Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU * Duy Phi biên dịch









Sách tái bản - 2003  
249 BÀI THƠ CHỮ HÁN - NGUYỄN DU 
DUY PHI BIÊN DỊCH 
khổ 14,5X20,5 (cm), 484 trang
Bìa: Hoạ sĩ Trần Đại Thắng trình bày. 
Nhà sách 5 Đinh Lễ in, phát hành 



249 BÀI THƠ CHỮ HÁN
NGUYỄN DU
DUY PHI biên dịch
TÁI BẢN MƯỜI NĂM TRƯỚC  


... Dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du đâu phải dễ. Phần nhiều dịch giả chỉ dịch nghĩa. Không phải nhà thơ tài hoa thì không dịch được ra thơ. Nhất là thể thơ giàu ước lệ, nhiều điển tích, niêm luật lại cố định rất nghiêm ngặt... Phải lao tâm khổ tứ, sành điệu, tài hoa nữa. Khó lắm! Người xưa đã đặt phàm lệ trong việc dịch thơ là: TÍN - ĐẠT - NHÃ.  Tác phẩm 249 bài thơ chữ Hán - Nguyễn Du do Duy Phi biên soạn và dịch thơ (xuất bản lần đầu năm 1999, tái bản năm 2003) đã làm được việc đó.

                                                      Nhà thơ NGUYỄN VĂN CHƯƠNG 
                               (Những hạt vàng siêng nhặt, NVC, Nxb Văn học- 2008)






Sách in lần đầu- 1999
249 BÀI THƠ CHỮ HÁN - NGUYỄN DU 
DUY PHI BIÊN DỊCH 
khổ 14,5X20,5 (cm), 484 trang
Bìa: Hoạ sĩ Văn Sáng trình bày. 
Tổng Công ty Sách Tràng Tiền in, phát hành 




Thông tin thư mục

từ trường Đại học MICHIGAN (HOA KỲ) 

QR code for 249 bài-thơ chữ Hán Nguyễn Du

DỊCH GIẢ TỰ BẠCH:

* Cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du - (NXB Văn Học - 1965), nhóm Lê Thước, Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch...; 9 người tham gia dịch thơ. Câu thơ Tiển đăng độc chiếu sơ trường dạ - (Thanh Hiên thi tập, bài 17). Tiển đăng - ngọn đèn vặn nhỏ. Quách Tấn dịch: Đèn khêu riêng cảm đêm dài dặc. Trong sách trên dịch: Quạnh quẽ đêm dài đèn bấc lụi. Đèn hết dầu, thối bấc sao? Lại nhớ, Nguyễn Trãi có câu: Nhà ngặt đèn xanh con mắt xanh, ý thơ rộng lắm. Câu thơ Nhược ngộ sơn trung mi lộc hữu - Nghĩa: Nếu gặp bạn hươu nai trong núi. Mi : nai, lộc: hươu. Sách trên bí vận, muốn hai chữ đó phải có một chữ vần trắc để đảm bảo niêm luật, nên đã dịch: Nếu gặp bạn bè hươu vượn núi. Hai chữ hươu vượn còn có ý xấu (nói hươu nói vượn). ý thơ bị giảm hẳn. Trong sách giáo khoa Văn 10, có đến mấy chục năm người ta dùng các bản dịch thơ: Phản chiêu hồn, Long thành cầm giả ca... , rút từ cẩm nang Thơ chữ Hán Nguyễn Du - 1965 này. Bản dịch thơ Phản chiêu hồn có câu: Lên trời xuống đất hết đường/ Mà thành Yên, Dĩnh chớ mường để chân, chắc người dịch bí vần, muốn biểu đạt là “chớ màng”. Câu Giảo tước nhân nhục cam như gi, chữ gi: kẹo mạch nha, còn gọi là kẹo mầm, kẹo kéo. Bọn thượng quan Cao, Quỳ nhai xương thịt dân lành ngọt xớt, dẻo mồm như nhai kẹo mạch nha. Sách trên dịch: Cắn xé thịt người ngon mía de. Hai chữ sai: cam là ngọt, ngọt khác với ngon; mía de, loại mía cây chỉ bằng chiếc xe điếu, mọc dại ở bờ sông. Mấy bà mẹ nghèo ngày xưa đi chợ, không có tiền mua quà cho con, khi qua bãi sông thường bẻ lấy một nắm mía de về cho lũ con nhỏ nhai nhì nhằng, qua chuyện. Mía này độ ngọt ít lắm. Bí vần, dịch giả cứ dịch “đại” như thế! Câu Ngư long bất thực sài hổ thực, nhóm trên dịch: Cá không rỉa, hùm cũng tha. Ngư long chính là cá sấu (dân gian gọi là thuồng luồng), dịch là cá (bản của BHC dịch là cá rồng) đều không thoát ý.
Bài Long thành cầm giả ca, câu Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm; chữ ngâm, nghĩa 1: đọc thơ ngân nga, nghĩa 2: rên rỉ. Chuyện xưa: Trang Tích ốm, Sở Vương hỏi mọi người: “Tích là kẻ tầm thường ở đất Việt, nay làm quan ở nước Sở, được phú quý rồi thì còn nhớ nước Việt không?”. Viên ngự thị đáp: “Phàm người ta có nhớ nước cũ hay không thường tỏ ra trong lúc ốm đau. Nếu lúc này nói tiếng Việt thì tức là nhớ nước Việt, bằng không thì nói tiếng Sở”. Sở Vương sai người lén nghe, thấy Tích ngâm bằng tiếng Việt. Từ ngâm này nên dịch với nghĩa 1, khi đau yếu người ta hay ngâm nga những khúc ca cố hương. Sách trên đã dịch: “Buồn như tiếng Việt, Trang nằm đau rên”. Rên là tiếng phát khẽ, do bí vận, dịch là rên tiếng Việt nghe không ổn. Lại câu Nê thổ kim tiền thù thảo thảo, sách trên dịch: Tiền như bùn ước lược qua loa. Đã coi tiền như bùn, sao trước khi ném cho người đẹp còn phải “ước lược”?...
Trên đây, chỉ là một số dẫn chứng. Biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối: sưu tầm, chú giải, dịch thuật, tiếp thu không có nghĩa chúng ta nuốt luôn cả sạn. Sau khi hai cuốn sách ấy xuất bản, trên 40 năm qua, ta đã có thêm nhiều bản dịch thơ Nguyễn Du.  Duy Phi tôi mạnh dạn đóng góp một bản dịch, biên soạn thành sách 249 bài thơ chữ Hán Nguyễn Du, xuất bản lần đầu năm 1999, tái bản năm 2003.    

* Phê phán thì dễ, dịch mới khó. Tạp chí Hán Nôm (Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam) có yêu cầu mấy người phê bình phải có bản dịch khắc phục được những chỗ vướng mắc ấy. Duy Phi tôi chữ nghĩa còn nông cạn nhưng đã gắng sức mà có mấy bản dịch, ví dụ: bài thơ Long Thành cầm giả ca - thơ chữ Hán Nguyễn Du:  


Bài ca người gảy đàn
đất Long Thành 

      

Long thành người đẹp từng quen
Đã lâu nào có nhớ tên họ gì
Nguyệt cầm nổi tiếng đương thì
Trong thành quen gọi ca nhi: Cô Cầm
Cung Phượng xưa học khúc đàn
Khúc đàn hay, cả thế gian khôn bì
Thiếu thời từng gặp say mê
Bên hồ Giám, yến tiệc khuya năm nào
Nàng chừng ba bảy (3 x7= 21) trẻ sao
Áo hồng, ánh mặt hoa đào hồng thêm
Ngấm men má đỏ hồn nhiên
Ngón tay buông bắt diệu huyền năm cung
Tiếng khoan như gió rừng thông
Tiếng trong, đôi hạc vọng cùng xa xăm
Mạnh như Tiến Phúc sét gầm
Buồn như Tích ốm, điệu ngâm quê nhà
Nghe mê mải nhớ thiết tha
Nhạc xưa Đại nội Trung Hòa khôn quên
Tây Sơn quan khách ngả nghiêng
Mảng vui những muốn nối thêm canh trường
Bốn bề gieo thưởng tranh hơn
Bạc tiền coi rẻ như bùn, ném ra
Vương hầu thua vẻ hào hoa
Kể gì trai trẻ mấy tòa Ngũ Lăng
Tưởng như ba sáu cung xuân
Đúc nên vật báu Trường An rỡ ràng
Tiệc xưa đã hai mươi năm
Tây Sơn bại, ta trời Nam gửi mình
Tấc gang chẳng thấy bóng thành
Huống chi dự những tiệc quỳnh múa ca
Nặng tình, Tuyên phủ tiễn ta
Tiệc vui ca kỹ những là trẻ măng
Chợt cuối phòng mái hoa râm
Mặt vàng mình võ âm thầm xót xa
Nét mày nếp áo phôi pha
Ai hay Đệ nhất tài hoa một thời?
Khúc xưa nghe lệ thầm rơi
Lắng tai, dạ những bùi ngùi gần xa
Chốc mòng hai chục năm qua
Tiệc bên hồ Giám la đà... còn đây...
Thành quách khác, người đổi thay
Nương dâu xưa hóa biển đầy, mù khơi
Nghiệp Tây Sơn đã mất rồi
Riêng làng ca vũ một người còn kia
Trăm năm như bóng chớp lòe
Thương nàng vạt áo này chia lệ sầu
Nam ra, mình trắng mái đầu
Trách chi người đẹp xanh xao, héo tàn
Trừng trừng đôi mắt mơ màng
Quen mà như lạ lại càng thêm thương... 

                           Duy Phi dịch 

----
* Bài Tiểu luận & các bản dịch thơ này đã in trong Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1999



3 nhận xét:

  1. Anh Duy Phi thân mến
    Tôi đã đọc bài này của anh trên trang www.newvietart.com ,chỗ của anh TUVU
    Nay tôi muốn tâm tình cùng anh về bản dịch này nhằm đi tìm một bản dịch tạm gọi là tốt nhất để cho con em chúng ta luôn tự hào về tiền nhân nó . Việc này không nhằm sự hơn thua mà là trách nhiệm về tinh thần của một công dân nước Việt .
    Trong tinh thần này tôi muốn cùng anh làm sáng tỏ đôi điều .


    1-anh cũng như nhiều người khác đều dịch Giai nhân là người đẹp. Trong việt ngữ từ giai nhân chỉ người đẹp nghiêng về tinh thần hơn là sắc .Giai là vẻ đẹp về chất , có thể cả tinh thần lẫn xác thịt .Mỹ nhân là người đẹp về xác .Mỹ nhân là vẻ đẹp khiến người ta muốn được ôm và mơ tưởng về xác thịt Giai nhân là là người phụ nữ có vễ dệp khiến người ta trọng đó là cách khác biệt giữa thi nhân ta và Tàu
    Trong đời người phụ nữ Việt nam ,một lần trong đời họ được tặng là giai nhân ,đó là ngày cưới .Mc giớithiệu tân giai nhân và tân lang .
    Riêng ba câu đầu
    Long Thành giai nhân
    Tính thị bất kí thanh
    Độc thiện Nguyễn cầm (1)
    Là ba câu tán dương người đánh đàn .Đúng ra là ba câu bất khả dịch.
    Câu thứ 2 , “Tính thị bất kí thanh” , là câu thể hiện một nhân sinh quan của người giai nhân nước việt
    Câu thứ 3 , là tài hoa của người đánh đàn
    Câu 4 , Cử thành chi nhân dĩ Cầm danh
    Là câu xác nhận mối liên hệ tốt đẹp của người đánh đàn

    Nay tôi gởi cho anh một đoạn tôi dịch .
    Nesu anh đọc kỹ bản văn chữ Hán tiếp bốn câu này là một câu 9 từ .
    Bài văn có hình thức rất Việt nam . Cáu truc như là một lối hát nói ,bón câu đàu nhằm gây sự chú ý cao độ cho người nghe .
    Thế nên có ba hình thức dịch 4 câu đầu .
    một là giữ nguyên tác chữ hán
    hai là chuyển sang lục bát
    ba là dùng song thất lục bát

    câu đầu dịch theo Lục bát

    Long Thành hiện có Giai nhân,
    Tính danh không nói ai lần cho ra.
    Khi chơi đàn Nguyễn phải là! …
    4-Trong thành mến mộ gợi ra tên” Cầm”

    Hay Song thất lục bát

    Long Thành có Giai nhân, hoa lạ
    Không nói ra, ai biết mà lần.
    Lẫy lừng đàn Nguyễn ngón thần,
    4-Trong thành trên dưới gọi thân:“Cô Cầm”




    Sau đây là một đoạn dịch toàn văn thành một thể song thất lục bát thống nhất


    Long Thành có Giai nhân, hoa lạ
    Không nói ra tên thật khó lần.
    Lẫy lừng đàn Nguyễn ngón thần,
    4-Trong thành trên dưới gọi thân:“Cô Cầm”

    Khúc Cung Phụng dốc tâm học sõi,
    6-Đệ nhất thanh trong cõiNgườiTa,
    Thiếu thời nay sực nhớ ra
    8-Tiệc đêm hồ Giám, Ai đà ngồi chung?.

    Ai ngày ấy ước chừng hăm mốt,
    Áo ai hồng, hong tóc mặt hoa.
    Ngây thơ má rượu ráng pha,
    12-Năm cung réo rắc tay ngà phím loan.

    13-Khúc Khoan!,”_ gió,thông đan khúc nhạc”
    14-Khúc tình ru!, “_ song hạc vờn mây.’
    15-Sứng sờ khúc!,”_ dậy từng giây”
    Sấm rền bia nát, treo ngày công phu!.”

    Khúc Bi!, “ _thương thân tù Trang Tịch,
    Tiếng quê cha ngâm khúc đời tà”.
    17-Chiếu trên chiếu dưới ngà ngà,
    18-Khúc đàn đại nội Trung Hòa là đây!

    Quan Tây Sơn ngồi ngây tận sáng
    Thả hồn theo, tâm trạng đầy vơi.
    _ Tháo khăn đầu! tả hữu bồi,
    22_Tiền là phấn thổ!, hồi hồi… phà ra.

    Hào hoa quá!,_Vương hầu phải chịu,
    Đám Ngũ Lăng niên thiếu!,_ nín khan,
    Nghe chừng ba sáu cung xuân,
    26-Đúc nên quốc bảo Trường An một người.

    …..
    Anh có thể đọc toàn văn bài viết của tôi trong chim viêt cành nam hay trong www.art2all.net trong một ngày rất gần đây cùng với lời bình của mình
    Chúc anh vui
    Thân ái
    Laiquangnam
    laiquangnam @gmail.com

    Trả lờiXóa
  2. Tiếc thương.

    Nay được biết tin anh đã đi về cõi vĩnh hằng năm rồi qua một bản tin trên mạng. Thật là một điều đáng buồn và là một sự mất mát chung của giới văn học bởi một tấm lòng đã ra đi .Laiquangnam xin thành kính phân ưu cùng gia quyến, cầu mong linh hồn Anh luôn được siêu thoát tại miền cực lạc.
    Kính.
    Laiquangnam .
    Nam California
    Tháng ba ,2014

    Trả lờiXóa
  3. 4 am ngày 12 tháng 10 năm 2022 đọc lại lời tăm tình cũ

    Trả lờiXóa