ẢNH CHỤP TẠI "TỆ XÁ"
CỦA NGUYỄN VĂN CHƯƠNG - MÃO ĐIỀN
TỪ PHẢI:
DUY PHI - NGUYỄN VĂN CHƯƠNG - MINH LONG -
DUY KHOÁT - XUÂN TRỊNH - BÍCH HÙNG - XUÂN QUẢNG
CÁI BÁT KHẤT THỰC
thơ NGUYỄN VĂN CHƯƠNG
Cái bát khất thực
Chẳng sợ ma bằng đói
Huyền Trang sang Tây Thiên
Vua Đường cho cái bát
Để thày trò ăn xin
Người giữ kho kinh Phật
Thì cũng là Phật thôi
Lót tay, đừng tiếc nữa
Cái bát tộ vàng mười
Phật chưa tin, gõ thử
Tiếng vàng kêu, Phật cười
Muốn được kinh có chữ
Từ nay ngắt lá khoai
Ngửa ra mà khất thực
Ngứa cổ biết kêu ai?
Lời
bình của
DUY
PHI:
Tám câu đầu bài thơ là văn tự sự: Thày
trò Huyền Trang trước khi sang Tây Thiên được vua Đường cho cái bát (bát tộ,
bằng vàng mười) để đi ăn xin. Đến Tây Thiên, để có những quyển kinh thật, thày
trò phải lót tay cho vị coi kho kinh cái bát tộ ấy. Cứ tưng tửng thuật lại thôi
mà ý thơ đã sinh, tứ thơ đã nảy.
Bài thơ Cái bát khất thực, tác giả có
sử dụng mấy từ Hán Việt: khất thực, tộ. Khất thực: xin ăn. Tộ là lộc là phúc...
Bát tộ, bằng vàng mười, cái bát nhà vua ban cho phúc, lộc. Nhưng rồi, để lấy
được kinh có chữ, để về nói có sách mách có chứng, thày trò Huyền Trang đã phải
lót tay cho vị giữ kho kinh. Lót tay là từ thuần Việt, nghĩa đen: dùng một vật
mỏng nào đấy đặt vào tay để có thể cầm được vật nóng có thể gây bỏng, nghĩa
bóng nghĩa rộng thường là dùng tiền bạc biếu xén người làm công vụ để cho việc
mình đề đạt được trơn tru. Trong Kiều, khi Vương ông gặp nạn, bị oan bị đánh
đập, đoạn ấy có câu Tính bài lót đó luồn đây, tiếp đó là câu Có ba trăm lạng
việc này mới xuôi... Đó là xã hội phong kiến, chốn phàm trần. Ở trần gian, đi
chợ, mẹ ta mua trầu mua phải lá đa/ mẹ ta mua gà mua phải cuốc con. Đến cõi
Phật Tây Thiên, nghĩ có thực mới vực được đạo, đâu có chuyện nhốn nháo? Nhưng
không phải vậy, vị coi kho kinh đã từng phát cho những cuốn kinh giả, không có
chữ. Thày trò Huyền Trang phải lấy cái bát tộ để “dâng”, “tặng”. Nhà Đường thời
ấy, thiên hạ là thiên hạ của thiên tử, con dân là con dân của đức vua. Đường
trường vạn dặm, hơn là cho gạo cho tiền, vua ban cho cái bát bằng vàng, đi đến
đâu chìa ra thiện nam tín nữ biết ngay, ăn xin đó quyên góp đó mà uy quyền đó.
Bát tộ là vật bảo bối. Mất bảo bối này, thày trò Huyền Trang trước hết là đói,
sau nữa khôn lường tai hoạ. Vậy mà đâu ngờ, cõi Phật vẫn có cảnh nước khe đè
nước suối. Thày trò Huyền Trang bảo nhau “đừng tiếc nữa”, không có cách nào
khác.
Đến hai câu: Phật chưa tin, gõ thử/
Tiếng vàng kêu, Phật cười thì ý thơ đã chuyển mạch. Vị coi kho chẳng cả tin.
lại rất thành thạo trong việc nghe âm thanh phân biệt được vàng thật, vàng giả.
Đặt bút viết hai câu này, dường như tác
giả có một nụ cười hài hước.
Hai câu thơ kết, từ việc phải ngắt lá
khoai thay bát tộ đi khất thực, tác giả bất ngờ chuyển ý Ngứa cổ biết trêu ai?
Có hoạn nạn, người ta thường cầu khấn. Nhưng Tây Thiên đã thế, còn biết kêu ai
nữa! Cách nói dân dã, đạt diệu nghệ.
Bài thơ dựa trên một số cảnh ngộ trong
Tây Du Ký, mượn xa nói gần, tư tưởng của tác phẩm đã bộc lộ. Trong sáng tạo,
tác giả nào cũng vậy, thường từ cõi trần hiện thực mà hình dung ra tiên thánh.
Bài thơ có nét trào phúng với đôi ba vị nào đó khẩu Phật tâm xà (miệng Phật tâm
rắn), với kẻ chẳng mấy chân tu, Trống chùa ai đánh thì thùng/ Của chung ai khéo
vẫy vùng thành riêng chứ đâu dám nói đến toàn Phật thổ. Đất Phật, đó là cả một
thế giới người hiền: Đức Phật Thích Ca, các vị Bồ Tát... Nghìn năm nay, các
Phật tử ta vẫn hằng nhất tâm nhất niệm.
Nghề thơ, hồi mới viết người ta thường
sính dùng nhiều từ hoa mỹ, lấp lánh; dần dần, mới thấy cành nhánh nhiều thì
rườm rà, phần dác là vô bổ, thơ cũng cần đến thẳng cái lõi. Gần với lời nói
thường, đó là một kiểu thơ hiện đại, đậm hơi thở của đời sống. Trong bài thơ
này, nhiều câu đơn mà ý phức, từ ngữ đạm mà nồng, chân mà ảo. Bài thơ Cái bát
khất thực là một cách cảm nghĩ, một lát cắt hiện thực xã hội, dẫu tác giả viết
đã lâu, nay ý nghĩa thời sự vẫn khiến ta trăn trở.
Có trong tay tập thơ Gửi người đang yêu
(NXB Hội Nhà văn. 2001) của nhà thơ Nguyễn Văn Chương, khi làm sách Thơ Việt
Nam thế kỷ XX - Thơ trữ tình (2005), Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi (Chủ biên) thẩm
định thơ quả là tinh lắm, ông đã chọn bài thơ Cái bát khất thực đưa vào Tuyển.
D.P
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét