Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

THƠ VŨ ĐÌNH HUY: MẸ VỚI SÔNG CẦU...









Chân dung NT Vũ Đình Huy 
và bìa một số tập thơ


VŨ ĐÌNH HUY
Giáo sư - Tiến sĩ khoa học - Viện sĩ   

Sinh: 1943. Quê: Đáp Cầu - Bắc Ninh. Hội viên: Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội Nhà văn thành phố HCM.
Tác phẩm thơ đã xuất bản:* Đêm trăng sao, Nxb Văn học, 2001* Xanh bước thời gian, Nxb Hội Nhà văn, 2008 * Tàu xanh lướt giữa biển trời, Nxb Văn học- 2012.
  ĐTM giới thiệu chùm thơ của NT Vũ Đình Huy do NT Nguyễn Khôi chuyển đến.






MẸ VỚI SÔNG CẦU

                 Kính yêu tặng Mẹ

Sông Cầu nước chảy lơ thơ
Triền miên bồi đắp đôi bờ phù sa
Âm thầm mỗi phút giây qua
Nuôi con, mẹ vắt sức ra vơi đầy…

Mở bàn tay gặp chỉ tay
Dòng sông thao thiết đêm ngày trong con
Mẹ như nước chảy tự nguồn
Con như đất bãi, sóng cồn phù sa…

                          Bắc Ninh 1964

 
VỀ THĂM 
THẦY GIÁO CŨ

        Kính tặng 
        Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nga Y.N.Mikhailovski

Trở lại Matxcơva trắng màu tuyết phủ,
Tôi đến thăm thầy giáo cũ.

Vẫn là đây căn hộ nhỏ đơn sơ ngày ấy,
Vẫn là đây dãy sách dày sáng gáy,
Chỉ dáng Thầy như bạch dương run rẩy,
Chỉ tóc Thầy như ngọn sóng phau phau!

Vẫn Thầy đây chậm rãi từng câu,
Hỏi đáp cùng em như trò chuyện với người hành tinh khác
trong những ngày em bỡ ngỡ chưa quen.

Vẫn Thầy đây chữa bài báo cho em
Kèm lời khen, chê tinh tế:
“Em viết không sai, nhưng người Nga không viết thế”.

Thầy lặng lẽ rút khăn lau giọt lệ
Khi tấm bằng Tiến sĩ chạm tay em!




 Vẫn Thầy đây che mưa gió ngày đêm
Lúc mầm cây em mới nhú.
Vẫn Thầy, như cây đại thụ
Trưa - bóng co tròn, đưa nắng tới cây non!

Còn được gặp Thầy không?
Vị tướng già đã rời lưng ngựa chiến,
Mà học trò là lính ngoài tiền tuyến
Hứng từng cơn gió bụi rắc lên đầu!

Matxcơva, 20-11-1999

NÓI VỚI CON 
NGOÀI GIÁ THÚ

“Ăn một mình đau tức, Làm một mình cực thân!”

                                Tục ngữ

Con ra đời đã một năm,
Mà cha chỉ mới đến thăm dăm lần.
Tủi, mừng líu ríu đôi chân,
Vội vàng khi đến, tần ngần khi đi.
Ôm ghì con, lệ ướt mi,
Thương con, cha biết làm gì, hở con?
Nhìn cha khóc, mẹ héo hon:

Con ngoài giá thú, ai còn cảm thông?

Chiến tranh thổi sém má hồng,
Không cho mẹ được vì chồng nâng khăn.
Một mình làm, một mình ăn,
Ra vào lủi thủi, gối chăn thẫn thờ.
Xa xa sương khói mịt mờ,
Lưng còng, tay yếu, biết nhờ cậy ai?...

Tháng năm trĩu nặng đôi vai
Mẹ âm thầm gánh mỉa mai miệng đời.
Nhưng...rờn rợn lắm, con ơi,
Tiếng “ngoài giá thú” giết người hơn bom!


TÂM SỰ VỚI CON

Ngôi nhà này ông nội con dựng lên
Trên nền đất Tổ tiên để lại.
Cha lẫm chẫm men tường vôi thơm ngái,
Trong mắt vui ngời sáng của ông bà.

Giặc Pháp càn qua, bắn toác mái nhà
Mỹ giội bom, tường nứt dài hun hút.
Kháng chiến trường kỳ - Pháp hàng, Mỹ cút,
Cha mẹ trằn lưng hàn gắn mái, tường.

Ngôi nhà từng che mưa, nắng, gió, sương
Cho gia đình ta ba thế hệ,
Từng thấm mồ hôi, máu và cả lệ
Của ông bà, cha mẹ, các con!

Ngôi nhà ấp iu kỷ niệm vui, buồn
Kèo cột mọt rồi, nóc thì cũng dột!
Nếu phải phá đi – cha đứt từng khúc ruột!
Chống đỡ làm sao cho khỏi sụp bây giờ?

Thấp thỏm cha lo tường đổ bất ngờ,
Chỉ hình dung… đã rùng mình kinh hãi!
Thôi… tùy các con, liệu mà xây lại
Trên nền xưa nhà mới đẹp cao hơn!


TIẾN SĨ KHAI KHOA
PHAN THANH GIẢN

Mỗi lần đổi thay sắc cờ hay tên nước
Bảng danh Người hạ xuống hoặc treo lên
Mở trang sử hai trăm năm trước
Con hỏi xem Người sáng suốt hay hèn?

Người nhượng ba tỉnh miền Đông
                                  cho quân cướp nước
Hoà ước năm Nhâm Tuất rõ ràng ghi
Có phải chăng không thể làm khác được
Khi triều đình Tự Đức đã suy vi?

Năm năm sau giặc bất ngờ giương súng
Ép Người trao lập tức Vĩnh Long thành
Giặc như đá, ta như vỏ trứng
Máu đổ ích gì nếu cứ giao tranh?





Mặc ai viết xuôi, mặc ai viết ngược
Con vẫn tin Người yêu nước thương dân
Người là ngôi sao trên trời Tổ quốc
Sáng lung linh, dù bị khuất đôi lần!
         
                       Vĩnh Long 14-10-2011

----------

* Cụ Phan Thanh Giản (1796- 1867) - tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ thuộc Việt Nam- năm Bính Tuất (1826).






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét