Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

ĐỌC TẬP THƠ MƯA LÁ - DUY KHOÁT/ PHẠM THUẬN THÀNH





 NỖI NIỀM 
CÙNG MƯA LÁ

Bài của 
PHẠM THUẬN THÀNH 

Nhà thơ Duy Khoát quê Mão Điền (Thuận Thành) nhưng công tác và định cư tại Hà Nội từ năm 1962. Ông đến với thơ từ sớm, trở thành hội viên Hội nhà văn Hà Nội. Ông vừa in tập thơ thứ 5 trong tháng 10 này. Tập thơ “Mưa lá” (Nhà xuất bản Văn học) có 69 bài, chia làm 4 phần: Rượu ngày xuân, Hương đất quê, Tác phẩm bạn bè viết, vẽ tặng và phụ lục in bài viết về thi sĩ Xuân Diệu. Sống ở Hà Nội được gặp nhiều nhà thơ lớn, kết bạn nhiều nhà thơ tài danh, cập nhật thời sự văn học mới nhất nhưng Duy Khoát vẫn trầm lặng đi theo con đường thơ theo quan niệm của riêng mình. Đó là việc giải tỏa ẩn ức cá nhân và chia sẻ thân phận con người xã hội. Trong những bài thơ của “Rượu ngày xuân” Duy Khoát tỏ rõ là một hồn thơ nhạy cảm, tươi mới trong tình yêu, tình cảm. Ông quan 


 HAI NHÀ THƠ: DUY KHOÁT & TÂN QUẢNG
TẠI LỤC NAM (4/ 2012)

niệm cái đẹp phải là tài sản chung, tất cả phải cùng nâng niu, trân trọng chớ nảy sinh tư tưởng chiếm hữu cá nhân. Bởi cái đẹp ai cũng thích ấy mong manh lắm, nhìn thì còn, chiếm hữu thì tan vỡ mất. Đó là hình ảnh nàng trăng tắm nhưng khi chạm tay vớt thì trăng tan liền (Vầng trăng đáy nước). Con mắt nhà thơ luôn có sự liên tưởng kì lạ, nhìn trầu têm cánh phượng mà nghĩ ngay chuyện díu dan đôi
lứa: “Cánh mùng con nhện chưa giăng/Mối tơ sao đã dùng dằng níu anh” (Trầu cánh phượng). Đi công tác miền núi, uống rượu cần với gái bản nhưng chưa uống đã say: “Nhìn mắt em sóng sánh/Bỗng liêu xiêu núi đồi”. Tàn cuộc rượu dù không biết thổi kèn môi mà vẫn cứ nâng kèn thổi làm lay đêm rừng hoa ban (Đêm rượu cần). Lại có khi lòng yêu chân thành nhưng chỉ là sự chân thành khờ khạo đến mức mất người yêu chỉ vì “Có lửa trên môi sao không đốt/Để mất em rồi mới tái tê” (Tiếc). Tuy nhiên tình yêu chân thành thì còn mãi mãi, bởi nhà thơ đã “ướp” hương vị tình yêu vào trong câu chữ cho người đọc cùng say và nên đôi lứa mới (Yêu từ kiếp trước).
   

 Nhà văn PHẠM THUẬN THÀNH

  Quê hương nhà thơ có chùa Dâu, ngôi cổ tự linh thiêng bậc nhất nước Nam. Thời xưa vua Lý Thánh Tông muộn sinh hoàng tử có về đây cầu Phật. Chuyến cầu ấy đức vua tìm được cô gái dựa gốc lan và nàng đã sinh được hoàng nam là vua Lý Nhân Tông sau này. Bao đôi lứa học theo cũng đến chùa cầu Phật nên duyên, nhưng lòng trần không như ý. Khiến cho chàng trai lỡ dở suốt đời: “Gánh tình toan đổ sông Dâu/Mà sông thì đã từ lâu cạn dòng/Để ta ôm nỗi đắng lòng/Đến giờ chưa hết long đong phận người” (Nhớ hội chùa Dâu). Nhà thơ còn nói hộ bao nỗi lòng người đang yêu thế này: “Lá bàng treo lửa trên cây/Đốt lòng anh suốt mấy ngày em xa” (Đêm đông). Em xa mới có mấy ngày mà đã sốt ruột như là mất nàng mãi mãi vậy. Trong phần “Rượu ngày xuân” này có mục thơ hai câu 9 thủ. Ngắn, mang dáng dấp ca dao và tài hoa: “Em bơi trên biển Hạ Long/Để bao con sóng vỗ cong cả chiều”, “Tóc ai nhờ gió vương sang/Đã thành sợi nhớ thắt ngang tim mình”. Còn nhiều nữa những câu thơ tài hoa nói về nỗi lòng yêu ở nhiều góc cạnh cảm xúc khác nhau. Nhưng nhà thơ còn là người luôn biết trải lòng mình ra cùng xã hội. Ở phần “Hương đất quê” tập trung những câu thơ như thế. Cảm thức về thời gian của nhà thơ thật tinh tế khi nói thay lòng những người tuổi đã sang phần xuống dốc. Mùa xuân đến người trẻ thì vui vì mỗi xuân mỗi lớn, mỗi trưởng thành nhưng họ thì lại thấy xuân là cô chủ nợ đòi thời gian của người (Xuân về). Hay bóc tờ lịch thì thấy đời ngắn đi một ngày và tâm trạng rất thật: “Lòng bần thần đưa tiễn/Xác thời gian trên tay” (Tờ lịch). Tuổi cao thì hay nghĩ về sự sống chết và sự bất tử. Đến thăm thành Cổ Loa thấy cây đa cổ thụ bị chết mà nhà thơ lại thấy “rỗng” cả không gian, thời gian và ông có một nhận xét bất ngờ: “Sống thì thiên hạ bỏ rơi/Chết rồi đắp tượng xây nơi phụng thờ” (Tượng cây đa ở Cổ Loa). Từ kinh đô Cổ Loa vào kinh đô Huế nhà thơ lại có một cái nhìn khác lạ hơi có ý phê phán về loại hình du lịch “làm vua”: “Tôn nghiêm xưa hóa trò chơi bây giờ”. Và nhân đó có nhận xét: “Cái còn mãi với non sông/Là tài đức với tấm lòng vì dân” (Mua vé làm vua). Nhà thơ Duy Khoát từng trải lòng với chị ô sin, người bán vé số, cô thợ cấy, cháu bé, bạn đồng nghiệp… nhưng bài “Mưa lá” lấy làm tên cho tập thơ thì sự trải lòng thật 


 sâu sắc. Lá vàng rơi trong nắng thu trong mắt nhà thơ rực lên màu nắng tạo cảm xúc chân thành về cái đẹp, sự luân hồi: “Như muôn mảnh nắng vàng gom từ mùa hạ/Lay hồn thơ run rẩy từng lời”. Cảm xúc về cái đẹp không có lỗi. Nhưng với người lao công vừa dọn xong con phố thì mưa lá vàng gom nắng ấy lại là một sự đọa đầy công việc, và mưa ấy chỉ đơn thuần là mưa rác mà thôi. Một xe rác đầy vừa dọn xong lại phải dọn lại từ đầu khiến chị phát bực đến trào nước mắt trách trời. Nhà thơ cảm thấy xấu hổ với người lao động và ghi lại thành câu chữ. Đối lập giữa cái đẹp và miếng cơm manh áo làm cho người đọc dư ba ám ảnh. Và chúng ta cùng cảm thấy sự cảm thông của nhà thơ với người lao động lớn hơn nhiều so với một lời nói sẻ chia lúc đó. Với tập thơ mới “Mưa lá” này, nhà thơ Duy Khoát cho thấy lao động nghệ thuật là không có tuổi. Nghệ thuật hướng về nhân sinh tự nó có tính tư tưởng để bạn đọc trân trọng.

Phạm Thuận Thành
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
02413.782.355 - 0168.5300.803

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét