Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

ĐỌC TẬP TRUYỆN CỦA MAI PHƯƠNG/ ĐỖ NHẬT MINH


NHÀ VĂN MAI PHƯƠNG (GIỮA)
HỘI NGHỊ VĂN TRẺ TOÀN QUỐC LẦN 8 (2011)


Đâu chỉ là giấc mơ 
Đọc Người đoán giấc mơ – 
tập truyện ngắn của 
Mai Phương


ĐỖ NHẬT MINH


   Người đoán giấc mơ (NXB Hội Nhà văn - 2012) là tập sách thứ tư của nữ tác giả trẻ Mai Phương sau Mùa chim ngói bay về (NXB Kim Đồng - 2003), Ở bên kia cơn mưa (NXB Lao động - 2008), Về miền ký ức (NXB Lao động - 2011), gồm 14 truyện ngắn viết rải rác mấy năm gần đây. Điều dễ dàng nhận ra trong cuốn sách này là một Mai Phương đổi thay trong tư duy và lối viết. Một xu hướng truyện ngắn hiện nay của giới trẻ sinh sau 1975 là truyện không có cốt hoặc kết cấu lỏng, nghĩa là không kể một câu chuyện xảy ra từ đầu tới cuối với lớp lang đan cài, cũ mới đồng hiện mà chỉ trọng ý tưởng, ngôn từ trong một lát cắt hiện thực đời sống; nặng cảm xúc, kỷ niệm. Mai Phương cũng nằm trong số đó.

Bìa tập sách Người đoán giấc mơ
14 truyện ngắn là 14 thân phận của những con người bé nhỏ, yếu ớt. Đó là bà Nhiều, bà Hinh, cô Huê ở xóm ngụ cư tù túng. Mỗi người một tính, một nỗi niềm nhưng đã sống gần gũi hơn, quan tâm nhau hơn sau cái chết của người
đàn ông hiền lành, tử tế. Đó là cô Len, cô Thao kiếm tìm hạnh phúc, là ông thương binh Thản trước tiêu cực ở làng. Đó là niềm tin của người đàn bà mắc bệnh nặng, là mối tình của người vẽ tranh thuỷ mặc… Những nhân vật trong truyện hầu hết là phụ nữ, là những người bình thường mà chúng ta bắt gặp ở làng. Họ khát khao hạnh phúc. Hạnh phúc có thể là tình yêu chờ đợi, được yêu người mình yêu, là có một gia đình êm ấm, là được chăm chút yêu thương tới những người thương yêu nhất. Tuy vậy khát khao đó đâu dễ có được, nhiều khi rất mong manh, đổ vỡ. Viết về nỗi chua xót, đắng đót của những phụ nữ bất hạnh, Mai Phương có sự đồng cảm chân tình, một cái nhìn nhân hậu. Điều đó rất rõ trong các truyện Những mong manh, Bà Muối, Xóm ngụ cư
Bên cạnh những truyện thực, tức là không gian thực ở làng ở phố, Mai Phương trong Người đoán giấc mơ đã có số truyện ảo, thực - ảo hoặc giữa hai bờ hư thực. Tiêu biểu cho cách viết này là Người đoán giấc mơDòng sông cuối chân trời. Ở Người đoán giấc mơ, quá khứ, hiện tại đan xen nhau, ảo thực trộn lẫn. Những nhân vật tưởng như trong mộng mà lại là hiện tại, tưởng như không tồn tại lại là tồn tại. Điều mà tác giả muốn nói tới ẩn ý qua những con người trong giấc mơ chính lại là giấc mơ có thật. Không phải dễ đọc ở truyện ngắn này khi chủ ý tác giả ẩn sau trong thế giới mộng mị mông lung. Hình ảnh bạch tuộc Paul nổi danh cùng cô gái ám ảnh người đọc. Lời tác giả ở đoạn kết thật ý nghĩa: “Mỗi đêm, khi là chính mình, nhắm đôi mắt khô không khốc không ngủ được tôi cay đắng nhận ra rằng, con người ta đau đớn và vô vị nhất là không có giấc mơ. Tôi bàng hoàng hoảng sợ nếu bạch tuộc Paul không sống trong lòng mình. Khi không có giấc mơ thì người đoán giấc mơ biết làm gì?”
Dòng sông cuối chân trời kể về mối tình của người đàn bà ở một làng quê, đúng ra là thân phận tình yêu của nhiều cô gái mà nhân vật chính là người đàn bà ấy. Chuyện về những người phụ nữ lỡ làng, trắc trở đó có thể tóm tắt vài ba dòng nếu như phải kể, chẳng ly kỳ, gay cấn gì nhưng dưới ngòi bút trữ tình, giàu xúc cảm, trí tưởng tượng và vốn sống, Mai Phương đã dựng lên một mối tình thương cảm, cả nỗi đau âm ỉ và cả niềm hạnh phúc, một mối tình trong trẻo và mãnh liệt. Dòng sông ảo - dòng sông ma với con người ma, điếm canh ma, một dòng sông cuối chân trời đâu chỉ là giấc mơ. Đây là truyện ngắn thành công nhất của Mai Phương với lối viết mới này.

Văn Mai Phương mềm mại, bồng bềnh, chau chuốt, giàu nhạc điệu. Và hình như đây là thế mạnh của nữ tác giả này, người khá thành công trong tản văn - rõ nhất trong tập Về miền ký ức. Lối viết ảo trong Người đoán giấc mơ là cách làm mới dù cách thức ấy đã hiện diện quá lâu trong các tác phẩm cổ kim, nhưng hình như phù hợp với sở trường của Mai Phương, đồng thời làm phong phú, đa dạng cho truyện ngắn Bắc Giang hôm nay, cho phong cách mỗi tác giả.
Người đoán giấc mơ cũng bộc lộ một số truyện còn dàn trải, loãng hoặc sơ lược, dễ dãi; quá nhiều nhân vật gói trong một truyện khiến cho truyện rối, mờ nhạt: Xóm ngụ cư, Chuyến xe cuối năm, Người thương binh của làng
Mai Phương là cây bút nữ sáng tác lặng lẽ, âm thầm nhưng rất mãnh liệt. Chỉ hơn chục năm đã ra tới bốn đầu sách, trong đó có hai cuốn được giải thưởng Trung ương và địa phương. Đó là điều ít có ở nhiều cây bút tỉnh nhà. Hiện nay Mai Phương là một trong những cây bút chủ lực của văn xuôi Bắc Giang.
Từ những thành công bước đầu, Mai Phương với lao động cực nhọc và hạnh phúc có thể thực hiện khát vọng và giấc mơ có thật của mình là sáng tác những tác phẩm mà bất kỳ nhà văn đích thực nào cũng ao ước, những tác phẩm mà bạn độc không thể lãng quên, những tác phẩm “có thể lay động đồng loại, thay đổi tâm tư hoặc số phận con người” như tác giả tự bạch trong cuốn sách mới đây.
Đ.N.M


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét