NV NGỌC BÁI
CHÚC MỪNG NHÀ VĂN NGỌC BÁI
SÁNG NAY - 27. 5. 2012
ĐƯỢC TRAO
GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC
VỀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TẠI HÀ NỘI
Buổi giới thiệu tiểu thuyết
NGANG TRỜI MÂY ĐỎ
của nhà văn NGỌC BÁI
vừa diễn ra tại Thư viện Cà phê Đông Tây
(11A- Trần Quý Kiên, Hà Nội )
Nhà văn Ngọc Bái &
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đang
giới thiệu tiểu thuyết NGANG TRỜI MÂY ĐỎ (12/5/2012)
Nhà văn Ngọc Bái quê gốc Âu Lâu, Trấn Yên, Yên
Bái. Hiện ở tại TP Yên Bái - từng qua Đại học Văn hoá Hà Nội, Đại học viết văn
Nguyễn Du, nguyên Chủ tịch Hội VHNT YB, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Yên Bái,
Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin YB…Đã xuất bản: 12 tập thơ và trường ca, 3 tập truyện, tiểu thuyết.
Khi còn là Giám đốc Sở VH –TT tỉnh Yên Bái,
ông đã triển khai vườn hoa mang tên Nguyễn Thái Học mà linh hồn của nó là vòng
tròn không khép kín được kết nối bằng 17 cọc đá tượng trưng cho 17 liệt sĩ đồng
chí của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, bên dưới là những phiến đá vỡ nằm la liệt
như thể lòng yêu nước của họ luôn luôn được đất nuôi dưỡng. Từ đó, anh viết
trường ca Lời cất lên từ đất. Bây giờ, anh nlại mới cho ra mắt tiểu
thuyết Ngang trời mây đỏ. Ngọc
Bái dày công sưu tầm, hư cấu, hình tượng, tâm huyết để có những trang văn hấp dẫn
về Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Cô Giang… ĐTM bên sông Thương, quê hương của
các danh nhân: Nguyễn Khắc Nhu, Cô Giang, Cô Bắc… xin trân trọng giới thiệu
cùng bạn đọc một chương trong Ngang trời
mây đỏ.
Chương IX
TÌNH SỬ VÀ CUỘC DẤN THÂN
nhìn vào mắt nhau nhìn vào thử tháchkhát khao những giây phút bình yêncó một ngày trái tim bỗng trĩu nặngthèm chở che cỏ dại cất lời thiêng
Để nắm tình hình cụ thể các chi bộ hoạt động ở vùng
trung du và miền núi, Nguyễn Thái Học đã thư bí mật cho những người có trách
nhiệm thuộc khu vực họp mặt tại một ngôi chùa gần điếm canh đê bên bờ sông
Hồng. Đây là một địa điểm vắng vẻ, có độ an toàn cao. Ngoài đê là rặng tre có
thể ẩn náu khi cần. Người canh đê cũng là người canh gác luôn cho cuộc họp.
Nguyễn Thị Giang cẩn trọng
đọc lại bức thư triệu tập. Thư do Nguyễn Thái Học giao cho Nguyễn Thị Giang,
liên lạc tin cẩn đưa tới các thành viên. Nội dung là các ký tín hiệu đã quy
ước, chỉ người trong cùng tổ chức đọc mới hiểu. Thư viết bằng nước cơm trên
giấy gió. Thấm nhẹ qua nước là chữ hiện lên. Đấy là cách làm sơ đẳng nhất, khi
phải giữ gìn bí mật. Thư được cuộn nhỏ cho vào cọng bấc, ít ai để ý. Giang thận
trọng nhớ kỹ nội dung, rồi xé vụn tờ giấy.
Kể từ khi chia tay với
Nguyễn Thái Học vào đầu năm 1928 ở Bắc Ninh, cách đến mấy tháng mới có điều
kiện gặp lại nhau. Lần ấy, Nguyễn Khắc Nhu đã tạo cơ hội tuyệt vời cho Học và
Giang gần gũi, cùng đi trên một chặng đường. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ nên hai
người chỉ bàn tới công việc. Trong thâm tâm Nguyễn Thị Giang rất vui bởi nhiệm
vụ Nguyễn Thái Học giao đã được cô hoàn thành khá trôi chảy. Phải nói rằng dưới
con mắt nhạy cảm của người khác giới, Giang thấy Học rất tế nhị và dễ cảm mến.
Giang vẫn nhớ câu Nguyễn
Thái Học nói lúc chia tay: “Em hát quan họ thật là có duyên, anh không thể nào
quên được”. Câu nói ấy hàm nhiều ý tứ. Cũng là cái duyên như thể trời đất sắp
đặt. Nếu không có việc nhập Việt Nam Dân Quốc vào với Việt Nam Quốc Dân đảng
thì làm sao có được cuộc hội ngộ giữa Giang, cô gái tròn hai mươi, với Học,
tuổi hai nhăm. Không hiểu cớ gì mà Giang cứ bồn chồn từ lúc nhận thư triệu tập.
Chỉ lo vì lý do gì đó mà cuộc họp bị hoãn lại. Trong hoạt động cách mạng, ai
lường hết được mọi tình huống.
Từ khi được tổ chức phân công
làm giao liên và binh vận, Nguyễn Thị Giang có dịp gần gũi Nguyễn Thái Học
nhiều hơn. Tuy vậy, Giang vẫn mong ngóng những lần được gặp gỡ nhiều hơn nữa,
để được nhìn, được nghe Học nói về công việc và những tình huống phải vượt qua
đối với người cách mạng.
Trong đêm trăng suông, cảnh
vật như huyền ảo. Sương đẫm vai. Giang guồng nhanh bước chân. Đôi lần vấp phải
vết chân trâu, suýt ngã nhào. Chỉ lo đến chậm trễ. Mọi người tề tựu trong ngôi
chùa Dẫn Tự, cảnh vật tĩnh mịch, cách điếm canh đê một đoạn. Không ai gây tiếng
động mạnh, như có thể nghe rõ tiếng muỗi vo ve. Thỉnh thoảng một cơn gió từ mặt
sông thổi lên mang theo hơi lạnh se se, làm đung đưa cành lá đa cổ thụ.
Giang thấy nao nao trong
lòng khi nghe tiếng Nguyễn Thái Học nói:
- Hôm nay chúng ta họp những
người có trọng trách ở khu vực, để kiểm điểm những việc ta đã thu được và ấn
định những việc làm sắp tới. Rất đáng hoan nghênh các đại biểu được triệu tập
không thiếu người nào. Chúng ta có thể lần lượt nêu lên kết quả hoạt động của
từng người, từng chi bộ đảng, từng địa bàn. Tôi đề nghị từng cơ sở báo cáo về
những công việc đã làm được. Vâng, xin để đại biểu Vĩnh Yên nói trước.
Đại biểu Vũ Văn Giản tức
Hồng Khanh nói:
- Vĩnh Yên, tiêu biểu là
Vĩnh Tường, các chi bộ ngoài Thổ Tang, đã lan ra các xã Đại Đồng, Vĩnh Sơn,
Tuân Chính, Thượng Trưng, Tân Cương, Vũ Di… Phong trào tiến triển có phần thận
trọng, bởi vùng này nằm trong tầm ngắm của mật thám, vì là nơi có nhiều người
nổi lên chống Pháp, như ông Lãnh Sâm, ông Đội Cấn trước đây.
Đại biểu Nguyễn Nhật Thân ở
Phú Thọ trình bày:
- Là địa bàn nối tiếp đồng
bằng với miền núi, Phú Thọ đã xây dựng cơ sở chi bộ ở các huyện Lâm Thao, Phù
Ninh, Tam Nông, Thanh Thuỷ, Cẩm Khê. Mạnh nhất là Lâm Thao, với các xã Xuân
Lũng, Cao Mại, Kinh Kệ, Chu Hoá, Sơn Dương. Trong Lâm Thao, mạnh nhất là Xuân
Lũng, chi bộ có tới 27 đảng viên. Rồi đến Võng La của huyện Thanh Thuỷ. Ở Xuân
Lũng, ông Tổng sư Đặng Văn Hợp làm chi bộ trưởng, ông Bùi Tư Toàn làm Tư lệnh,
cùng với các ông ký, ông đồ, tài xế xe lửa, đã lập nên bốn ban: tuyên truyền,
tổ chức, trinh sát và tài chính để dễ bề hoạt động. Nhiều chị em bỏ tiền mua
vải “con trâu xanh” may cờ và mua xi măng về đúc vỏ bom tay cho cách mạng. Chi
bộ Cao Mại do Nguyễn Như Liên tức Ngọc Tỉnh đứng đầu đã tập hợp cả ba anh em
ruột cùng anh em bạn bè vào đảng.
Dừng lại một chút, Nguyễn
Thái Học thưa với ông Thân:
- Thưa bác Thân! Về tuổi tác
bác là bậc trên. Vậy mà bác lặn lội đêm hôm đến họp, thật cảm kích quá.
- Có gì đâu! Tôi đã làm viên
chức công sứ Yên Bái, trớ trêu quá tôi bỏ, tìm đến Yên Thế thì nghĩa quân thoái
trào, tới Nghệ An cũng không bám víu vào đâu. Về đến quê, nhiều người vận động
tôi vào đảng, tôi vẫn thờ ơ. Chỉ đến khi gặp Nguyễn Thái Học ở Võng La thì tôi
tin. Tôi tin!
Đại biểu Hải Dương báo cáo:
- Nhiều nhóm Việt Nam Quốc Dân
đảng đã đi vào hoạt động mạnh ở các huyện Cẩm
Giàng, Nam
Sách, Thanh Hà, lan sang Vĩnh Bảo (Hải Phòng), đã thu hút nhiều thân hào, thân
sĩ, và vệ binh các xã tham gia tổ chức. Tiêu biểu là chi bộ xã Lang Can, huyện
Thanh Hà, là chỗ dựa tin cậy trở thành cơ sở của lãnh đạo đảng. Ở đây chi bộ đã
lập trường quân chính, đang tích cực lập kho lương thực, rèn dáo mác, tự tạo
bom tay, làm băng cờ biểu ngữ, sẵn sàng chờ lệnh nổi dậy.
Các đại biểu tỉnh khác lần
lượt báo cáo về tình hình hoạt động ở địa bàn hoạt động mình được đảm trách.
Không khí cách mạng thật sôi sục. Nhiều người nóng lòng mong được thấy ngày
đứng dậy đánh đuổi quân dị chủng ra khỏi đất nước. Nhiều người sẵn sàng hiến
tiền bạc ủng hộ cách mạng.
Nguyễn Thị Giang được sự uỷ
nhiệm của chị Nguyễn Thị Bắc đã thuật lại việc vận động tuyên truyền giác ngộ
binh sĩ đồn trú tại Yên Bái. Chị Bắc đã đóng giả là “em gái” của Cai Thuyết để
đi lại dễ dàng trong trại con gái và khu trại lính. Thành công nhất là đã lập
được chi bộ ngay trong hàng ngũ binh lính người Việt. Họ đã tổ chức sinh hoạt
bí mật, cung cấp tin tức cần thiết cho chị Bắc. Những người có uy tín trong đội
ngũ binh lính như Quản Cầm, Cai Hoằng, Cai Tiệp, Cai Lương đều là hạt nhân đáng
tin cậy.
Tiếng của Giang nhỏ nhẹ,
nhưng rõ ràng, mạch lạc:
- Kết quả của đội quân binh
vận do các nữ đảng viên đảm nhiệm đã vượt xa mong muốn ban đầu. Đội quân ấy
càng ngày càng đông thêm. Ngoài ba chị em ruột Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị
Giang, Nguyễn Thị Tình làm nòng cốt. Giờ còn có Đỗ Thị Tâm, Nguyễn Thị Nhất, Lê
Thị Thăng và bao cô gái khác đều hăng hái nhập đội quân binh vận. Ở Hà Nội có
thêm các nữ sinh Nhất Chi Mai, Hương Bình, Thanh Tính, Kim Khuê, Cẩm Thuỷ,
Nguyễn Thị Vân… rất nhiệt tâm tham gia may quần áo và giúp đỡ cách mạng. Phong
trào phụ nữ lan rộng, chị Thành Béo bán phở ở Hàng Đậu thành cơ sở của ta. Cả
chị Lê Thị Thăng vợ anh Nguyễn Ngọc Sơn ở Gia Lâm, chị Nguyễn Thị Thuyết nhà
buôn lớn, cũng tham gia tổ chức.
À thì ra hiệu phở Hàng Đậu
mà anh và nhóm Nam
Đồng Thư Xã từng đến ăn cũng thành một cơ sở của cách mạng. Nguyễn Thái Học
càng thấy rõ vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp chung và tự thấy sai lầm của
mình trước đây đã không kết nạp lực lượng phụ nữ vào tổ chức của mình. Anh thầm
nghĩ nếu thiếu Giang lúc này thì thiệt thòi biết bao. Ai sẽ làm tốt hơn nhiệm
vụ giao thông liên lạc trong hoàn cảnh khó khăn này? Ai sẽ làm tốt hơn công
việc vận động chị em tham gia cách mạng? Khó có người vừa hiểu biết, vừa tháo
vát, vừa thông minh trong xử lý các tình huống cam go trên những chặng đường
phải trải qua. Vượt qua con mắt rình mò của mật thám nhan nhản khắp nơi, rất
cần những người có khả năng ứng phó linh hoạt và khôn khéo như Giang.
Nguyễn Thái Học nói thêm:
- Rất đáng mừng là chúng ta
đã kết nạp được nhiều người có khả năng vật chất giúp đỡ cách mạng. Ví dụ như:
Tuần phủ Quách Vy ở Hòa Bình, Phó lý Dương Quang, Phó lý Quan Khê ở Bắc Ninh,
Lý Thống ở Gia Bình, Bang Lịch ở Chí Linh - Hải Dương…
Nhật Thân phụ họa:
- Tôi hoàn toàn tán thành ý
kiến của lãnh tụ Nguyễn Thái Học về phát triển lực lượng, chuẩn bị cho lâu dài.
Nguyễn Thái Học nói ngay:
- Ta nên gạt bỏ tư tưởng
lãnh tụ, ngồi trên mọi người. Đừng gọi tôi là lãnh tụ. Như thế là phong kiến.
Muốn làm việc cho dân cho nước phải bình đẳng. Muốn duy trì kỷ luật thì tự ta
tạo lấy, tôi muốn chúng ta bình đẳng.
Không được phép kéo dài cuộc
họp, đề phòng mọi bất trắc, Nguyễn Thái Học yêu cầu mọi người ghi nhớ những
nhiệm vụ cần làm, tiếp tục tuyên truyền vận động những người cùng chí hướng
chống thực dân Pháp, cùng nhau góp của góp công, xây dựng lực lượng đứng lên
giải phóng đất nước. Tiếp tục làm công việc binh vận, tranh thủ sự hiểu biết về
quân sự của binh lính và vũ khí trang bị sẵn có, làm lực lượng nội ứng khi khởi
sự. Điều này phải học và rút kinh nghiệm từ việc vận động binh sĩ ở Bắc Giang,
ở Yên Bái.
*
Hai người, một trai một gái
trên đường về Thổ Tang, đã dừng lại bên quán nước gốc đa Đồng Vệ tâm sự. Quán
nước của bà già trong xóm, ban ngày bán quà bánh, củ khoai củ sắn, cho khách
làm đồng nghỉ ngơi và khách vãng lai qua đường tránh mưa tránh nắng, ban tối
dọn ấm chén về nhà, chỉ còn lại chiếc lán nhỏ với chiếc ghế bằng gióng tre.
Suốt từ Lập Thạch nơi Giáo
Giản dạy học đến Vĩnh Tường, nơi nào cũng có cơ sở của Việt Nam Quốc Dân đảng,
nên việc đi lại của Nguyễn Thái Học ở đâu cũng có người che chở bảo vệ. Tuy
nhiên, Học tự nhủ không được phép chủ quan, vẫn phải đề phòng những bất trắc.
Đường về Thổ Tang chỉ còn
một đoạn không xa. Cảnh vật ban đêm chỉ thấy mờ mờ phía chân trời. Ếch nhái kêu
rinh ran khắp đồng. Con đường đất nối làng với quốc lộ đoạn từ Vĩnh Yên lên
Việt Trì chỉ thấy nhờ nhờ một vệt trong màn tối. Nguyễn Thái Học kêu mỏi chân,
nên dừng nghỉ một chút.
Thực tình, Nguyễn Thái Học
muốn dừng lại đây để được gần Giang lâu hơn. Trong thâm tâm Học, hình như đây
là sự sắp đặt của tạo hoá. Anh thầm cảm ơn tạo hoá. Chưa có cô gái nào làm anh
dễ xúc động bằng Giang. Cô không phải là người có vẻ đẹp toát ra bề ngoài. Vẻ
đẹp ấy là gương mặt phúc hậu, là nét cười chân thực đằm thắm. Và, đặc biệt là
giọng nói thanh và dịu, chứa đựng tư chất thông minh, hiền thục, quả quyết. Như
tất cả phụ nữ cùng thời, Giang mặc chiếc áo nâu, đầu vấn khăn để tóc đuôi gà,
trông thật nền nã.
Cũng chưa bao giờ trước
người khác, Học lại tỏ ra lúng túng ngọng ngượng như trước Giang. Học như thấy
tim mình đập không bình thường. Dồn dập chả khác gì trống làng.
Còn Giang thấy lòng càng cảm
mến thủ lĩnh của đảng. Giang không thấy Học cao siêu, mà gần gũi, tin tưởng.
Giang nể phục Học qua sự nể phục của mọi thành viên trong đảng đối với người
đứng đầu đảng. Học xử lý mọi tình huống khá nhanh nhậy, bằng một lối suy nghĩ
chắc chắn, nhiệt thành, thể hiện rõ phẩm chất của người đứng mũi chịu sào trong
tổ chức.
Đây là cơ hội tuyệt vời để
Học nói lên tình cảm của mình trước người con gái mà anh thầm để ý. Học rất khó
khăn để tìm một câu tỏ tình. Bây giờ nói ra cái điều ấy có tiện không nhỉ? Nói
chuyện yêu đương lúc này liệu có gì chưa phải? Giang đánh giá thế nào nếu mình
ngỏ lời yêu?… Hàng chục câu hỏi cứ đảo lộn trong đầu Học. Mãi rồi Học mới tìm
được cớ để nói. Mở đầu lại là câu cực kỳ vu vơ vô nghĩa:
- Gió quá nhỉ! Cô Giang có
thấy lạnh không?
Giang trả lời khe khẽ:
- Vâng, gió quá! Hình như
sắp mưa!
- Mưa thì mát lắm nhỉ!
- Mát lắm!
- Mưa giữa cánh đồng không
áo tơi thì ướt hết!
- Vâng, ướt!
- Giang có thể gắn bó với
tôi…
- Anh nói cái gì cơ?
- Có nghĩa là… nghĩa là…
- Sao anh khó nói vậy?
- Tôi muốn em… không chỉ là
đồng chí, mà là người gắn bó nhất, hơn cả tình bạn…
- Em… vâng… tuỳ anh…
Tự dưng Học nắm lấy tay
Giang. Hai người đều run bắn như điện giật. Giang để yên bàn tay nhỏ nhắn của
mình trong bàn tay to khoẻ của Học. Họ im lặng khá lâu, có thể nghe rõ tiếng
tim đập thình thịch trong ngực mỗi ngưòi. Rồi Học kéo Giang lại sát mình, định
đặt nụ hôn lên má, nhưng đôi môi lại tìm gặp môi Giang.
Và, không phải giải thích,
họ cứ muốn ôm nhau mãi. Giang khẽ đẩy Học ra và hỏi:
- Bây giờ thì anh có còn
định không kết nạp phụ nữ vào đảng không?
- Thôi thôi mà, nhắc sai lầm
cũ của anh làm gì?
- Thế mà suýt nữa cánh phụ
nữ chúng em phải đứng ngoài tổ chức đấy!
- Cho anh sửa sai lần nữa
này!
Nói rồi, Học ôm lấy Giang và
hôn nồng nàn.
Giang chỉ kịp nói: “Khôn
thế! Gian thế!” rồi lặng đi trong mê đắm nhiệt cuồng yêu đương.
Chỉ hai người giữa chốn đồng
không mông quạnh, để Học yên tâm về tình cảm Giang dành cho Học, Giang nói nhỏ
bằng tiếng Pháp, nhưng Học nghe rõ từng chữ:
- Je t’aime beaucoup et
aussi notre but. (Em rất thương anh. Và yêu sự nghiệp của chúng mình).
- Moi aussi. Ma bien aimée.
Je te respecte toujours. (Anh cũng vậy. Anh tin em. Cô gái mà anh thực lòng quí
trọng).
Giang thấy trong lòng tràn
đầy hạnh phúc. Cùng hoạt động cách mạng với nhau, vừa là đồng chí của nhau, vừa
là người yêu nhau, thật là lý tưởng. Sẽ càng cảm thông với nhau trong mọi công
việc. Không phải đắn đo dò xét. Những điều quan tâm của Học cũng là điều quan
tâm của Giang. Càng yêu nhau càng gắng sức làm việc cho cách mạng. Giang mong
ước mình sẽ giúp Nguyễn Thái Học trên mọi công việc có thể. Giang nguyện làm
tham mưu, làm người bạn gắn bó suốt đời với Học. Nghĩ thế, Giang lại nói:
- Nhưng anh Học này, người
đi đạo họ lấy Chúa để thề bồi chung thuỷ với nhau, thế còn anh và em lấy gì để
thề?
- Lấy tính mạng ra để thề!
Em tin như thế đi!
- Nhưng phải có thủ tục chứ!
- Mai, ta sẽ thắp hương ở
Miếu Trúc và đền Thổ Tang để trình với linh thần, thổ địa, chấp nhận người con
gái này là thành viên mới của làng.
- Việc đấy rất nên làm,
không thể sao nhãng được. Tình yêu của chúng mình phải được tổ tông chấp thuận,
quỷ thần chứng giám. Mình không mê tín. Nhưng không được phép hành xử như một
kẻ vô thần kém hiểu biết.
- Về xin mẹ thẻ hương. Mượn
làn khói linh để chứng giám lòng thành.
- Sớm mai nhé! Rất sớm để em
được chiêm bái những bậc nhân thần đã có công với làng với nước, để còn tiếp
tục công việc cho được an lành. Dù sao, vẫn cần phải giữ bí mật, vì yêu cầu
chung của tổ chức.
- Được rồi! Được rồi! Anh và
em sẽ thắp hương cầu mong các đấng linh thiêng phù hộ cho mọi việc hanh thông.
Để hai đứa mình gắn bó trọn đời.
Trầm ngâm một lát, Nguyễn
Thái Học bỗng nói câu như gở miệng:
- Bước đường cách mạng còn
lắm chông gai. Chưa lường hết được thành bại. Chỉ có tấm lòng chúng mình trải
với non sông. Nếu có chết, diễm phúc nhất là được về làng để chết!
Tưởng Giang sẽ phản đối câu
nói gở, thế mà Giang lại phụ họa: “Được chết ở làng thì quá sung sướng!”.
*
Mưa bắt đầu lắc rắc. Họ mới
có lý do phải về nhà. Vừa đi vừa khoác vai nhau. Không thể đi nhanh hơn. Vài
trăm mét lại dừng hôn nhau đắm đuối. Cơn mưa ập tới nặng hạt, hai người dắt tay
nhau chạy về Thổ Tang. Họ chạy ríu vào nhau. Chân nọ vấp vào chân kia. Ngã dúi
dụi. Họ cười trong mưa. Nguyễn Thái Học cảm thấy như được sống những giờ thần
tiên nhất. Anh thầm cảm ơn Giang, cảm ơn cả cơn mưa nữa. Có cơn mưa làm cho mối
tình hai người có vẻ lãng mạn hơn. Khó lòng quên được.
Cả nhà thức giấc vì sự xuất
hiện của Học và Giang.
Bà Quỳnh lập cập dậy đốt đèn
khi thấy tiếng Nguyễn Thái Học gọi khẽ. Giang ấp úng chào ông bà Hách. Thấy con
trai và cô gái đi cùng đều ướt lướt thướt, bà giục đi thay quần áo tránh cảm
lạnh. Bà lấy bộ váy áo tơ tằm cho cô gái mặc. Bà xuýt xoa:
- Khổ vậy, đêm hôm mưa gió,
vất vả thế này, nhỡ ốm đau thì khốn.
- Không sao đâu mẹ ơi, vì
công việc chúng con không thể ốm được, mẹ ạ!
Nguyễn Thái Học trả lời thay
Giang và giới thiệu với mẹ:
- Đây là cô Giang, cùng tổ
chức với con, thầy mẹ ạ. Vì nhiệm vụ bí mật, chúng con mới phải đi trong đêm
tối. Con cũng thưa thêm với thầy mẹ là chúng con đã có hẹn ước chuyện riêng tư
với nhau.
- Thế quê cháu ở đâu?
- Cháu có mấy anh chị em? Cha mẹ cháu ra sao?
- Vâng, cha mẹ cháu sinh
được bảy anh chị em. Cháu là thứ hai. Cha cháu là Nguyễn Văn Cao, tham gia Đông
Kinh Nghĩa Thục bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Còn mẹ cháu là Nguyễn Thị Lưu, hiện
ở Phủ Lạng Thương. Chúng cháu phải đi đêm hôm vì công việc của hội kín.
- Cũng phải lo đến cái sức
khoẻ, không thể khinh suất được. Mẹ là mẹ lo lắm. Phải giữ gìn, chứ hội kín hội
hở khéo mà luỵ đến thân, con ạ!
Bà Quỳnh láng máng biết con
đang làm những việc hệ trọng. Bà không can ngăn, nhưng bà cũng không muốn con
lao vào chốn nguy hiểm.
Ông Hách nói thêm vào:
- Làm sao mà không lo. Cứ
thấy đêm hôm chó sủa từ đầu ngõ đến cuối làng, là biết có kẻ rình rập. Không
coi thường được đâu. Bây giờ đang là thời buổi nhiễu loạn. Tai vạ không thể
lường được. Chí làm trai lên rừng xuống bể thời loạn thầy mẹ không ngăn cản.
Nhưng lao vào chỗ hiểm nguy thì phải biết liệu, biết tránh khúc hiểm nghèo.
Cũng như người dùng dao sắc, biết dùng thì đắc dụng, không biết dùng thì cũng
dễ đứt tay. Vào hội kín chống Tây bây giờ là mong mỏi của mọi người dân khắp
thôn trên làng dưới, nhưng đang lúc người ta mạnh, súng ống người ta nhiều, tay
chân người ta lắm, thì phải cẩn trọng…
Giang không thể ngờ cha mẹ
của Nguyễn Thái Học thật là ân cần. Ở chốn thôn dã mà thấu hiểu thế sự và cảm
thông với ý nguyện của con cái đến vậy.
Nguyễn Văn Nho, em ruột của
Nguyễn Thái Học, nghe cha nói chuyện với Học và Giang, thấy đây là thời cơ tốt
nhất nói lên sở nguyện của mình, liền dậy góp lời:
- Xin phép thầy mẹ, nhân có
anh Học về, con muốn xin phép thầy mẹ cho con được đi cùng anh Học để làm phận
sự của người nam nhi, như mọi thanh niên đối với đất nước.
Ông Hách chưa nói gì thì bà
Quỳnh đã ngăn:
- Con ơi, một mình anh Học
của các con đi làm việc tày đình, mẹ đã rối cả ruột. Bây giờ con lại đòi đi nữa
thì mẹ biết sống làm sao?
Nguyễn Thái Học nói với em:
- Chuyện học hành của em
tính sao?
- Em đã mười bảy tuổi rồi.
Việc học của em cũng nhiều trắc trở. Học nữa để làm việc cho tây, thì không bao
giờ. Em muốn đem tuổi trẻ làm những việc có ích cho dân cho nước mình.
- Việc này anh không quyết
định được. Phải có thầy mẹ thuận lòng.
Ông Hách thấy Nho đưa ra ý
kiến đột ngột, khiến ông cũng ngỡ ngàng chưa biết cách trả lời sao cho thoả
nguyện. Ông cứ nghĩ sao các con ông lại có cái chí, mưu lo việc của thiên hạ
vậy? Ông thấy hành động của các con ông vừa hợp với chí khí của những người
trai tráng trước an nguy của đất nước xưa nay nhưng lại vừa lo lắng vì đấy lại
là những người con trai của ông, máu thịt của ông. Chúng mà mệnh hệ nào thì ông
bà mất mát đau khổ trước tiên. Tuy nghĩ vậy, nhưng ông lại nói:
- Các con lớn cả rồi. Chim
biết bay thì chim phải rời tổ. Thầy mẹ làm sao mà giữ mãi được? Nhưng con người
chỉ khác con chim ở chỗ dù bay xa tới đâu cũng vẫn biết bay trở về với tổ. Thầy
mẹ chưa thể trả lời ngay cho Nho được, phải để cứng cáp lên hơn nữa.
Nghe vậy, Nho càng khẩn
khoản:
- Thầy mẹ vẫn dạy chúng con,
không được làm điều gì để thầy mẹ hổ thẹn. Con chọn chính con đường anh con đã
đi. Con đường mà thầy mẹ đã không can ngăn anh Học, sao lại nỡ ngăn con?
Thấy có nói nữa càng luẩn
quẩn, ông Hách nói như ra lệnh:
- Thôi cả nhà đi ngủ, không
ai nói thêm gì nữa.
Nói vậy, nhưng lại thấy ông
Hách lên gian thờ tổ tiên, thắp hương, thỉnh chuông, đứng lẩm nhẩm khấn điều gì
đó.
Còn mọi người làm sao có thể
đi ngủ ngay được. Giang xuất hiện trong nhà là một sự kiện đặc biệt. Từ nay,
Giang có thể tự nhiên đi về như mọi thành viên gắn bó với gia đình. Bà Quỳnh
nghĩ rằng, Học đã lựa chọn người gắn bó cả đời với nó chắc phải cân nhắc lắm.
Bởi hai đứa cùng hoạt động với nhau, dễ cảm thông, cảm mến nhau. Vả lại, lời ăn
tiếng nói đến dáng hình cũng dễ ưa.
Thấy Giang trằn trọc chưa
ngủ được, bà Quỳnh thì thầm:
- Lạ nhà, chưa ngủ được hả
con?
Giang cũng thì thầm:
- Vâng, con chưa ngủ ngay
được. Sớm mai, mẹ cho con thẻ hương, thắp hương bàn thờ nhà mình xong, hai đứa
chúng con sẽ ra thắp hương ngoài đền Thổ Tang và Miếu Trúc, anh Học hẹn con như
thế.
- Mẹ cũng nghĩ vậy. Việc đó
phải làm, giữ đúng lễ giáo và lệ làng cho thuận trước, thuận sau.
Giang nằm bên bà Quỳnh. Mắt
nhìn vào khoảng không, có một vệt sáng bởi ánh sao lọt qua đầu hồi nhà. Bao
nhiêu sự kiện không thể nào quên trong một ngày. Thật là diễm phúc được làm con
một gia đình đầy nhiệt huyết đối với non sông đất nước.
*
Tơ mơ sáng, Học và Giang trở
dậy đi ngay. Bà Quỳnh đã nắm cho hai người một mo cơm với muối vừng để tiện ăn
trên đường.
Học chỉ dặn mẹ, các con còn
phải đi xa chưa biết khi nào mới về thăm nhà được. Nếu bạn bè thân thiết của
Học có đến cần nhờ điều gì thì mẹ hãy giúp đỡ họ. Mẹ cũng cần đề phòng những kẻ
gian đến thăm dò, hỏi gì về con thì mẹ trả lời không biết. Bà Quỳnh chỉ biết
gạt nước mắt thương con trên bước đường lặn lội sương gió, chẳng hiểu may rủi
ra làm sao. Tiễn các con đi rồi, bà Quỳnh lặng lẽ vào nằm cạnh ông Hách khẽ
nói: "Các con đi rồi mình ạ!" Ông Hách trả lời: "Tôi biết
rồi!"
Thắp hương đền Thổ Tang xong,
hai người vòng sang Miếu Trúc. Một ngôi miếu nằm ven cánh đồng, trên một khoảng
đất rộng thoáng. Dễ hình dung nơi đây những cây trúc mọc um tùm ven khu gò đống
xưa kia vắng vẻ. Nơi miếu thờ lặng lẽ yên tĩnh, nhưng chứa đựng vẻ thanh khiết,
tiêu dao, rất hợp với những tâm tình kín đáo, dễ rung động. Bây giờ rừng trúc
chỉ còn lưa thưa mấy bụi, những thân trúc gầy óng, lao xao trong gió. Có thể
nhìn qua rừng trúc ra tận ngoài phía cánh đồng.
Nguyễn Thái Học thấy Nguyễn
Thị Giang lầm rầm khấn:
- Con là Nguyễn Thị Giang, ở
Phủ Lạng Thương xa xôi, nay hợp duyên hợp số cùng Nguyễn Thái Học, xin được về
làm dâu con ở đất này. Mong thần linh thổ địa cùng các bậc thánh thần chứng
giám. Con nguyện làm người trung nghĩa với liệt tổ liệt tông họ tộc và dân làng
Thổ Tang. Con khấn cầu các chư vị thánh thần hãy phù trợ cho chúng con…
Ngọn khói hương như quẩn
quanh trên mái tóc để đuôi gà của Giang, rồi mới lặng lẽ tan vào không gian.
Gió từ ngoài cánh đồng hun hút thổi qua rặng trúc, thổi động cành bàng, mấy lá
vàng khẽ liệng xuống nền miếu.
Lúc ấy, mới thấy ông thủ từ
đến miếu. Ông cất tiếng hỏi:
- Các cháu thắp hương sớm
thế?
- Chúng cháu thắp hương
xong, phải đi ngay vì rất bận.
- Bận thì cũng nán lại uống
nước đã.
Nguyễn Thái Học giới thiệu Giang
với ông thủ từ, rằng Giang là vợ chưa cưới. Ông thủ từ vui vẻ hướng dẫn Giang
xem lần lượt các cảnh vật và di tích khu miếu. Ông thủ từ nói:
- Đã là con cháu dân làng
Thổ Tang rồi thì phải có tâm nguyện, có lòng thành thì mọi việc sẽ được hanh
thông. Khi nào về Thổ Tang thì cứ ra miếu thắp hương cầu khấn là rất linh ứng.
Nguyễn Thái Học khi ấy mới
kể với Giang rằng, ông từ cũng là đảng viên trung kiên của làng Thổ Tang đó.
Nguyễn Thị Giang rất vui vì thấy ở đây ông thủ từ coi miếu cũng sẵn lòng đi
cùng cách mạng. Giang nói:
- Vậy là cháu rất yên tâm!
Khi nào về đây có khó khăn gì, chúng cháu xin nhờ vả ở bác.
- Việc dân việc nước sao
cháu lại nói là nhờ vả?
- Vâng! Thế thì cháu càng
vững tin.
Một buổi sáng thật trong
lành, Nguyễn Thị Giang rất hào hứng nghe Nguyễn Thái Học kể truyền thuyết Miếu
Trúc. Giang vô cùng thán phục trí tưởng tượng của người xưa. Cái đám mây màu đỏ
trong truyền thuyết ấy thật lạ. Thật lãng mạn và cũng thật liêu trai. Chưa thấy
ở đâu có chuyện kể tương tự. Cái đám mây đã cuốn lấy người phụ nữ giữa đồng, để
bà ấy hoài thai sinh ra Lân Hổ, lớn lên dẹp giặc cứu nước.
Miên man ý nghĩ về một câu
chuyện dị thường huyền tích. Cánh đồng còn đó, nhưng người phụ nữ truyền thuyết
của Miếu Trúc mang theo sự linh ứng về trời tự thuở nào.
Học và Giang bước khỏi làng
Thổ Tang khi mặt trời buổi sáng vừa hé rạng.
...
NGUỒN: VanVN.NET
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét