Sợi tình thử lửa
Tiểu thuyết
Tác giả: Duy Phi
Viết về vua Chăm: Chế Mân & Ngọc Hân công chúaSAVINA liên kết với NXB VĂN HÓA THÔNG TINXuất bản Quý II- 2012. 290 Trang. Kích Thước: 13,5 x 20,5 (cm)
“Tiểu thuyết
về công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân. Tác giả đã tích lũy, khai thác được
nhiều tư liệu quý về Người Việt người Chăm, dựng lại được không khí xưa, từ đó
mà có những trang sống động về triều Trần anh hùng. Thời ấy, Huyền Trân đã đặt
đất nước lên trên hết, trở thành một tấm gương phụ nữ anh kiệt. Đã có nhiều
tiểu thuyết về Huyền Trân, song Sợi tình
thử lửa với một Huyền Trân có chiều sâu tâm hồn, được viết giàu chất thơ,
đọc “chạy trang”, hấp dẫn, đã vượt lên một số cuốn trước”.
Trích
Lời Tòa soạn
Tạp chí Sông Thương/ Số 5,
Tháng 10- 2012
“Sau khoảng
hai chục đầu sách (thơ, tiểu thuyết, biên khảo), nhà văn Duy Phi một lần nữa
thành công ở thể loại tiểu thuyết lịch sử. Đọc Sợi tình thử lửa thấy cái tài dựng truyện và xây dựng nhân vật của
Duy Phi. Nhân vật hoạt, có tính cách riêng được sống “hồn nhiên” trong thời đại
của mình đã tạo ra một cuộc sống tiếp nối trong lòng bạn đọc. Nhân vật của ông
sống động và có một trường nội tâm vượt xa trang sách. Nhiều tình tiết hóm hỉnh
bật cười, nhiều đoạn miêu tả hết sức sexy, khiến người đọc thực sự thư giãn...
“
Trích chương:
ĐÊM TÂN HÔN
Trong vòng
tay, người ngọc
Thủ thỉ
chuyện thần tiên
Đời người ta
thật ngắn
Khi trận cười
thâu đêm
(Thơ cổ)
Qua đầm Thị
Nại mà tưởng vẫn là biển cả. Lên kiệu, chuyển sang xe song mã, mui xe lợp vàng,
rèm hoa văn lượn sóng buông rủ.
... Rất
đông giáp sĩ, họ xếp hàng đôi, cờ hoa nghi trượng phấp phới. Đó là những lá cờ
với nhiều kích cỡ nhiều màu sắc, gió bay phần phật.
- Thưa Lệnh Bà, đến kinh thành Chà Bàn rồi ạ!
Phi Thuỷ- thị nữ Chiêm vừa dứt lời thì một tràng pháo lệnh nổ vang, hương thuốc
pháo thơm ngát, sau mỗi tiếng nổ, giấy pháo tung bay như một đàn bươm bướm đỏ.
Tiếng chiêng, trống tiếng reo hò vang dội. Buổi đó, Huyền Trân thấy như một
giấc mộng.
Thành Chà Bàn rộng mênh mông, tường thành
cao đến mười trượng, xây gạch giữa một vùng chênh chênh những dải đồi trập
trùng cao thấp. Khu cung điện- Tử cấm thành có nhiều dãy nhà cao lợp ngói âm
dương hoặc ngói ống.
Quế Nhi và Phi Thuỷ dìu nàng...Như một thân
liễu thướt tha, nàng đi trong ánh mắt của hàng nghìn người, triều đình và dân
chúng kinh thành. Mọi người đều vô cùng xúc động.
Lộng lẫy như một hạt ngọc, có nàng cả đất
trời bừng sáng. Khi tà áo lụa mỏng màu thanh thiên bay lên trong gió, mọi người
đều tiếc là ngọn gió không thổi mạnh hơn nữa. Từ lúc Huyền Trân xuất hiện, cả
trăm người đàn ông ở đấy đều bị chao đảo như say sóng. Đi trên một tấm thảm màu
đỏ, Huyền Trân chợt thấy trước mặt có một người ngồi trên ngai vàng, miệng cười
rộng. Phỉ Thuý nói:
- Thưa Lệnh Bà, đây
là Quốc vương Chế Mân, tức Jaya Sinhavarman- III.
Dẫu Phi Thuỷ không giới thiệu thì Huyền Trân cũng đoán
được. Ông vua trẻ chừng bốn mươi tuổi, người anh hùng đã hùng đã từng cầm chân, làm tiêu hao nhiều sinh lực của đội quân Toa Đô khi chúng đến xâm chiếm mảnh đất này đây.
Người
đã cho làm bẫy đá bỗng dưng sập xuống đầu giặc, đã để những cái lu đập nắp kín,
giặc tưởng là chứa đồ ăn tranh nhau mở, thì cả vạn con ong cùng bay ra đốt
chúng túi bụi. Người đã có được sự quý mến, tin tưởng của Phụ hoàng ta, khiến
Phụ hoàng có thể ở Chiêm trên nửa năm, lại hứa trao cho con gái, người đã dâng
cả châu Ô châu Lý làm sính lễ...
Bao niềm cảm xúc trào dâng, Huyền Trân muốn
chạy lại ôm Chế Mân, nhưng tính nữ gia giáo và ý nghĩ về quốc thể nhắc bảo nàng
phải cẩn trọng.
Áo quần, khăn mũ Chế Mân đều màu trắng.
Trước ngực Chế Mân có đeo một thẻ bài ngà dài đến một gang tay phía cuối hình
xéo như đuôi cá. Sau này, nàng mới biết đó là cái Nha chương bằng ngọc, một
biểu tượng của người đứng đầu Chiêm quốc.
Nàng cúi đầu thi lễ, bỗng bao nhiêu vốn liếng tiếng Chiêm
quên hết, nàng nói bằng tiếng Việt với một giọng nhỏ bé nhưng trong trẻo:
- Tiện
thiếp xin cúi đầu chào Quân vương.
Phỉ thuý dịch lại. Tất cả reo vang:
- Quốc
vương vạn tuế, Lệnh Bà Huyền Trân muôn
tuổi.
Cao lớn, oai nghiêm, lông mày rậm, giọng
trầm ấm, Chế Mân nói một câu gì đó, cười. Phi Thuỷ dịch:
-
Ôi! Công chúa, cứ tươi như hoa takơlao vậy, đi đường có vất vả lắm chăng?
Nàng chỉ mỉm cười: “Dạ! Dạ!” thay cho mọi
lời nói.
- Xin
Lệnh Bà chào Hoàng hậu Tapasi.
Váy áo dát vàng đính ngọc, hoàng hậu Tapasi ngồi dưới một chiếc tán,
người quê Chiêm thường gọi là cái du- du, màu cẩm thạch. Như một cái máy, nàng
lại đi vòng quanh đưa ánh mắt nhìn từng người , vị Bố Đề (Tể tướng) đến các
hoàng thân quốc thích.
Trong
này, nhiều phụ nữ xinh đẹp, môi đỏ như hoa râm bụt, phần lớn họ có kiềng cổ,
vòng vàng bạc trên cổ tay, mặc áo lu- á
, cà- chăn (váy) màu vàng nhạt, màu cổ chim cu, màu hoa lý. Gấu váy có hoa văn
năm lần vân sóng hoặc thêu núi non, hoa cỏ... Nam giới hầu như đều mặc quần áo
trắng, một sắc phục mà mọi người đàn ông Chiêm trung thành, coi đó là niềm kiêu
hãnh. Một số vị trên cổ quàng khăn đỏ, trức ngực có một vạt vải hình lưỡi rìu
ngược. Lúc này, Huyền Trân mới nhớ ra, với nụ cười tươi thắm, nàng đi thi lễ
một lượt và chúc:
- Thon
phơ rao nga mau tre ton cơ to.
Bất ngờ bởi công chúa Đại Việt nói được
tiếng Chiêm, “Chúc làm ăn tốt. lúa đầy kho bắp đầy giàn”, với một âm sắc trong
trẻo, mọi người reo lên như sấm.
Xếp nàng vào hàng ghế, Chế Mân ngồi giữa,
một bên là Huyền Trân, một bên là Tapasi Hoàng hậu.
Giữa các phi tần mỹ nữ Chiêm, sắc đẹp Huyền
Trân vẫn nổi trội, nàng như Hằng Nga vừa giáng thế. Nhất cử nhất động của nàng
đều được mọi người ngắm nghía, bình phẩm.
Trong số những người nàng chào, có ánh mắt
Tapasi hơi lạnh, vẻ mặt buồn, có thể vì không ai nhắc đến, bà cảm thấy mình như
một người thừa. Một viên quan đứng phía sau bà, sau này nàng mới biết rõ tên là
Taphía Kiệu. Hắn là vệ sĩ của Tapasi chăng? Thân lùn một mẩu, con mắt hắn u
trầm, đôi khi loé lên ánh dữ dằn như mắt chó sói. Bỗng mọi người dãn ra, một
đoàn chiêng trống, đàn rabap réo rắt, trống baranưng vỗ lên vang rộn. Một vị
trưởng trò khăn đỏ cầm đao múa hát vang. Tiếp theo là một đoàn vũ nữ tóc xoã
đến gót, da ửng hồng, vẻ đẹp láng từ đùi duyên từ mắt, uyển chuyển như bông dền
tím giữa nương như bông hồng thắm trên núi, bên tay phải rung tiếng vòng đồng,
bên tay trái reo tiếng lục lạc, tiếng trống tiếng hát cuộn nhau. Họ cùng ca lên
rằng:
Trời yêu quý
nước Chiêm/ Đất mênh mông bốn cõi
Chúa
Sin-ha-var-man/ Đời đời còn nối dõi...
Đến điệu múa quạt các động tác guộn nảy, bật
quạt, che mặt thật duyên dáng, tình tứ...
Chế Mân xem múa hát thì ít, nhìn ngắm Huyền
Trân thì nhiều, còn nàng, có vẻ chăm chú thưởng thức ca múa đó, thực ra chỉ lo
kìm nén những rung động trong tim, có lúc tim nàng như nghẹn lại, khó thở.
Múa hát chưa đến một khắc giờ, Chế Mân bảo
Tapasi gì đó, rồi quay sang nói với Huyền Trân. Phi Thuỷ dịch:
- Đức vua
nói, Lệnh Bà đi đường đã mệt, cần về phòng nghỉ.
*
Huyền Trân về ở gác Thiên Lan, nhưng cả ngày
hôm sau cũng không thấy bóng dáng Chế Mân. Ông chỉ truyền lệnh, hai ngày nữa,
đúng vào chiều ngày thứ tư hạ tuần, sẽ làm lễ cưới.
Chế Mân chỉ một lần rẽ qua, Chế Mân đi cùng
Tapasi, chỉ với những câu hỏi thăm về ăn, ngủ. Nàng đi mấy ngàn dặm vào đến đây
để ăn ngon ngủ kỹ sao? Phi Thuỷ có nói: Quốc vương vừa có một ngày ăn chay
(kiêng tất cả?), sau đó lại có cuộc đi đến châu Thượng Nguyên. Công việc triều
đình Chiêm bận đến thế chăng?
Hai ngày chờ đợi.
Huyền Trân nhớ lại ngày đưa tiễn ở Thiên
Trường. Không hiểu sao, ngay cả các nho sinh cũng không hiểu được ý đồ của
Thượng hoàng. của triều đình. Không ra mặt, nhưng họ đã làm thơ đả kích việc
này, thơ viết lên tường, thơ rải quanh hồ bán nguyệt. Họ cho rằng, sau cuộc
chiến chống Nguyên đại thắng, triều đình đã mạn nguyện, các quan lại chỉ mải ăn
chơi, đã sợ chiến chinh binh lửa. sao nhãng binh bị. Chỉ có một mảnh đất châu Ô
châu Lý, hai bên tranh chấp, không dám cho người đi đánh dẹp, lại phải dùng cái
kế đàn bà nhan sắc. Cũng được thôi, nhưng nghĩ lại thì cũng buồn lắm, nhục
kắm.
Thấy Quế Nhi còn ngồi thêu thùa, Huyền Trân hỏi: Hôm về Thiên Trường,
mày có thấy bức tường ngay trước cổng vào có gì khác không? Có! Con thấy chỉ
riêng bức tường ấy mới được quét vôi trắng. Có biết tại sao không? Chỉ thấy
dưới lớp vôi trắng mỏng vẫn còn hiện mấy hàng chữ mờ mờ. Mờ mờ cái gì nữa, ai
mà không đọc được. Công chúa cũng đọc mấy hàng chữ ấy? Không đọc sao được. Đó
là mấy câu thơ nói về ta. Vô cùng ngạc nhiên, Quế Nhi hỏi: Vậy là bài thơ đó, ai
đã viết về công chúa chăng? Họ không viết thẳng về ta, nhưng bóng gió như thế
lại làm cho ta vô cùng đau xót. Rướn đôi mày cong lên, Quế Chi tỏ vẻ buồn: Thế
cơ ạ!
Ngừng một lát, Huyền Trân nói: Bài thơ có bốn câu: Yên Chi trường hàn tuyết tác hoa/ Nga mi tiều tuỵ một Hồ sa/ Sinh phạp
hoàng kim uổng đồ hoạ/ Tử lưu thanh trủng sử nhân ta.
Nghe như vịt nghe sấm, Thị Quế hỏi: Người ta không nói rõ tên công
chúa?
- Phải! Không phải là người ta viết
được bài thơ này. Đây là một bài tứ tuyệt của Lý Bạch, đời Đường bên phương
Bắc, viết về Vương Chiêu Quân.
- Chiêu Quân cống Hồ phải không ạ? Con
cũng đã nghe kể nhưng không nhớ lắm.
- Chiêu Quân là một cung nữ xinh đẹp,
tài hoa nổi tiếng thời Hán. Thời ấy, trong cung Hán có hàng nghìn cung nữ, Hán
vương chẳng thể biết hết, bèn sai thợ vẽ là Mao Diên Thọ hoạ dung nhan từng
người dâng lên. Diên Thọ là một tay nhiều mánh, cứ ai đút lót vàng bạc cho thì
hắn vẽ mặt xấu thành đẹp và ngược lại. Là một mỹ nhân xuất sắc, Chiêu Quân
không chịu đút lót, hắn vẽ nham nhếch như một con quỷ. Bấy giờ, Thiền Vu, vua
đất Hung Nô hay đem quân sang đánh nhà Hán. Muốn cầu hoà, Hán vương tặng vua
Hung Nô cung nữ Chiêu Quân. Ngày đưa Chiêu Quân lên đường, Hán vương mới biết
nàng là một trang tuyệt thế giai nhân. Vua buồn tiếc, nhưng đã muộn. Chiêu Quân
cũng đau xót, nàng gửi lòng mình trong tiếng đàn tỳ bà não lòng, ai oán. Trước khi chết, nàng có dặn
hãy chôn thi hài nàng quay đầu về đất Hán.Nấm mộ nàng gọi là thanh trủng.
Nghĩa là sao ạ?
Thanh trủng là nấm mồ xanh. Nơi ấy là
một vùng khô hạn, quanh năm cây cỏ vàng vọt, tiêu điều, chỉ riêng có mộ nàng là
cỏ mọc xanh biếc. Bài thơ đã có người dịch:
Yên Chi hoa tuyết lạnh hoài
Cát Hồ đã lấp mày ngài lệ hoen
Sống thiếu vàng, hoạ nhọ nhem
Chết vùi nấm biếc,
Đời tài hoa của nàng chỉ còn là một nấm mồ xanh nới đất khách. Chép bài thơ đó lên tường chẳng phải là một lời trì chích Thượng hoàng sao? chẳng phải là lời nguyền rủa ta sao? Tiễn ta bài thơ đó, khác nào đem tấm vải trắng liệm ta khi ta vừa cất bước...
Không hiểu mấy về thơ, Quế Nhi chỉ biết lựa lời khuyên giải:
- Không hẳn thế đâu, công chúa ạ! Chiêu
Quân là một cung nữ sang Hung Nô cũng chỉ là cung nữ, còn Huyền Trân đường
đường là một công chúa Đại Việt, sang đây sẽ làm Hoàng hậu, mở ra con đường hoà
hảo giữa hai đất nước. Vì không đồng tình với kẻ viết, người ta đã cho xoá.
- Xoá thế thì thà đừng xoá! Bởi xoá
bằng một lớp vôi mỏng, chữ vẫn hiện lên mồn một thì càng khiến người ta chú ý
hơn. Ta biết số phận mình rồi, đi ngủ đi, không phải an ủi ta nữa.
Quế Nhi về phòng bên một lúc, Huyền Trân đã nghe có tiếng thở đều đều.
Không sao ngủ được, nàng nghĩ về từng nét biểu lộ của Chế Mân khi đón
nàng, nghĩ về Văn Bích- Thiên Trân, về Yên Tử, về mối mâu thuẫn âm thầm và ngày
càng sâu sắc giữa Quốc Chẩn và Tất Trung, về ánh mắt lạnh lùng của Hoàng hậu
Tapasi và con mắt sói của viên quan lùn là Taphía Kiệu...Những mẩu ký ức không
đầu không cuối, đang chuyện này lại sang chuyện khác. Cuộc đời nàng bị xô
dạt...
Gà đã gáy canh tư.
Đầu óc mỏi mệt căng thẳng, nàng muốn ngủ một chút nhưng không sao ngủ
được.
Thành Chà Bàn này nghe xây dựng đã ba trăm năm. Chênh chếch phía Đông
Bắc của gác Thiên Lan là dãy núi Mò O, có gò Long Cốt sừng sững. Tách khỏi điệp
trùng, ngọn núi Mò O giống một chàng hiệp sĩ khổng lồ cầm cái khiên lớn chắn
ngọn gió bấc, tạo nên bức bình phong cho cả kinh thành. Núi Mò O có thần núi
rất thiêng, thần núi có nhiều kim cương châu báu, nuôi rất nhiều trâu vàng trâu
đồng đen. Nhiều đêm khuya vắng, từng đàn trâu đồng đen trâu vàng ra khỏi hẻm
núi đi rầm rầm trên những vạt nương bãi. Lại có những đàn lừa ngựa chở kim
cương châu báu di chuyển từ hẻm núi này sang hẻm núi khác.
“Ai hạp tuổi vận hên mới gặp”, người ta nói vậy, nhưng gặp phải biết
cách, “dùng khăn màu đen quệt máu chó trùm vào đầu, mới bắt được của”.
Thành Chà Bàn này cũng đã nhiều phen thành chiến địa. Những đêm mưa bụi,
trên các con đường mòn vắt qua thung lũng thường mọc lên những bóng đen lầm lũi
đi đi lại lại. Người ta bảo đấy là những bóng ma Hời, có ma cụt tay có ma cụt
đầu, những bóng ma đó gặp gỡ nhau rì rầm trò chuyện, hoặc cặm cụi như đang đi
tìm một thứ gì đó đã bị mất.
Thi thoảng có bước chân ngựa rất gần, rầm rập, đó là đoàn lính gác cưỡi
ngựa đi tuần tra.
Brừ brừ! có những tiếng động lạ xung quanh gác Thiên Lan, khi thì ở phía
này khi thì ở phía khác.
Huyền Trân thót tim chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra.
Có bước chân người, có tiếng gõ cửa khe khẽ và gọi rõ tên nàng. Có lẽ là
Chế Mân, chàng yêu ta đã đến ngay trong những ngày chay tịnh? Hay một kẻ xấu?
Trong này có tục kẻ nào muốn ai thì đêm đến cươp?
Huyền Trân sẽ sàng dậy nghe ngóng.
Vừa lúc đó, có một đoàn kỵ mã đi tuần rầm rập. Nàng nhìn qua khe nhỏ,
dưới ánh trăng hạ tuần, nhận ra bên ngoài một người vội vã chạy vào cánh rừng
bên cạnh.
Một tên lùn.
Taphía Kiệu- tên lùn mắt chó sói đó chăng? Hắn định đến phòng nàng làm
gì trong đêm khuya khoắt? Không lẽ, hắn đã uống rượu mật gấu?...
Hắn trở lại, trèo qua chỗ thông gió trên đầu hồi mà xuống, Taphía Kiệu
cười sằng sặc ôm chặt lấy nàng đè xuống. Nàng vùng vẫy giãy giụa; “Ối, ối, Sói!
Sói! Cứu tôi với, cứu tôi với...”. Quế Nhi vội vùng dậy chạy sang thấy công
chúa vẫn mở mắt trừng trừng mặt thất sắc.
Nhìn quanh, lại nhìn ra ngoài cửa sổ, không có gì, phải chăng chỉ do tâm
thần công chúa hoảng loạn.
Gà đã gáy canh năm. Nàng vẫn không sao chợp mắt lại được.
Hoan lạc ngày chừng ngắn
Nhớ thương đêm thật dài
Đêm đêm cứ như thế này thì mình phát điên lên mất- nàng lẩm bẩm.
Sáng ra, lệ nàng thấm nhão gối...
*
Kể ra, hôm cưới thì không có gì đáng phàn
nàn.
Huyền Trân nhớ mãi buổi ấy. Muốn có một ấn
tượng tốt ngay từ đầu, Huyền Trân mặc y phục Chiêm, có vương miện hạt châu, tóc
búi ngược lên đỉnh đầu, ba cây trâm đính hoa ngọc, áo nhung đỏ, quấn một băng
màu xanh lam từ vai chéo xuống ngực.
Có một đoàn nhạc công đem nhạc cụ đến, đàn
sáo vang lừng.
Đã có nu- uôk hướng dẫn phong tục, giới
thiệu các bậc cao niên, những người thân thích trong hoàng tộc, nhưng Huyền
Trân vẫn thấy mình bối rối, vụng về, lúng túng.
Vị trưởng đạo đọc kinh.
Phút định mệnh đến,
Sau khi tỏ lòng biết ơn vị trưởng đạo và vị
sư Du Già đã tác duyên cho hai người, Chế Mân trao hộp may mắn, mắt nhìn nàng
đằm thắm, nhẹ tay rút cây trâm cao nhất trong số ba cây trâm trên mái tóc của
nàng. Chế Mân dùng ngón tay chỉ vào trán, miệng lẩm bẩm:
- Từ nay, nàng thuộc
về ta và ta cũng thuộc về nàng.
Đeo vào ngón tay nàng chiếc nhẫn mư- ta bằng
hồng ngọc, Chế Mân nói:
- Ta với nàng như
chiếc nhẫn với ngón tay này, khắn khít.
Quay ra, Quốc vương Chế Mân nói với quần
thần:
Công chúa Huyền Trân
có tên Chiêm là Paramecvare. Từ nay, Tapasi là hoàng hậu thứ nhất, Huyền Trân
là hoàng hậu thứ hai.
Mọi người reo vang.
THÁP CÁNH TIÊN Ở THÀNH CHÀ BÀN
NƠI CHẾ MÂN & HUYỀN TRÂN NHIỀU KỶ NIỆM
(Ảnh DP - 2007, Tháp đang trùng tu)
mọi người đọc theo:
Những tiếng ồm ồm nổi lên. Mọi người đọc
theo khi vị trưởng đạo xướng lên những lời gia huấn,
Jao ka tawil tha bok karăh/ Min prong
păk pacha
Tặng cô gái một chiếc nhẫn/ Nhưng quan trọng ở tấm lòng
Nabi hu likau bloh di amat/ Bray kajăp
karô dua hajiup pathang
Ngăk blăng angui kajăp karô/ Oparabhô
ginup mưda...
Thánh nhân đã cầu nơi thiên thần/ Xin ban phúc cho hai vợ chồng
Sự nghiệp làm ăn vững bền/ Sung
mãn giàu sang...
.
Đêm đầu đời có chồng, ngoài trời mưa rả rích.
Phòng cưới trang trọng, được căng nhiều bằng những tấm tigai- rèm nhiều
màu sắc. Để đuổi ma tà và ngăn bùa phép của kẻ xấu, Phi Thuỷ thắp lên những cây
nến sáp ong sáng rực.
Gió từ phía núi Mò O thổi về ù ù, lại nghe như có tiếng sóng của dòng
sông Kôn dào dạt.
Thích nàng như một loại kẹo quý, Chế Mân hôn hoài, không biết chán.
Bỗng Quốc vương thấy trên án bên cạnh có một cuốn sách bèn với lại xem,
thấy ghi chép chi chít, bèn hỏi: Sách gì? Nàng rằng, đó là sách ghi chép tiếng
Chiêm. Đặt tay lên gò nhũ, Chế lại lại
hỏi: Ai dạy? Lúc này, chàng chỉ nói nhát gừng, bởi đôi môi rất bận. Huyền Trân
đáp: Ông chú tên là Trần Nhật Duật dạy. Triều đình bên ấy có nhiều người biết
tiếng Chiêm? Chỉ có mình Chiêu Văn đồng tử Trần Nhật Duật. Sao gọi là Chiêu Văn
đồng tử? Chuyện dài lắm. Kể đi. Bàn tay Chế lùa sâu xuống dưới xiêm. Run sợ,
xấu hổ, nàng nắm chặt bàn tay chàng kéo lên: Cái tay cứ thế này thì kể sao
được? Giọng phụng phịu đáng yêu, nàng nói thêm: Đêm nay đừng làm gì đấy. Chế
Mân trêu: Làm gì là làm gì? Kéo lại cho xiêm áo đỡ xộc xệch, Huyền Trân nằm
trong tư thế thoải mái. Chế, tay trái vòng qua vai nàng ôm lại, tay phải đặt
nhẹ dưới bầu nhũ, để nghe nàng thủ thỉ. Chuyện này, thiếp được nghe từ hồi còn nhỏ.
Trần Nhật Duật là người trên trời xuống…
- Chiêu Văn biết mấy thứ tiếng? Không
biết. Nhưng khi tiếp sứ Nguyên, ông nói chuyện với họ suốt buổi, như bạn bè xa
lâu ngày mới gặp, không cần người phiên dịch. Sứ Nguyên hỏi Chiêu Văn: Ông là
người Quảng Đông phải không? Làm gì ở đây? Chiêu Văn nói: Không phải! Nhưng sứ
Nguyên không tin.
Lại có lần sứ SắcMãTic - Xingapo (?), Chiêu Văn cũng dịch được tiếng họ.
Vua hỏi: “Tại sao biết?”. Ông nói: “ Thời Thái Tông, sứ nước ấy đã sang, có
giao du với họ”. Phụ hoàng thường cười, bảo với mọi thiếp: “Ông Chiêu Văn là người trời, xuống
đây làm sứ giả để các dân tộc hoà hợp”.
- Tiếng Chiêm, Chiêu Văn cũng biết?
- Biết, chính Chiêu Văn dạy cho tiện
thiếp đấy.
Chế Mân ôm chặt bờ vai nàng, lần xuống lưng, rờ thấy một cái nốt ruồi
nhỏ xíu, chàng mân mê, ghì áp.
- Ông đã sang Chiêm sao?
Khẽ nhấc tay Chế ra, đôi mắt lườm lườm, Huyền Trân nói:
- Tiện thiếp xin, để hôm khác, đêm nay
đừng làm gì- Nàng nói tiếp- Chưa, chưa một lần đến Chiêm. Cách đây đã lâu, có một
số người Chiêm sang Đại Việt rồi ở lại. Triều đình cho ở thành một thôn riêng
bên vùng Kinh Bắc, theo tiếng Chiêm gọi là thôn Đa Gia Ly, người ta quen gọi là
thôn Bà Già. Những ngày nhàn rỗi, Chiêu Văn thường cưỡi ngựa sang đấy chơi, học
tiếng Chiêm, có lần ông sang bên đó học tiếng hai ba hôm mới về, do đấy mà
thông thạo.
- Sao không bảo một người thôn Đa Gia
Ly sang dạy?
- Có, một hồi Chiêu
Văn bận việc, ông có vời một cô bé tên là Út Hảo sang dạy cho tiện thiếp. Nhưng
chủ yếu vẫn là Chiêu Văn.
Lật lại mấy trang sách, thấy toàn những chữ vuông vuông, vua Chế Mân
hỏi:
- Chữ Chiêm sao lại ghi thế này?
- Nhiều chữ rất khó đọc, thiếp phải
dùng cả chữ Hán chữ Nôm để chua cách đọc. Ví dụ câu: Yaw athaih klauh galing- Như ngựa đứt dây cương... thiếp phải ghi
bằng chữ Nôm đấy.
- Đừng học câu đó, học để dứt dây cương
đi khỏi Chiêm quốc sao?
Biết là Chế Mân nói đùa, nàng cười:
Ngựa này đã bị đóng yên cương lại đóng
hàm thiếc, chạy đâu cho thoát.
Chuyện trò với Huyền Trân vui lắm, Chế Mân rất mừng bởi ngay từ đầu
chàng đã thấy sự tương đắc, tâm đầu ý hợp. Xiết chặt lấy nàng, Chế Mân thấy vô
cùng hạnh phúc, bên nàng trăm năm đầu bạc.
Chế Mân dứt cái hôn, Huyền Trân nói: Hồi ở Phụng Thành, học tiếng Chiêm
hay quên lắm. Từ hôm về Chà Bàn, hàng ngày tiếp xúc với nhiều người Chiêm, tiện
thiếp biết thêm được nhiều. Vào đây, tiện thiếp rất muốn học thêm cách đánh đàn
Chiêm, để... Làm gì? Thiếp muốn, trong những buổi ngắm trăng chỉ có hai người,
thiếp sẽ đệm đàn để chúa hát.
Bỗng cảm hứng trào dâng, Chế Mân nuốt khan và rùng mình, giật giật. Từ
nãy, nàng kể nhiều chuyện dài, định cho chàng nghe mà ngủ. Bây giờ, chàng sùng
sục rít lên, hẳn là cương cứng quá, không chịu nối?
Huyền Trân lại phải vỗ về, van xin:
- Đừng! Đừng! Hôm nay, thiếp thấy... mệt…vì…
- Một chút, một chút thôi. Chế Mân vội
vã, gấp gáp.
Ông vua đã thắng Toa Đô, mình đành thua. Chiều chàng. Nàng cởi giúp Chế
tất cả. Là vị vua, nhưng cũng là một vị tướng, thân hình Chế chắc lẳn như một
pho tượng. Nàng vội cởi các thứ xiêm áo của mình. Thân thể nàng là những đường
cong tuyệt mỹ. Nàng thì thầm mấy câu gì đó, rồi im lặng… .
Thật đáng tiếc! Chẳng ra sao cả! Xa xót, lẫn vui mừng, nàng không bao
giờ quên được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét