Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

BÌNH THƠ TRỊNH KIM HIỀN/ PHẠM THUẬN THÀNH



NT TRỊNH KIM HIỀN 
ở Lũng Cú - 6/ 2012


THƠ - TRỊNH KIM HIỀN
LỜI BÌNH:
PHẠM THUẬN THÀNH 


Đến với bài thơ hay

CHIA TAY
MIỀN ĐÈO CAO

Chia tay miền đèo cao
Không ra buồn không ra vui không ra bịn rịn
Tâm trí xoay tròn gió ở thung

Chia tay miền đèo cao
Trắng bừng mây đầu núi
Không nghẹn ngào không bối rối
Thấy mình già vùn vụt trước thiên nhiên


Chia tay miền đèo cao
Em tặng ta chiếc túi thổ cẩm
Chiếc túi để ta đựng những nợ nần
Già làng bắt tay ta một lần
Cỏ cây trên đường bắt tay ta mãi mãi


Chia tay miền đèo cao
Xa dần tiếng mõ trâu lốc cốc
Chia tay miền đèo cao
Thấy mình xuống dốc

T.K.H
(Rút từ tập thơ “Yêu như nút lạt”, NXB VHDT 2011)



Lời bình của
PHẠM THUẬN THÀNH

Bài thơ “Chia tay miền đèo cao” của nhà thơ Trịnh Kim Hiền là sự tự
nhận thức bản thân trước thiên nhiên. Tứ thơ này được triển khai qua bối cảnh người đi từ miền núi về miền xuôi rõ ràng ngay từ cái tên bài. Cuộc chia tay nào cũng khó khăn. Nhớ nhung, lưu luyến đã đành. Nhưng Trịnh Kim Hiền không viết về điều đó mà viết về sự tự nhận thức bản thân trước thiên nhiên miền nuuis mới là điều đáng kể, điều mới lạ của sự sáng tạo nghệ thuật. Tứ thơ được thể hiện qua những ý chính trong từng khổ thơ số câu không đều nhau phù hợp tâm trạng cá nhân trước cuộc chia tay. Hơn nữa đây là cuộc chia tay động, có người đi tiễn, có người ra đi, có người trao quà kỉ niệm, có người bắt tay hẹn gặp lại dù chưa biết bao giờ gặp lại. Khổ 1 là sự kích hoạt của cảm xúc, của tư duy qua câu thơ rất gợi “Tâm trí xoay tròn gió ở thung”. Gió ở thung là gió quẩn và mạnh. Rất nhiều cảm xúc nhưng người ra đi chưa định hình được cảm xúc nào là chủ đạo. Do đó tâm trí cứ “xoay tròn gió ở thung”. Khổ 2 là sự tự nhận thức bất ngờ nhưng tất yếu. Người ra đi bỗng nhận ra một điều rất đơn giản mà rất hệ trọng. Thảo nào trước đó tâm trí cứ xoay tròn gió ở thung. Chỉ có sống ở miền núi lâu và khi ra đi đầy bịn rịn thì mới có nhận thức này. Vì nới ấy có sự hùng vĩ của núi non và màu xanh sự sống mênh mang của đại ngàn. Hình ảnh “trắng bừng mây đầu núi” chính là dự báo một ánh sáng nhận thức xuất hiện. Con người quá bé nhỏ so với thiên nhiên. Núi cao, rừng già, cây cổ thụ nhưng là thời gian hóa thạch vì rừng núi vẫn xanh, cây cổ thụ vẫn tươi tốt hoa lá. Tuổi của người ta dù là đang trai tráng nhưng vẫn là sự già nua so với tuổi của núi cao rừng rậm. Và chính sự tự nhận thức này cũng làm con người già dặn hơn, chín chắn hơn. Khổ 3 là sự nhận thức về tình cảm thân thiết với 
 
 
người nơi núi cao rừng rậm này. Câu thơ “Chiếc túi để ta đựng những nợ nần” vừa gợi vừa ám ảnh và nói lên sự gắn bó thân thiết với miền đất ta sắp đi xa, đang đi xa. Túi thổ cẩm chỉ là vật dụng thiết yếu thông thường, nay nó là vật kỉ niệm, vật biểu trưng. Thấy túi là thấy người thấy cảnh thấy sự gắn bó thân thiết. Giá trị sử dụng để đựng của túi thì nhỏ nhưng giá trị thẩm mĩ thì vô cùng lớn bởi nó đựng được hết những nợ tình nợ nghĩa với người và với thiên nhiên. Sự gắn bó thân thiết ấy còn kéo dài suốt trên đường đi và trên đường đời: “Cỏ cây trên đường bắt tay ta mãi mãi”. Hơn thế, câu thơ này còn nhắc nhở trách nhiệm của người ra đi với nơi mình vừa ở. Ngay con đường đi này vẫn chỉ là con đường mòn quanh co giữa những lùm cây rậm rạp. Rồi đây đi trên đường nhựa, đường bê tông nơi miền xuôi thì phải làm gì góp phần nâng cấp con đường mòn kia. Đó là một trong “những nợ nần” không thể quên. Khổ 4 là sự tự nhận thức về những mất mát không thể cưỡng về những cảnh những tình nơi miền đất đã từng gắn bó thân thiết ấy qua câu thơ “Thấy mình xuống dốc”. Xuống dốc là sự thật đang đi nhưng câu thơ còn nói được nhiều hơn thế. Khổ kết 4 câu này hai lần được nhắc lại câu “chia tay miền đèo cao” là một sự tổ chức rất khéo, đọc lên thấy được cảnh người đang xuôi dần, xa dần miền đèo dốc. Tiếng mõ trâu đặc trưng của miền núi nhỏ dần, người đi dốc bớt dần. Nhưng tiếng mõ ấy cứ lốc cốc trong tâm tưởng ám ảnh người đọc.

P.T.T
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
02413.782.355 - 0168.5300.803

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét