Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

* TÙNG & THÁP TRƯỚC VÂN TIÊU




 CHÙA VÂN TIÊU

                         
  Muốn chụp cảnh chùa Vân Tiêu song không ổn vì không tìm được chỗ đứng chụp, phỉa trước cửa chùa lại có mấy cây cột đèn chùm, vướng lắm. Chỉ ghi được cảnh này trước VÂN TIÊU TỰ. Đây là tháp Hoà thượng Đại Giác Tuệ. Có đôi câu đối trên bia tháp:

                       Vân Tiêu bảo tháp đồng thiên địa
                  Hoà Thượng thanh truyền lưỡng bắc nam 

                   Dịch:

                   Vân Tiêu tháp báu cùng trời đất
                   Hoà Thượng danh thơm cả bắc nam.


  Đi cáp treo thì không được ngắm Vân Tiêu tự. Phải đi bộ. Từ dưới suối Giải Oan lên đến Hoa Yên đã vất vả, lại trèo vài ngàn bậc đá nữa mới đến chùa Vân Tiêu. Trần Nhân Tông trụ trì ở chùa này là chính,  viên tịch tại đây. Trong chùa, có thờ tượng Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, lại có tượng Phật nằm. Người coi chùa cho biết: Đó là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nằm suy ngẫm, chiêm nghiệm... Hồi Trần Nhân Tông tu, có lần vua Trần Anh Tông (con trưởng của Trần Nhân Tông) lên thăm, làm bài thơ Vân Tiêu am, ca ngợi Phụ hoàng. Xin chép lại bài thơ:      




VÂN TIÊU AM
                                                           TRẦN ANH TÔNG

Đình đình bảo cái cao phan vân
Kim tiên cung khuyết vô phàm trần
Tuyệt phong cánh hữu học tiên giả
Thanh phong minh nguyệt tương vi lân
Thanh phong táp địa vô hưu yết
Minh nguyệt đương không kiểu băng tuyết
Thử phong thử nguyệt dữ thử nhân
Hợp thành thiên hạ tam kỳ tuyệt.

Dịch thơ:

AM VÂN TIÊU 

Quả núi như tàn với chạm mây
Cung tiên chẳng bợn chút trần ai
Đỉnh núi có người tu học đạo
Cùng với gió trăng vui tháng ngày 
Gió mát tứ thời quây mặt đất
Trăng thanh giữa trời trắng như tuyết
Trăng đây, gió đây cùng người đây
Hợp thành thiên hạ ba kỳ tuyệt*



------------

* Bản dịch trong

Tuyển thơ NGÀN NĂM THƯƠNG NHỚ, Chủ biên: GIA DŨNG, Nxb Hội Nhà văn, 2004.

                 

* ĐỀ THƠ Ở CHÙA MỘT MÁI, LẠI CHỐNG GẬY...




                                         
ĐỀ Ở CHÙA MỘT MÁI

TRÊN YÊN TỬ



Trúc xanh tùng biếc cảnh lâm tuyền

Cõi tục đã xa, lánh cửa thiền

Cao vọi Hoa Yên còn diệu pháp

Chùa chung, vẫn một mái tu riêng. 

                                           DP
          Ảnh: Duy Phi tôi năm trước chỉ lên đến chùa Hoa Yên, gặp mưa gió phải quay xuống, năm nay, chuyến đi được thời tiết tốt. Một tay gậy trúc, một tay chai "rượu" đi qua CHÙA MỘT MÁI (vì dựa vào vách đá nên chỉ có một mái nhỏ hẹp, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông thường ngồi đọc sách), trước thăm thẳm trúc tùng, lại túc tắc, đi nữa đi mãi, cuối cùng, 15 giờ ngày 23/ 4/ 2011, Duy Phi tôi cũng đã đặt chân được tới CHÙA ĐỒNG, đỉnh Yên Tử cao 1068 m. Hơi bị thú...



Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

* BẢO ĐÀI SƠN (NÚI YÊN TỬ)




     
                                                       
ĐĂNG BẢO ĐÀI SƠN

Địa tịch Đài du cổ
Thì lai xuân vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kính bán tình âm
Vạn sự thuỷ lưu thuỷ
Bách niên tâm ngữ tâm
Ỷ lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hung khâm. 
                                      TRẦN NHÂN TÔNG 


Bản dịch thơ - I: 

LÊN NÚI BẢO ĐÀI  

Đất vắng, Đài thêm cổ
Ngày qua, xuân chửa nồng
Gần xa, mây núi ngất
Nắng rợp, ngõ hoa thông
Muôn việc nước trôi nước 
Trăm năm lòng nhủ lòng
Tựa lan, nâng sáo ngọc
Đầy ngực, ánh trăng trong. 


                    Ngô Tất Tố dịch







Bản dịch thơ - II: 


LÊN NÚI BẢO ĐÀI

Đài xưa thanh tĩnh núi cao
Buổi nay ta đến đã nào muộn xuân
Mây sà xuống lúc xa, gần
Đường hoa nửa nắng nửa râm trập trùng
Sự đời nước nước theo dòng
Trăm năm lòng nói với lòng mình thôi
Tựa lan, sáo ngọc cất lời
Lung linh tinh tú, ngực ngời ánh trăng. 

                                    Duy Phi dịch 





-----------
     HOA KHÔNG TÊN TRÊN ĐỈNH YÊN TỬ


                                                     Ảnh :         DUY PHI
                                                                    (23/ 4/ 2011)




Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

* CÓ MẤY ÔNG HOÀNG CẦM ?






 
                                                                                 
                

 
 
 Hoàng Cầm - Nhà Thơ (1920- 2010), nhiều người biêt, sinh tại Phúc Tằng, Bắc Giang (quê gốc Thuận Thành, Bắc Ninh). Hồi nhỏ ông học tại Phủ Lạng Thương, sau lại dạy học tại đó. Hoàng Cầm có vào quân ngũ. Ông là một nhà thơ xuất sắc trong giai đoạn vừa qua, là tác giả củâ các vở kịch thơ: Hận Nam Quan, Kiều Loan…, là tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng: Mắt thiên thu, Lá Diêu bông, Về Kinh Bắc, 99 tình khúc… Nhiều bạn đọc nhớ thơ ông, các bài:  Lá Diêu bông, Cây tam cúc, Bên kia sông Đuống… . Rất nhiều bạn đọc thuộc thơ ông:   
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…

Hoàng Cầm - Đại uý (1916- 1996), quê Trực Đại- Nam Định. Vào quân ngũ, mới đầu Hoàng Cầm là anh nuôi cho quân y tiền phương, Đội điều trị 8, Sư đoàn 308.  Ông đã sáng tạo kiểu bếp đun không khói, tránh máy bay đối phương phát hiện. Hoàng Cầm giải ngũ năm 1961, về Làng Mây, Tam Đảo làm ruộng. Trong suốt hai cuộc chiến, kiểu bếp Hoàng Cầm được nhân rộng. Cách đây một tháng, chúng tôi vào rừng Tà Thiết, Lộc Ninh (Bình Phước), còn được nhìn tận mắt bếp Hoàng Cầm (di tích). . 
   Năm ngoái, chúng tôi có một Trại viết văn tại Tam Đảo. Chu Ngọc Phan, bạn tôi, được con gái của ông Hoàng Cầm - Tam Đảo (đang là chủ một Nhà nghỉ) đưa đến viếng mộ ông. Sau, Chu Ngọc Phan có in bài thơ “ Trước mộ người lính anh nuôi Hoàng Cầm”, có đoạn:
Mộ ông đặt dưới vòm thông
Chung chiêng Tam Đảo, bềnh bông võng trời
Bếp Hoàng Cầm lửa tắt rồi
Bữa cơm trận mạc ven đồi vẫn thơm… 

Hoàng Cầm - Thượng tướng quê Ứng Hoà (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội), sinh năm 1920. Ông là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải Phóng, nhiều lần có mặt tại căn cứ Tà Thiết, Lộc Ninh – mái lán lợp lá trung quân này. Bên cạnh lán, có dây lá hình tim (có người gọi là dây móng bò). Là dây mà rất lớn, gốc cỡ thùng gánh nước, tủa ra mấy nhánh vắt sang cây khác như những con rắn thần, trổ lá hình tim, giống với lá cây hoa ban Tây Bắc. Vừa qua chúng tôi: DUY PHI, VŨ TỪ SƠN & THUÝ THANH có dịp đến Lộc Ninh. Ông chủ tịch huyện Lộc Ninh Tư Phúc (tức Trương Văn Phúc) đưa đi thăm di tích- lán hầm chính, Hội trường, nơi sống và làm việc của các vị chỉ huy cấp cao trong Bộ Tư lệnh Miền. Phó Tư lệnh Hoàng Cầm cũng thường có mặt ở nơi đây trong những năm 1973- 1974… Sau, ông tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh Quân đoàn Bốn , còn gọi là Binh đoàn Cửu Long… Ngay đêm 30/ 4 ông nghỉ tại dinh Độc Lập, định đánh một giấc cho đã, song ngỡ như mơ, trằn trọc không sao ngủ được…  
Bài này, chỉ nói đến sự trùng tên trùng họ, trùng giai đoạn, vui vui. Có ông Thượng tướng, lại có ông “Tướng nuôi quân”, có ông “Tướng Thơ”.  Nhất nghệ tinh nhất thân vinh.  Cả ba “Tướng” Hoàng Cầm, ông nào cũng phong độ, xuất chúng…
        
                                                                                 D.P 

        Trong ảnh, từ trái sang:

                       NT Vũ Từ Sơn,  NS Thuý Thanh
                       Chủ tịch Tư Phúc & Duy Phi tôi.  
                                               Ảnh:  Huỳnh Mẫn




* CÔ GÁI DÂN TỘC DAO TRÊN YÊN TỬ




Trên dốc gần chùa Đồng, gặp một cô gái xinh xắn, bán thuốc Nam. Chuyện mới biết cô là Bàn Thị H... , người dân tộc Dao, xã Tuấn Mậu, Sơn Động (Bắc Giang). Hầu như ngày nào cũng vậy, H... đi xe đạp dăm cây số đến chân Yên Tử, rồi trèo mấy cây số dốc ngược, lên đây bán mấy gói thuốc Nam. Sáng đi, chiều về...  

                                                      Ảnh:      DUY PHI  









Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

* CÁP TREO TRÊN YÊN TỬ



Cảnh Yên Tử chiều tối ngày 23/ 4/ 2011
Đỉnh núi này chưa phải là đỉnh có chùa Đồng, 
còn phải leo vài ngàn bậc đá nữa.  
Cáp treo đang hoạt động, dãy cabin lên xuống
Hôm ấy, có chừng 3000 du khách, cáp treo đưa những 
người cuối cùng xuống chân núi lúc 10 giờ đêm. 
Theo một nhân viên Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm,
hội Yên Tử có ngày cáp treo 
chuyên chở đến 50 000 du khách...







Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

* TRẦN NHÂN TÔNG - CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ





                                 
       
 


Trần Nhân Tông
  (1258- 1308)

                    
CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ





Cư trần lạc đạo phú- Bài phú chữ Nôm, Trần Nhân Tông trước tác. Có mười đoạn (có đoạn 14 câu, có đoạn 27 câu...) và kết thúc bằng một bài kệ. Bài phú đã được dịch, nhưng nhiều từ cổ, nhiều điển cố, hầu hết khó hiểu, huyền bí. Gần đây có một số tác giả đã phải phóng dịch.
    Theo gương đó, Duy Phi tôi liều, rút ra mỗi đoạn lấy dăm câu trọng yếu, đặt thành tứ tuyệt (sẽ có chú thích) để tiếp cận được với tư tưởng của Phật hoàng, cốt để tự răn dạy cho mình. Xin chép lại cả 10 bài tứ tuyệt đã soạn và bài kệ đã dịch. Mong được bạn đọc trao đổi và lượng thứ.    


 



I

Đan thần, xương đổi, mộng bay lên
Tiên giới trường sinh chẳng phải tìm
Tính sáng lòng không hơn ngọc quí
Đọc kinh vui thú nhạt hoàng kim.


II

Chẳng hiềm cay đắng với dưa rau
Mặc giấy vận sồi có quản đâu
Vui đạo nửa lều hơn điện ngọc
Nghĩa nhân ba ngói cũng hơn lầu.


III

Trần tục mà nên phải dốc lòng
Sơn lâm không đạo hoạ vô cùng
Bồ đề mong quả một đêm chín
Phúc gặp Ưu đàm kiếp trổ bông.


IV

Tam tạng cần chăm đọc thấu kinh
Ngũ phần hương đốt cốt tâm thành
Tích nhân tu đạo Thích Ca đó
Giữ hạnh dứt tham Di Lặc - mình. 


V

Bật gốc tìm cành thương lão Câu
Cười thay Diễn Nhã chạy tìm đầu
Kim cương lồng lọt không hề nóng
Nuốt lật, thịt da có xước đâu.


VI

Tâm tướng trong ngoài bụi chẳng vương
Chúa - ngay, cha - thảo, bậc hiền lương
Tham thiền ân trả thân mình nát
Học đạo thờ thầy dọt óc xương. 


VII

Từ bi nhiều kiếp hãy cầu mong
Cứu độ dẫu thân nát mấy vòng
Đạo nghĩa chẳng quên, luôn giữ thảo
Miệng tin lòng lỗi, nguyện hoài công.


VIII

Kinh lục đọc sao bằng thấy hay
Tu thân tơ tóc sửa ngày ngày
Ngôn từ thấu suốt đừng lo ngại
Tám gió, cơ quan phải lọc rây.


IX

Trà Triệu, bánh Thiều đói... chẳng qua
Ruộng Tào vườn Thiếu vẫn hoang mà
Gieo củi trước thầy tâm đà mở
Nghe trúc, lộc đào lặng ngộ ra.


X

BÀI KỆ:

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
Cơ tác xan hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền. 


Dịch thơ:

Ở đời vui đạo nhớ tuỳ duyên
Thấy đói ăn ngay, nhọc ngủ liền
Báu sẵn trong nhà đừng kiếm nữa
Tâm không trước cảnh hỏi chi Thiền ?* 




CHÚ THÍCH:

Phần lớn dựa vào các bài giảng trong Thiền viện Thường Chiếu, HT Thích Nhật Quang biên soạn.  .

Bài I:

  Ở đây, Ngài dạy không cần hoán cốt bay lên thượng giới, không uống thuốc trường sinh bất tử, tiên đạo để được sống lâu muôn tuổi, mà gìn một tính sáng sẵn có nơi mình. Đối với người tu thiền làm sao cho tâm rỗng rang sáng suốt... Yêu tính sáng tức là yêu đạo, nhận sống được với tâm đạo cho nên càng đọc kinh Phật càng thích thú....  

Bài II:

  Ăn rau ăn trái bình thường, nghiệp miệng chẳng hiềm điều đắng cay. Thân mặc vải thô vẫn không phân biệt đẹp xấu. Nửa gian lều còn quý hơn thiên cung. Ba viên ngói còn hơn lầu gác. .. Tinh thần của Tổ là trọng đạo đức, mến nhân nghĩa chứ không phải vật chất hay địa vị, danh vọng ở đời.

Bài III:

   Người thật tu ở ngay cạnh trần tục mà thành tựu đạo quả, còn quý hơn kẻ lên rừng núi mà chẳng biết chỗ tột của đạo, chỉ luống uổng một đời công phu... Cho nên tâm mới là cái chủ yếu, chứ không phải chỗ ở là chính... 
Ưu đàm: hoa nhà Phật. Khi kiếp ưu sầu qua, hoa nở, cũng là sự ngộ đạo.

Bài IV:
:
  Chúng ta phải học kinh điển Tam tạng giáo, sách dạy giáo lý Thiền uyển Thanh quy. Ngũ phần hương: giới hương - giữ giới cho trong sạch; định hương - phải làm cho tâm an định; tuệ hương - phải mở sáng trí tuệ; giải thoát hương - phải được giải thoát; giải thoát tri kiến hương - giải thoát những cố chấp tế nhị của mình... Dứt được tâm tật đố, tâm tham lam thì còn gì mà khổ. Nếu biết ứng dụng đúng như vậy chúng ta sẽ là Phật Thích Ca, Phật Di Lặc chớ không đâu xa.   


Bài V:

   Diễn Nhã Đạt Đa quên cái đầu thật, nhận bóng cái đầu làm thật, khi mất cái bóng thì cho rằng mình mất đầu, chạy loạn kiếm tìm chẳng khác người điên. Trong tu cũng vậy, nếu không soi lại mình, cứ chạy tìm pháp tu này pháp tu nọ bên ngoài thì càng tìm càng mất mình. Muốn chuyển cái nghiệp của mình, phải chuyển bằng trí tuệ Bát Nhã, đó là nhát gươm sắc bén nhất cắt đứt những dây mơ rễ má, mọi thứ ràng buộc khiến chúng ta vướng trong luân hồi sinh tử.
Lật, một loại quả gai, hạt dẻ. Nuốt lật, ý nói tu khổ hạnh.


Bài VI:

Tu hành là phải tâm giới trước, tâm (trong) đẹp thì tướng (ngoài) tốt, không phải giả bộ cho người đời quan sát. Thờ chúa ngay thờ cha thảo, mới là bậc trượng phu trung hiếu. Ân của chúa, cha lớn lắm, hết đời thân ta (nát) không đủ đền đáp.
Dọt có nghĩa là đập mạnh vào, làm cho nó đau, mòn. Cả xương óc của ta dầu có đau, mòn nữa thì ta vẫn chưa đủ trả ơn thầy ơn Phật.

Bài VII:
Vì cảm đức từ bi của đức Phật, nguyện tu nhiều kiếp, chết đi sống lại, mấy vòng luân hồi vẫn chưa đủ đền đáp. Người mà miệng nói tin Phật, trong lòng lại mưu tính xằng bậy thì dù có đem vàng ngọc dâng cúng cũng chẳng đạt đạo. 


Bài VIII:
Kinh lục: kinh Phật và Ngữ lục của chư Tổ. Chúng ta phải tránh, dù lỗi bằng mảy tơ sợi tóc cũng không được phạm. Phải thấu suốt lời Phật Tổ dạy. Muốn đạt đạo thật sự, phải không để cho tám gió làm lay động. 
Tám gió: lợi (cầu lợi), suy (yếu đuối), huỳ (nói xấu, chế giễu người khác), dự (thích khen nịnh), xưng  (nói phao lên), cơ (đói), khổ (đắng cay), lạc (vui thú). 

Bài IX   .
Triệu: Triệu Châu, nhà sư thấy ai cũng mời uống trà; Thiều Dương, nhà sư gặp ai cũng mời ăn bánh. Các sư cho bánh ăn, cho nước uống mà ta vẫn đói khát. Ruộng nhiều ở Tào (tức Tào Khê, chỗ ở của Tổ Huệ Năng; vườn nhiều ở Thiếu (tức Thiếu Thất, chỗ ở của Tổ Đạt Ma), thế mà các thầy tu vẫn để hoang. Có nghĩa: các Tổ đã hết lòng dạy dỗ, mà các thiền sinh vẫn lơ là, đó là do lỗi ở thiền sinh. Nhà sư Tuyết Phong lúc còn đi tham vấn, đặt bó củi trước Động Sơn mà hiểu biết. Linh Vân là đệ tử của Tổ Quy Sơn nhìn thấy hoa đào mà sáng tỏ. Hương Nghiêm nghe tiếng hòn sỏi chạm vào cành trúc vang lên, vỡ lẽ ra. Đó là mấy ví dụ về các kiểu ngộ đạo.


Hội X:

  Bản dịch bài KỆ có tham khảo một số bản dịch cũ.
   
   Xưa, Thiền sư Huệ Hải dạy, người đời nhiều khi đói không chịu ăn, đòi trăm thứ, mệt không chịu ngủ, nghĩ muôn việc. Sư nhắc các thiền sinh, đói thì phải ăn, nhọc thì phải ngủ, đừng đòi hỏi thêm điều gì khác. Tuy vậy, sống tuỳ duyên nhưng không được trái đạo lý.
   Câu cuối của bài Kệ, Phùng Thị Mai Anh (Trong sách Chốn tổ Vĩnh Nghiêm) dịch: “Không có tâm đối với cảnh vật thì đừng có hỏi chuyện Thiền”. Dịch thế là theo đạo đức thông thường, do chưa hiểu được khái niệm vô tâm của đạo Phật.
   Trong Thiền viện Thường Chiếu giảng, đối với ngoại cảnh dù đẹp xấu, thuận nghịch... , tâm mình đều phải vô tâm, tức là không dấy động. Được như vậy thì đó là thiền rồi, không cần hỏi chi nữa. 

  

* HOÀNG CẦM BỊ KIM Ô TRÁCH




 

     NHÀ THƠ KIM Ô
   TRÁCH HOÀNG CẦM




   Tôi thường chơi với các bạn thơ: Kim Ô, Vũ Từ Sơn, Chu Ngọc Phan, Tân Quảng... Người ít cũng đã có ba, bốn tập thơ. Chợt nhớ nhiều về một Kim Ô gần năm mươi năm trước. Con gái trung du nhiều em nhan sắc. Làm thơ, dạy văn chương, các thầy nhà ta đều sớm nhiễm cái thói đa tình mơ mộng Nguyễn Bính: Học trò trường huyện ngày năm ấy/ Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ/ Những buổi học về không có nón/ Đội đầu chung một lá sen tơ (Trường huyện).
   Hồi ấy, các thầy giáo Kim Ô, Nguyễn Xuân Hách đều chừng hai mươi tuổi, chưa vợ. Nguyễn Xuân Hách có một em họ Phan. Kim Ô cũng có một em. Sau, Kim Ô toại nguyện, còn Xuân Hách, Thề hoa chưa ráo chén vàng (Kiều), nàng đã quên ước, để bóng chàng mãi mãi chạy theo dòng sông Lục mà khản tiếng gọi: Chảy dọc đời ta sông lục ơi/ Môi ta thầm thĩ chẳng nên lời/ Gọi sông gọi mãi người em gái/ Em như sông biếc hững hờ trôi..Một đời chàng đã viết và còn viết nhiều những vần thơ ngao ngán. Bởi yêu Phan Thị B. , lấy luôn chữ Phan- họ người yêu thay cho chữ Xuân thành Nguyễn Phan Hách. Kết cục trớ trêu:
- Tên em cùng với tên anh
Yêu nhau đem đặt bút danh. quen rồi
Oái oăm lắm mấy sự đời
Tên thì lấy được còn người thì không.   
       - Tình đầu như gió bay tan tác
Tiếng chim đồi đùa cợt trêu ngươi
Tôi lại về sông Lục núi Huyền ơi
Vục nước uống vị ngày xưa trong mát…
Ngày nay, hàng năm Nguyễn Phan Hách vẫn thường trở lại, mơ tưởng xưa, cổ tích; còn Kim Ô tình nguyện đóng chốt nơi Dốc Sàn, Chu Điện. Quả là núi Huyền sông Lục có phép thiêng. 
   Kim Ô đã xuất bản hai tập thơ: Lặng lẽ vầng trăng (Hội Nhà văn/2004), Chạm vào xa xanh (Hội Nhà văn/ 2007) - tập thơ được Giải thưởng sông Thương... Tính ông xuề xoà, chân thành, ai cũng quý. Thơ ông đôn hậu, có nhiều tìm tòi. Thơ Kim Ô, bạn đọc thường nhớ nhất các bài: Núi ông Trạng, Làng,  Thơ nhỏ... Nhiều tứ thơ, câu thơ đạt thi tại ngôn ngoại, sâu sắc, thú vị. Ví dụ: “Ai bảo dã tràng công chẳng có/ Nó đã giúp nhiều cho các nhà thơ”...
  Viết về Nguyễn Du rất khó, thăm Tiên Điền, Kim Ô có bài Một chiều Nghi Xuân, nhiều bạn đọc yêu thích:  Tôi là người thứ bao nhiêu/ Đánh đường tìm đến một chiều Nghi Xuân/ Đây rồi mộ của vĩ nhân/ Nắm xương khô chắc dưới phần mộ kia/ Hoa tàn hương lạnh tấm bia/ Bạch đàn đôi ngọn đầm đìa giọt mưa/ Cúi đầu trước một trời thơ/ Đọc bao nhiêu nữa vẫn chưa hết Kiều... Bài thơ Tháng ba của ông dung dị mà vẫn có những nét lạ: Rét gầy bịn rịn chia tay/ Nắng non mỏng dính mưa lay phay trời/ Vỏ khô cây nứt nẩy chồi/ Hoa gạo đỏ về một thời hoang sơ/ Cái cò lạc cánh bơ vơ/ Cây cầu vồng nhỏ đứng chờ cơn mưa/ Trâu cày bì bõm ruộng trưa/ Hai con sáo tắm bên bờ sông trôi/ Ì ầm sấm động xa xôi/ Bỗng đâu tiếng ếch vỡ đôi buổi chiều.  
   Không gian quê xưa thanh bình, trong trẻo. Tiếng ếch vỡ đôi buổi chiều rất độc đáo, ấn tượng. Giờ đây, cái tiếng ếch đó hầu như không còn nữa, khiến người đọc bâng khuâng luyến nhớ.
   Nhà thơ Kim Ô rất quý Hoàng Cầm, có lần đích thân, ông đi Hà Nội đón bằng được về Lục Nam để thi sĩ đăng đàn-  nói chuyện văn chương, ngâm thơ tại một trường cấp III. Kết quả tốt đẹp. vốn đa tình, có lúc thấy mình giống như tác giả của Lá Diêu bông, cũng long đong, khốn khổ, Kim Ô làm bài thơ Trách bác Hoàng Cầm. Đây là một kiểu trách yêu:



       Một vùng Kinh Bắc xôn xao
       Chị Vinh ngày ấy vịn vào lá xanh
       Làm cho đổ quán xiêu đình
       Lang thang bốn bể bác tìm Diêu bông
       Thân em giờ cũng long đong
       Tương tư thơ bác, Diêu bông cũng tìm
       Bác làm em khổ con tim
       Ngẩn ngơ ngày tháng đi tìm Diêu bông...

   Nghe nói, hồi ấy, nhận được bài thơ trách yêu, thi sĩ Hoàng Cầm rất cảm động, ông liền rút ra 99 Tình khúc, tập thơ ông còn cuốn duy nhất, ký tặng nhà thơ miền quê sông Lục, lại gọi”phó nháy” đi theo, chụp ảnh kỷ niệm.      
                                                                                                                     
                                                                                                 D.P


                    







* TÔ HOÀN - KỶ NIỆM VỀ MỘT BÀI THƠ SÁNG GIÁ:



     ĐÊM MƯA

                                                                  
                                                                       
                                           
   Cuộc đời Tô Hoàn nhiều sóng gió. Ông sinh năm 1949, quê làng Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang; từng tham gia chiến tranh, là lính vận tải, sau chuyển sang Tuyên huấn Cục Hậu Cần của một Quân khu, chủ yếu là ở chiến trường Trung Trung Bộ, sớm có thơ đăng trên nhiều báo chí, có bài thơ hay được tặng thưởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1989. Cũng năm ấy, ông cho xuất bản tập thơ Có một lời ru, bị phiền luỵ. 

   Bài Tản mạn đời mình bị coi là “có vấn đề”, bị mổ xẻ nhiều nhất: Trắng đen thật giả cuộc đời/ Ẩn sâu trong trái tim người đỏ đen/ Thường là bèo bọt nổi lên/ Thường là vàng bạc nhận chìm đáy sâu/ Chữ tâm càng nặng càng đau/ Khi vui lắm bạn khi sầu mình ta. Giờ đây, quan điểm rộng mở, đọc lại, không thấy cái gọi là “vấn đề”, nhưng hồi đó là chuyện tầy đình. Buồn, ông xin về hưu, hưu non. Bài thơ Mong chờ, ông viết về người vợ rất cảm động: Mỗi ngày nhớ mỏi mòn đôi mắt chị/ Hai mươi năm mong một lá thư về/ Hai mươi năm chờ tay anh gõ cửa/ Ngọn gió đùa lừa chị những canh khuya…Tô Hoàn có nhiều bài thơ nhuần nhị, sâu sắc. Tiêu biểu là bài Đêm mưa: 



Con về thăm mẹ đêm mưa
Mới hay nhà dột. Gió lùa bốn bên
Bao nhiêu hạt thẳng hạt xiên
Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời
Con đi đánh giặc suốt đời
Vẫn không che nổi một nơi mẹ nằm. 

   Xin trích Lời bình của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi:  
“… Nếu ta thay tiếng đêm bằng tiếng chiều ( Con về thăm mẹ chiều mưa) thì nỗi niềm bài thơ bị giảm nhẹ ngay. Mưa dột thì lúc nào cũng khổ nhưng khổ nhất là dột đêm, mất cả giấc ngủ. Hai câu đầu giới thiệu hoàn cảnh, hoàn cảnh lại thật trớ trêu: mẹ ở nhà một mình, mưa đêm nhà dột, gió lùa bốn bên. Trông nhờ vào con, đứa con độc nhất thì nó lại đi xa.
Hai câu tiếp nói lên nỗi vất vả của mẹ:Bao nhiêu hạt thẳng hạt xiên/ Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời.
Hạt mưa cũng vô tình thôi nhưng trong văn cảnh của cặp lục bát này, tất cả như cố ý làm khổ mẹ. Chữ nhằm nghe thật xót. Nhằm vào mẹ đã xót lại còn nhằm vào mẹ những đêm trắng trời thì xót đau biết nhường nào! Đêm trắng vò võ nhớ con, lại bị mưa hắt vào người, vào mặt thì khổ quá còn gì! Đến cặp lục bát cuối, tác giả mới nói cho ta biết đứa con về thăm mẹ là bộ đội: Con đi đánh giặc suốt đời/ Vẫn không che nổi một nơi mẹ nằm…
   Tôi đọc câu cuối bài thơ mà run lên. Đó là tình thương mẹ của đứa con ở độ cao trào. Đó là một lời nhận lỗi về mình mà thật ra là trách nhiệm của toàn xã hội. Tác giả bài thơ- anh Tô Hoàn là một sĩ quan quân đội về hưu ở Bắc Giang. Tôi đoán bài thơ này anh viết rất nhanh vì những nỗi niềm của bài thơ đã day dứt trong anh từ lâu trở thành một bứt dứt, một ám ảnh không viết ra không chịu được. Đây là một bài thơ hay, một bài thơ viết như không, một bài thơ đọc lên chỉ còn tình, không còn câu chữ nữa”. 
  Bài thơ Đêm mưa, còn có hai kỷ niệm:
Theo nhà thơ Kim Ô kể: ở Lục Nam có anh chàng đọc bài Đêm mưa của Tô Hoàn khóc, bởi mẹ già của anh cũng đang phải ở nhà dột. Anh ta đã đem bài thơ Đêm mưa này đọc cho mấy anh chị em ruột nghe. Sau đó không lâu, ngôi nhà của mẹ già anh được trùng tu lại.  
Bài thơ Đêm mưa còn “trúng số độc đắc”, được tuyển vào tập 100 bài thơ hay thế kỷ XX, tập thơ do Trung tâm văn hoá doanh nhân phối hợp với Hội Nhà văn chọn lọc, ấn hành. Nhà thơ Tô Hoàn có nhiều tác phẩm ấn tượng, hay, nhưng có lẽ bài thơ Đêm mưa sáng giá hơn cả.       

                                                                       D.P                                        



* Ảnh: 

Từ trái sang:       TÔ HOÀN & DUY PHI đang 
trên canô chạy giữa hồ Ba Bể - Bắc Kạn (2002)
.