Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

BÀI THƠ QUẢ MÍT CỦA ĐẶNG THỊ HUỆ? NGUYỄN TRÂN TRÂN SƯU TẦM








BÀI THƠ QUẢ MÍT
CỦA 
        NỮ SĨ HỒ XUÂN HƯƠNG
HAY
TUYÊN PHI ĐẶNG THỊ HUỆ?


GS NGUYỄN NGỌC BÍCH
(Hoa Kỳ)
NT NGUYỄN TRÂN TRÂN (BẾN TẮM) SƯU TẦM

Bài “Quả mít”
Những đóng góp của Hồ Xuân Hương vào bài “Đánh đu” có thể nói được là những đóng góp thiên-tài.  Nhưng sang một bài như “Quả mít” thì sao?  Theo sách Tân-đính Nam Á đại-minh-đô đế-quốc quốc-sử vựng-toản Xuân thu đại-toàn (thường được gọi vắn tắt là Minh-đô sử)[8] thì: “Thế truyền Đặng Tuyên-phi nhân thực ba-la-mật, hữu quốc-ngữ thi vân” (“Người đời truyền rằng Tuyên-phi họ Đặng [tức Đặng Thị Huệ, ái-phi của Trịnh Sâm, ở ngôi chúa 1767-82] nhân ăn mít, có bài thơ Nôm như sau:
Thân em như quả mít trên cây,
Da nó xù xì, múi nó dầy.
Quân-tử có yêu thì đóng cọc!
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay!”




Nếu nguồn tin này đúng - mà ta không có lý do gì để đặt lại mức khả tín của nguồn tin này bởi đó là một cuốn sách có từ trước thời Hồ Xuân Hương - thì có lẽ ta nên rút bài này ra khỏi những tác phẩm của nữ sĩ.
Tuy-nhiên, ta thử xem xem có dị-bản nào mà khác bài trên đây mà ta có thể nghĩ là có bàn tay, có đóng góp của Hồ Xuân Hương chăng.  Theo Kiều Thu Hoạch trong sách Thơ Nôm Hồ Xuân Hương[9] thì theo bản ghi trong Quế Sơn thi-tập có ba câu (trên 4) ghi khác với bản văn trên:
Dái này hẳn ở chạc ba cây,
Da nó xù xì múi nó dầy.
Quân-tử có say xin đóng cọc!
Chớ đừng mân mó nhựa ra tay.
Chữ “dái” ở đây không có nghĩa bậy mà chỉ có nghĩa là “quả mít lúc còn non.” Song thoại này, tôi nghĩ hơi vô lý–nhất là đến từ miệng của một phụ nữ như Hồ nữ-sĩ.  Vậy ta phải gạt dị-bản này ra, không dùng được.
Vẫn theo Kiều Thu Hoạch, trong Xuân Hương thi-sao, với đầu-đề là “Vịnh quả mít” có một bản xem chừng hữu lý hơn vì câu đầu là: “Của tôi như quả mít trên cây.”  Tuy-nhiên, nếu chỉ có khác hai chữ “Của tôi” thay vì “Thân em” thì sự cải biên hay nhuận-sắc đó cũng không có gì đáng kể.
Năm 2000, trong cuốn Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm, tôi có cho in vào sách một bản hơi khác ở trên như sau[10]:

          Thân em như quả mít trên cây,
Da nó sần sùi, múi nó dầy.
Quân-tử có yêu thì đút ,
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay.
Như vậy, xem chừng trí nhớ của tôi cũng không đến nỗi tồi tệ, và tôi đã giải-thích như sau về hai câu này trong sách của tôi:
“‘Đóng cọc’ không bằng ‘đút nõ.’  Vì sao?  Trước hết hãy nói đến chữ ‘nõ.’  Theo Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ-biên, Nhà xb KHXH in ra ở Hà-nội năm 1991, trang 912) thì chữ ‘nõ’ có hai nghĩa: một là tiếng thông-tục để chỉ ‘bộ phận sinh dục ngoài của đàn ông’ (do đó ta mới có biểu-tượng Nõ – Nường, tức Linga – Yoni, trong nhiều lễ-hội dân-gian ở miền đồng-bằng sông Hồng trong đó người ta thờ và rước sinh-thực-khí của đàn ông đàn bà để biểu tỏ ước-vọng phồn-thực rất quan-trọng đối với người nhà nông, tức ước-vọng sinh sôi nẩy nở) và hai là ‘cọc đóng ở giữa một vật gì’ như trong ‘nõ cối xay’ hoặc ‘cuống ăn sâu vào trong quả’ như trong ‘quả mít chín tụt nõ, nõ na.’  Như vậy, chữ ‘nõ’ dùng vừa chính-xác đối với một quả mít, vừa thần-tình vì có cả hai nghĩa–đúng kiểu Xuân Hương.
“Thêm vào đó, ‘đút’ là một hành-động tự-nhiên, như ‘đưa vào, tra vào,’ còn ‘đóng’ thường có nghĩa là phải cố, phải dùng sức mới đẩy vào được.  Vậy có nghĩa chăng là người đàn bà không đồng-ý và người đàn ông, dù ‘thương’ hay ‘yêu’ vẫn phải cưỡng mới vào được?  Tôi ngờ lắm đó có thể là dụng-ý của Hồ Xuân Hương.
“Vả, dùng chữ ‘cọc’ là dùng một chữ đã được sử dụng ở chỗ khác–trong bài ‘Đánh đu’–trong khi chữ ‘đút nõ’ vừa chính-xác vừa chưa dùng ở đâu khác, đó là chưa kể nó lại còn có tác-dụng ‘hài âm’ (‘euphonic effect’) với chữ ‘mân mó’ (nõ/mó) ở câu 4.”
Vì tin như vậy nên tôi đã giữ lại bài “Quả mít” trong thơ Hồ Xuân Hương với những giải-thích như đã được trình bầy để cho thấy dù như bài gốc xem như khá chắc là của Đặng Thị Huệ song Hồ Xuân Hương cũng đã sửa sang đôi chút để cho thêm ý-nghĩa và làm thành một bài thơ hay hơn.

Đêm 6/1/2012
Khu Đồng Xuân
Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ quốc
N.N.B

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét