Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

CÁI KIM TRONG BỌC - ĐẶNG TIẾN HUY








NV ĐẶNG TIẾN HUY 
TRƯỞNG TRẠI 
TẠI NHÀ SÁNG TÁC TAM ĐẢO - 2008


NV ĐẶNG TIẾN HUY
  Nguyên:  Q Chủ tịch Hội VHNT Bắc Giang &  Tổng Biên tập Tạp chí Sông Thương. Hội viên Hội Nhà báo VN. Đã xuất bản 10 tập thơ, một số tập truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu… 
   ĐTM giới thiệu tác phẩm mới nhất, truyện ngắn về khổ nạn của khá nhiều nhà thơ thời nay, "Thấp mưu thua trí đàn bà - Kiều"... CÁI KIM TRONG BỌC - một thông điệp của tác giả...  



CÁI KIM TRONG BỌC
                                                     Truyện ngắn

Anh ta cần một khoản tiền.
Đã lâu lắm, anh ta mới lại cần một khoản tiền lớn như vậy. Tính anh ta lại chẳng muốn phiền lụy, nhờ cậy ai việc gì bao giờ. Ngay cả người nhà, vợ con. Anh ta chỉ hay giúp người, làm phúc. Không bao giờ nhận lại bất kỳ sự ơn huệ nào. Bạn bè anh ta bảo: “Mày thật là lạ... chỉ đi làm phúc, làm đẹp cho người, cho đời...số mình thì để cho ruồi nó bâu...”.
Nghe vậy, anh ta cũng chỉ lặng lẽ cười. Chẳng đổi tính đổi nết được đâu. Cha sinh con, trời sinh tính. Đã là trời sinh tính... làm sao mà đổi tính đổi nết dễ dàng được...
Biết xoay sở làm sao đây. Nước đến đít rồi. Biết chạy đằng nào? Mà lại là để in thơ. Tập thơ đã tâm huyết từ lâu. Bí mật tập hợp bản thảo gửi cho nhà xuất bản có tiếng. Nhờ cậy người thân quen ở đấy “lách” cho từ A đến Z. Hắn mới điện về, lo chu tất cho rồi. Hắn bảo ngon lành lắm. Khá lắm. Giấy phép xong. Vẽ bìa, biên tập xong. Đã vào khuôn sách,... chuẩn bị in. Từng này trang... khổ là... từng này cuốn.... Tổng cộng từng này tiền... (Đấy là cả tiền giấy phép, biên tập, vẽ bìa, đánh máy, chế bản...in ấn, thuế...); chỉ tuần tới là sách có thể sẽ gửi về tận nhà, tận tay, day tận trán...Nhưng mà phải gửi tiền ra ngay, không thì nhỡ kế hoạch của người ta... kẻo phá hợp đồng mình vừa phải phạt, giấy phép quá hạn có mà toi, xôi hỏng bỏng không đấy ông giời ạ...
Được tin thì mừng, thì sướng. Dưng mà lo. Đồng tiền bát gạo chứ có phải chơi đâu. Đùa được đâu. Cứ tưởng, chí ít cũng phải vài ba tháng. Nào ngờ lại dễ dàng chóng vánh làm vậy. Bí như gà mắc tóc. Ngồi lưng ngựa mất rồi, ghìm cương mãi làm sao được. Có mà mặt mẹt. Lần này còn lần khác. Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông. Ăn không ngon, ngủ chẳng yên. Biết tính sao đây? Xoay sở cách nào cho êm? Thường thì trong túi anh ta chẳng bao giờ nhẵn tiền. Đôi lúc có nhuận bút in thơ, in truyện... giá cứ tích tiểu thành đại, cộng với khoản tiền hàng tháng vợ trích lượng đưa cho tiêu vặt cũng có một khoản kha khá. Đằng này, anh ta coi tiền nhuận bút là lộc trời nên chia đều cho vợ con cùng hưởng. Có đứa cháu nào học giỏi là thưởng hoặc tặng quà sinh nhật. Đôi khi cao hứng cũng mời bạn bè văn chương đi bia bọt, cà phê cà pháo vừa bàn luận văn chương vừa nạp thêm cảm xúc... nên cứ là vung tay quá trán. Đến khi cần thì lại lỡ dở...
Anh ta đã trù tính, trước khi gửi bản thảo cho nhà xuất bản, đã gửi một bản cho Hội xin tài trợ in sách, dù có một hai tháng cũng là vừa. Lưng vốn cũng có một khoản tiền không lo. Đùng một cái, Hội người ta đã xét cấp đâu. Thằng bạn thân lại vừa đến mượn nóng. Chẳng lẽ lại đến đòi ngay. Có mà mặt mẹt.
Biết chắc chỉ còn một cửa. Muốn có chìa để mở được khóa cửa này cũng không dễ đâu. Thư thư tìm cách khác xem sao đã. Chắc không xong đâu. Đồng tiền bát gạo người khôn kẻ khó dễ ai mở hầu bao cho vay mượn trong lúc giá cả thị trường cứ tăng vùn vụt chóng mặt thế này. Lại cho con nợ mượn in thơ khác nào vung tay đốt nhà táng... Thôi thì cứ mạnh dạn gõ cửa nàng vậy. Chả lẽ lại phải hạ mình, ngửa tay?... Xưa nay anh ta chưa từng ngửa tay với ai... mà mượn tạm chứ có xin xỏ gì đâu. Thôi đành phải cậy cửa vợ, chứ biết vay ai được. Xấu chàng hổ ai?
Anh ta cứ suy đi tính lại cẩn thận, hỏi lúc nào cho tiện đây. Mà hỏi tiền để in thơ lại càng phải cẩn trọng. Lúc nào nàng thật vui vẻ, không khéo công toi, dã tràng xe cát... Bây giờ hiếm có bà vợ nào mở hầu bao một cách dễ dàng cho chồng in thơ. Các bà ấy là chúa tính toán chi li thiệt hơn lỗ lãi. Nếu sinh lời thì chẳng nói làm gì. Đằng này in thơ bán cho ai. Còn mất toi công vất vả xuôi ngược đi biếu đi tặng. Người ta đọc cho còn phúc. Có đôi lời chúc tụng, chia sẻ ngọt bùi động viên, xem ra còn được an ủi nở mày nở mặt. Cũng có kẻ xỏ xiên lá  mặt lá trái, nghĩ là tức điên lên, mặt tím tái như cà dái dê, cũng phải cắn răng nén lại chịu trận...Mà nào đã hết chuyện bi hài đằng sau việc biếu tặng sách. Cũng lắm cái cười ra nước mắt, cay đắng để đời. Anh ta đã có đến vài ba lần cay đắng buồn đau để đời ấy. Lần thứ nhất in tập thơ đầu tay, hí hửng ra mặt, suốt đêm trước hôm sách về không tài nào ngủ được. Cứ thắc thỏm mường tượng vể mặt mũi “đứa con tinh thần” nó ra làm sao. Mặt vuông mặt méo hay mặt hoa da phấn? Tâm lý, anh nào có sách được in lần đầu cũng thế. Y như kẻ đứng ngoài phòng sản bồn chồn chờ vợ đẻ đứa con đầu lòng. Mà cũng lạ, đến lần sau, lần sau nữa, có sách được in ra, vẫn giữ y nguyên tâm trạng của cái thuở ban đầu...
Sách về, còn thơm nức mùi giấy mực, ngồi dạng hê, cặm cụi, hý hoáy lên danh sách bạn để tặng biếu thơ. Mở sách trân trọng ghi lời đề tặng và chữ ký cho thật oách. Cũng mất đến vài buổi quên ăn quên uống. Rồi lại hì hục rồ máy phóng xe chở sách đi tặng đi biếu, lặng lẽ quan sát thái độ, cử chỉ của bạn xem họ trân trọng, mừng vui, hân hoan đón nhận món quà quý này đến mức nào, là thấy hạnh phúc lắm lắm. Một lần, anh ta như bị dao cứa vào tay, buốt thon thót đến tận tim óc, tình cờ chứng kiến. Vừa trịnh trọng tặng một anh bạn tập thơ cửa trước, lên đến lưng chừng thang gác, gặp một người đi xuống, hắn ném vèo tập thơ cho họ, cười khẩy. Đồ xỏ lá, thế mà trước mặt hắn nhận sách ra vẻ hân hoan, chúc tụng cám ơn chân trọng, tỏ vẻ rất quý sách, yêu thơ... Thấy xử sự vô văn hóa ấy, anh ta sững sờ, tái tê. Tưởng đất trời sụp đổ, quay cuòng... Không sao, có mất ngủ mấy đêm, rồi anh ta chặc lưỡi: Sự đời ý mà, chuyện vặt để ý làm gì. Anh ta nhanh trở lại trạng thái bình thường, hồn nhiên tươi trẻ. Nghệ sĩ ấy mà. Đã là nghệ sĩ chân chính, mọi sự hiềm khích, chê bai ganh ghét, buồn đau chỉ là cơn mưa bóng mây. Phải để niềm đam mê sáng tạo hướng tới cái lớn lao hơn, cao cả hơn...

Lần thứ hai, anh ta cũng vui mừng hồ hởi báo tin vui và trân trọng đề tặng một người bạn khác, hế gặp là hỏi han, quan tâm đến công việc sáng tác của anh ta, một tập truyện ngắn mới ra lò để tỏ lòng biết ơn. Bẵng đi đến vài tháng, anh ta nhận được cú điện thoại của một anh bạn có vợ về hưu làm thêm nghề mua bán sách báo cũ cho vui, thu nhập thêm được đồng nào hay đồng ấy, quà bánh cho các cháu. Hắn bảo đến nhà ngay có quà tặng. Hí hửng tưởng hắn vừa đi nước ngoài về lắm chuyện hay, lại cho chai rượu quý, chí ít cũng là một món quà đặc biệt chả khoái à. Hay trong đống sách cũ vợ hắn mới mua có cuốn sách quý hiếm có ích cho công việc viết lách của mình? Anh ta liền phóng xe vù đến nhà bạn. Quả không sai, vừa vào phòng khách, tay bắt mặt mừng, bè bạn hàn huyên, ngồi chưa ấm chỗ, uống dở chén trà, cứ thắp tha thắp thỏm, bạn anh ta mới vào nhà trong cầm ra một cuốn sách bảo: “của đau con xót quá, vội gọi cậu đến cho “châu về hợp phố” đây. Quả đất đúng là tròn... Tập truyện của cậu đi vòng vèo thế nào lại đến nhà “bà đồng nát” nhà tôi. Gửi biếu lại cậu đây...”. Anh ta thấy chua chát trong lòng, cầm lấy tập sách, cám ơn, xin phép bạn lủi thủi ra về. Lẳng lặng buồn thiu đến bàn làm việc, ngồi thần người ra, ngắm nghía cuốn sách tội nghiệp thấy vẫn còn mới, không tỳ vết còn mừng. Giở trang bìa lót có lời đề tặng bạn trân trọng, quý mến, nét chữ vẫn còn tươi mực. Lần lượt giở từng trang sách, có những trang còn dính vào nhau do xén lỗi vẫn y nguyên, chứng tỏ sách không hề được đọc. Anh ta cứ ngồi mọc rễ  nâng niu như an ủi cuốn sách tội nghiệp, cả buổi gặm nhấm nỗi đau...
Việc biếu tặng, hay dở, đọc hay không đọc là lẽ thường tình. Cũng như say mê sáng tạo viết được cái gì in được sách cứ in. Anh ta lại chậc lưỡi phát ra tiếng rõ to, dòn vo... Cho qua tất cả. Việc lớn trước mắt là xoay ra tiền trả in sách thơ. Nằm vắt tay lên trán nghĩ miên man. Bắt đầu lục lọi mọi ngóc ngách tâm can, quay ngược về quá khứ... Đối với thơ, nàng (vợ mình) cũng không dị ứng lắm. Thời trẻ còn yêu say đắm thơ là cái chắc. Chính với dăm ba bài thơ tình anh ta gửi đã cưa cẩm nàng đổ. Nhiều anh chàng mê nàng đứng trơ mắt ếch. Hồi yêu nhau, nàng còn hãnh diện ra mặt trước đám đông bạn bè, cầm tờ báo có đăng thơ anh ta khoe rối rít. Cũng chẳng vắng nàng buổi nào, cặp kè nhau đến gặp gỡ bạn bè văn chương, nghe công bố những bài thơ mới sáng tác của nhau. Nàng hân hoan, vui vẻ, biểu lộ trên nét mặt rạng rỡ xinh đẹp. Nhất là lúc anh ta đọc thơ, thỉnh thoảng liếc nhìn  sự chăm chú lắng nghe của nàng, khuôn mặt rãn ra như bông hoa đang nở và đôi mắt, ôi cứ lúng liếng, rừng rực như ngọn lửa bừng sáng của nàng như chất men nâng bổng hồn thơ anh ta, khiến cảm xúc trào dâng, nước mắt dàn dụa, giọng thơ lạc đi trong niềm hân hoan hạnh phúc như thể được đón nhận nụ hôn nồng nàn của nàng hôm ngỏ lời yêu... Và rồi, cái đích của một mối tình đi trên chiếc cầu thơ là một đám cưới. Trải qua năm tháng gập ghềnh, gian nan trong đời thường, cơm áo gạo tiền, con cái, sự nghiệp... Anh ta không bỏ được thơ như chung thủy với nàng. Nàng cũng cùng anh ta bươn chải, trèo lái con thuyền vượt qua dông bão, làm tròn chức năng người vợ và một cô giáo yêu nghề quý trẻ. Cũng quan tâm yêu chiều anh ta. Nhưng với thơ thì hình như...
Lẽ nào?...
Phải, anh ta ngờ ngợ nhận thấy. Mơ hồ như nước hồ thu lăn tăn gợn sóng. Mà kín đáo, tinh tế lắm. Mung lung sương khói làm sao. Nhậy cảm lắm, thật chú ý theo diễn biến hàng ngày mới đôi khi bắt sóng được tình cảm của nàng có chút gì đó khang khác với thơ? Không bộc lộ rõ ràng, rất khoát ở cử chỉ, hành động, lời nói, tình cảm của nàng thể hiện sự nhạt phai sắc màu, cung bậc yêu ghét với thơ. Không. Không rõ lắm. Nhưng mà có khói tỏa ra rất mảnh ở cơ thể nàng. Khác nào sợi khói từ bếp Hoàng Cầm? Bởi nàng là người có trình độ, có văn hóa, biết ứng xử tế nhị. Thái độ của nàng luôn biến hóa hợp lý; Tinh cảm của nàng lại sâu lắng, khó lường, như thể “gái năm con ăn ở chưa hết lòng chồng”, “nông nổi giếng khơi”, chứ có như phổi bò, “cơi đựng trầu” của cánh đàn ông vô tư thơ phú như chúng ta đâu.
Dần dà, như mưa phùn thấm sâu, mưa lâu ướt áo, anh ta cũng cảm nhận ra được điều gì... mơ hồ lắm... Lẽ nào?
Lại lẽ nào?...
Mới đầu, sau mỗi lần bạn thơ đến chơi nhà ra về, nàng lại hé mở lộ ra một tí, rất tơ mảnh như sợi khói, tinh mới nhận ra, bằng lời nhận xét hay lối nói hài hước sẵn có, là đặt “bút danh” cho họ. Thường thì các ông bạn thơ đến chơi nhà rất bộc trực, thân tình, thật thà đến ngây thơ. Tự nhiên trò chuyện, đọc thơ cởi mở tâm can, tự nhiên thoải mái như ở nhà mình, chẳng còn biết ý tứ, đọc thơ cứ choang choang, tranh luận mặt đỏ phừng phừng như Trương Phi, lời lẽ gay gắt tưởng cãi nhau... Bạn thơ ra về, nàng cũng niềm nở, tươi cười chào, tiễn ra tận cổng. Khách ra khỏi, nàng vội đóng cổng, quay ngoắt vào nhà, nhìn chồng với khuôn mặt chẳng nhẹ nhõm, cười nửa miệng chẳng mấy thiện cảm, mà rằng: “Thơ với thẩn, đọc choang choang như chợ vỡ. Đúng là nhà thơ chợ vỡ”. Một lần khác, lại một bạn thơ khác đến chơi đọc tặng bài thơ “Nhớ”, có đoạn: “Lâu không về,/Nhớ/Nhớ đầy/Nhớ vơi.../Đi ra đi vào/Đi vào đi ra...”. Đến tối, sau bữa cơm chiều, lúc hai vợ chồng ngồi uống trà có vẻ đầm ấm, vui vẻ, bỗng nàng cất giọng dõng dạc đọc đoạn thơ đúng y giọng điệu ông bạn thơ say sưa đọc, không sai một chữ một câu... Anh ta giật nẩy mình, cô ta nghe lúc nào mà thuộc ngay được? Rồi nàng cười khùng khục... Sau đó đưa ra lời kết luận: Đúng là tình cảm nhà thơ lai láng thật. Đích thực là nhà thơ Đầy vơi...
Mỗi bạn thơ đến chơi nhà, đọc thơ, sau khi họ về, anh ta đều được nghe nàng bình phẩm, tìm ra những từ ngữ riêng trong thơ họ hoặc có những đặc điểm riêng của từng người, gắn với công việc họ làm mà nàng biết đều được nàng đặt bút danh. Một anh bạn nghiện thuốc nặng. Đọc mỗi bài thơ là một điếu thuốc. Khi hết thuốc, nhà thơ vô tư, tự nhiên như lúc đọc thơ: “Bác kiếm cho em xin điếu thuốc”. Anh ta không nghiện thuốc, không có sẵn thuốc. Chiều bạn, sai con đi mua. Nàng đặt là: “Nhà thơ xin thuốc”. Một anh bạn đi trại sáng tác về khoe viết được chùm thơ được khen có câu: “Ba vạn chín nghìn...”. Nàng diễu: “Nhà thơ ba vạn chín nghìn”. Gặp anh bạn thơ làm ở nhà máy xay, hết ca về, tranh thủ mua cho vợ một xe cút kít đầy bao trấu cho vợ làm củi đun, nàng đặt là: “nhà thơ trấu”. Bạn thơ làm nghề chài lưới trên sông, nàng đặt: “nhà thơ thuyền chài”... Thôi thì đủ cả, nào là “nhà thơ chổi đót”, có vợ bán chổi đót; nhà thơ đá cát sỏi (làm ở Công ty Đá cát sỏi); nhà thơ bưởi bộp, nàng găp ông cùng vợ đi bán bưởi thờ dịp tết v.v... và v.v....



NS TẠ QUANG TỐ
TRONG MỘT BUỔI TOẠ ĐÀM THƠ 


Vốn dĩ, nàng có tính hài hước, thừa hưởng truyền thống quê nàng. Rất hay nói ngược. Cao bảo là lùn, gầy bảo là béo, bé nói khá đại...Anh ta hiểu nàng, chẳng phải ám chỉ, coi thường, diễu cợt ai đâu. Đôi lúc anh ta cũng cảm thấy vui vui, thư giãn bớt căng thẳng, bỏ qua cho nàng. Một lần, anh ta hỏi: “Em đặt bút danh cho anh là gì? Không phải suy nghĩ lâu, nàng nói ngay: Vẫn thế. Nhà thơ Vẫn thế”. Anh ta không cười, đần mặt suy tư: sao lại vẫn thế nhỉ? Hóa ra mình và thơ chả có gì khác thuở yêu nàng? Có nghĩa là... Anh ta không dám suy diễn xa xôi, lung tung... Dưng mà....Xã hội cứ đổi mới chóng mặt; bạn bè vượt mình bứt lên cũng chóng mặt; kể cả thơ phú? Nàng phê khéo mình chắc? Mặc kệ.
Nhưng nhiều khi quá lạm dụng, cứ lặp đi lặp lại đến chán ngấy cái điều cũ mèm ấy, kể cả thơ phú văn chương cũng vậy, nó sẽ có vấn đề. Người ta cảm thấy ngờ ngợ... Chẳng lẽ nàng đã thay đổi? Thời gian, cuộc sống, cơm áo gạo tiền... đã làm cho nàng thay đổi? Đã vô cảm... Nàng đã chán ghét, rẻ rúng, coi thường thơ? Cả người thơ? Nàng đã kín đáo phê phán, chê bai thơ, bạn thơ anh ta, cũng có nghĩa là coi thường chồng? Đến nước này, mà thật, thì chẳng còn ra thể thống gì nữa. Hỏng. Hỏng ráo.
Đã đành, từ ngày đất nước mở cửa, đổi mới, đồng chí Tổng Bí thư bảo: “Ta phải tự cứu lấy mình...” có biết bao nhiêu sự kiện trọng đại đã đổi thay. Diện mạo quê hương đất nước hồng hào thay da thắm thịt. Cuộc sống vật chất, tinh thần đổi thay từng ngày từng giờ. Lẽ dĩ nhiên, kèm theo guồng chảy, cuốn theo luồng gió mới tránh sao rác rưởi cuốn theo. Đó là những tiêu cực, tệ nạn xã hội, tham ô, tham nhũng, tham quyền cố vị, đạo đức lối sống xa đọa, xuống cấp... Văn chương cũng vậy sao? Một số người kêu toáng lên: lạm phát thơ?Thơ dở lên ngôi?...Nhưng thơ vẫn được tôn vinh.Cả nước người người làm thơ. Ra ngõ gặp nhà thơ... Có cờ thơ, ngày hội thơ Việt Nam. Thử hỏi trên thế gian này có nước nào yêu thơ, tôn vinh thơ đến thế.
Anh ta tin. Nàng không thể thay đổi, sa đọa đối với thơ. Nàng vẫn chung thủy với anh ta có nghĩa là nàng vẫn yêu thơ, tôn trọng thơ.
Và, anh ta quyết định đêm nay phải nói với nàng. Không còn chậm trễ được nữa. Thời cơ thích hợp rồi. Chớp được thời cơ là trăm trận trăm thắng. Vào thời điểm thích hợp, vợ chồng tay gối đầu ấp trên giường đệm êm ái, anh ta nói: “Em à, anh cần gấp một khoản tiền... Em có thể tạm ứng cho anh...”. Nàng giật nẩy mình, nằm xa anh ta, với giọng gay gắt: “Em có phải là cái kho đâu... trăm thứ đổ lên đầu...Mà đùng một cái anh cần gấp... thì xoay xở làm sao?”. Bất ngờ. Thật bất ngờ. Xưa nay nàng chưa phản ứng dữ dội, nói với anh thế bao giờ. Im lặng hồi lâu. Bỗng anh ta phát khùng. Cũng chưa bao giờ, từ ngày lấy nhau, giờ đã mấy mặt con, anh ta cũng không tỏ thái độ với nàng như thế. “... Xưa nay, cô biết tính tôi rồi đấy. Có thèm ngửa tay xin xỏ ai cái gì dù chỉ bằng cái kim... Bí lắm tôi mới phải hỏi. Mà là vay... Tôi vay nóng. Có vay có trả. Đã thế từ rày tách bạch ra, có cái gì chia được cứ chia ra, đôi ba gì cũng được. Lương lậu cũng vậy, của ai người ấy lĩnh, góp gạo thổi cơm chung... còn thì của ai người ấy giữ, người ấy tiêu đỡ phải phiền toái, hỏi han, cầu cạnh rách việc”. Biết tính chồng đã quyết điều gì là bất di bất dịch, tìm mọi cách làm cho bằng được. Gia trưởng và quyết đoán. Quả bóng trong nàng xì hơi dần phả vào ngọn lửa trong lòng nàng lụi dần lụi dần...Nàng hạ thấp giọng, dịu dàng: “Thôi thì còn tiền tiết kiệm, mai em đi rút. Mà tám, chín giờ sáng mai được không?”. Anh ta cũng xì hơi, hạ nhiệt: “Được. Miễn là có tiền trong ngày mai...”.
Thế rồi gió lặng, mưa dừng. Nàng nằm quay mặt vào tường, một tí đã ngáy phe phé. Anh ta nằm ngửa, vắt tay lên trán trân trân nhìn đỉnh màn. Đỉnh màn nhòa trong đêm. Căn phòng trở thành rộng mung lung, anh ta thấy cô đơn, trằn trọc mãi không tài nào ngủ được. Thế là những ý nghĩ vẩn vơ từ đâu ào tới, đặt ra biết bao nhiêu câu hỏi rất khó trả lời. Tại sao nàng lại nói dối mình? Những lần trước cần tạm ứng in thơ, in truyện nàng không phàn nàn mà còn tỏ ra động viên vui vẻ. Sao lần này nàng quay một trăm tám mươi độ như thế? Anh ta biết đích xác nàng có tiền để trong ví, mới cạo râu được. Số tiền gấp mấy lần số tiền anh ta cần. Cũng thật tình cờ thôi, mới hôm qua đây thôi, nàng nhờ anh ta lấy hộ chiếc áo trong tủ, mở tủ ra, nhìn thấy cái ví để hớ hênh  trong túi áo véc; tò mò mở ra xem, đếm thử... Thế mà nàng bảo phải đi rút tiết kiệm là lẽ làm sao? Anh ta ngờ ngợ... nàng đã thay đổi? Còn tệ hại, khốn nạn hơn thay đổi ấy chứ? Phản bội? Có quá không nhỉ? ... Vợ chồng với nhau sao phải nói dối? Một tí nói dối bằng... một khối nói thật. Mới đây thôi hay đã từ lâu? Khỉ thật, chúa chủ quan tin người. Anh ta thở dài, nén lại nỗi ngờ vực, chịu trận mà chờ đợi... chờ đợi xem thật giả ra sao!...
Sáng hôm sau, không kịp ăn sáng, nàng vội vàng mặc quần áo, vội vã dắt xe bảo đi rút tiền. Nàng đi được một lúc, anh ta ăn sáng xong ra bàn uống nước thấy chứng minh thư nàng để quên. Anh ta phàn nàn: lại ruột để ngoài da; quên chứng minh thư làm sao rút được tiền. Anh ta định đem đến cho nàng. Có biết nàng gửi ở đâu đâu. Đành thôi. Không rút được tiền nàng sẽ về lấy. Cho đến lúc này, anh ta cũng không tin nàng nói dối. Có thể nàng đã tiêu nóng vào khoản gì chưa tiện cho chồng biết. Mà sao lại phải nói dối quanh. Ý nghĩ này vẫn cứ xoắn lấy anh. Sự ngờ vực cứ lởn vởn ẩn hiện ra khó chịu. Cứ nói toạc móng heo ra có phải không, nghĩa là không thể đưa tiền cho anh đi “đốt nhà táng” nữa. Thơ với thẩn mãi thế, rách việc, có phải sòng phẳng, đỡ đau đầu, nghi ngờ... Vả lại, đằng này cứ im re, cứ tỏ ra nhẫn nhục tìm cách đưa tiền cho chồng. Thế mới đáng ngờ. Lại đáng ngờ?... Mà mình có nói cần tiền để in thơ đâu. Nàng cũng chẳng hỏi lấy tiền để làm gì. Thế lại càng đáng ngờ. Bụng dạ đàn bà là thâm trầm lắm chứ chẳng chủ quan được đâu. Thấp mưu thua trí đàn bà như chơi. Nếu vậy, sự thật mà tóe loe ra thì kinh khủng thật. Nàng đã phản bội. Phản bội từ bao giờ? Cứ ngất ngây khôn dại dại khôn với thơ phú cho lắm vào, chuốc họa vào thân mà không hề hay biết. Đau! Đau hơn hoạn! Cứ tưởng đặt niềm tin vào hết thảy nhờ cớ thơ ta có hạnh phúc. Phúc đấy thì họa cũng liền kề đấy. Cũng vì thơ mà mang họa vào thân sao? Đến nước này sẽ tan cửa nát nhà, chia đàn xẻ nghé đến nơi rồi. Khổ là khổ nhất những đứa con. Chúng có tội tình gì bỗng dưng mất cha hoặc mất mẹ? Cứ nghĩ đến cảnh dì ghẻ con chồng, hoặc dượng già con vợ trẻ, con anh con tôi, con chúng ta mà nẫu ruột, rùng mình. Không thể thế được. Anh ta hét lên trong sự hoảng loạn của cuộc tranh đấu nội tâm. Vã mồ hôi hột. Cơn sốt cao trên 40 độ dần hạ nhiệt. Anh ta thầm trách mình chỉ cả nghĩ, lo xa...đâu đã đến nỗi nào mà đã hoang tưởng... quen trí tưởng tượng thi sĩ.  Tiềm năng quý hiếm này là phúc của nhà thơ, và cái họa cũng phát sinh từ đây. Dao hai lưỡi đấy. Không khéo đứt tay như chơi. Thôi, không nghĩ quẩn nữa. Để xem...







Nàng về, vứt tạch xấp tiền trước mặt anh ta nói cộc lốc: “Tiền đấy, làm vương làm tướng gì thì tùy”. Chợt nhìn thấy chứng minh thư của mình nằm lù lù trên bàn, mới sực nhớ ra, nàng vội nhặt, chống chế: “cứ tưởng rơi đâu mất... Nếu không có người quen thì hỏng việc... Tý nữa ra làm thủ tục vậy...” Nàng vội lên gác.
Anh ta cầm tiền thấy mủi lòng, bỗng giật nẩy mình. Sao tiền giống tiền?...  Đúng xấp tiền này ở ví nàng hôm rồi anh ta đã đếm... Mới cạo râu được... loại tièn ấy... không thể có sự trùng lặp?... Tim anh ta đập tình thịch... đập loạn lên. Mặt anh ta nóng phừng phừng. Hai thái dương nhức buốt như kim châm... Bất chợt anh ta loạng choạng, từ từ nằm ngả người trên đi văng, lịm dần, tay nắm chặt xấp tiền.
Khoảng chừng mấy phút sau, tay nắm xấp tiền động đậy rồi nẩy lên xòe ra, xấp tiền rơi xuống đất. Anh ta ý thức được, rõ ràng có cái kim đâm vào lòng bàn tay buốt thót khiến anh ta bừng tỉnh dậy. Anh ta nhỏm dậy, nhìn xấp tiền như vấy máu, mắt mờ đi vì nước mắt, mồm méo xệch, bật ra hơi thở, đem theo lời rên rỉ: “Chao ôi, cái kim... cái kim trong bọc... nó tòi ra!...”
                                                             Thánh Thiên, 4 - 2012
                                                            Đ.T.H


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét