thể là một con đường riêng.
    Về điều này, Nguyên Hồng có một ví dụ khá thú vị: “Trình Giảo Kim có ngón độc là búa, Lý Nguyên Bá có cặp chuỳ đồng. Mỗi nhà thơ phải luyện cho mình một ngón độc, độc nhất vô nhị”.

* VỚI HOÀNG TỐ NGUYÊN





                                      NHÀ THƠ HOÀNG TỐ NGUYÊN (1929 - 1975)    

 SỜ TÍ
 HOÀNG TỐ NGUYÊN  

                                           

   Một chiều đầu xuân năm 1960, tôi đang học tại Trường Sư phạm Kim Bích, ở huyện Nam Sách, Hải Dương thì được một người bạn là Mạc Văn Trang báo cho biết: nhà thơ Hoàng Tố Nguyên vừa mới về “thực tế” tại thôn Cầu Quay (xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, Hải Dương). Chúng tôi mừng lắm, rủ nhau đến gặp nhà thơ. Số người hào hứng bàn tán thì đông, nhưng cuối cùng chỉ có hai, tôi và Trần Văn Nghệ, người xứ Nghệ, đi được. Chúng tôi yêu thơ, cũng là những cây bút thơ “báo tường” vào loại xuất sắc. Nghệ và tôi đều sinh ra lớn lên ở những làng quê hẻo lánh, đọc thơ nhiều, nhưng chưa bao giờ được gặp một nhà thơ, kể cả nhà thơ tỉnh lẻ. Nay có nhà thơ Trung ương về ngay trong huyện này, thật là một cơ hội quý hiếm.
   Với Hoàng Tố Nguyên, tập thơ Gò Me chúng tôi đã truyền tay nhau đọc, chép. Gò Me- địa danh chúng tôi chưa được đến, những đã trở thành thân thuộc, giống như quen với sông Đà núi Tản qua thơ Tản Đà, núi Ngự sông Hương sau khi đọc thơ Tố Hữu.
    
  Miền quê:
Quê tôi đó, mặt trông ra bể
Đốm hải đăng tắt loé đêm đêm
Con đê cát đỏ cỏ viền
Leng kêng nhạc ngựa ngược lên chợ Gò.   
   Miền quê:
       Ao làng trăng tắm mây bơi
       Nước trong như nước mắt người tôi yêu.
   Đó là Gò Me, một vùng quê thân thương lắm. 
   Thôn Cầu Quay cách trường chúng tôi chừng mười hai cây số. Đó là một hợp tác xã điển hình, tiên tiến. Nơi mà nhà văn Đào Vũ cũng thường xuyên”bám trụ”. Từ thực tế sinh động ở đây, Đào Vũ đã viết tiểu thuyết Cái sân gạch, một thời nổi tiếng. Sau đó ít lâu, ông còn xuất bản tiếp tiểu thuyết Vụ lúa chiêm.
   Ngày ấy, Trường Sư phạm tôi học, năm bảy trăm người, chỉ có vài người có xe đạp. Cả trường, thầy trò chư ai có xe máy.
   Tôi và Nghệ đi bộ từ sáu giờ chiều, vừa đi vừa hỏi đến chín giờ đêm thì tìm được nơi nhà thơ ở. Hoàng Tố Nguyên mặt to, tai lớn, thân hình béo đậm, một bàn chân đã mất. Anh phải dùng đôi nạng để đi lại. Một ngôi nhà tranh, vách đất nhưng sạch sẽ ngăn nắp. Thấy bọn chúng tôi, hai học trò sư phạm, đệ tử của thơ cất công lặn lội tìm đến nhà thơ, ông chủ nhà rất niềm nở, tiếp chúng tôi những chén nước chè xanh, một đĩa khoai lang luộc, ruột củ nào cũng vàng như nghệ. Với đám học trò chúng tôi ngày ấy, khoai lang cũng quý như nhân sâm. Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên mặc quần áo nâu, đi lại thường chống nạng, dáng to đậm, vầng trán cao, cặp mắt ngời sáng. Anh thân mật gần gũi chúng tôi ngay từ phút đầu gặp gỡ. Tôi được biết, theo tiếng gọi cứu nước, nhà thơ vào bộ đội từ năm 1945, khi 16 tuổi, nhiều năm làm công tác văn nghệ, từng công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. Hồi ấy, nhà thơ đang là biên tập viên báo Độc Lập. Tôi được biết nhiều đêm, nhà thơ ra sân kho, họp với bà con xã viên hợp tác xã đến khuya, có khi chỉ ngồi trên chiếc quạt mo hoặc một nắm rơm vừa đập sạch thóc.
   Chúng tôi nhìn nhà thơ với con mắt “để ý” chiêm ngưỡng, như học trò trước một người thầy- “thần tượng”.  
   Chủ khách chuyện trò sơ sơ thì đã mười giờ. Ở nông thôn thời ấy mười giờ đêm thường đã đi ngủ cả, Ngủ sớm để mai dậy sơm, đi làm sớm.
   Tôi và Nghệ được xếp nằm chung giường với nhà thơ Hoàng Tố Nguyên. Nhà thơ nằm ngoài cùng, may mắn tôi được nằm giữa. Chủ nhà dành cho nhà thơ cái giường tre có mùng (màn) rộng. Tất cả ba người đều được nằm trong mùng. Thế là chủ nhà quý nhà thơ, quý chúng tôi lắm.
   Nằm trong mùng như đi ngủ, nhưng chúng tôi đâu có ngủ. Nhà thơ đọc thơ cho chúng tôi nghe, hết bài này sang bài khác. Với trí nhớ kỳ lạ, nhà thơ không cần sách vở, cứ đọc vanh vách. Giọng của nhà thơ trầm ấm, đọc nhỏ mà ngân lên sang sảng. 
   Nhà thơ đọc bài Với pho tượng đẹp:
Ước gì có một lời em
Để trong muôn vạn trái tim ngỡ ngàng…
    Giọng nhà thơ họ Hoàng rất lôi cuốn, sao với pho tượng mà có tiếng gọi em ơi? Thế giới thơ khiến tôi say mê, ngơ ngẩn.
   Nhà thơ đã đọc, bình giảng say sưa hàng chục bài thơ đã in trong tập Gò Me (tên quê ông, thuộc xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Nhà thơ có đọc thêm bài Sang xuân, một bài mới viết:
Nắng ửng chòm tre gió thoảng đưa
Búp non thắp sáng lá cành thưa
Chim mang tiếng hót ra phơi nắng
Tơ nhện vương sương trắng cỏ bờ.

Mạ kiễng chân cho đất đổi màu
Lá vươn sắc lục lửa lò cao
Hôm qua sông rét trùm mây ngủ
Nay đã dong buồm chở nắng xao…

   Nghe bài thơ, chúng tôi nhận ra đã có những nét về Cầu Quay- làng thôn mà nhà thơ đang về “thực tế”: chòm tre, sương trắng cỏ bờ, sắc mạ, cô gái tóc ủ hương bồ kết gánh cỏ qua đình... Được nghe thêm những lời bình ngắn của nhà thơ: Lửa lò cao cũng xanh như màu lá mạ. Câu Chim mang tiếng hót ra hong nắng là một sự sáng tạo. Nhà thơ còn nhắc nhủ chúng tôi về việc phải đọc sách, phải đi, việc lựa chọn đề tài, từ ngữ.
   Đêm đã khuya, trong mùng chúng tôi vẫn rì rầm. Bọn chúng tôi rất vui, chắc ông chủ nhà nằm giường bên cũng thích.
   Vầng trăng đầu tháng hé rạng. Cô gái cùng xóm mà tôi hằng mong đã đến. Chúng tôi nằm xuống vạt cỏ ven đê. Không thể kìm hãm được, tôi đã ôm hôn, mơn trớn vồng ngực nõn nà của nàng...
   Bỗng tôi bị gạt mạnh, chợt tỉnh.  
   Hôm sau, trở dậy, Hoàng Tố Nguyên nhìn tôi, nói: “Duy Phi ghê thật!”. Ông cười với nét khoan dung, độ lượng. Nhớ lại, đêm qua trong mơ, hình như tôi đã ôm hôn, sờ nắn ngực ông, tôi... không biết trốn đâu cho đỡ xấu hổ.
   Tôi và Nghệ nhớ ngay đến việc đi bộ mười hai cây số về trường, cho kịp giờ lên lớp buổi sáng. Chia tay với nhà thơ trong niềm quyến luyến. Đâu ngờ tạm biệt thành vĩnh biệt! Cuộc gặp nhà thơ, với chúng tôi là duy nhất.
   Ba năm sau, Trần Văn Nghệ xung phong nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Chiến tranh kết thúc, anh là một thương binh, đã xuất bản hai tập thơ. Không hiểu sao, từ khi gặp được nhà thơ Hoàng Tố Nguyên, tôi viết lên tay hơn. Ngay từ cuối năm 1960, tôi đã có một số bài thơ được in trên báo Văn Học (tiền thân của báo Văn Nghệ). Ít lâu sau, trên đường về quê (Hạ Long- Phả Lại), Lý Biên Cương thường rẽ vào thăm tôi. Lại có lần, tôi vượt đò bến Bình sang Quốc Tuấn, Nam Sách gặp được thần đồng Trần Đăng Khoa và nhà thơ đã lừng danh thời ấy:Trần Nhuận Minh… Quan hệ được mở rộng dần, mình cũng vỡ vạc ra nhiều lắm.
   Với tôi, Hoàng Tố Nguyên là nhà thơ đầu tiên mà tôi được gặp. Tôi nhớ mãi một Hoàng Tố Nguyên đôn hậu, luôn vượt lên nỗi đau để có thơ, nhớ những tác phẩm của ông: Đất nước, Gò Me, Quê chung, Từ nhớ đến thương, Gửi chiến trường... , những tập thơ ấy đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng, nhớ mãi cảnh quê Gò Me: Ao làng trăng tắm mây bơi/ Nước trong như nước mắt người tôi yêu... , chưa đến được mà da diết nhớ.

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

* THƠ NGUYỄN THANH MỪNG- DUY PHI BÌNH


Thượng nguồn sông Kôn - Bình Định
                                                                              


   THƠ
   NGUYỄN THANH MỪNG  
 
   TRÊN SÔNG       

Tình cờ ghe tạt bên sông
Thương bầy cá nhỏ thở trong khoang thuyền
Tôi vui tay vét chút tiền
Chuộc bao phận bạc trả miền nước xanh

Cái niềm thú vị mỏng manh
Như đùm gốc cỗi bật thành lộc non
Đồng lương thơ phú gầy mòn
Vẫn mua được sự sống còn bình minh.

Người chài lưới, kẻ phóng sinh
Đều mong thế giới sẽ bình tâm hơn
Gửi mông lung tiếng cười giòn
Ghe trườn bến rộng xe bon đường dài…

                                        N.T.M


Lời bình của Duy Phi: 

   Bài thơ mười hai câu, đã in trên Tạp chí Thơ số 2/ 2008. Vào bài thơ là ba câu trần thuật: Thương bầy cá nhỏ thở trong khoang thuyền. Nếu thay chữ thở bằng chữ ở thì còn đâu gợi được sự thoi thóp?  Đến câu thứ tư, tác giả đã đổi thủ pháp, dùng hai ẩn dụ tạo nên một tiểu đối: Chuộc bao phận bạc trả miền nước xanh. Giống như một con chim sắp bay, ba câu trên chỉ là những lần vỗ cánh để câu thứ tư cất cánh. 
Đọc khổ thơ tiếp theo, chợt nhớ, đôi lần gặp. Ngày mai là rằm tháng Bảy (Âm lịch) thì đêm mười tư, tôi thấy trên bến sông Thương, khá đông các bà các chị đến sát mí nước nhẹ tay thả xuống những con cá chép nhỏ. Xá tội. Con người bao dung với sự sống của muôn loài. Hy vọng làm phúc được phúc.
Người thả cá chép có phần tin vào luật nhân quả, tin vào thần thánh, có sự chuẩn bị trước, có cầu khấn. Còn tác giả bài thơ Trên sông chỉ là tình cờ ghé tạt, niềm thương yêu các sinh vật đã thành tiềm thức. Như đùm gốc cỗi bật thành lộc non. Gốc cỗi là gốc cây, xưa thường gọi cây là cội là cỗi, Chim lạc bầy thương cây nhớ cội (Ca dao), Cành kia chẳng phải cỗi này mà ra (Kiều). Song, cỗi còn là già cỗi. Hai chữ lộc non đối hai chữ gốc cỗi, thể hiện tính đa nghĩa, phút tâm hồn thăng hoa, hứng khởi.  
Hai câu 7 và 8, hình ảnh: Đồng lương thơ phú gầy mòn/ Vẫn mua được sự sống còn bình minh, lại có sự đối lập: sự nghèo nàn tàn tạ có định lượng và một sự sống với trời đất rộng mở, bao la tươi sáng. Không còn đơn thuần là câu chữ. Câu thơ này loé lên chiếu sáng cả bài thơ, có thể coi như một diệu cú.
Bốn câu cuối bài có vẻ lý giải: hai ngả đường, hai cách đối xử với thiên nhiên, nhưng đều chung một mục đích, nuôi sự sống. Đọc lại toàn bài, khổ thơ đầu có chữ vui, khổ thơ tiếp theo có niềm thú vị, khổ thơ cuối có tiếng cười giòn. Thơ bộc lộ tính cách. Phải chăng là một tiếng cười có phần giễu mình? Người đời thấy cảnh này cũng dễ cho là gàn, gàn nặng. Người ta chài lưới nửa đêm gà gáy mới được một mớ cá bán lấy tiền sinh sống, mình lại mua để… thả. Anh chàng làm thơ thơ thẩn, đồng lương thơ phú gầy mòn mà muốn thành đấng cứu thế!
Ngẫm lại, những lúc vào rừng, không còn một bóng chim , đến sông thấy ngư dân tung lưới mắt nhỏ để thu về những con cá bằng hạt bưởi hạt quýt, lại có chỗ nổ mìn giết cả trứng cá, mới hiểu đây là cái gàn của một thi sĩ nhân ái, minh triết.
Đọc đến câu Gửi mông lung tiếng cười giòn, chợt nhớ đến câu thơ trong bài Ngôn hoài, thời Lý: Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư - Một tiếng kêu vang lạnh cả trời. Có khác, xưa là tiếng kêu vang của một thiền sư ẩn dật, tiếng kêu ấy cô quạnh lạnh lẽo mất hút giữa hư không thăm thẳm, còn đây là tiếng cười giòn, ấm áp của một nhà thơ nhập thế, trăn trở, dám trái cả thông lệ.  
Không dám nói đến toàn bích, song bài thơ Trên sông của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (Bình Định) đáng được ghi vào trong số những bài thơ hay dòng lục bát.


  



  

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

* THƠ VƯƠNG TÙNG CƯƠNG

                            

          Nhà thơ Vương Tùng Cương hiện đang sống và viết tại DaLat

         VƯƠNG TÙNG CƯƠNG  

         GỬI BẠN SÔNG THƯƠNG 

                           
                         Tặng Duy Phi 
  
                Từng qua nghìn dặm đất   
                Lại neo  về sông Thương
                Chắt câu thơ bạc tóc.         
                Bút xới nhàu đêm trường
       Chữ thánh hiền đa mang.   
Miền khai tâm trăng sáng
Tìm bạn văn thưa vắng      
Lánh chợ đời bon chen

Dẫu biết là đục trong         
Ngàn năm sông vẫn chảy
Hồn nương cõi Thần minh 
Đường thi nhân không mỏi  

Nâng chén thơ run rẩy        
Dốc cạn cùng hoàng hôn
Lặng ngấm men thi sĩ         
Chịu ơn cả nỗi buồn... 




 

                         

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

* CHÙM THƠ VUI, TAM ĐẢO

          

ẢNH TẠI Ổ QỦY- ĐÀ LẠT, TỪ PHẢI: 
ĐỖ NHẬT MINH- DUY PHI, HẰNG NGA (CON GÁI Ô. TRƯỜNG CHINH),
TÔ HOÀN, CHU BÁ NAM, X...   , THẾ CÔNG

                               



CHÙM THƠ 
VUI   

    Tôi sớm biết WEB, nhờ có các bạn Nguyễn Đương, Phạm Huy Đãng, Tô Oanh… giúp. Mỗi ngày có một, hai tiếng, tôi lướt qua nhiều trang trên mạng. Trannhuong.com, là một trong số những trang phong phú, sinh động nhất. Trên đõ, đọc tin bài, đôi khi, tôi còn có những phút thư giãn cuối tuần, ví dụ: Bụng đói đầu gối phải bò, Khoe hàng, Ảo thuật Mỹ... Rất thú!
   Với Admin Trần Nhương, tôi có trông tận mắt hai lần, một lần tại Đồ Sơn, Đại hội các nhà văn khu vực, lần thứ hai, tại Hà Nội, Đại hội Nhà văn Việt Nam VIII... , gặp nhưng chỉ kịp bắt tay, vì ông tranh thủ từng phút để tác nghiệp. Còn trên trannhuong.com thì tôi “gặp” ông luôn, khi ông cùng bốn “ông tướng” khác (Thuý Toàn, Nguyễn Khắc Phục, Hoàng Minh Tường, Tô Đức Chiêu) bỏ tiền túi, sang Mông Cổ chơi, ông cưỡi con ngựa hồng, bên một cô gái xinh đẹp huyện Bangon, tỉnh Selinge, tôi nhớ luôn hai câu thơ của ông viết trong cảnh ấy: Em nâng bát mời anh cười ửng má/ Anh uống chiều trong mắt biếc mênh mông. Lại có lần tôi thấy ông xuất hiện tại Vancouver, Canađa cùng hoạ sĩ Đỗ Ngọc vẽ tranh, Vũ Thành Chung làm thơ. Bức tranh Nhịp điệu Sa Pa của ông bán đấu giá được 500 đô, số tiền ấy đã ủng hộ cho quê nhà, đồng bào lũ lụt. Lại có kỳ, ông đi Đại Lải, Sa Pa, Chi Hội nhà văn Sông Chảy... Có một lần, nhà thơ Trần Nhương cùng các nhà văn nhà thơ Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Phan Hách, Vũ Từ Trang thăm Lệ Chi Viên rồi ghé vào Mão Điền… Hầu như không mấy khi máy quay, máy chụp của ông được nghỉ.
   Nói như TNc thì chơi mạng, VLC- vui là chính. trannhuong.com đã chọn chùm thơ vui Quán goá chồng của tôi đưa lên, lại được đứng trong ô slive (chữ chạy). Ôi, vinh dự quá, chùm thơ ấy ở trong ô Bạn đọc nhiều nhất, đến nay đã trên hai năm có hơn hai vạn lượt người đọc, tôi mừng như được “ẵm” giải lớn… Goncourt vậy (Nói cho oách thôi, giải Goncourt thường dành cho tiểu thuyết, chỉ 10 euro). Xin chép lại Quán goá chồng, 7 bài thơ vui để các bạn có đôi phút thư giãn:     

        1.
        Trăm bậc đá lên, thăm thẳm rừng
        Đây thờ Thánh Mẫu chốn tiên cung
        Cổng đền ngàn trúc khôn ngăn tục
        Một lũ huyên thuyên quán goá chồng.

        2. 
      Xanh biếc su su ngọn vượt tường
      Trập trùng đồi lũng ngập ngừng sương
Giữa đường chó cái nằm phơi vú
Sót chót nhành lan đoá loã hương.  

        3. 
      Đây Tam Đảo chốn Non Bồng
Ta phàm tục đến ăn đong diệu huyền
Ai hay lệ ngược cõi tiên
Gặp bao nhiêu quán thâm niên không chồng!

        4.
      Tiếc không biết độ mai đào
      Gặp nhau mái tóc đã dàu khói thu
Tần mần lần lá su su
Tâm giao mấy chén sương mù đầy vơi.

       5. 
      Nhạc sĩ xuống Thác Bạc ký hoạ
Hoạ sĩ lên cổng Đền làm thơ
Có chàng thi sĩ thành biên kịch
Nút kịch cởi ngay góc quán mờ.

        6. 
      Tam Đảo tìm Nhị Đảo
Lâu lâu lo bút cùn
Hứng đến mình “viết” được
Vế đối tràn suối non…

        7. 
      Từ biết em quán cổng Đền
Ngày ai “thực tế” mấy phiên đi, về
Dịu dàng thay nét chân quê
Ngực doi, hương toả bốn bề gió ngưng
Quên sao sương trắng mịt mùng
Một trưa cây dẫn lên rừng cùng em
Chuyện trò giọng suối tiếng chim
Bao nhiêu sắt đá đổ mềm sang nhau
Chiều xa nghe dội niềm đau
Nàng từng phương Bắc cơ cầu, lạc con
Lại kẻ thương lại vuông tròn
Lại kéo neo chạy bỏ mom núi này
Quán lều phên nứa lung lay
Đoạ đày đã thế? đoạ đày đến đâu?

Ta về nhào nặn đêm thâu
Dựng pho tượng, một ngọn sầu lưng mây… 


                                           D.P