CHUNG LÀ VỢ,
CHẠ LÀ CHỒNG?
NV PHẠM THUẬN
THÀNH
Truyện Kiều ngay từ khi mới ra đời đã được nhiều danh sĩ bình giá bằng nhiều
hình thức khác nhau. Việc phổ biến tác phẩm bằng cách viết tay và in khắc cũng
liên tục được tiến hành. Những năm gần đây, người quan tâm bình chú và công bố
cách phiên âm văn bản Kiều theo cách riêng càng nhiều hơn. Ai cũng đinh ninh
việc mình làm là đưa văn bản Kiều về gần hơn với nguyên bản của Nguyễn Du. Phải
thừa nhận rằng, việc làm ấy có thành tựu đến đâu chăng nữa thì nội rất nhiều
người tâm huyết bỏ công sức đọc, tra cứu, đưa ra nhận định riêng và công bố văn
bản mới cũng đủ nói lên sức sống mãnh liệt của kiệt tác dân tộc. Trong khi chưa
tìm thấy văn bản của chính Nguyễn Du thì mọi văn bản đều được chấp nhận nhưng
cũng đều chưa được coi là nguyên bản. Có lẽ điều này đã được các nhà Kiều học
nhận thấy nên mới đây Hội Kiều học Việt Nam đã cử ra tiểu ban nhất thống
Truyện Kiều. Các thành viên tiểu ban sẽ tập hợp tất cả các văn bản Truyện Kiều
rồi bàn bạc các chỗ khác biệt để chọn ra điểm chung, từ đó cả nước sẽ
dùng văn bản thống nhất này. Đây là cách làm mang tính khả quan của các nhà
Kiều học, nếu được công chứng của Quốc hội hoặc một uỷ ban của Quốc hội thì
nước ta sẽ có văn bản Kiều thống nhất.
Tuy
nhiên việc nhất thống Truyện Kiều còn rất nhiều gian nan. Trước hết ở kinh phí
hoạt động cho tiểu ban. Thứ đến số thành viên của tiểu ban liệu đã đủ đại diện
cho các quan niệm khác nhau chưa và có tính pháp lí chưa. Một điều mấu chốt nữa
là liệu có tìm ra được tiếng nói chung hay không. Xin đơn cử một ý kiến riêng
của nhà Kiều học Bùi Thiết công bố trong văn bản Truyện Kiều, Nhà xuất bản Văn
học 2004 về từ “chạ”: “Chạ: Âm cổ, để chỉ trai tráng, đàn ông. Khi đi với Chung,
có cặp Chung Chạ, nghĩa thường hiện nay hiểu là sự chung chạ, câu 2773: “Một
nhà chung chạ sớm trưa”. Ngoài ra Chung Chạ còn có nghĩa khác, cũng rất cổ là
để chỉ vợ chồng: vợ là chung, chồng là chạ. Câu 958: Đã khi chung chạ lại khi
đứng ngồi, ở đây nghĩa như là vợ chồng, ý nói Kiều đã là vợ của Mã Giám Sinh.
Trong ngôn ngữ dân gian có câu: chồng chung vợ chạ (nghĩa là chồng vợ, vợ
chồng)” (Trang 12 - 13, Truyện Kiều, Nhà xuất bản Văn học 2004, văn bản do
Bùi Thiết tuyển chọn và đọc hơn 130 âm cổ đầu thế kỉ 19).
Nhà
Kiều học Bùi Thiết trong công trình nghiên cứu của mình đã đưa ra một phát kiến
giật mình thiên hạ khi công bố âm Việt cổ chung nghĩa là vợ, chạ nghĩa
là chồng. Tuy nhiên việc công bố mà không có dẫn chứng minh hoạ khiến người ta
không khỏi nghi ngờ tính võ đoán cá nhân của Bùi Thiết.
Một
là, giả sử năm cuối cùng của đầu thế kỉ 19 là năm 1850 và năm Bùi Thiết công bố
tác phẩm 2004 khi ông mới lên 1 tuổi thì Bùi Thiết cũng đã 155 tuổi. Thời điểm
năm 2004 kỉ lục thế giới về sống lâu cũng chưa đến 150 tuổi và không thuộc về
Việt Nam.
Vậy Bùi Thiết làm gì có sống ở đầu thế kỉ 19 đâu mà biết tiếng Việt cổ chung
nghĩa là vợ, chạ nghĩa là chồng.
Thứ
hai, đã không phải là người trực tiếp sống và dùng ngôn ngữ cổ thì chỉ có thể
nghiên cứu ngôn ngữ cổ qua văn bản thời đó để lại. Số lượng văn bản cổ đã được
phiên ra chữ quốc ngữ và in ấn khá nhiều như ca dao tục ngữ, thơ quốc âm của
Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, các truyện thơ của Hoàng Sĩ
Khải, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm và nhiều tác phẩm khuyết danh khác. Đã có
nhà nghiên cứu nào phát hiện ra tiếng Việt cổ chung nghĩa là vợ, chạ nghĩa là
chồng chưa. Ngay trong thơ Hồ Xuân Hương, người sống cùng thời với Nguyễn Du
cũng có câu “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”.
Theo Bùi Thiết giảng nghĩa thì kiếp lấy chồng chung là kiếp lấy chồng vợ (chung
là vợ) thì khó hiểu quá. Lấy chồng vợ là loại chồng gì đây. Và kẻ đắp chăn bông
là ai, kẻ lạnh lùng là ai. Còn người Việt bình dân nào mà chả hiểu kiếp lấy chồng
chung là ít nhất phải có hai người vợ chung một người chồng, tức cảnh vợ cả vợ
lẽ, nên mới có người được chồng yêu (đắp chăn bông) còn người kia phải nằm
không (kẻ lạnh lùng) vì trên thực tế người chống khó và không thể yêu hai người
vợ cùng một lúc được. Và ngay văn bản này người Việt cổ đã dùng từ chồng trong
quan hệ vợ chồng rồi chứ đâu chờ đến người Việt sau thế kỉ 19 thông minh hơn
mới sáng tạo ra từ chồng và vợ dùng thay cho từ cổ trước đó.
Thứ
ba, ngay trong văn bản Kiều cũng có câu dùng từ vợ và từ chồng rồi, đó là câu “Sống
làm vợ khắp người ta/Thác xuống âm phủ làm ma không chồng”. Ca dao cổ có
câu “Bây giờ chồng thấp vợ cao/Như đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Nghĩa
là đầu thế kỉ 19 người Việt đã dùng phổ biến từ chồng và vợ rồi và những từ khác
để chỉ thay thế như từ nhà, bà xã, ông xã… cũng có nhưng các từ chung chạ thì
không hề có.
Thứ
tư, Bùi Thiết không hiểu một cách tạo từ mang nghĩa khái quát trong ngôn ngữ
Việt: dùng một từ thông dụng với một từ cổ đồng nghĩa. Ví dụ: xe cộ là chỉ các
loại xe nói chung, chim chóc là chỉ các loại chim nói chung, tre pheo là chỉ
các loại tre nói chung, đất đai là chỉ các loại đất nói chung… Vậy chồng chạ,
vợ chung trong tiếng Việt làm gì có từ này. Mà từ chồng chung, vợ chạ cũng
không có nét nghĩa khái quát này mà mang nét nghĩa khác sẽ phân tích sau.
Theo sách Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học soạn, Hoàng Phê chủ biên (Nhà
xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học in năm 2004) giải nghĩa ba từ chạ,
chung và chung chạ như sau:
Chạ
(trang 131):
I.d. Xóm thời xưa. Chiềng làng chiềng chạ. Thượng hạ tây đông… (tiếng rao mõ
ngày xưa).
Xin
dẫn thêm: ở vùng đồng bằng Bắc Bộ còn duy trì lệ kết chạ giữa hai làng khác
nhau, trong đó có một làng là chạ anh, một làng là chạ em. Vì thế việc chung
giữa hai làng sẽ không còn là việc riêng của từng làng kiểu “Thánh làng nào
làng ấy thờ” nữa, do đó từ chạ trong kết hợp với từ chung có nét nghĩa mới
là lẫn lộn, bừa bãi.
II.t (id; kết hợp hạn chế). Lẫn lộn, bừa bãi. Ở chạ. Ăn chung ở chạ.
Chung (trang 183):
I.t. 1, Thuộc về mọi người, mọi vật, có liên quan đến tất cả, phân biệt với
riêng. 2, Có tính chất bao quát, gồm cả cái chính, cái cơ bản. 3, (Thường dùng
phụ cho đg.) Cùng với nhau, chứ không phải người nào người ấy tách riêng ra.
IIđg. 1, Cùng có với nhau. 2, Góp lại với nhau.
Chung chạ (trang 131):
Đg.
(hoặc t.): 1, Chung với nhau trong sinh hoạt đến mức không còn phân biệt cái gì
là riêng nữa.
2,
Sống chung với nhau như vợ chồng.
Đối
chiếu nghĩa của ba từ chạ, chung, chung chạ theo sách Từ điển tiếng Việt thì
câu Kiều 2733 và câu Kiều 958 mà Bùi Thiết đã dẫn thì rất rõ ràng và ai cũng
hiểu như vậy: Sống chung với nhau như vợ chồng. Với kiểu võ đoán cá nhân như
nhà Kiều học Bùi Thiết thì biết đến bao giờ mới có được một văn bản Kiều thống
nhất đây.
-------
Phạm Thuận
Thành
Hội viên Hội
Ngôn ngữ học Việt Nam
Hội viên sáng
lập Hội Kiều học Việt Nam
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
02413.782.355 - 0168.5300.803
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét