Nhà văn Nguyễn Hiếu
MỘT NỀN VĂN HỌC
THỪA THƠ
THIẾU HÀI
NGUYỄN
HIẾU
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN
LTS: Năm 1984 NXB Hội nhà văn xuất bản tập
truyện hài nổi tiếng “những người thích đùa “của nhà văn Thổ nhĩ kì Axit Nê xin
thì NXB Hà nội xuất bản tác phẩm đầu tay của nhà văn Nguyễn Hiếu. Tập truyện
ngắn hài hứơc” chuyện cái vòi nước”. Đánh giá tác phẩm này cố nhà thơ Vũ Cao -
giám đốc NXB Hà nội dạo đó nói” cái cười của NH gần hơn cái cười của Axit Nê
xin”. Ngót ba mươi năm trôi qua, Nguyễn Hiếu trở thành nhà văn có lượng tác
phẩm hài nhiều nhất trong số các nhà văn đương đại (hai tập truyện ngắn(
“chuyện cái vòi nứơc” và “cười dành cho tất cả”(NXBTN), hai tiểu thuyết hài (
“Những mảnh nhân gian”(NXB Pháp Lý), “tây tây, ta ta”( NXBHN).. ngoài ra ông
còn có hàng loạt vở kịch hài, mới nhất là kịch bản “hàng rào giữa hai nhà”(Nhà
hát hát kịch Việt nam 2011, NSND Lê Hùng đạo diễn). Nguyễn Hiếu đã in hơn 300
bài thơ trên các báo. Tập 10 với nhan đề “ Hư ảo “trong Tuyển tập Nguyễn Hiếu
ra mắt nhân Đại lễ 1000 năm đã dành tuyển một lượng thơ lớn của ông. Bên cạnh
những giải thưởng về tiểu thuyết, truyện ngắn,kịch ..Nguyễn Hiếu được tặng
thưởng 2 giải thơ. Thời gian qua các trang mạng còn sôi nổi với nhiều dư luận
trái chiều về bài “thẩm thơ”của ông. Thêm một sự kiện có liên quan về thơ trên
thi đàn đang tạo sự chú ý của ngưòi quan tâm đó là vụ “tự nhận thơ tiền nhân”
của ông Hoàng Quang Thuận Viện trưởng Viện công nghệ viễn thông-Viện khoa học
và Công nghệ Việt nam với tập thơ” Thi vân Yên tử”được Tạp chí Nhà văn mở hội
thảo. Nhân dịp này phóng viên Báo Bảo vệ Pháp Luật có cuộc trao đổi với nhà văn
Nguyễn Hiếu.
Phóng viên: Là một nhà văn viết nhiều thể loại và cũng gặt hái được
những thành công trong văn chương ông đánh giá như thế nào về hiện tượng “thừa
thơ và thiếu hài”của nền văn học Việt nam hiện nay ?
Nguyễn Hiếu: Tôi cho đây là một sự bất thường bởi lẽ với thể trạng
bình thường của một nền văn học bao giờ cũng hội tụ đủ mọi thể loại. Tất nhiên
do yêu cầu của từng giai đoạn xã hội nên có lúc thể loại này vượt trội hơn các
thể loại khác. Còn nền văn học của ta nếu tính từ thời kì đổi mới tức là khoảng
trên dưới hai thập kỉ đổ lại đây thì bên cạnh thực trạng “thừa thơ thiếu hài”
đáng buồn
còn phải kể đến sự teo tóp thảm hại của văn học cho thiếu nhi .
Phóng viên: Vâng , chúng ta sẽ trở
lại sự ốm o của văn học dành cho các cháu vào một dịp khác. Theo ông vì sao lại
có thực trạng “thừa thơ” bất thường như vậy ?
Nguyễn Hiếu: Về hiện tượng thừa thơ
tôi đã nói khá kĩ trong bài in trong báo bảo vệ pháp luật số đặc biệt ra ngày
31/8.2012. Này xin tóm tắt lại một số nguyên nhân chính . “Thừa thơ” nói theo
giọng kinh tế tức là lạm phát. Nguyên nhân của sự lạm phát thơ thì có nhiều.
Qui tụ lại một số nguyên nhân chính sau. Ngôn ngữ nứơc ta là ngôn ngữ có 6
thanh điệu, nên ngay trong sự trao đổi thường nhật dễ tạo ra sự nói vần, viết
vần. Những câu nói vần và viết vần có hình thức đôi khi giống như thơ. Không ít
ngưòi có khả năng nói vần, viết vần ngộ nhận mình là nhà thơ. Viết nên một bài
văn vần có hình thức như thơ để tự phong hay được gọi là nhà thơ dễ hơn là viết
một truyện ngắn, một tiểu thuyết, một vở kịch. Nhu cầu muốn bộc lộ tình cảm,
suy nghĩ của mình nhất là ở lứa tuổi từ trung niên trở lên thông qua hình thức
văn nghệ dễ làm, dễ chia xẻ trong giai đoạn đời sống vật chất ở thành thị, các
vùng đô thị hoá tương đối được cải thiện cũng làm gia tăng lưộng ngưòi đến với
thơ. Điều này cắt nghĩa vì sao phong trào thơ, các hội thơ mà phường, xã mấy
năm nay lại phát triển như vậy. Thêm vào đó là sự xã hội hoá trong khâu xuất
bản với việc bỏ tiền, xin gíấy phép các nhà xuất bản để tự in thơ đã khiến sự
ngộ nhận này cũng như coi thơ là một thú chơi tao nhã, có khả năng thành danh
ngày càng tăng. Nguyên nhân nữa là hai vị Chủ tịch, phó chủ tịch cùng ông
Trưởng ban tổ chức HNVVN đều là nhà thơ..Thể thơ được “thiên vị hơn”trong mọi
hoạt động của HNV thể hiện khá rõ. Không phải ngẫu nhiên những đợt kết nạp của
HNV gần đây người viết thơ là các doanh nghiệp và các vị có chức sắc, kinh tế
đông hơn người viết văn xuôi, giải thưởng cho các tập ( chưa chắc đã hay) cũng
nhiều hơn.
Phóng viên: Vậy thực trạng của sự
khan hiếm hay nói đúng hơn ngày càng vắng bóng hài trong các thể loại văn
chương hiện nay ra sao? Thưa nhà văn.
Cảnh diễn trong vở "Hàng rào
giữa hai nhà "
(Nhà hát Kịch Việt Nam, 2011-
Đạo diễn NSND Lê Hùng. Vở này, đã hơn
200 buổi biểu diễn.
Nguyễn Hiếu: Nhu cầu về hài của
ngưòi đọc, người xem luôn luôn tồn tại. Và nhu cầu phản ánh thực tế cuộc sống
luôn ẩn chứa trong các phương thức biểu hiện của nghệ thuật nói chung và văn
học nói riêng trong đó có hài là tất yếu. Nhất là trong giai đoạn này các tệ
nạn về tham nhũng, suy thoái đạo đức, vi phạm pháp luật ngày càng có cơ phát
triển thì việc dùng hài để phê bình càng đắc hiệu. Để đáp ứng nhu cầu này, các
phương tiện thông tin đại chúng đã mạnh dạn khai thác. Tiêu biểu như đài THVN
đã từng có tiết mục hài ăn khách “ gặp nhau cuối tuần” nhưng do không có biện
pháp duy trì lâu dài trong nhiều lĩnh vực từ khâu tác giả, kịch bản, diễn
viên…nên cũng chết yểu để biến thành những tiết mục hài vụn vặt, nặng về chọc
cười cơ giới. Nhà hát Tuổi trẻ có cả một xê ri “đời cười” được khán giả mộ điệu
nhưng nói như quyền Giám đốc Trương Nhuận thì đây chỉ là những lát cắt gây cười
chứ không phải tác phẩm hài đích thực có chiều sâu trong việc phản ánh và phê
phán hiện thực cuộc sống. Trong văn học thì các tác phẩm hài lại càng vắng
bóng.
Phóng viên: Vì sao lại có hiện
tượng này ?Thưa ông.
Nguyễn Hiếu: Sự èo uột thảm hại về
hài trong nền văn nghệ nói chung và văn chương nói riêng có nguyên nhân sâu sa
của nó. Nền văn học nứơc ta một thời được xem là nền văn học hiện thực Xã hội
chủ nghĩa. Nền văn học này lấy ca ngợi, khẳng định làm âm điệu chủ đạo. Với một
âm điệu như thế nên phương thức phản ánh phù hợp nhất là ca ngợi, khẳng định,
cổ động, tuyên truyền. Trong các thể loại văn chương là sự mổ xẻ, cắt nghĩa sự
phát triển theo một đường hứơng nhất thống, quán triệt. Chúng ta còn nhớ có
những giai đoạn ngay sự mô tả tâm hồn , nhu cầu cá nhân con người cũng bị coi
là xa xỉ, không đúng quĩ đạo và bị lên án dữ dội. Trong xu thế quan phương như
vậy thì hài- một vũ khí sắc bén của sự phản ánh tạo ra tiếng cười phê phán bị
gạt ra. Tôi nhớ không nhầm hai ca khúc rất hay viết năm 1960 ca ngợi tình yêu
ngưòi thuỷ thủ, và anh thợ lò của Hoàng Vân cũng bị cấm vì có yếu tố tư bản. Và
ngay kịch bản hài của tôi “chuyện như thế thì cần phải nói” do đạo diễn Lộng
Chương dựng cho đoàn kịch Công nghiệp Hà Nội vào năm 1976 phê phán giám đốc cửa
quyền không quan tâm đến người lao động cũng bị cấm thì làm sao thể loại hài
đắc hiệu trong phê phán xã hội có thể được các văn nghệ sĩ sử dụng rộng rãi.
Đồng nghiệp chúc mừng
vở diễn thành công
Phóng viên: Như nhà văn nói xã hội
ta đang có biểu hiện về sự băng hoại nhiều mặt như tham nhũng, tệ nạn xã hội,
việc suy thoái về đạo đức, sự không tôn trọng pháp luật..rất cần sự phê phán
bằng vũ khí sắc bén của hài hước, nhưng hiện tượng “thừa thơ vắng hài” vẫn tồn
tại mà dường như chưa có sự đột biến nào khả dĩ khắc phục được. Ông ngĩ gì về
hiện trạng này ?
Nguyễn Hiếu: Sự xem thường, gạt bỏ
hài đúng nghĩa của nó nếu lấy từ lúc in cuốn tiểu thuyết “phất” của Bùi Huy
Phồn vào năm 1958 đến nay đã hơn nửa thế kỉ. Trong từng ấy thời gian những nhà
văn viết đi đúng quĩ đạo”phải đạo” dù có năng khiếu, sở trường hài cũng đành
gác một bên, hoặc né tránh, rồi lâu dần quên lãng. Trong tác phẩm của mình chỉ
còn những trang viết mang yếu tố hài le lói mang tính tình huống và ngôn ngữ
bên cạnh sự ca ngợi, chất chính kịch nghiêm trang. Đến nay với sự đổi mới nhiều
mặt trong đó có ít nhiều sự cởi mở trong tư tưởng và quản lý, nhiều tác giả đã
có nhiều biểu hiện và ý đồ trở về với hài. Đáng tiếc chưa thấy sự ủng hộ nào từ
nhiều phía để cổ xuý cho những cây bút và sự trở lại này, kể cả tổ chức nghề
như HNVVN. Mặt khác cũng cần thấy rõ chẳng những ở nứơc ta mà trên thế giới
ngưòi viết hài rất hiếm so với ngưòi viết các thể loại khác. Tác phẩm hài đúng
nghĩa hay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay ..nên mặc dù ít nhiều cởi mở trong tư
tưởng các nhà quản lý, mặc dù là yêu cầu nóng bỏng của thực tế sáng tác và
thưởng thức những rõ ràng chúng ta phải đợi thời gian để hài có thể quay lại,
trở về trong đời sống văn nghệ đúng như bản chất yêu đời, thích hài hứơc của
dân tộc ta.
Phóng viên: Có thể nói đến nay ông
là nhà văn có nhiều tác phẩm hài ở nhiều thể loại nhất trong số các nhà văn
đương đại. Ông có thể cắt nghĩa thành công này ở ông.
Nhân vật Lão Cu của Đoàn cải
lương Nam
Định -
cùng một kịch bản nhưng
lấy lại tên nguyên gốc" Khi giàn mồng tơi
gãy rập" -
Đạo diễn Minh Trí, NSND Doãn Hoàng Giang.
Chuẩn bị đi Hội
diễn cải lương toàn quốc (tại Đồng Nai, tháng 10/ 2012)
Nguyễn Hiếu: Ngay từ bé tôi có chịu
ảnh hưởng rất nhiều chất hài mang chất dân gian của mẹ tôi thông qua những câu
chuyện kể, những bài ca dao và nhất là qua khẩu ngữ trao đổi thường ngày của
bà. Chất hài của mẹ tôi dường như ngấm trong máu được thể hiện qua cáchkể làm
nổi bật sự đột biến của những sự việc tưởng như rất bình thường. Luận văn tốt
nghiệp đại học của tôi là “chất hài của truyện ngắn Sê khốp và Mô pát săng”
dưới sự hứơng dẫn đầy kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực hài của cô giáo Đặng
Thị Sâm. Sau khi tốt nghiệp ra trường ba năm , tôi bắt đầu viết những truyện
ngắn hài hứơc và gửi cho nhà văn Nguyên Công Hoan. Và ông đã trả lời, chỉ dẫn ,
khuyến khích tôi qua những lá thư mà hiện nay tôi còn giữ được lá thư ông viết
vào ngày 28/3/1973. Phải chăng những yếu tố và hoàn cảnh đó khiến tôi có thế
mạnh trong bút pháp hài là vậy .
Phóng viên: Chân thành cám ơn nhà
văn qua cuộc trao đối này. Chúc nhà văn có thêm nhiều tác phẩm hài mang lại
nhiều niềm vui , tiếng cười sảng khoái cho ngưòi đọc, ngưòi xem../.
Thế
Xuân Thực hiện.
* Bài in trên báo Bảo vệ Pháp Luật số 74 ra ngày 14/9/2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét