LAN
MAN
CÙNG
MỘC BẢN
3050 MỘC BẢN CHÙA VĨNH NGHIÊM
16/5/2012 vừa qua được
Unesco chính thức công nhận là
DI SẢN KÝ ỨC THẾ GIỚI
khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đến
nay, nước ta đã có ba di sản tư liệu được UNESCO công nhận: bia đá các khoa thi
tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mộc bản Triều Nguyễn (Huế) và mộc bản chùa
Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).
1- Chùa Vĩnh Nghiêm ở đâu?
Chùa Vĩnh Nghiêm còn có tên là chùa Đức La
(do hai làng: Đức Thành và làng La cổ hợp lại) nay thuộc xã Trí Yên -
Yên Dũng - Bắc Giang. Thời Lý Trần, Đức
La thuộc Long Nhãn, sau đổi là Phượng Sơn; thời Lê, Đức La Phượng Nhãn trấn
Kinh Bắc. Chùa Vĩnh Nghiêm toạ lạc trên một khu đất khá bằng phẳng, giữa một
vùng sơn địa trập trùng, có núi Cô Tiên và núi Đầu Voi- hai ngọn núi với rất
nhiều huyền thoại.
Từ lâu, vùng núi Neo được gọi là núi Phượng Hoàng.
Có Phượng Hoàng mới có Phượng Nhãn, tức mắt phượng. Sách Dư địa chí
của Nguyễn Trãi ghi rõ, Phượng Nhãn, tức vùng đất chỗ hợp lưu sông Thương và
sông Lục Nam. Lại có thời,
người ta nhìn từ đỉnh núi Nham Biền
xuống, Lục Đầu Giang như một con rồng lớn, nên vùng này được coi như mắt rồng -
Long Nhãn. Vua Lê Thánh Tông từng vi hành, nghỉ lại tại vùng Long Nhãn,
mới có bài thơ Trú ở Long Nhãn: Lịch
lịch tam thuỳ cửu đậu lưu/ Chí tương nhân nghĩa lực hành thu…(Vừa trải ba
vùng, nghỉ lại thôi/ Đã thu, nhân nghĩa dạ khôn nguôi).
Từ thành phố Bắc Giang, theo đường bộ đi
chừng 18 cây số thì đến chùa Vĩnh Nghiêm. Có một lần, chúng tôi đi đường thuỷ,
đi thuyền từ chùa Dền (TP Bắc Giang) chừng 19 ngàn mét thì đến Ngã Ba Nhãn- nơi
gặp của sông Thương và sông Lục Nam - ngược sông Lục chừng 3 ngàn mét thì đến
bến lên phía đông Vĩnh Nghiêm tự. Đi từ sông lên mới thấy hết sự kỳ thú, mới
nhớ ra, cách đây năm bảy thế kỷ đâu đã có xe cộ, đi xa người ta dùng thuyền là
chính. Lối chính vào chùa Vĩnh Nghiêm là các bến Thanh Long, Vĩnh Long... Ở
đâu, đi bằng đường bộ là chính, chứ nơi đây, suốt dải Lục Đầu Giang, chừng 15
cây số, hhội hè toàn là dùng thuyền đi lại. Thuyền tấp vào cửa đền Vạn Kiếp,
thuyền tấp vào đền Gốm (thờ Trần Khánh Dư), thuyền tấp vào chùa Vĩnh Nghiêm...
Nhìn suốt dải Lục Đầu, mới thấy hết cái vị trí của Vĩnh Nghiêm là đắc địa, là
điểm đầu của một quần thể di tích thiêng liêng, hào hùng, hiếm nơi nào có
được.
Tương truyền, xưa vua Trần Nhân Tông trên
đường du ngoạn, đến Đức La, chon đất dựng chùa. Lời truyền ấy đúng đến đâu khó
biết, nhưng ngay từ nhứng năm đầu thế kỷ XIV, vua Trần Nhân Tông đã thường đến
đây hành đạo. Có vậy, năm 1304, mới có
sự kiện: Năm Lý Đạo Tái 50 tuổi, chưa
vợ, lần ấy theo Trần Nhân
Tông về chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) nghe Thiền sư Pháp Loa thuyết giáo, ngài
bỗng thấy mình như được tắm trong hào quang của mười phương chư Phật, bèn xin
vua cho xuất gia, do khẩn khoản, vua chấp thuận. Lý Đạo Tái có pháp danh là Huyền Quang, sau trở thành ông
tổ thứ ba của Trúc Lâm thiền phái. Ba vị tổ của thiền phái Trúc Lâm: Trần Nhân
Tông, Pháp Loa, Huyền Quang nhiều lần giáo hoá ở đây, để lại nhiều ân đức nơi
đây, nay hàng năm vào những ngày hội chùa, người dân Đức La vẫn có tục rước
tượng ba vị tổ ra sông để mộc dục (tắm gội), rồi rước lại, tế lễ.
Đời
vua sau, Trần Anh Tông, cũng nhiều lần đến Vĩnh Nghiêm (Đức La) lễ Phật, tham thiền học đạo. Nơi vua Trần Minh Tông thường đến
đợi vua cha (Anh Tông), tại đất Ổ Cá gần Ngã Ba Nhãn, nay còn đến thờ Trần Minh
Tông.
2- Mộc bản
chùa Vĩnh Nghiêm & Giá trị...
Vào năm
Qúy Sửu - 1313, Thiền sư Pháp
Loa đã chọn Vĩnh Nghiêm làm Trung ương Giáo Hội. Là trụ sở của tăng ni cả nước,
lại giữa non thanh cảnh tú, Vĩnh Nghiêm trở thành danh lam đệ nhất. Theo GS Hà Văn Tấn, cho đến năm Khai Hựu thứ
I (1329), Vĩnh Nghiêm đã độ được một vạn năm nghìn tăng ni. Không chỉ là ngôi
chùa tố hảo, Vĩnh Nghiêm còn là nơi in ấn kinh sách. Ngay đến thời Thiền sư
Thích Thanh Hanh (1840- 1936), trụ trì tại Vĩnh Nghiêm này, năm ngài 94 tuổi
còn được Hội Việt Nam Phật giáo bầu vào Ban trị sự, được vinh phong làm Thiền
gia Pháp chủ. Thiền sư Thích Thanh Hanh, một đời luôn lấy việc giáo hoá tăng ni
làm phận sự, ngài chuyên tâm lui tới trường Bác Cổ, sai các môn đồ sao lục các
kinh điển qúy báu, về cho khắc ván in để hoằng dương Phật pháp. Hiện nay, trên
nhiều mộc bản tại Vĩnh Nghiêm, hiện vẫn còn Lời
tựa hoặc Lời bạt của ngài. 3050
mộc bản ở Vĩnh Nghiêm là di sản ký ức của Phật giáo Việt Nam chừng bảy thế kỷ,
nhiều năm đây là xưởng in duy nhất, trước khi có sự in ấn hiện đại.
Tập
sách CHỐN TỔ VĨNH NGHIÊM 608 trang (14,5X20,5 cm), do Nguyễn Xuân Cần chủ biên,
với sự cộng tác của Nguyễn Huy Hạnh, Nguyễn Hữu Tự, Trần Văn Lạng, Nguyễn Thu
Minh, xuất bản - 2005. Trong sách, có gần hai trăm trang viết về mộc bản, trích
một số kinh, luận… dịch từ mộc bản. Hiện, 3050 mộc bản được xếp trên 7 kệ. Mộc
bản bằng gỗ thị, một loại gỗ mềm, mịn, bền, không cong vênh. Mỗi bản có hai
mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Nôm hoặc chữ
Hán. Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 50cm với những chạm khắc hoa
văn độc đáo, tinh tế. Các di sản ký ức trên mộc bản chủ yếu là khắc dưới triều
Lê Cảnh Hưng và mấy triều vua Nguyễn: Tự Đức, Thành Thái... Nội dung, gồm ba loại: kinh, luật, luận. Theo thống kê, trong ván khắc đó có 35 kinh sách:
Hoa Nghiêm kinh, Di Đà kinh, Quan Thế Âm
kinh... Thú nhất là các mộc bản về những bài phú Nôm đời Trần: Cư trần lạc đạo, Đắc thú lâm tuyền thánh đạo
ca của Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông, Vịnh
Hoa Yên tự đề - Đệ nhị tổ Huyền Quang, Giáo
tử phú - Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Yên
Tử nhật trình, - Thiền gia Pháp chủ Thích Thanh Hanh, Du Yên Tử sơn nhật trình - Bạch Liên tiểu sĩ...
Du Yên
Tử sơn nhật trình, do Bách Liên tiểu sĩ soạn, 14 trang in, 264 dòng, thể
lục bát, xen vào đó là mười bài thơ luật Đường thất ngôn bát cú. Nhiều bài thơ khá nhuần nhị, ví dụ:
Tấm thơm nay đã tới trên đèo
Cảnh sắc thanh tao thú mỹ miều
Sắt sắt non vàng màu bạc thích
Di di rừng bích rặng hoa leo
Vắt sa cầm gậy khoan khoan bước
Bậc đá sườn non nhẫn nhẫn trèo
Chồng chất chân phàm theo dấu thánh
Dẫu mà non nước quản bao nhiêu.
(Phùng Thị Mai Anh dịch)
Đặc biệt, Cư trần lạc đạo phú - một
yếu chỉ của Thiền phái Trúc Lâm, tác phẩm bất hủ của Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông.
Cư trần lạc đạo phú gồm 10 hội (chương), in 11 trang trong
sách. Trong số 1688 từ (kể cả đầu đề) là chữ Nôm, có tới quá nửa là những chữ
cổ, ví dụ: chỉn, xá, tua, lảu, bặc… lại nhiều điển tích. Tôi đã để ra hàng tháng
trời để đọc 11 trang bài phú này, các bản dịch các bài giảng thành ra phải đọc
đến vài trăm trang, từ Nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn, Lê Mạnh Thát đến các
Thiền sư: Thích Thanh Từ, Thích Nhất Hạnh… Đọc rồi cứ vỡ dần ra. Đã có người
mong mỏi có một bản dịch Cư trần lạc đạo
phú từ chữ Nôm ra chữ Việt hiện đại. Chắc sẽ không có một bản dịch như thế
đạt được tín nhã, nếu ai đó có kỳ công dịch cũng là công dã tràng mà thôi.
Ví dụ, hai câu cuối Hội thứ Tám:
Cùng
nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo
Rất
thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi dọt lọc.
Ngôn cú: chỉ câu kinh. Chỉn: vẫn, chỉ, còn. Thửa:
thay thế cho từ ở trên. Cơ quan: giác quan, tâm trí. Mựa: chớ, đừng. Tám hơi,
tức tám gió: * lợi (cầu lợi)*
suy (yếu đuối) * huỳ (nói xấu, chế giễu người khác) * dự (thích khen nịnh) *
xưng (nói phao lên) * cơ (đói) * khổ
(đắng cay) * lạc (vui thú). Dọt: nghĩa
là đánh, đập vào mình. Lọc: lọc nước, sàng lọc.
Nghiã cả hai câu: Học kinh kệ cũng đừng lo
ngại, điều quan trọng là không để cho tám gió kia nó chiếm lĩnh mình.
Nguyên bản hay
lắm, dùng ngôn ngữ bây giờ là hỏng. Chỉ cần giải thích chú thích, đọc đi đọc
lại sẽ ngộ ra, mới thấy đây là một
tác phẩm tinh hoa của Phật học dân tộc.
Đọc Cư trần lạc đạo phú, GS Hoàng Ngọc Hiến
vô cùng sửng sốt thấy hiểu biết của mình về lịch sử dân tộc có những “lỗ hổng”
nghiêm trọng… Trong một buổi Trần Nhân Tông khai đường ở chùa Vĩnh Nghiêm, có
một thiền sinh hỏi ba câu: Thế nào là Phật? Thế nào là Pháp? Thế nào là Tăng?
Cả ba lần, Trần Nhân Tông chỉ có một câu trả lời: “Hiểu theo lối trước là chẳng
phải”. Hoàng Ngọc Hiến càng giật mình khi đọc bài kệ - chữ Hán ở cuối:
MỘT TRANG MỘC BẢN ĐỘC ĐÁO
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc san hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
Dịch thơ:
Ở đời vui đạo nhớ tùy duyên
Thấy đói ăn ngay, nhọc ngủ liền
Báu sắn trong nhà đừng kiếm nữa
Tâm không trước cảnh hỏi chi Thiền.
Vui
đạo tùy duyên, GS họ Hoàng chợt ngộ ra: “Mọi nguyên lý và tư tưởng dù cao
siêu, cơ yếu đến đâu mà tách ra khỏi cái “duyên” níu kéo, nương vịn của những
hoàn cảnh, điều kiện sống cụ thể … không tránh khỏi trở thành giáo điều, vô
duyên, có khi đó chỉ là “đờm dãi” của ai đó”.
Những bản khắc in Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông hiện còn trong các kệ bản mộc
ở Vĩnh Nghiêm tự.
Chùa Vĩnh Nghiêm có gác chuông và một quả
chuông lớn. Chuông chùa Vĩnh Nghiêm thường thỉnh vào lúc 5 giờ sáng và 5 giờ
chiều.
Nhớ một chiều, chúng tôi đi thuyền trên Ngã
Ba Nhãn, bỗng nghe thấy tiếng chuông chùa Vĩnh Nghiêm mà ngỡ như chiêm bao,
mình đang bơi thuyền, lạc vào bến Phong Kiều,
thụ hưởng tiếng chuông ngân nga lơ lửng lúc nửa đêm của Hàn Sơn tự…
Nhân Unesco chính thức công nhận là Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản ký ức
thế giới, thêm yêu quí Vĩnh Nghiêm. Lại nhớ, bài thơ cổ về Vĩnh Nghiêm, chúng
tôi được nghe một ông già chăn trâu bên chùa, đọc cho chép từ mấy chục năm
trước:
VĨNH NGHIÊM TỰ
Vĩnh Nghiêm tùng bách bích vân bình
Tổ pháp lưu
truyền nhất đẳng danh
Yên Tử nhật đăng
phong mãn diệu
Trúc Lâm tuyền
khởi thủy trường minh
Hạ lai môn tự
thiên phàm độ
Xuân đáo xứ
thiền vạn sắc sinh
Thử địa yên hà
tao nhã hứng
Giang biên diểu
diểu mộ chung thanh.
Dịch thơ:
CHÙA VĨNH NGHIÊM
Vĩnh Nghiêm tùng bách biếc mây vờn
Chốn Tổ lưu truyền đâu đẹp hơn
Yên Tử rạng ngày hồng rực núi
Trúc Lâm khơi mạch sáng trong nguồn
Hạ sang cửa Phật muôn buồm đậu
Xuân đến xứ Thiền vạn sắc non
Đây đất xưa nay giàu thi hứng
Sông chiều văng vẳng vọng hồi chuông.
Duy Phi dịch
Phủ Lạng Thương 5- 2012