Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

CHÚC MỪNG NV ĐỖ CHU...







19/5/2012 vừa qua 
NHÀ VĂN ĐỖ CHU
ĐƯỢC TRAO 
GIẢI THƯỞNG  HỒ CHÍ MINH
VỀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT 
ĐTM CHÚC MỪNG, ĐĂNG BÀI CỦA NV TÔ HOÀNG... 


NHÀ VĂN ĐỖ CHU
Một tài năng chín sớm


                                         TÔ HOÀNG


  “Điều đáng kể, anh có một trí tưởng tượng nhanh nhạy, khoáng hoạt không ai bì. Trí tưởng tượng ấy lại được phù trợ bởi sức lao động bền bỉ, chăm chỉ và một ý thức trách nhiệm cao với từng con chữ, từng dòng viết”.

   Những truyện ngắn đầu tiên như Ao làng, Thung lũng cò, Hương cỏ mật, Mùa cá bột của Đỗ Chu đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội vào hai năm 1962-1963. Thời gian ấy những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học tên tuổi sau này như Phạm Tiến Duật, Nghiêm Đa Văn, Tô Nhuận Vỹ, Vương Trí Nhàn, Lâm Quang Ngọc… đang còn là sinh viên năm thứ hai, khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những truyện ngắn ấy đầy sức hấp dẫn và cũng đầy chất kích thích các chàng sinh viên sư phạm nhưng lại ấp ủ hoài bão trở thành nhà văn, nhà thơ.



LỄ TRAO GIẢI THƯỞNG HCM  
tại nhà hát TP Hà Nội


   Nghiêm Đa Văn đóng những tập giấy giá năm hào hai lại với nhau viết một lèo hai cuốn tiểu thuyết tựa đề rất hay nhưng không bao giờ ra mắt bạn đọc - Lá nhoCon ngựa cơm cháy. Lâm Quang Ngọc viết lên vách tường cạnh chỗ nằm ở ký túc xá sinh viên: “Cố gắng đuổi kịp và vượt Đỗ Chu!”. Các chàng sinh viên mê văn chương ấy càng ngạc nhiên, sửng sốt hơn khi phát hiện ra Đỗ Chu khi ấy mới 17 tuổi, đang là học sinh năm cuối trường Phổ thông cấp ba Hàn Thuyên, thị xã Bắc Ninh!
   Chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra, tờ tạp chí Văn nghệ Quân đội ngay lập tức trở thành một trung tâm văn bút không chỉ thu hút các nhà văn đã khẳng định tên tuổi mà còn là nơi “lăng-xê” kịp thời sáng tác của những người viết mới xuất hiện. Đỗ Chu nhập ngũ, trở thành lính Phòng không - Không quân. Dường như dưới tác động của anh, ở binh chủng này xuất hiện cả một loạt những cây viết khác như Nguyễn Trí Huân, Lưu Quang Vũ, Thao Trường (tức Nguyễn Khắc Trường sau này), Dương Duy Ngữ, Duy Khán…
   Đỗ Chu được các nhà văn đàn anh tại Văn nghệ Quân đội như Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hải Hồ, Mai Ngữ… đón nhận như một đồng nghiệp ngang ngửa văn tài. Người viết bài này từng được chứng kiến giây phút hai “thủ lĩnh” của tờ Văn nghệ Quân đội là Vũ Cao và Từ Bích Hoàng vẻ đầy tự hào, mãn nguyện mỗi khi “khoe” số báo mới bên cạnh bài “đinh” của Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu… là bài “đinh” của Đỗ Chu. Chiến tranh leo thang của giặc Mỹ khi ấy đã lan ra khắp miền Bắc. Kể về sinh hoạt, cách thức ăn nói, yêu đương, tâm lý luyến nhớ quê hương của đám lính trẻ giữa nơi lửa đạn đạn – không ai kể hay, kể sinh động, tươi tắn, kể giàu sức sống như Đỗ Chu trongChiến sĩ quân bưu, Thành phố bên kia cầu, Chuyện mùa Hạ…
   Bạn viết cùng trang lứa thì không một ai dám coi anh chỉ có học vấn phổ thông. Đỗ Chu đọc nhiều, sức nhớ tốt, trí thông minh hơn người, lại biết khái quát, đúc rút rất nhanh điều đã đọc thành vốn liếng của mình. Nhà văn Nguyễn Khải từng nói, tài năng của nhà văn là ở chỗ anh ta biết chỉ tên của từng hiện tượng, từng sự việc mà người khác chỉ cảm nhận được thôi. Về phương diện này Đỗ Chu nổi trội. Anh quan sát tinh tường, sắc sảo thế giới xung quanh và tóm thành chi tiết văn chương để đưa vào tác phẩm.
   "Gió từ trên núi dịu dàng thổi xuống, những cây tre đực trên lũy cọ xiết vào nhau kêu ken két như có ai cầm mảnh sành cứa vào thân chúng"… “Sau làng em có trái núi Voi, núi Voi đối với tụi nhỏ chúng em như người bạn lớn tuổi, hiền từ… "Cái đỉnh tháp chuông nhà thờ nom xa như một dấu than…”.Những chi tiết đắt giá như vậy đầy ắp trong các truyện của Đỗ Chu. Điều đáng kể, anh có một trí tưởng tượng nhanh nhạy, khoáng hoạt không ai bì. Trí tưởng tượng ấy lại được phù trợ bởi sức lao động bền bỉ, chăm chỉ và một ý thức trách nhiệm cao với từng con chữ, từng dòng viết. Xin được kể chuyện này. Một lần, trại sáng tác nọ bố trí ở một kho chứa các nguyên vật liệu thông tin của quân đội ngay sát bên trạm khí tượng Láng, Hà Nội. Suốt ngày tiếng đóng mở hòm gỗ ồn ã, tiếng xe tải đến, đi rú ga đến inh tai nhức óc, tiếng các nhân viên coi kho nói cười oang oang. Nhưng bên kia bức tường lại là vẻ ắng lặng của khu vườn đo mưa, đo gió với bóng áo trắng của các cô gái nhân viên trạm khí tượng. Đỗ Chu thách đố mọi người viết một truyện ngắn bằng những gì mắt thấy tai nghe ngay trước mắt. Kết cục: người thắng cuộc không ai khác mà chính là Đỗ Chu - anh đã viết nên truyện ngắn Chuyện mùa Hạ khá nổi tiếng sau này. Tiếng lách cách mở đóng hòm gỗ thành tiếng gõ mạn thuyền lùa cá trên sông. Tiếng xe vào, xe ra thành tiếng rì rầm của những đoàn xe kéo pháo. Còn đóng vai trò khá quan trọng ở cái thị xã trống hoang trống huếch kia chính là các cô gái đo mưa đo nắng, không đi sơ tán mà ở lại tử sinh với bom đạn Mỹ cùng các chiến sĩ một đơn vị cao xạ. Đọc văn của Đỗ Chu ai cũng tưởng rằng chữ nghĩa, câu cú cứ tuồn tuột chảy ra từ ngòi bút của anh. Nhưng thực tế anh viết hệt như đánh vật với từng con chữ. Với chính truyện Chuyện mùa Hạ kể trên, người viết bài này đã chứng kiến suốt một tuần lễ đầu anh chỉ viết được trên nửa trang, gạch xóa, bổ sung, thêm chỗ này, bớt chỗ kia - tóm lại bản thảo văn xuôi mà hệt như bản thảo thơ. Tắc tị dòng văn, anh bỏ sang quấy nhiễu, trêu chọc các bạn văn khác. Rồi phóng xe vào phố dạo chơi. Khi mọi người tưởng đâu như anh ngưng viết rồi, bỗng anh xòe ra hơn 60 chục trang viết tay!
   Lại vẫn Chuyện mùa Hạ, sau khi “chiến thắng” các bạn viết, Đỗ Chu tuyên bố anh có thể đọc thuộc từ trang đầu đến trang cuối truyện ngắn đó mà không sai sót một dấu chấm, dấu phẩy. Anh em trại viên quây thành vòng. Lê Lựu cầm tập bản thảo trong tay làm giám khảo. Đỗ Chu chắp tay sau lưng đi đi, lại lại và bắt đầu đọc bằng trí nhớ. Chỉ cần đến trang thứ 10, Lê Lựu phải tuyên bố: Đỗ Chu thắng cuộc!




   Vào những năm tháng chiến tranh ấy các khóa đào tạo người viết trẻ, các trại sáng tác văn học do Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng cục chính trị chủ trì mở ra liên tục. Trong giờ lên lớp, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, các nhà văn đàn anh thường lấy truyện ngắn của Đỗ Chu làm dẫn chứng về cách thức cấu tứ, vận dụng tu từ, cách tạo chi tiết… Song ngay từ dạo ấy, bạn đọc cũng như học viên, trại viên của các lớp, các trại này đều thấy rõ một điểm nổi trội nhất trong các truyện của anh: ngòi bút Đỗ Chu luôn hướng về việc ca ngợi con người, những phẩm giá tốt đẹp trong quan hệ giữa con người với con người nói riêng. Đó là nét hiện thực cơ bản, tạo nên sức mạnh tinh thần của người dân miền Bắc trong thời kỳ vừa dựng xây Chủ nghĩa xã hội vừa chiến đấu, tích cực chi viện sức người sức của cho miền Nam ruột thịt.
   Đọc truyện ngắn của Đỗ Chu, người đọc thấy thêm yêu cuộc đời, yêu đồng bào, đồng chí của mình và tình yêu ấy đã giúp họ vượt qua biết bao thử thách, khó khăn. Cùng với các sáng tác văn học khác như thơ của Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ…, các ca khúc trữ tình của Huy Du, Huy Thục, Doãn Nho, Vũ Trọng Hối, Nguyễn Đức Toàn, Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn…, các vở kịch, các bộ phim cùng thời, truyện ngắn của Đỗ Chu không chỉ động viên đồng bào chiến sĩ vào những năm tháng chiến tranh, mà còn lưu giữ mãi giá trị của việc phản ánh tình người, tinh thần cao thượng và sức hy sinh chịu đựng của cả dân tộc ở một khúc ngoặt lịch sử... 

* Nguồn:.... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét