Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

TRƯỜNG CA TRƯỜNG CA... / ĐỖ QUYÊN

NT ĐỖ QUYÊN
(Canada) 


ĐTM giới thiệu Tuyển tập
“1.000 tác phẩm trường ca Việt Nam” –
Người sưu tầm, biên soạn:
Nhà thơ Đỗ Quyên


LỜI DẪN CỦA
NV. TRẦN THIỆN KHANH

   Trường ca là một thể loại có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tư duy thơ Việt Nam hiện đại. Thế nhưng, sự quan tâm đến nó, cả ở phương diện văn học sử lẫn lí luận thể loại lại có phần muộn mằn, lẻ tẻ... “Vùng trường ca” đến nay vẫn còn nhiều chỗ trống, cần có người tâm huyết lục khảo lại, chọn tuyển công phu hơn, nhất là thể hiện được cái nhìn khái quát, công bằng hơn nữa về diễn tiến của thể loại này.
   Nhìn từ những yêu cầu, đòi hỏi như thế, chúng tôi xin giới thiệu những nỗ lực tìm hiểu khái quát các “hiện tượng trường ca” từng xuất hiện trong lịch sử văn học Việt Nam của tác giả Đỗ Quyên. Ở một góc độ nào đó, có thể nói, chính anh cũng là một tác giả tiêu biểu trong việc tìm tòi thể nghiệm cách tân trường ca ở nước ngoài (đã sáng tác 14 trường ca, 7 bài thơ dài). Cuộc lục khảo và hệ thống hóa có quy mô lớn lần đầu tiên về các hiện tượng trường ca này có thể xem là cuộc đi khai vỡ thêm những miền đất mới đầy hào hứng của anh, đồng thời cũng là sự trở về vùng đất quen thuộc của người trong cuộc giàu tâm huyết. Hy vọng, sau dịp này, tác giả Đỗ Quyên sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt thành hơn nữa của nhiều tác giả, độc giả (Trích).

 
QUAN NIỆM VỀ TÍNH TRƯỜNG CA &
VIỆC THÀNH LẬP DANH SÁCH
TÁC GIẢ TÁC PHẨM
TRƯỜNG CA VIỆT NAM
Người viết: ĐỖ QUYÊN
 (Trích)
... Ở tầm tay hạn hẹp, bằng phương pháp thống kê, chúng tôi tạm ước tính: Tất cả có lẽ là khoảng 2000 nhà thơ Việt Nam hiện đại? Tóm tắt 2 cách định lượng: Một, ngoại suy từ một số danh sách chuẩn, hoặc tương đối chuẩn, như: khoảng 400 nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (trong tổng số 966 hội viên); 785 nhà thơ tiêu biểu thế kỷ 20 (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cinet.gov.vn); danh sách tác giả thơ của những trang mạng văn học quan trọng ở trong và ngoài nước như vanvn.net, thivien.net, vanchuongviet.org, phongdiep.net, nhavanhanoi.vn, thica.net, tienve.org, damau.org, gio-o.com, talachu.org, newvietart.com, vi.wikipedia.org, và của một số tạp chí quan trọng ở hải ngoại như Hợp Lưu, Văn Học, Tạp Chí Thơ, Văn, Việt... Hai, suy diễn theo số lượng tác giả trường ca và thơ dài mà chúng tôi “có trong tay” (với các chọn lựa khác nhau có thể vuông tròn thừa thiếu trên thực tế là 400) và theo 5 danh sách quen thuộc (45 tác giả trong Thi nhân Việt Nam / Hoài Thanh – Hoài Chân, 200 tác giả trong Thơ Việt Nam thế kỷ 20 / Hội Nhà văn Việt Nam, 317 tác giả thơ tình 1954-1975 miền Nam Việt Nam / gio-o.com, 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 / Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, và 100 bài thơ chọn lọc thế kỷ 20 / Gia Dũng), chúng tôi đã rút ra được “tỷ lệ vàng 1/5” cho số các thi sĩ sáng tác theo phong cách trường ca trên tổng số các nhà thơ nói chung. Thật cân xứng: bàn tay có 5 ngón tay thơ thì người Việt dành 1 ngón cho thơ trường ca!
Chúng ta có thể tự hỏi: Hiện tại trên thế giới liệu có nền thơ ở một quốc gia nào khác, của một dân tộc nào khác, có tỷ lệ các “nhà trường ca” cao như ở Việt Nam không? Đã từng có nền văn học nào trên thế giới mà thể loại trường ca đạt tầm vóc về nghệ thuật, tư tưởng, số lượng tác giả và nhất là tác dụng xã hội, như dòng trường ca chiến tranh Việt Nam 1963-1975 và hậu chiến tranh 1975-1986 không?


Ngoài một số ít tác giả là thi hữu đã cung cấp trực tiếp tác phẩm, nguồn tham chiếu chính của chúng tôi là các trang mạng; một phần vì hiếm có cơ hội cập nhật sách báo in ấn ở Việt Nam. Thành thật xin lỗi về thiếu sót, nhầm lẫn chắc sẽ có ở nhiều mặt (tiêu chí tuyển chọn, vấn đề văn
bản và xuất bản…), nhất là với các tác giả, tác phẩm trường ca đã xuất bản mà danh sách chưa có được!
Cũng bởi thế, chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp cũng như thông tin về tác phẩm, tác giả thơ có tính trường ca Việt Nam. Các ý tưởng và bài vở thích hợp – khi được người gửi đồng thuận - có thể tham gia vào bản thảo cuốn sách dự tính mang tên “Một cách tìm hiểu trường ca Việt Nam”.

Chân thành cảm tạ
những cộng tác, giúp đỡ vô giá
của các tác giả và độc giả, các thi sĩ và nghiên cứu gia, độc lập hay trong các cơ quan, tổ chức văn học, ở trong và ngoài nước; cũng như những báo chí, trang mạng đã và sẽ giới thiệu các danh sách này. Xin ghi nhận tấm thịnh tình từ: Các bạn văn đầu tiên đã đọc và cổ vũ, như nhà lí luận - phê bình Trần Thiện Khanh và các nhà thơ Khế Iêm, Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái, Nguyễn Đức Tùng; Các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu như Nguyễn Anh Nông, Diêu Lan Phương, Đặng Tiến Huy, Duy Phi, Hoàng Thư Ngân, Nguyễn Hữu Quý, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Anh Tuấn, Từ Nguyên Tĩnh, Hàn Thủy, Đỗ Minh Tuấn, Nhật Tuấn, Vũ Ngọc Dung, Nguyễn Hoàng Đức cùng nhiều tác giả, độc giả khác đã có những thông tin, trao đổi quý báu kể từ sau danh sách đầu tiên (7/7/2010), mà đáng kể nhất là có được 30 tác giả cùng khoảng 50 tác phẩm nhờ tham khảo thống kê của nhà nghiên cứu-phê bình Mai Bá Ấn. Đặc biệt, nhà thơ Trần Quốc Minh đã nhiệt thành giới thiệu một số tác giả, công phu sao chép trích lược tác phẩm cần thiết, khi đại diện cho chúng tôi liên lạc với các tác giả ở Hải Phòng - một vùng đất sản sinh “trường phái thơ Hải Phòng”, trong đó có dòng trường ca đặc sắc với khoảng 27 tác giả mà cuốn sách sẽ dành sự quan tâm cần thiết. Cũng vậy, với thông tin và trích dẫn bài vở chọn lọc, nhà văn Nguyễn Tiến Hải, từ nguồn tư liệu phong phú của quân đội, đã tận tình bổ sung nhiều tác giả, tác phẩm, cùng các sáng tác đang hoàn thành từ các trại sáng tác…
(Còn nữa) 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét