Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

THƠ TÔ HOÀN/ LỜI BÌNH: VŨ BÌNH LỤC


NT TÔ HOÀN

Quê: Việt Yên, Bắc Giang. Nhiều năm trong quân ngũ. Chi hội trưởng Chi Hội Văn học Bắc Giang. Tác phẩm chính, các tập thơ: Có một lời ru, Phía nào cũng gió, Giấc mơ của nắng…; có phần thơ Không chảy cho mình- 11 bài trong tập thơ tứ tuyệt Phận đèn (9 tác giả).

THƠ - TÔ HOÀN
Lời bình:
VŨ BÌNH LỤC

ĐÊM MƯA 

Con về thăm mẹ đêm mưa
Mới hay nhà dột, gió lùa bốn bên
Mưa rơi sợi thẳng sợi xiên
Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời
Con đi đánh giặc suốt đời
Vẫn không che được một nơi mẹ nằm.

T.H


LỜI BÌNH:

Đọc thơ, thấy ngay tác giả là người lính, hoặc đã từng là lính chiến, lính chiến cả một đời. Tôi chưa gặp Tô Hoàn, nhưng biết anh quê Bắc Giang. Qua thơ, có thể hình dung thấy người.
Một bài lục bát chỉ có sáu dòng, cũng chỉ là một chút nỗi niềm của con với mẹ. Rằng một đêm mưa nào đó, con về thăm mẹ. Đó là hoàn cảnh cụ thể, địa điểm cụ thể, không gian và thời gian xác định. Chỉ có điều, đó là một hoàn cảnh đặc biệt, một hoàn cảnh tạo nên những cảm xúc buồn vui xen lẫn. Đi chiến đấu xa mẹ lâu ngày, được ghé về thăm mẹ là vui, nhưng thật bất ngờ Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên/ Mưa rơi giọt thẳng giọt xiên/ Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời"…
Chữ "Mới hay" chứa rất nhiều sắc thái tâm trạng. Một chút giật mình ngơ ngác, một chút hối hận vì bổn phận đứa con, một chút trách giận mơ hồ vì niềm tin bấy lâu bất ngờ đổ vỡ. Ý thơ tiếp đó là nói về cơn mưa, những cơn mưa cụ thể và cả những cơn mưa "trắng trời" của cuộc đời mẹ. Cảnh nhà dột nát, tan hoang thống thếnh, gió lùa bốn bên, sức tàn của mẹ không sao ngăn được, không sao chống đỡ nổi. Lại còn mưa. "Mưa rơi giọt thẳng giọt xiên", vô tình hay hữu ý mà "cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời"…


 HÀ MI
(Minh họa)

Thế là mưa đã trở thành kẻ thù của mẹ. Nó cứ "nhằm vào”, nhè vào mẹ ta một cách ác ý. Quả là hai hình ảnh đối lập, đối lập một cách
nghiệt ngã. Tấm thân già yếu cô đơn, như thể bất lực trước thiên nhiên dữ dội vô tình, càng gợi nhiều xót xa thương cảm. Hình ảnh "Những đêm trắng trời” gợi nhiều ý tưởng và cảm xúc. Mưa gió lạnh lùng buốt cả đêm dài. Còn mẹ thì thức trắng, thức cả năm canh. Thức trắng vì gió vì mưa, lại vì thương con trận mạc xa xôi, biết sẽ ra sao nơi bom rơi lửa cháy? Bời bời biết bao nỗi niềm ngổn ngang, thể hiện giản dị ở một chữ trắng trời", không phải chỉ một đêm, mà là những đêm, nhiều đêm như thế…
Hai câu cuối trực tiếp thể hiện tình cảm của con với mẹ:
Con đi đánh giặc suốt đời
Vẫn không che được một nơi mẹ nằm!
Cũng lại là một sự đối lập, đối lập giữa thời gian cụ thể, lại hàm ý khái quát, với một hình ảnh vừa cụ thể, lại vừa hàm ẩn sâu xa. Đấy là một sự "ngộ ra" rất nhiều chiêm nghiệm. Con lớn lên, từ giã mẹ hiền, để lại mẹ hiền ở hậu phương, cầm súng lên đường đi cứu nước. Việc ấy là hy sinh cao cả, là thiêng liêng vô cùng. Cả một thế hệ, vài ba thế hệ đều hy sinh như thế. Con có thể thành anh hùng, hoặc có thể không trở về với mẹ. Con có thể dũng mãnh nơi chiến trường, có thể làm nên những chuyện phi thường, nhưng mà trớ trêu thay, con vẫn không thể nào chăm lo cho chính mẹ thân yêu của mình, Vẫn không che được một nơi mẹ nằm trong những đêm mưa lạnh lẽo thế này!... Thật là xót xa đau đớn.
Có thể có đôi chút khoa trương từ một hiện thực không mang tính điển hình, nhưng cũng không thể nói điều mà tác giả thể hiện trong thơ là hoàn toàn không có thể xảy ra trong cuộc sống vốn nhiều bất trắc, vẫn còn không ít những điều không vui. Chỉ biết rằng tình thơ là chân thành, gợi cảm xúc mạnh. Tô Hoàn đã thể hiện rất thành thật tâm trạng và tình cảm của nhiều người lính nông dân đi đánh giặc, may mắn trở về sau chiến tranh. Có một chút tự trách mình về bổn phận người con trai chưa vẹn tròn với mẹ. Cũng có một chút hờn giận kín đáo với đời, với số phận. Mẹ không nói gì, nhưng sự hy sinh thầm lặng của mẹ thì nhà thơ đã kể, và người đọc thơ sẽ nghiền ngẫm, sẽ tự vấn, sẽ tự nghiệm sinh và phản biện.

V.B.L
(Chọn và giới thiệu)


1 nhận xét:

  1. Thời ấy (!975)thì toàn dân nhà dột, mới lại lý tưởng anh bộ đội là giành độc lập dân tộc, chứ không phảilàm nhà. Tác giả đòi hỏi vậy là hơi quá!

    Trả lờiXóa