Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

NGUYỄN TRÃI & FRED MARCHANT - NHÀ THƠ MỸ





THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN TRÃI
DUY PHI Biên dịch
NXB HỘI NHÀ VĂN - 2003,
308 TRANG, KHỔ 13X19 (cm), bìa: TRẦN ĐẠI THẮNG




NHÀ THƠ MỸ 
FRED MARCHANT 
ĐỌC THƠ NGUYỄN TRÃI 

                      Bài của DUY PHI 

   Tôi bất ngờ, khi Fred Marchant - một nhà thơ Mỹ lại tâm đắc với thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, bài Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác. Thì ra, rất có lý, Fred Marchant - một cựu binh thế kỷ XX- XXI, tìm thấy sự đồng điệu trong thơ Nguyễn Trãi, một cựu binh của thế kỷ XV.  
 
   Bài DẦN DÀ SỬNG SỐT: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA SỰ GẶP GỠ GIỮA MỘT SỐ NHÀ THƠ VIỆT NAM VÀ MỸ của Fred Marchant (Nguyễn Chí Hoan dịch từ tiếng Anh, trong Tạp chí  Văn học nước ngoài, 3- 2012) có đoạn:
  Tôi muốn nói … về một bài thơ rất nổi tiếng - của Nguyễn Trãi - mà tôi và Nguyễn Bá Chung bạn tôi đã cùng dịch sang tiếng Anh:
LOẠN HẬU ĐÁO
CÔN SƠN CẢM TÁC

Nhất biệt gia sơn kháp thập niên
Qui lai tùng cúc bán tiêu nhiên
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên
Hương lý tài qua như mộng đáo
Can qua vị tức hạnh thân tuyền
Hà thời kết ốc vân phong hạ?
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên.

Nghĩa:

Từ giã quê hương vừa đúng mười năm
Nay trở về, tùng cúc một nửa đã tiêu sơ
Đã hẹn với rừng suối mà sao nỡ phụ
Trong cát bụi cúi đầu tự thương mình
Vừa qua làng, tưởng như chiêm bao
Chiến tranh chưa dứt, may được toàn thân
Bao giờ được làm nhà dưới chân núi mây
Múc nước suối nấu trà, gối lên đá mà ngủ.
                         
   Nhà thơ Fred Marchant viết tiếp: 
   “Việc dịch (thơ) đối với tôi có nghĩa là đọc đi đọc lại những định nghĩa và những thành ngữ khác nhau mà bài thơ đó gợi lênm và trong quá trình đó tôi biết được nhiều đến thế về cuộc đời Nguyễn Trãi ở triều đình cũng như ở cuộc đời thường, ở nơi ẩn lánh của thi nhân trên Côn Sơn, những dòng thơ đã vương vấn tâm trí tôi năm này qua năm khác. Đúng vậy, bụi phủ đầy đầu có nghĩa ông đã xa nhà vì chiến tranh loạn lạc quá lâu. Nhưng vì sao ông nói: Ta không làm gì được nữa. Rất nhiều ý nghĩa toả ra từ ngữ đoạn này. Có lẽ nó nói rằng chẳng còn gì để làm ngoài việc hồi hương sống trong cuộc sống khiêm nhường và thanh nhã trên núi. Nhưng tôi bỗng nghe trong đó nhiều nỗi ân hận không rõ rệt, những ân hận phủ đầy tâm hồn ông như bụi bám trên đầu ông. Cũng như điều xảy đến với những cựu chiến binh của bất cứ cuộc chiến tranh nào, có biết bao điều không thể nói, mà đôi lúc lại hiện ra theo cách thoáng thôi nhưng đầy sức mạnh. Tôi nghĩ dòng thơ này cũng vậy, và dẫu đơn sơ, nó vẫn bắt đầu dần làm tôi choáng ngợp, và sự thể vẫn cứ thế. Với tôi thì ngữ đoạn đó là tâm điểm sự thật trong bài thơ, rằng có một cảm thức hầu như không thể nói ra về nỗi ân hận và mất mát vẫn đeo đẳng trong người chiến binh hồi hương này…”.                               




THẠCH BÀN NHỎ
Ở CÔN SƠN
Ảnh: NGUYỄN VĂN HƯỞNG 

   Đọc ngữ đoạn, lời bình của Fred Marchant về bài Loạn hậu đáo… Chợt nhớ, một bản dịch thơ, trong cuốn Nguyễn Trãi toàn tập (NXB KHXH - 1969, tái bản 1976):  

SAU LOẠN ĐẾN
CÔN SƠN CẢM TÁC

Xa cách mười năm chốn cố san
Quay về tùng cúc đã lan man
Suối rừng có hẹn sao nên phụ
Đất bụi cúi đầu chỉ tự than
Vừa lại quê nhà như thấy mộng
May trong binh lửa vẫn tuyền thân
Bao giờ dưới ngọn mây về ở
Nước suối chè tươi ngủ thạch bàn?
     (Bản dịch trong Nguyễn Trãi toàn tập, KHXH - 1969) 
 Bài này có chú thích: 
   “Thạch bàn: Vì vần bắt buộc, chúng tôi lấy ý “ngủ thạch bàn” thay gối đầu lên đá mà ngủ. Hiện ở nửa chừng núi Côn Sơn còn có chỗ gọi là thạch bàn ở bên suối, tương truyền là Nguyễn Trãi thường hay nằm nghỉ”.

   Bản dich thơ Sau loạn đến Côn Sơn… có ưu điểm đã “cày vỡ”, nhưng cũng do bí vần, nên dùng nhiều từ Hán: cố san, tuyền thân… Đã dịch thơ chữ Hán ra tiếng Việt lại dùng thêm chữ Hán vào, ấy là điều tối kỵ. 
  Cuối bài dịch thơ có thêm hai chữ thạch bàn, mà nguyên tác không có.
  Hồi những năm sáu mươi của thế kỷ trước, có đến năm năm liền tôi dạy học tại xã Cộng Hoà (Chí Linh, Hải Dương)- xã có Côn Sơn. Từ trường tôi vào đến chùa Hun - Côn Sơn chừng hai cây số. Một lần bão, có cây thông lớn đổ. Trường tôi được làm thêm một lớp, các vì kèo, nóc bằng thông Côn Sơn.  Không nhớ là đã đến Côn Sơn bao nhiêu lần, bao nhiêu lần tôi ngẩn ngơ trước cây đại sù sì hoa trắng, trước bia Thanh Hư Động và con suối quanh năm róc rách… Đọc Côn Sơn ca có câu: Côn Sơn có đá tần vần/ Mưa tuôn đá sạch ta nằm ta chơi (Côn Sơn hữu thạch/ Vũ tẩy đài phô bích/ Ngô dĩ vi đạm tịch), lại nghe các cụ truyền lại, trong Côn Sơn có thạch bàn, một phiến đá lớn lắm, phẳng phiu, xưa Nguyễn Trãi thường ra đó ngồi ngắm cảnh, làm thơ, suy tư việc nước…  Nhưng hồi ấy rừng rậm, chúng tôi không sao tìm được. Xa Chí Linh chừng hai mươi năm, trở lại, khi di tích Côn Sơn đã được trùng tu, cây rừng đã vãn, người ta mở lối lên, theo suối, lên thượng nguồn, tìm thấy thạch bàn. Đó chính là thạch bàn lớn (còn có thạch bàn nhỏ). Phiến đá này bằng cái nền nhà năm gian, thường gọi là hòn đá năm gian, đã có người đo, nói rộng chừng 200met vuông. 
   Câu thơ cuối bài Loạn hậu đáo…, nguyên tác chữ Hán của Nguyễn Trãi: Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên. Cấp là múc nước, giản là khe suối, phanh là nấu, trà: hẳn là trà xanh, chẩm: gối, thạch: đá, miên: ngủ. Nấu nước suối tinh khiết, trà mới ngon. Uống trà xong, gối đầu lên đá mà ngủ là thú, cái thú của một giấc thanh tịnh sau mười năm binh lửa (1417 - 1427). Cụm từ chẩm thạch miên, hình như có chịu ảnh hưởng của thơ Đường, bài thơ Đáp nhân của Thái Thượng Ẩn Giả, câu: Ngẫu lai tùng thụ hạ/ Cao chẩm thạch đầu miên (Tình cờ đến dưới gốc thông/ Cao đầu gối đá. giấc nồng đến ngay). Gối đầu lên đá mà ngủ, ngủ được, là phong cách người lính, hoặc ẩn sĩ. Còn dịch ra là ngủ thạch bàn, chỉ là ngủ trên phiến đá phẳng phiu thì mấy kẻ ngưu, tiều thường vẫn ngủ thế, không có gì đặc biệt. Ba chữ chẩm thạch miên, dịch là ngủ thạch bàn thì ý hay đã bị mất mát nhiều lắm.          

    



CẢNH CÔN SƠN
NHÌN TỪ BÀN CỜ TIÊN

  Sau khi khảo cứu lại những bản dịch thơ của nhóm làm sách NTTT - 1976, băn khoăn bởi trong số 373 chú thích có trên một trăm chú thích biện minh cho việc dịch sai nguyên tác. Ví dụ, vì bí vần, chúng tôi dịch rắn thành rồng (bài 39), vì bí vần, dịch đồng hồ nước thành đồng hồ cát (bài 29)... , tôi đã viết bài trao đổi, nêu những ưu điểm và bất cập của các bản dịch thơ trong NTTT, tạp chí Hán Nôm số 4/ 2002 đã in.
 Cần có một giấc ngủ. Đúng như nhà thơ Fred Marchant viết: có một cảm thức hầu như không thể nói ra về nỗi ân hận và mất mát vẫn đeo đẳng trong người chiến binh hồi hương này. Cần phải có một giấc ngủ. Bên này bên kia thì vẫn là dân chúng, hàng chục vạn người mất: Lạng Sơn Lạng Giang xương chất đầy đường/ Xương Giang Bình Than máu trôi đỏ nước/ Gió mây vì thế phải biến sắc/ Nhật nguyệt thảm đạm đến lu mờ - Cáo Bình Ngô).  Đã thế, triều đình lại rối ren, nhũng nhiễu. Mới yên binh lửa được bốn năm thì hai đại công thần, chí thiết của Nguyễn Trãi: Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn và Thái Bảo Phạm Văn Xảo bị hãm hại. Bản thân Nguyễn Trãi bị bỏ ngục mấy tháng… Gối đá ngủ một giấc. Bao khắc khoải, cũng cần quên đi…
 
  Đọc những điều tâm đắc của nhà thơ CCB Mỹ Fred Marchant, thêm thấy sự trường tồn của thơ chữ Hán thơ Nôm, ngôi sao Khuê văn hoá Việt Nam- Nguyễn Trãi. Với bài thơ LOẠN HẬU ĐÁO CÔN SƠN CẢM TÁC, chúng ta cần phải gắng để có  một bản dịch thơ xứng đáng hơn.
  Kẻ vãn sinh này mạnh dạn góp thêm một bản Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác, dịch ra thể lục bát:   

           SAU LOẠN ĐẾN
CÔN SƠN CẢM TÁC

Xa quê núi đúng mười năm
Cúc tùng nay đã nửa phần tiêu sơ
Hẹn rừng suối, sao đắn đo
Cúi đầu giữa cát bụi mờ, tự than
Vừa qua làng, ngỡ mơ màng
Chiến tranh chưa dứt, mấy toàn thân đâu
Bao giờ, lều dưới non cao
Trà nước suối, đá gối đầu, ngủ ngon...
                         Duy Phi dịch

                          Phủ Lạng Thương  6- 2012
                                                       D P 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét