Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

VƯƠNG TRỌNG/ HAI CHỊ EM. LỜI BÌNH CỦA VĂN KHOA




NT  VƯƠNG   TRỌNG 
HV HỘI NHÀ VĂN VN 

  
HAI CHỊ EM
  thơ 
  VƯƠNG TRỌNG



    Nín đi em bố mẹ bận ra tòa!
    Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi
    Thằng bé khóc bụng chưa quen chịu đói
    Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm...
    Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm
    Không nấu nướng và không hề trò chuyện
    Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ nhỏ
    Cùng một đường sao chẳng chờ nhau?
   
Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu
    Ngoài hai tiếng ra tòa vừa nghe nói
    Chúng nó nghĩ như ra đồng ra bãi
    Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về.
    Mẹ bế em âu yếm vuốt ve
    Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp
    Nó sung sướng vào ra tíu tít
    Rồi quây quần nồi cơm mở vung ra.
    Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
    Đối mặt nhau đối mặt cùng pháp lý
    Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký
    Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa.
    Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
    Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
    Đứa còn mẹ thì thôi, không có bố
    Hai chị em rồi sẽ mất nhau...



    Nín đi em...Em khản giọng khóc gào
    Chị méo máo đầm đìa nước mắt
    Hỡi bố mẹ đứng bên bờ chia cắt
    Phút giây thôi-hãy nghe tiếng con mình!



 LỜI BÌNH CỦA VĂN KHOA: 

HAI CHỊ EM CỦA 

VƯƠNG TRỌNG -

TIẾNG VỌNG TỪ CÕI THỰC


Đã khá lâu, tôi tình cờ đọc được bài thơ “Hai chị em” của Vương Trọng, trên một trang tạp chí nào đó. Tên của tờ tạp chí thì tôi không còn nhớ rõ, nhưng điều kì diệu là bài thơ chân phương ấy đã “mặc định” trong tôi đến tận bây giờ. Nếu ghé mắt lướt qua trên bề nổi của câu chữ, có lẽ không ít người sẽ thất vọng về một “cây thơ” có số má như Vương Trọng. Nhưng hãy cẩn trọng! Nhà thơ này không sính dùng kỹ thuật ngôn từ hay phù phép bằng những “thứ chữ nghĩa” mới lạ. Cái thâm hậu của “Hai chị em” là ở phía sau câu chuyện tưởng như rất đời thường, nhưng không ai mong ước. Càng đọc bài thơ ta càng nhận ra cái sự bẽ bàng, xót đắng của việc “xẻ ngang tình đoàn tụ”- mà thủ phạm chính là những bậc làm cha làm mẹ.
      
  Bài thơ giản dị và “hồn nhiên” như chính cái nhan đề “Hai chị em”. Người lính già Vương Trọng đã khéo hóa thân trong tâm trạng của hai đứa bé để đau nỗi đau lớn nhất đầu đời. Mạch thơ theo lối kể khá dài, gồm bảy khổ- mỗi khổ thơ là một màn bi hài kịch của hai chị em. Nhà thơ kìm nén xúc cảm, để nước mắt trẻ thơ chảy dài từ đầu đến cuối tác phẩm:
                      “ Nín đi em bố mẹ bận ra tòa!
                         Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi...
                         .......
                       “ Nín đi em...Em khản giọng khóc gào
                          Chị méo máo đầm đìa nước mắt...”
      Cả bài thơ vang lên thứ âm thanh chói tai nhưng quen thuộc của cõi người. Em khóc, chị cố dỗ dành rồi chị cũng òa khóc. Tiếng khóc nhói lòng của trẻ giữa lúc “bố mẹ bận ra tòa”! Tín hiệu “nghệ thuật” ấy rất đời mà tan nát cả tuổi thơ con trẻ. Bi kịch hơn, với tình cảm trong sáng của chúng coi việc “ra tòa” của bố mẹ cũng giống như chuyện hàng ngày “ra đồng, ra bãi” để nuôi dưỡng đàn con. Tiếng khóc trẻ thơ trải dài theo bước chân lạnh lùng của bố mẹ: “ Nín đi em”; “thằng bé khóc”; “em khản giọng” rồi chị cũng “đầm đìa nước mắt”... Những dòng nước mắt khác thường ấy cứ xoáy vào tâm thức người đọc như tiếng lưỡi cưa lách vào thân gỗ rắn.
      Thật tình, tôi chưa hiểu mấy về nhân thân của nhà thơ Vương Trọng. Đọc một số bài giới thiệu tác giả, chỉ biết anh là “nhà văn mặc áo lính”, vừa đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ. Lẽ ra, kí ức chiến tranh và những mất còn của đồng đội, không còn chỗ cho cuộc sống đời thường của người lính. Nhưng thật bất ngờ, tâm hồn lính ấy vẫn biết khóc bằng tiếng khóc của trẻ thơ. Thông thường trong nhà có tiếng khóc của con trẻ là âm thanh ngọt ngào, hạnh phúc của cha mẹ. Thế mà ở đây, cung bậc ấy lại là điềm dự báo nỗi bất hạnh lớn lao, không chỉ dành riêng cho hai đứa trẻ. Phải chăng hồn thơ lính Vương Trọng muốn “phát tín hiệu” với mọi người rằng: “Nỗi đau này không của riêng ai” ?




       Đọc lần đầu bài thơ, tôi có cảm giác ngờ ngợ- thấy quen mà vẫn rất lạ. “Bố mẹ bận ra tòa” , đúng là cách nghĩ, cách nói rất trẻ thơ. Vì cái “bận” ấy lần đầu chị mới được nghe, đã hiểu gì đâu nên cố đợi và dỗ dành em:
                  “ Nín đi em, bố mẹ bận ra tòa
                     Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi
                     Thằng bé khóc bụng chưa quen chịu đói
                     Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm...”
       À, thì ra thằng bé khóc vì đói. Cha mẹ chúng hôm nay “bận ra tòa”, nên chẳng ai có thì giờ quan tâm đến hai đứa trẻ. Chị nó không hiểu cơ sự gì, thằng bé càng không hiểu nên cứ “xé áo chị đòi cơm”. Chị cố dỗ em nín mà người đọc thấy mình đang khóc.
       Với lối “dẫn nhập” ấy, nhà thơ đã đột phá ngay vào vấn đề không chỉ của trẻ thơ. Đó là ngôn ngữ, hành vi quen thuộc của hai đứa trẻ- mà tổng số tuổi của hai chị em cũng chưa vượt qua lớp “trẻ người, non dạ”. Làm sao chúng hiểu nổi chuyện “ra tòa” của cha mẹ là chuyện bi kịch lớn trong gia đình:
                  “Chúng nó nghĩ như ra đồng, ra bãi
                    Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về...”
        Chị nó hình dung không khí ấm áp của cả nhà, sau khi bố mẹ “hoàn thành nhiệm vụ” trở về, nên ráng sức an ủi em để chờ đợi. Chỉ cần nghĩ đến cảnh: “ Mẹ bế em âu yếm, vuốt ve/ Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp...” thế là bao nhiêu nỗi nhọc nhằn của chị và cơn đói của em sẽ được bù đắp. Hai tâm hồn trong veo như thủy tinh ấy, chúng làm sao hiểu được rằng:
                  “ Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
                     Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý
                    Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký
                     Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa.”
        Tấn bi kịch tưởng chừng thắt nút của việc ra tòa của bố mẹ ở chỗ “đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý”. Bởi tình cảm vợ chồng là hình ảnh “đầu ấp, tay gối” mà để đến nỗi “đối mặt nhau” trước tòa án, thì chẳng còn gì đau xót hơn. Nhưng đó mới chỉ là nỗi đau phần xác, điểm đỉnh của phần hồn là sự tan đàn, xẻ nghé:
                   “ Nó biết đâu, bố mẹ nó ra tòa
                      Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
                      Đứa còn mẹ thì thôi, không có bố
                      Hai chị em rồi sẽ mất nhau...”
       Câu thơ trần trụi nhưng giàu sức tạo hình. Tiếng khóc của thằng bé vì đói ăn mới chỉ gợi sự thương cảm. Nhưng tiếng cưa “xẻ ngang tình đoàn tụ” thì đích thực đã chạm đến nỗi đau gan ruột của nghĩa vợ chồng, tình chị em.
Ý thơ chân mộc, dường như chẳng có chất thơ, vì “sự tình” này đâu có chỗ để ma mị yêu thương:
                     “Nín đi em...em khản giọng khóc gào
                       Chị méo máo đầm đìa nước mắt.”
        Chị khóc vì em hay khóc cho chính thân phận mình? Bởi dù thơ ngây đến đâu, chúng cũng không tránh khỏi sự thật phũ phàng: “ Đứa còn mẹ thì thôi, không có bố/ Hai chị em rồi sẽ mất nhau”. Từ tận cùng xót đắng, nhà thơ như bừng tỉnh để gióng lên hồi chuông cảnh báo:
                      “ Hỡi bố mẹ đứng bên bờ chia cắt
                         Phút giây thôi hãy nghe tiếng con mình!”
       Đành rằng, việc vợ chồng ly dị nhau là chuyện “chẳng đặng đừng”, nhưng đâu phải thấy “cạn tình” là kéo nhau ra tòa ly dị. Đó là cách sống ích kỷ của người lớn, thường không mấy ai nghĩ đến hậu quả với trẻ thơ. Vương Trọng muốn dùng tiếng khóc rất người của con trẻ để đánh thức lương tâm và trách nhiệm của các bậc cha mẹ đối với con cái. Nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, vấn đề chọn giải pháp ly dị đang là “hội chứng” của những ông bố, bà mẹ trẻ muốn để tự khẳng định mình.
       Giáo sư Cao Xuân Hạo đã từng nói: “ Trong bối cảnh hiện nay, cái đáng sợ chưa phải vì nạn tham ô, buôn lậu mà là sự lãnh cảm tình người mới đáng sợ nhất...” Vâng , vị đắng của sự thật này đã và đang bày ra giữa cõi người chúng ta. Cái đáng quí ở “Hai chị em” của Vương Trọng là còn biết khóc trước những điều mà không ít người hiện nay vẫn dửng dưng, hoặc sẵn sàng ủng hộ!
                                                                   V.K               

* Nguồn: Văn hóa Nghệ thuật... 

Trang này, 
ĐTM sưu tầm theo yêu cầu của bạn Trần Quyển. 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét