Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

VỀ TƯỚNG GIÁP VĂN CƯƠNG - TRẦN ĐĂNG KHOA







THƯỢNG TƯỚNG GIÁP VĂN CƯƠNG (1921- 1990)
Quê: BẢO ĐÀI- LỤC NAM - BẮC GIANG
ĐƯỢC PHONG ĐÔ ĐỐC HẢI QUÂN VN - NĂM 1988


Ở TRƯỜNG SA
NHỚ MỘT VỊ TƯ LỆNH BIỂN 


Nhà thơ
Trần Đăng Khoa




Vị Tư lệnh biển ấy là Thượng tướng Giáp Văn Cương. Khi tôi kể lại đôi chuyện về ông thì ông đã mất cách đây chừng mươi năm rồi. Tôi rất mừng khi ai đó đề xuất rằng, ở Thành phố Hồ Chí Minh nên có một con đường mang tên Giáp Văn Cương. Đấy là một gợi ý rất hay. Một sáng kiến rất hay. Chúng ta cũng cần lưu giữ lại một chút gì về ông cho hậu thế.
Bởi cho đến nay, vẫn có người còn nhầm Thượng tướng Giáp Văn Cương với Trung tá Giáp Văn Khương, người lính đánh Pháp xưa đã dũng cảm nhảy từ núi Non Nước xuống sông Vân ở Ninh Bình. Đó là hai vị anh hùng hoàn toàn khác nhau. Giáp Văn Cương là một vị tướng tài. Ông là tướng quân sự, nhưng diễn thuyết rất hay. Tôi đặc biệt thích nghe Tướng Cương trò chuyện với Lính. Hồi ấy đất nước đã thống nhất, nhưng nghĩa vụ quân sự vẫn như những năm chiến tranh. Có người ở đảo đến cả chục năm liền. Mà ở đảo bấy giờ thì thiếu thốn, gian khổ lắm chứ không như bây giờ. Tôi đã nói nhiều về nỗi khổ này, nên không nhắc lại. Tướng Cương bảo: Tớ đâu có muốn đày đọa các cậu. Giá trị gì mấy cái hòn đá cỗi cằn này mà phải gìn giữ? Nhưng đây là Tổ quốc của mình, là máu thịt của mình. Chúng ta giữ gìn, có phải giữ mấy hòn đá hoang dại này đâu. Mà là giữ biển đấy chứ. 




 Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA 
Ở ĐẢO THUYỀN CHÀI - TRƯỜNG SA 5/ 2012



Mất đảo là mất biển, mà biển lại bao bọc suốt từ Bắc đến Nam. Tất cả kẻ thù đánh ta đều đi từ đường biển. Pháp cũng vào ta từ biển. Mỹ cũng thế. Gần kề ta, núi liền núi, sông liền sông, mà Ô mã Nhi xưa cũng tấn công ta qua cửa biển Bạch Đằng. Thế thì chúng ta phải giữ đảo, giữ biển thôi. Khổ mấy cũng phải giữ. Có chết cũng phải giữ. Thế nên chúng mày mới phải chịu cảnh đọa đầy thế này. Tao già rồi, ngoài 70 rồi, lẽ ra phải được ở nhà an thú tuổi già chứ, vậy mà rồi tao vẫn phải lọ mọ lặn lội sóng gió ra đây với chúng mày. Vẫn phải làm Tư lệnh. Tất nhiên tớ biết, các cậu vất vả hơn Tư lệnh nhiều, khổ hơn Tư lệnh nhiều. Vì Tư lệnh còn được ở đất liền. Hay là các cậu vào đất liền, làm Tư lệnh thay tớ, để tớ giữ đảo cho. Ở đây có cậu nào làm được Tư Lệnh không? Xung phong nào? Mạnh dạn lên chứ!. Cậu nào làm được Tư Lệnh, tớ sẽ báo cáo quân chủng, báo cáo Bộ Chính trị cho thay ngay Giáp Văn Cương?. Còn việc về phép của các cậu, chúng tớ có tiếc gì đâu. Nhưng Bộ tư lệnh nghèo quá. Đất nước nghèo quá. Còn hàng triệu bà mẹ liệt sĩ thiếu ăn, hàng triệu trẻ con không có trường học. Đưa một cậu về phép, Bộ Tư lệnh phải xuất 20 tấn dầu cả tầu ra tầu về, rồi tầu lại ra. Mà dầu thì cả nước không có, phải mua của nước ngoài, mua rất đắt. Mỗi đứa bớt một lần về phép thì một trăm bà mẹ Liệt sĩ có được đến mấy tháng ăn. Mà hàng triệu bà mẹ liệt sĩ còn đứt bữa. Thế rồi ông khóc. Lính cũng khóc. Thôi, chúng con hiểu rồi. Bố đừng nói nữa, chúng con thương bố lắm. Ông Cương bảo: Chẳng ai nỡ làm một cái việc táng tận lương tâm là cắt phép của các cậu. Nhưng hôm nay tớ phải làm cái việc táng tận lương tâm ấy đấy. Cắt phép. Còn nếu cậu nào có thể tự túc về được thì tớ cho các cậu đi ngay. Đi bất cứ lúc nào. Có ai bơi được về đất liền không? Không à? Giai trẻ gì mà kém thế. Tớ mà trẻ trai như các cậu là tớ trốn đấy. Thế là Tướng với Lính cười bò. Cười mà nước mắt dàn dụa. Ông Cương tài lắm. Mà rất chân thành. Cánh lính thương ông cũng vì sự chân thành ấy. Tôi nhớ có lần Tướng Cương đến tuần tra một hòn đảo. Đảo bé lắm. Chỉ lờ phở một doi cát đủ để dựng một túp lều bạt. Ở đây thì mọi thứ đều thiếu thốn rồi. - Giọng Tư lệnh bùi ngùi - Nhưng cái gì cần nhất, cấp thiết nhất, các cậu cứ nói thẳng với mình. Bộ tư lệnh sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ các cậu. Thế bố cho con được nói thật nhé! Ừ, thì phải nói thật chứ! Tư lệnh mỉm cười. - Chả lẽ tớ già thế này, còn lặn lội vượt sóng gió ra đây để rồi rốt cuộc, lại nghe các cậu nói dối à? Nhưng bố không được phê phán con lãng mạn cơ...Cái thằng! Tao còn lãng mạn hơn mày ấy! Anh lính trẻ nhìn mái đầu bạc trắng của Tư lệnh, cười hồn nhiên: Thế thì, con đề nghị bố thế này nhé! Bận sau, nếu bố ra đảo, bố chịu khó giắt lưng cho chúng con vài cô gái...Chúng mày muốn nghe hát hả? Muốn xem văn công hả? Không, không! Con đâu dám có voi đòi tiên! Văn công xa vời quá! Chúng con chỉ muốn bố mang ra đây vài cô nuôi quân thôi! Các cô ấy chỉ mặc tấm áo phin trắng, đi phơ phất trên đảo, để chúng con ngắm, chúng con “chỉnh” mắt. Chứ mắt mũi chúng con, bố thấy đấy, sang vành hết cả rồi!...Tư lệnh cười ha hả. Anh lính trẻ cũng cười. Chưa bao giờ tôi được nghe cuộc đối thoại kỳ lạ như thế. Sau đó, quả như niềm ao ước của anh lính trẻ, các cô gái lần lượt ra thăm đảo. Không phải cánh nuôi quân mà các cô văn công mặt hoa da phấn hẳn hoi. Trông cô nào cũng đẹp, cũng thơm phức và lộng lẫy như những nàng tiên cá. Các cô múa hát và khâu vá cho chiến sĩ. Nhiều anh áo quần còn mới nguyên, cũng bí mật xé ra, rồi nhờ các cô vá. Thế là từ đấy, lần nào Tư lệnh ra đảo, các chiến sĩ cũng được dự những bữa tiệc mắt linh đình. Nhưng đó là chuyện sau này, còn chiều ấy, ngồi bên Tư lệnh trên mặt cát nóng bỏng như rang, mặc dù mặt trời đã lặn xuống biển lâu rồi, anh lính trẻ quê xứ Nghệ thực sự coi Tư lệnh như một người đồng đội thân thiết. Anh lắc lắc đầu gối Tư lệnh: Bố thấy Vuơng quốc của chúng con thế nào? Tư lệnh đưa mắt nhìn suốt rẻo cát trống trơn, rồi lại nhìn cái lều bạt dã chiến cứ hộc lên trong gió tựa hồ một con ngựa bất kham, đang lồng lộn như muốn rứt tung mấy sợi xích sắt căng ghì xuống đảo. Đẹp, nền nếp. Đúng quân phong quân kỷ. Ở đây mà giữ được như thế này là tốt lắm rồi.Giọng Tư lệnh bỗng bùi ngùi. Bố đừng lo! Chúng con ở đây quen rồi! Khổ mấy chúng con cũng chịu được! Nhưng đúng như bố nói đấy. Rất vất vả, cực nhọc. Nhiều lúc mệt quá, con liều nghĩ, hay là ta cứ tạm giấu quách đảo đi! Tư lệnh ngạc nhiên: Giấu đảo à? Mày nói gì lạ thế? Giấu thế nào?. Thì bố cứ cho con mượn tạm cái xẻng. Chỉ ba tiếng là con giấu xong đảo thôi! Mà không đến ba tiếng đâu. Chỉ tiếng rưỡi đồng hồ là con xúc xong chỗ cát này cho xuống biển, đố kẻ nào nhìn thấy đảo, có muốn cướp đảo cũng chịu! Tư lệnh cười vang, cười đến giàn giụa nước mắt. Rồi ông lóp nhóp đánh xuồng về tàu. 



BÀNG VUÔNG
MÓN QUÀ ĐỘC ĐÁO TRƯỜNG SA TẶNG ĐẤT LIỀN 



Và thật bất ngờ, lát sau, ông trở lại với chiếc xẻng còn mới coóng. Đây! Xẻng đây! Không phải mượn đâu. Tớ tặng luôn cậu đấy để cậu giấu đảo! Cứ tưởng anh lính trẻ sẽ lắc đầu quầy quậy. Nào ngờ anh vồ vập đón chiếc xẻng từ tay Tư lệnh. Và sáng sớm hôm sau, khi Tư lệnh đánh xuồng trở lại đảo thì thấy anh chàng đang cởi trần, sì sụp lặn ngụp cùng với chiếc xẻng của Tư lệnh. Nhưng anh không xúc cát đổ xuống biển, mà lấy cán xẻng khẽ bẩy từng tảng đá san hô chìm sâu dưới mấy mét nước, rồi lụi cụi khuân lên, đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay. Mày làm cái gì thế? Giấu đảo à? Dạ, báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ! - Anh lính cười khục khục, gương mặt nhấp nhoá nước. Mà, mà, đúng ra, đúng ra chúng con chỉ “buông neo” cho Tổ quốc khỏi bị trôi dạt thôi!
Tổ quốc sẽ không bao giờ bị trôi dạt, bởi chúng ta đã có những vị Tướng như thế, những người Lính như thế. Bây giờ, Trường Sa đã khác. Cây lá xanh rì với không gian trong lành như công viên sinh thái. Thấp thoáng sau những bóng cây là mái chùa quen thuộc. Tôi ước ở đây sẽ có những đoạn đường dù chỉ dài mấy trăm mét mang tên Giáp Văn Cương, rồi các đường phố mới mở ở 64 tỉnh thành trong dải đất liền hình chữ S kia, mang tên những người lính vô danh đã quấn lá cờ Tổ quốc lên thân mình, rồi lấy ngực mình chắn những luồng đạn, những con sóng dữ tợn, che chở cho đất liền, và neo giữ để Tổ quốc không bao giờ bị trôi dạt…

Nguồn: Blog laokhoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét