Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

RỒNG ĐÁ Ở ĐỀN THỜ...




  RỒNG ĐÁ  
Ở ĐỀN THỜ 
TRẠNG NGUYÊN 
LÊ VĂN THỊNH 
                    
 

 Lê Văn Thịnh, Trạng nguyên khai khoa (1075), 
bị vu oan trong chuyện  
Ông Trạng hoá hổ, đày đi Thao Giang, mất ở đó. 
Người ta mới tìm được tượng đá 
RỒNG TỰ CẮN THÂN MÌNH. 
Nay còn ở đền thờ Trạng tại Bảo Tháp, 
Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh. 
Đông Cứu thuộc núi Thiên Thai, 
cách làng Mão Điền - quê gốc của tôi chừng 3 cây số. 
Đây là 
bức tượng vô danh, người ta bảo, 
rồng chỉ vua, có ý oán trách vua thời ấy 
(Lại có người cho rằng: rồng là hình tượng Lê Văn Thịnh). 
Tháng 8/ 2011 vừa rồi, nhân về thăm quê, 
Duy Phi tôi mới có dịp nhìn tận mắt.
Nhân đây, đăng hai bài thơ cùng đề tài của 
Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo và của Nhà thơ Nguyễn Khôi ...




GS CHU HẢO
CHU HẢO  

           KHÔNG ĐỀ
 

Tai nghễnh ngãng không nghe kẻ sỹ
Mắt mù mờ không thấy hiền tài
Phũ phàng đầy đọa người trái ý
Ngàn năm còn mãi nỗi oan sai
Giận dữ ai nổi cơn thịnh nộ
Cắn xé thân mình răn đe ai
U mê mãi rồi cũng sám hối
Nguyên khí đâu mở lối Rồng bay


NT NGUYỄN KHÔI TẠI PHÁP

NGUYỄN KHÔI

VỚI TƯỢNG RỒNG ĐÁ
Ở ĐỀN THỜ LÊ VĂN THỊNH
     
                                         Tặng : Nhà thơ Duy Phi   
             
   Khối đá uy nghi tạc tượng Rồng
   Cả hàm răng sắc cắn vào thân
   Bấu thịt da mình bằng móng vuốt
   Một tai bịt kín "điếc" muôn năm...

   Chao ôi , đây chính hình Quan Trạng
   Làm đến Thái Sư...bị đọa đày
   Ai hay thời thế say "tân pháp" ?
   Dâm Đàm mù mịt khói sương bay...

   Nào đâu Vua sáng cần Trí thức ?
   ruồng rẫy Tôi hiền... "uất" ngậm tăm
   - Tự thân cắn xé cho tan nát
   Để nỗi hờn oan,  mãi luận bàn... !

                                   Quê Bắc Ninh, 26-12-1996
                                  những ngày viết "Bắc Ninh thi thoại"

DUY PHI

GHI BÊN RỒNG ĐÁ
         Ở ĐỀN THỜ LÊ VĂN THỊNH 
                 

Hàm rồng  mà răng lang sói
Đầu rồng sao giống Xà tinh?
Trí rồng người bảo anh minh
Kìa rồng đang ngoạm thân mình. Máu rơi!

 ---

* Thơ của GS TS Chu Hảo, từ blog Nguyễn Xuân Diện.
Thơ NT Nguyễn Khôi, từ blog GIÓ ĐÔI BỜ - Nguyễn Đương.

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012








NGUYỄN TRÂN TRÂN


     Sinh: 1937. Quê: Khoa Giáp, Tĩnh Gia, Thanh Hoá, định cư tại Thị trấn Bến Tắm, Thị xã Chí Linh, Hải Dương. Nghề nghiệp: Bác sĩ Thú y. Đã xuất bản tập thơ Miền quê ngoại, Nxb Văn học- 2009.
 “Chìm nổi một kiếp nhân sinh, bản thân Nguyễn Trân Trân đã là một “toàn tập”… Có thể xem, thế mạnh của Nguyễn Trân Trân qua Miền quê ngoại là những vần thơ nảy sinh từ hệ thống ký ức. Ký ức của ông có nhiều tầng nhiều vỉa. Ông đào xới ký ức như người thợ lò bền bỉ, nhọc nhằn tìm kim loại quý…”. “Cái cách diễn đạt ngôn từ ở đây mang đậm tính biểu tượng. Đằng sau những con chữ như có hồn phách ấy là sức nặng của nỗi đau trầm tích từ một phần ba thế kỷ”… 
                                                                                   (Trích Lời tựa của Nhà văn
 Đặng Văn Sinh  trong tập Miền quê ngoại)  

        ĐTM giới thiệu chùm bài rút trong tập thơ trên.

GIẬT MÌNH

Đêm ngủ trên đệm giường đơn
Bồng bềnh nhớ võng Trường Sơn năm nào
Cơn gió vườn thổi ào ào
Tưởng trận mưa rào ở giữa rừng sâu.
Giục đồng đội phủ tăng mau
Giật mình thức giấc hoa cau thơm lừng.

                                                     Bến Tắm, 2004







TỰ VỊNH

Lúc cưỡi Jawa lúc Mifa
Đi khắp làng gần đến xóm xa
Lúc chữa bò trâu khi chữa lợn
Đem niềm vui đến với mọi nhà.

Mặc khắc tao nhân ai chẳng biết
Khi thơ lai láng rượu la đà
Cũng thể Đốc- tờ đâu có kém
Đời người đã được mấy như ta…
    ---
  * Docteur vétérinaire - Bác sĩ thú y.   

TỰ THÁN

Bẩy mốt năm trời vô vị cả
Còn bao lâu nữa để mà vui
Sống ở trên đời thua được mất
Chỉ là trò tạo hoá giỡn ta thôi.
                                  8 - 2007


THẬT THÀ

Thật thà quá để nó lừa
Nhận biết ra đã là thua mất rồi
Vào chùa khấn Phật một thôi
Hai ông Thiện Ác buồn vui vô tình.


VỊNH CON CÔNG

Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
                              MẠC ĐĨNH CHI

Xoè đuôi vẫy cánh lắm khen chê
Lấp lánh muôn sao sáng lập loè
Vua chúa yêu chiều nơi cung cấm
Dân tình chăm đẵm phố cùng quê.

So ra thì cũng như nhau cả
Thế mà thiên hạ lại đam mê
Cũng thế là cầm mà thế đấy
Thì ra cái mã thật gớm ghê.




* Đọc thêm chùm thơ Nguyễn Trân Trân tại ĐỀN THƠ MỚI 16/ 10/ 2011.

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

TÂY SƠN HÀNH - DÂM THI BẬC NHẤT



TÂY SƠN HÀNH- DÂM THI
BÀI HỌC CHO KẺ SĨ

 


Lời dẫn
của Tam Uyển Trần Quang Đức -
Người phiên âm, dịch nghĩa Tây Sơn hành

VIỆT NAM ĐỆ NHẤT DÂM THI - TÂY SƠN HÀNH
   Bữa trước trong lúc dư nhàn, mỗ  có tìm đọc cuốn Tản Ông di cảo (ký hiệu A.2157) của danh sĩ thời Lê là Trần Danh Án. Đọc đến bài Tây Sơn hành (Bài thơ này còn được chép trong cuốn Thù thế danh thư,  ký hiệu VHv.2239 và cuốn Danh nhân văn tập, ký hiệu VHv.2432) thì quả thật hãi hùng chi thậm. Ông này là tôi trung của nhà Lê, kiên quyết bất hợp tác với triều Tây Sơn, thủy chung coi Tây Sơn là giặc mọi, thậm chí tỏ thái độ thù hằn và phất uất khi vua Lê gả công chúa Ngọc Hân cho Quang Trung Nguyễn Huệ. Nay đọc Tây Sơn hành mới càng thấy rõ điều đó. Có điều, từ ý tứ đến ngôn từ trong bài thơ này đều hết sức dâm bôn xằng bậy, càng ngẫm càng thẹn cho kẻ mũ cao áo dài. Xét tự cổ chí kim, văn chương nước nhà chưa có áng dâm thi nào đặng so sánh được. Nay xin tạm phiên âm dịch nghĩa ra đây, rồi sau xin các bậc thiện Nôm chi quân tử cùng diễn ra thơ quốc âm vậy.

Lời dẫn 
của Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện

TƯ LIỆU ĐẶC BIỆT ĐẶC TẢ ĐÊM TÂN HÔN 
CỦA VUA QUANG TRUNG VÀ NGỌC HÂN 
   Thưa chư vị, tôi cũng đã từng nhiều năm ngụp lặn trong kho sách Hán Nôm, cũng bận tâm tra cứu các thư tịch cổ về các chuyện "nguyệt hoa hoa nguyệt" đã nhiều phen, song chưa bao giờ có được may mắn như Tam Uyên Trần Quang Đức ở Nhã Nam. Trưa hôm qua, được Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương phô rằng có cái này hay lắm, bèn đứng lại ở sảnh Hàn Lâm viện để truy vấn. Chuyết Chuyết kể câu chuyện - mà chư vị sẽ xem dưới đây. Tôi choáng quá!
   Lúc ấy, trước mặt không có thư tịch, nên Chuyết Chuyết phải dùng cả đôi tay và cả toàn thân để mô tả những điều mà chàng định tả. Tôi càng choáng hơn!
Sáng nay, tại Thư khố Hán Nôm viện, bọn tôi gồm: Tam Uyển Trần Quang Đức, Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương, U Cốc khách Tô Lan cùng nhau mở 3 văn bản chữ Nho để đối chiếu và xác minh xem Tam Uyên có vì vui chuyện mà tự thêu thùa thêm chữ nào không. Quả thực là đúng như bài của Tam Uyển. Kíp khi ấy, Kim Anh nữ sĩ cũng có mặt, bèn được bọn tôi mời vào làm chứng!

Đêm tân hôn của Hoàng đé Quang Trung 33 tuổi, còn Ngọc Hân công chúa vừa 16 tuổi. Trời đất! Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên!

Vậy đã đủ chứng, mời chư vị thưởng thức (trên blog Nguyễn Xuân Diện) áng văn chương “vô tiền khoáng hậu” này.






 Lời dẫn 
của Duy Phi - 
cùng quê với Trần Danh Án

TÂY SƠN HÀNH - BÀI HỌC CHO KẺ SĨ

   Trần Danh Án (1755 – 1794), người xã Bảo Triện huyện Gia Định - nay là thôn Bảo Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ông nội là Tiến sĩ Trần Phụ Dực, cha là Tiến sĩ Trần Danh Lâm.
   Quê Trần Danh Án rất gần quê tôi. Tôi ở Mão Điền, Thuận Thành. Trần Danh Án ở làng Bảo Triện, tên thường gọi là Triện, dân làng tôi thường gọi cái tên vùng: Ngụ - Triện. Mão Điền và Bảo Triện chỉ cách nhau chừng mười cây số.

   Vừa rồi, chúng tôi có sưu tầm được một bài thơ của chúa Trịnh Sâm gửi Bảo Huy hầu Trần Danh Lâm, khi ông Danh Lâm - Thượng thư bộ Binh, một mực xin về nghỉ hưu:

THƯ BÚT NGỰ TỨ

Thư hương thế phiệt trọng nho lâm
Chấp cửu niên lai lí lịch thâm
Tế lí túc xưng Đường quốc bảo
Huệ nhàn hề lận Hán đình kim
Đức giang thắng khái cung di dưỡng
Thai lĩnh kì bằng lạc dự châm
Sơ chính chính kim cầu cựu thiết
Ngư lân chu phụ cánh hà tâm*


Dịch thơ:

BÀI THƠ CỦA CHÚA

Gia thế trọng nho tự thuở nào
Hai mươi chín tiết mấy công lao
Phò đời bền vững thân danh sáng
Giúp nước yên bình trụ cột cao
Sông Đuống tháng ngày buồm thưởng ngoạn
Thiên Thai đồi núi bạn tiêu dao
Ngôi mới, cựu thần cần giúp rập
Lẽ nào nhàn tản xóm làng sao?

                         Duy Phi dịch

    Trịnh Sâm muốn vời Danh Lâm ra tiếp tục phò chúa. Mới biết, vai trò dường cột của Trần Danh Lâm thời Lê Trịnh.  Đến đời con, Trần Danh Án cũng có vị thế quan trọng trong triều.
   Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919. Ngô Đức Thọ chủ biên (Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006), Trần Danh Án thi Hương đỗ Giải nguyên, thi Hội đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống 1 (1787) đời Lê Mẫn Đế.
   Nguyễn Huệ ra Bắc, nhiều bạn hữu vận động Trần Danh Án ra hợp tác với Tây Sơn. 
   Sự kiện lớn thời ấy: Nhân cơ hội, Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Dĩ Nghị đem 20 vạn quân sang xâm chiếm nước ta. Nguyễn Huệ lên hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, thần tốc ra Bắc đánh giặc. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), quân Thanh đại bại. Lê Chiêu Thống chạy theo giặc. Trần Danh Án cùng một số thân hào khởi binh chống lại Tây Sơn. Việc không thành, ông phải vào trong rừng ẩn náu. Năm 1794, nghe tin Lê Chiêu Thống chết bên đó, Trần Danh Án đã quay đầu về phía Bắc, nhịn ăn cho đến khi tắt thở. Khi mất, ông mới 40 tuổi, để lại các tập thơ văn: Liễu Am thi tập, Bảo Triện Trần Hoàng giáp thi văn tập, Nam phong giải trào, Lịch đại chính yếu luận. . . Tuy vậy, thơ Trần Danh Án còn ít được dịch, giới thiệu. Là một người nghiên cứu Hán Nôm ở địa phương, tôi nghèo tư liệu. Năm 2001, tôi có soạn cuốn Danh nhân văn học Kinh Bắc, có phần giới thiệu Trần Danh Án, in cùng Vô đề - hai bài thơ của ông. Với các bài thơ ngắn: Vô đề, Qua thành Cổ Phao…của ông, quá ít để có thể hiểu được tâm hồn, tư tưởng, tài năng thơ Trần Danh Án. 
  Do vậy, có tác giả đã nhận định: “Thơ văn Trần Danh Án không có bài nào mạt sát hay đả kích triều Tây Sơn”.
  Đến nay, đọc lại mấy câu thơ của ông: 
        - Kiếp này dẫu béo mồm hùm sói
       Thà chết không làm bụng chó heo.
        - Sang Bắc giấu mình còn nhớ Tấn
        Biển Đông thà chết chẳng theo Tần.
                         (Trả lời NgôThì Nhậm)
    Đến nay, có thêm Tây Sơn hành của Trần Danh Án, ta mới thấy rõ: Trần Danh Án cự tuyệt, thù hận, căm ghét, chế giễu, mạt sát Tây Sơn một cách quyết liệt. Và cũng qua đó, bộc lộ rõ hơn tài năng thi ca ông. Thời nào cũng vậy, có phải bảo hoàng và phái cách tân, dân chủ. Nếu còn Trần Danh Án, hẳn không ít bạn sẽ chất vấn: Sao ông cứ tôn thờ mãi một ông vua rước voi về giầy mả tổ, một triều chính đã mục ruỗng?
   Tây Sơn hành là một tác phẩm dâm thi, viết với một nhãn quan hạn chế, nhiều chi tiết thêm thắt nhằm xuyên tạc, trong khi vua Quang Trung được đại bộ phận dân chúng thời ấy ca ngợi. Đó là một bậc anh hùng: Mà nay áo vải cờ đào/ Giúp dân dựng nước biết bao công trình. Ngay công chúa Ngọc Hân, được vua cha gả cho Quang Trung, đâu có gì đáng phàn nàn. Ai tư vãn, tiếng than của Ngọc Hân khi Quang Trung mất, có câu: Kiếp này chưa trọn chữ duyên/ Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương. 
   Tây Sơn hành là một minh chứng hết sức sinh động cho một bảo thủ khi thời thế thay đổi, một bài học cho kẻ sĩ. Đúng như nhà Hán học Tam Uyển Trần Quang Đức đánh giá, Tây Sơn hành là một bài thơ:
   “Từ ý tứ đến ngôn từ trong bài thơ này đều hết sức dâm bôn xằng bậy, càng ngẫm càng thẹn cho kẻ mũ cao áo dài”.
    Song, nhiều thời, sự ngu trung không thể kể hết. Với Trần Danh Án, thì Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm, người cùng thời, có cái nhìn rộng lượng:
   Hiện nay, kiếm được người có học, có tài như người này thật khó. Nhưng xem chừng ông ấy chưa có bản lĩnh. Tuy nhiên, với người ấy ta vẫn có thể đánh bạn được. Trong các học giả ngày nay, lấy đâu ra những người như thế để cùng nhau nói chuyện về văn chương (Trích Kim mã hành dư).






      TRẦN DANH ÁN 

            TÂY SƠN HÀNH 

Thời, Nguyễn Chỉnh dẫn Tây Sơn Nguyễn Huệ  binh lai Kinh thành, Cảnh Hưng hoàng đế dĩ Ngọc Hân công chúa hạ  giá Nguyễn Huệ, cố  hữu thử tác.
Hải vũ  thừa bình nhị bách niên
 Thâm cung xuân sắc tỏa thuyền quyên
Yên hồng cẩm nhục nhân nhãn độc
 Thiển thúy hoa nhân  điệp mộng triền
Bất thị  thần tiên vô đối ngẫu
 Khả  kham phương cảnh hốt lưu liên
Sa song tịch mịch mai hàm tuyết
 Thúy ngự  ly phi liễu khốn yên
Hoa sự  lan san xuân dĩ hĩ
 Tàn anh lạc nhứ tổng kham liên
Đông đông hà xứ thành biên cổ
 Yết trần mạn tắc Trường An lộ
Cức hạ  phương toàn chấn diệp phong
 Thâm xuân hốt  điểm thôi hoa vũ
Tu my vô  đảm khống nguy thành,
Thoa phiến tương thân  để kiêu lỗ
Thiên vương tỉ  phụ thượng công phi,
Bất tỉ tầm thường hoa lộng chủ
Tôn vinh quý  sủng đối thiên hoàng,
Điện sính liêm nghi ưu đặc số
Vân thủy sô  tùng thúy ỷ la,
Phong lưu tấn tướng phân thân trụ
Phiến phu kiệu tử  tận phi thường,
Đô nhân kiến giả  hô vi phụ
Nhân tiện tân lang như nhất khẩu,
Thiếp kiến tân lãng trụy song thủ
Y thường mạn lạn ngữ thù ly,
Cốt tướng lăng tằng bì  trứu cổ
Đính thượng cao đôi Trương Giác cân





 Thoái gian bất trước Hàn Tín khố
Kỳ  trung nhất vật vọng nguy nhiên
 Trực dữ  tứ chi trì vi ngũ
Tĩnh tự  cao tăng ngột tọa vong
 Động như biền tử ca thân vũ
Bất ngôn bất tiếu bất ôn tồn
 Đại hống nhất thanh liệt như  hổ
Thiên quân phi tồn cứ tô hung
 Nộ  liệt la quần phi tuyết cổ
Thử  vật thùy tri giải thích nhân
 Hiệt hàng sáp nhập  ôn nhu hộ
Kiều hoa chi thượng cuồng oanh nhu
Cuồng oanh bất vi kiều hoa hộ
Hoa mạc trùng trùng liệt tăng thanh
 Diên lô  phiến phiến phi yên lữ
Nha giảo nhục chiên hãn như du
 Loạn đảo hồ  trừu tố bất trụ
Tu du quần  đới lạc tân hồng
Ám  điểm xuân trù phiên kỉ  độ
Thiếp thân lưỡng khổng tự liên hoàn
 Thuấn tức thông thành nhất đại khuyên
Quyển nhu điểm duyệt hốt kinh ngạc
 Hàng ma bất trị  bán văn tiền
Hắc  ám ký phi tiền độ bạch
 Oanh vu hựu cải cựu thời viên
Hô  hoàn nã úng niệu nhất niệu
 Niệu thủy chi thanh như  phi tuyền
Phi tuyền liễm diễm khứ bất phản
 Dương phong đả lạc đào hoa phiến
Đào hoa kiều khiếp bất thắng phong
 Phong liễm hoa hồn do giác quyện
Doanh doanh liễu cốt sấu tam phân
 Triệp triệp tương la khoan nhất bán
Để sự tuy nhiên bất sát nhân
 Mộ vũ triều vân an thục lạn
Tự  tòng kì khổ đắc kì  hoan
 Hoan hậu khước vong cựu khổ gian
Bất hoạn ngư  ông huy điệu sáp
 Dung dung đào lãng trướng bình than
Tả  cúc hữu mô thám hoa tủy
 Oanh bất  đình thoa điệp bất lan
Ngọc dạng hương tao thất hại tu
 Thượng lâu hạ  nữu viên đoàn đoàn
Phong tình đãng dạng hoa tâm cấp
 Khủng phóng đông quân khoảnh khắc gian
Man nhân lão thực  đa cao hứng
 Bất hội khinh thiểu chỉ  hội toàn
Phù  thế thanh vân như quá  khách
 Nhất sinh kỉ độ thác xuân miên
Khâm trù  lạc xứ vô di hạ
 Si tuẫn không danh ngộ  ngọc nhan
Bất kiến cẩm cơ  chi phấn đội
 Tây binh khứ hậu kỷ nhân hoàn
Thùy tương thử  vị ngữ tỉ muội
 Giá  lang cập tảo giá Tây Sơn. 


Dịch thơ: 

TÂY SƠN HÀNH 

   Bấy giờ, Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn quân Tây Sơn Nguyễn Huệ  tới Kinh thành, Hoàng đế Cảnh Hưng gả  công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ, cho nên có bài thơ này.
Hai trăm năm thanh bình xứ sở
Mỹ nhân kia khoá ở thâm cung
Lẻ đơn, chăn nệm gấm hồng
Mộng xuân gối biếc vô cùng đẹp tươi.
Không thần tiên ai người dám sánh
Chỉ tưởng mơ, cám cảnh thơ ngây
Mai đượm tuyết giữa song dày
Hoa trong vườn uyển, liễu đầy khói sương 
Bóng xuân qua, hoa vương lối nhỏ
Đáng thương sao, nhuỵ rữa hoa tàn
Tùng tùng! Thành bỗng trống vang
Rợ quân ào đến, Tràng An bụi mù
Hè chưa cuối, lạnh thu đã thổi
Đang chín xuân, mưa xối, bứt hoa
Mày râu đâu chẳng xông pha
Giặc hung, để bậc quần thoa gán mình.
Gái Thiên vương cũng đành tỳ thiếp
Là chúa hoa chịu kiếp tầm thường
Tôn vinh quốc sắc thiên hương
Tân hôn nghi thức cũng dường khác xưa
Tuỳ tùng vận lụa tơ, xe ngựa
Phù rể đông áo mũ xênh xang
Phu khiêng phu quạt nối hàng
Người kinh đô hứng reo tràn, gọi “cha”.
 Hâm mộ lắm, ôi chà, rể qúy
Nàng dâu trông chú rể, tay buông
Giọng trọ trẹ, áo phường tuồng
Da nhăn nhíu,
             vẻ giương giương ngang tàng.
Trương Giác chăng, đầu khăn tú ụ
Hàn Tín này quần khố sao đây?
Bên trong một vật thay lay
Tứ chi, sừng sững “ngọn” này là năm.

Lúc tính lặng như tăng thiền toạ
Khi lung liêng như gã múa ca. 
Nào đâu cười nói, ôn hoà
Bỗng gầm một tiếng, cỏ hoa rụng rời.
Cả nghìn cân dập vùi ngực nõn
Xé tan xiêm, tuyết ngộn đùi non
Vật đâm này chẳng phải thường
Ngung ngoăng rồi thọc vào luôn “cửa” hùm. 
Hoa nhụy ngọc, oanh khùng xâm xọc
Oanh khùng đâu giữ ngọc gìn hoa
Màng hoa lớp lớp lóc qua
Lò duyên mảnh mảnh day chà khói bay
Mồ hôi dầu, thịt lay răng nghiến
“Làm” không dừng giập nện, rút bừa
Giọt đào phút rớt xiêm tơ
Xuân qua mấy độ gió mưa nát nhàu
Thân ai hai vòng khâu kín núc
Giập bã trầu, một hốc rộng huênh
Vén cao áo lót mà kinh
Nẫu rồi, giờ nửa đồng trinh, đáng nào?
Đang trắng dịu, tím nhầu tím nhĩ
Khối tròn xoe méo sệ tang thương
A hoàn hứng chậu thêm buồn
Ghê thay, nước tiểu thác tuôn rề rề. 
Thác sóng sánh một đi không lại
Gió bời bời rụng mãi hoa đào
Hoa kiều diễm gió dông gào
Đời hoa quật quã nghẹn ngào rụng xuân
Vóc liễu đã ba phần gầy gụa
Áo lụa hồng, một nửa rộng hơn
Chết người thì chẳng chết luôn
Mây mưa dữ dội, héo mòn hồn tan
Hết khổ lạ thì sang sướng lạ
Sướng đến rồi quên cả khổ xưa
Chẳng lo lái rít chèo khua
Sóng đào bát ngát ngập bờ bãi sa
Vốc nụ trái vò hoa bên phải
Oanh cứ luồn bướm ấy không ngăn
Ngứa hương ngọc, chẳng ngại ngần
Trên ôm dưới xiết đảo vần càn khôn ?
Cuộc phong tình dập dồn háo hức
Chẳng chịu dời một lúc chúa hoa 
Hứng cơn, rợ quá thật thà
Đâm dùi, đâu biết mặn mà vuốt ve
Khách qua đường, gió đi mây đến
Đời người ta khôn vẹn giấc xuân
Rợ, Kinh chẳng kể, gối chăn
Danh suông vua hão rơi lầm vũng nhơ
Đám phấn son Cầm Cơ có thấy
Tây Sơn đi hỏi mấy quay về?
Việc này nói tỏ cho nghe
Lấy chồng cứ lấy, ừ thì Tây Sơn!*  

                         Duy Phi dịch

-----
* Có tham khảo bản dịch thơ của Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương.











   * TS NGUYỄN XUÂN DIỆN - VIỆN HÁN NÔM ĐÃ GIÚP CHO TƯ LIỆU. RẤT CẢM ƠN...


.

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012




CHÙM THƠ TỨ TUYỆT
TRONG SỔ TAY
MỘT NHÀ THƠ KINH BẮC

       (Bài rút trong Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG
   NGHỆ BẮC NINH  Số Xuân Nhâm Thìn- 2012)






BBT: Cuối tháng 9- 2011, nhà thơ Duy Phi có gửi tặng tôi tập Tạp ký Thi đàn ngẫu luận do Nxb Hội Nhà văn ấn hành quý I/ 2011. Khi nhận sách, tôi đang rất bận, định bụng giở xem qua rồi đánh dấu một số bài để xem sau. Ai dè chẳng dứt ra được. Thế là trong các đợt đi công tác ở Quảng Bình, thành phố Hồ Chí Minh… tôi cũng mang theo để tranh thủ đọc. Thật là một cuốn sách quý, nhiều bài hay. Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn, xin giới thiệu với bạn đọc chùm thơ tứ tuyệt trong Sổ tay thơ riêng của Duy Phi, được chép ra trong tạp ký trên, từ bài viết nhân ngày giỗ lần thứ 12 của nhà thơ Yến Lan để cùng thưởng thức chiêm nghiệm – Duy Phi. Riêng bài Bóc lịch của NT Duy Khoát mới gửi cho BBT đầu tháng 12/ 2011 và bài Tháng ba của NT Nguyễn Văn Chương, BBT rút từ tập Gửi người đang yêu (Nxb Hội Nhà văn, 2001).   

YẾN LAN


Tàu ngang quê cũ
Khói quyện đầu ô, nửa xóm nhoà
Tàu dừng đổ khách sắp rời ga
Đồng hương kẻ xuống người ra đón
Mình suốt đời đi chửa đến nhà.




CHẾ LAN VIÊN

Tứ tuyệt
Uốn cả hồn anh thành tứ tuyệt
Kẹt trong hõm đá voi quỳ chân
Đã đưa ngà được lên trăng sáng
Vòi chửa buông xong để uống vần.


HỮU THỈNH

Hoa sữa
Em đi về phương Nam
Sông đầy và bến lở
Để lại anh hoa sữa
Cuối thu thơm một mình.

VŨ QUẦN PHƯƠNG

Xiếc Trung Hoa
Các cháu về chơi đòi xem xiếc
Tết này có diễn xiếc Trung Hoa
Ông có đi không? Ông chả thiết
Xiếc ta đang diễn khắp muôn nhà.

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

CÂU ĐỐI TẾT NHÂM THÌN - HOÀNG GIA CƯƠNG











HOÀNG GIA CƯƠNG
Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội
Tặng các văn nghệ sĩ 
 & Bạn đọc ĐỀN THƠ MỚI


* VĂN MUỐN ĐẠT TÀI HOA,
     TÂM CẦN SÁNG, TỨ CẦN SÂU,
        NĂNG GẠN ĐỤC KHƠI TRONG, VĂN MỚI TUYỆT

  NGHỆ MONG NÊN TUYỆT TÁC
      TRÍ PHẢI MINH, CÔNG PHẢI TRỌNG
                BIẾT TẦM SƯ HỌC ĐẠO NGHỆ CÀNG TINH. 


* NÉT DÂN GIAN NHẠC, HOẠ CẦN GHI:
DÙ TRANH VẼ, LỜI CA… PHẢI ĐẬM ĐÀ SẮC VIỆT

  TÍNH HIỆN ĐẠI THƠ, VĂN PHẢI NHỚ:
DẪU TỨ THƠ, Ý TRUYỆN… CẦN KHÍ PHÁCH TRỜI NAM.