Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

THẢ CÁI LIM DIM - THƠ VŨ LẬP - LỜI BÌNH: PHẠM THUẬN THÀNH




NT VŨ LẬP 
   3/2012 đến thăm ĐTM - Bắc Giang   
(hiện đang ở Leipzig - CHLB ĐỨC)



Chút an bình làng quê


Thả cái lim dim

Trưa hè mắc võng bóng cây

Dịu dàng hương nhãn đong đầy tiếng chim
Phù vân ai mải kiếm tìm
Ta về thả cái lim dim cùng diều.

   (Rút từ tập thơ
       Tứ tuyệt Xứ tuyết - VŨ LẬP 
          Nhà xuất bản Văn học - 2012)



LỜI BÌNH CỦA
PHẠM THUẬN THÀNH


"Thả cái lim dim" là bài thơ hay nhất trong tập thơ Xứ Tuyết của nhà thơ Vũ Lập (CHLB Đức) vừa được Nhà Xuất bản Văn học xuất bản tháng 1/2012. Bài thơ được Giải Ba (không có Giải Nhất) trong cuộc thi thơ tứ tuyệt năm 2009, do Tạp chí Kiến thức Ngày nay tổ chức. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Phạm Thuận Thành (Bắc Ninh) bình về bài thơ trên. 




Làng quê Hưng Yên 



Việt Nam có một nền văn hóa đặc sắc và lâu đời. Cùng với việc xuất hiện làng trong lịch sử Việt Nam, văn hoá làng cũng ra đời, trở thành nét đặc trưng của văn hoá dân tộc. Trải qua thử thách nghiệt ngã nghìn năm Bắc thuộc, văn hoá Việt không bị hoà tan trong văn hoá Hán chính là do sự bền vững của văn hoá làng sau luỹ tre xanh.
Thời đổi mới mở cửa, làng quê Việt thay đổi khiến con người cũng thay đổi. Sự thay đổi quá nhanh khiến nhiều người tự hỏi liệu cái giá của phát triển có phải là quá đắt? Không ít người không còn trân trọng văn hoá làng được xây nên tự bao đời nữa, mà chỉ lao vào kiếm thật nhiều tiền để đáp ứng lối sống hưởng thụ vật chất không biết thế nào là đủ, là giới hạn. Vậy nên chút an bình làng quê sau đây trở nên thật quý thật hiếm:
   Cái danh cái lợi đã bao năm là mục đích cuộc đời con người. Có danh có lợi thì người ta dễ thoả được những nhu cầu hưởng thụ đời sống vật chất xã hội đổi mới đưa đến. Nhưng cái danh cái lợi như đám mây trôi nổi bất định, lúc thì quờ được một ít, lúc lại bay đi mất. Và người ta lại mải miết đi tìm, mải miết đuổi theo. Vậy mà mấy ai đủ tỉnh táo để nhận ra sự thực cái danh cái lợi chỉ là đám mây nổi trôi.
Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên cũng không ngoại lệ. Thế mà chỉ một lần về quê mắc võng dưới bóng mát cây xanh mà bỗng ngộ ra điều ấy. Nội cái việc “nằm võng” đã giúp cho người ta hoài niệm nhiều điều. Đó là chút an bình thuở nhỏ bà ta mẹ ta đò đưa ru ngủ. Đó là chút an bình nằm thư giãn sau buổi làm việc đồng áng mệt nhọc. Nhưng lần nằm võng này sau nhiều năm mải đi tìm danh lợi lại có ý nghĩa hơn nhiều, phát hiện hơn nhiều: “Dịu dàng hương nhãn đong đầy tiếng chim”. Hương nhãn dịu dàng đã là sự thanh bình lên hương, đằng này “hương nhãn đong đầy tiếng chim” thì lại còn có cả nhạc hoạ vui tươi hơn nhiều. Từ việc ngộ ra sự thanh bình chốn làng quê, nhân vật trữ tình đã chủ động sống cùng sự thanh bình ấy. Đó là hành động “thả cái lim dim” bay theo cánh diều trên cao và bỏ mặc việc tìm kiếm danh lợi cho những ai còn chưa thấy hết giá trị của sự thanh bình làng quê, tức là những giá trị văn hoá truyền thống của làng quê ông cha từng sống, từng xây đắp nên. Chính cái văn hoá làng quê ấy làm nên sự khác biệt, sự riêng biệt của văn hoá Việt trong vố số nền văn minh khác cùng đang hội nhập. 








Cũng cần nói thêm đóng góp về câu chữ mới mẻ của tác giả về “cái lim dim”. Lim dim là cái nhìn co mắt lại cho tinh tường hơn. Thả cái lim dim bay cùng cánh diều là việc thả cái nhìn chưa tinh về danh lợi cho bay theo mây đi, để cái nhìn tinh tường về sự an bình ở lại.
   Bài thơ tứ tuyệt lấy sự đối lập về danh lợi và an bình của đời người ra để nói, trong đó nhấn mạnh hơn về an bình, về phần hồn, tuy ngắn về câu chữ nhưng lại gợi mở được nhiều điều và có sức ám ảnh người đọc. Đó là sức mạnh của thơ ca, và cũng chính là thành công của nhà thơ.
                                                                                      P.T.T 



* Nguồn: Quê hương Online 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét