Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

PHẠM THUẬN THÀNH, CÂY BÚT NĂNG ĐỘNG... BÀI CỦA NGUYỄN VĂN CHƯƠNG






NT NGUYỄN VĂN CHƯƠNG



Nhà văn Phạm Thuận Thành 
vừa xuất xưởng 
tập thơ mới
THIÊN THAI. 
ĐTM giới thiệu bài viết của 
nhà thơ Nguyễn Văn Chương
in trong sách. 



PHẠM THUẬN THÀNH 
CÂY BÚT NĂNG ĐỘNG,
ĐA TÀI, ĐANG SUNG SỨC



     Tôi rất lúng túng khi tìm đặt cho bài báo một cái tít thật bắt mắt, vừa khái quát được vấn đề lại vừa phản ánh cụ thể điều mà mình muốn nói. Ý tưởng thì rõ quá mà không biết gọi thế nào. Nhà báo? Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian? Nhà ngôn ngữ học? Nhà thơ hay nhà văn? Bởi Phạm Thuận Thành tham quá, xông xáo quá mà lĩnh vực nào anh cũng thu lượm nhiều hoa thơm quả ngọt mới lạ chứ!
              Gọi là nhà báo? Thì đấy. Từ ngày tái lập tỉnh, 8 năm nay, có đợt sơ kết, tổng kết, họp cộng tác viên nào của báo Bắc Ninh mà anh không được tuyên dương, được nhận tặng phẩm? Anh có bài đăng ở các báo và tạp chí: Nhân dân, Đại biểu nhân dân, Quân đội nhân dân, Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Tạp chí thơ, Văn hoá văn nghệ Công an, Đại đoàn kết, Văn nghệ Quân đội, Ngôn ngữ và Đời sống, Văn hiến, Xưa và nay, Thế giới trong ta, Cựu chiến binh Việt Nam, Khoa học và Tổ quốc, Tiếng nói Việt Nam, Kinh tế đô thị, Kinh tế nông thôn, Người cao tuổi, Đài Tiếng nói Việt Nam Đấy là ở Trung ương. Anh cũng có bài thường xuyên ở các báo tỉnh: Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế với nhiều bút danh: Phạm Thuận Thành , Phạm Tiểu Thư, Lý Thanh Thuận, Vương Tâm Chiến
              Gọi là nhà nghiên cứu văn hoá dân gian? Trong 7 đầu sách xuất bản từ 2001 đến 2004 của Phạm Thuận Thành thì có tới 6 đầu sách về lĩnh vực này. Đấy là Người Kinh Bắc đối đáp giỏi, Tài hùng biện của người xưa, Chuyện kể ở đền Đô, Huyền tích chùa Bút Tháp, Lý bát đế, Danh nhân danh thắng xứ Bắc.
        Gọi là nhà thơ? Năm 2003 anh đạt giải nhì với bài thơ Con đường đến tôi của Sở Giáo dục - đào tạo Bắc Ninh. Anh đạt giải ba (không có giải nhất) cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2002-2004) với bài thơ Đi đường lớn nhớ đường mòn. Ai cũng biết những nhà thơ cao thủ như Trần Đăng Khoa, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậulà những người biên tập và sơ khảo ở Văn nghệ Quân đội có uy tín thẩm định thơ như thế nào. Trong Tam khôi, kỳ thi này
không ai được phong học vị Trạng nguyên. Đứng sau Bảng nhỡn, nhà thơ Phạm Thuận Thành bước lên thảm đỏ nhận giải Thám hoa!
    



 NV PHẠM THUẬN THÀNH
BÊN THIẾU NỮ CHĂM DỆT VẢI


Gọi là nhà văn? Năm 2003 Phạm Thuận Thành đạt giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Thế giới trong ta, giải nhất bút ký của Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh; năm 2004 giải tư truyện ngắn do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức và giải nhì truyện ngắn của Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh.
      Mới đây thôi, tại hội nghị các cộng tác viên tích cực để chuẩn bị số Tết Ất  Dậu và các số Xuân 2005 của báo Bắc Ninh, nhà văn Nguyễn Phan Hách, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn đăng đàn, khen ngợi không tiếc lời tiểu thuyết Nước mắt của tuyết trắng (Nhà xuất bản Hội nhà văn - 2004) vừa phát hành đã bán hết veo đến nỗi tác giả muốn mua thêm ít quyển để tặng bạn bè cũng khó tìm được! Tôi cũng được thơm lây vì là người được tin cậy nhờ đọc giám định và góp ý cho bản thảo để tác giả sửa chữa, hoàn chỉnh trước khi đưa xuất bản.
   Thừa thắng xốc tới, Phạm Thuận Thành lại vừa hoàn thành tiểu thuyết lịch sử: Mài gươm sắc bút dày hơn 100 trang vi tính khổ A4 chữ nhỏ và dày như trấu trát! Nhân có tiền rủng rỉnh vì dính nhiều giải và nhuận bút, anh mời tôi đến khao nhuận miệng rồi ép tôi đọc và tham khảo để đầu năm mới 2005 trình làng vì Nhà xuất bản Hội nhà văn đã lên kế hoạch!
      Cũng có thể gọi Phạm Thuận Thành là nhà ngôn ngữ. Từ năm 1979 anh đã từng được giao hỏi cung tù binh bằng tiếng Trung Quốc. Anh cũng làm việc ở Nga ba năm, tất nhiên đọc thông viết thạo tiếng Nga. Năm 2002 anh là hội viên chính thức Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Anh từng tham gia nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí về thành ngữ, tục ngữ, ca dao, những câu chuyện chữ nghĩa. Anh cũng vừa được gửi sách biếu và nhuận bút về hai tác phẩm trong Truyện đọc lớp Ba của Nhà xuất bản Giáo dục.
     Tôi có một thói quen thỉnh thoảng dùng phép thử và phản ứng, thuật ngữ chuyên ngành của các nhà hoá học mà các nhà tâm lý học cũng thích vay mượn để dùng. Lần ấy Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn có điện thoại mời tôi lên Đình Bảng để nhờ viết giúp Chúc văn tưởng niệm Lý triều Bát Đế. Nhân lúc ngồi đàm đạo với các cụ trong ban khánh tiết, tôi đưa quyển sổ tay và cái bút bi cho Phạm Thuận Thành bảo anh ra chép giúp văn bản chữ Hán bài Thiên đô chiếu của Lý Thái Tổ trên bức hoành phi và dịch nghĩa luôn cho. Chỉ trong 20 phút anh hoàn tất một cách tốt đẹp, Thư pháp Trung Hoa có 6 kiểu chữ: chân, triện, lệ , hành, đỉnh, thảo thì có tới 3 kiểu rất khó đọc là các kiểu chữ đỉnh, chữ triện vừa cổ vừa cách điệu và chữ thảo nhiều khi Phạm Thuận Thành cũng không chịu chào thua.





      Phạm Thuận Thành tuổi Tân Sửu (1961), lắm lo toan nhưng được cái thật thà, chân chất và cần cù chăm chỉ, vừa quảng canh, vừa thâm canh trên cánh đồng chữ nghĩa. Nhiều lúc tôi phải kêu lên kinh ngạc: Cậu tài quá! Viết cứ như bổ củi ! Anh cười mủm mỉm: Thì viết kiếm gạo mà lại. Anh không có lương, phải sống bằng ngòi bút còn góp phần nuôi ba con ăn học. Cháu gái đầu lòng năm tới sẽ thi đại học. Mừng đấy mà lo đấy. Vợ rất chiều chồng thương con nhưng chỉ có mấy sào ruộng khoán. Đấy là chưa kể anh chị còn phụng dưỡng mẹ già và đôi khi chi viện cho các em.
     Lĩnh vực nào Phạm Thuận Thành cũng vác đại đao xông vào. Anh nghiên cứu triết học, mỹ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, xã hội học để viết báo rồi ra sách. Còn sáng tác thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết thì bạn đọc đã biết.
   Cái khổ của người trước tác là không có sách, nhất là sách công cụ phục vụ cho khảo cứu như: Từ điển, Lược truyện các tác gia, Niên giám, Niên biểu, Kỷ yếu, các bộ Tổng tập, Tuyển tập của các nhà xuất bản và các cây bút lớn. Còn nhớ sinh thời nhà thơ Xuân Diệu ghi trước tủ sách: Sách vào nhà này thì nhất định không ra nữa! Ý nói không cho ai mượn. Quý sách đặc biệt là sách quý mà cả nể thì sách không tìm được đường về! Tiếc đứt ruột và tức nữa. Là bạn vong niên gắn bó với nhau nhiều năm, tôi đành chấp nhận ngoại lệ với Phạm Thuận Thành. Anh cũng biết điều, có quyển mang phô tô rồi trả ngay, có quyển vài hôm ,vài tuần, vài tháng, sớm muộn gì anh cũng trả tầy tặn, hiếm khi phải nhắc.
    Tôi xin cống hiến bạn đọc vài mẩu chuyện vui vui. Lần ấy với bộ mặt mơ màng ngái ngủ của nhà kỵ sĩ Đôn Kihôtê và cậu cận vệ kiêm giám mã Xăngsô quê một cục, vừa cao đàm khoát luận ở số 8 - Lý Nam Đế với mấy ông đại tá đồng hương biên tập trang văn hoá văn nghệ của báo Quân đội nhân dân ra. Mới qua được ngã tư suôn sẻ, đến ngã tư thứ hai có đèn đỏ thì Phạm Thuận Thành lỡ trớn. Trông cái đoản côn nửa trắng nửa đỏ của ngài đại uý cảnh sát vẫy vẫy, tôi vừa bình tĩnh vừa run, nhẩy xuống làm thân: Bố xin anh. Ta trông anh giống thằng bé thứ ba nhà ta, nó tuổi Qúy Sửu, nóng nẩy nhưng biết nể người già. Bố cũng tinh tường lắm. Sao bố biết con sinh năm 1973?  Thì người khôn nó hiện ra mặt. Thằng cháu ta đây nó tuổi Tân Sửu, hơn anh một giáp, được cái cày khoẻ nhưng lại vụng dại. Không! Nói gì thì nói, con có dám phạt bố đâu. Anh đã ngồi cầm lái là phải hiểu Luật giao thông. Anh cho xe vào đây, đến lấy biên lai tiền phạt ở kho bạc rồi thầy trò lại tiếp tục thượng lộ bình an. Bao nhiêu? 50 nghìn thôi bố ạ. Tôi mở cặp lấy ra cái phiếu mời lĩnh tiền 100 nghìn của Đài Tiếng nói Việt Nam: Ta trả công anh 50 nghìn và nộp phạt thay cho chú xe ôm 50 nghìn. Anh thông cảm lĩnh giúp. Chúng ta đang vội. Đã đến nước ấy thì ngài đại uý đành thay đổi thái độ cười trừ vào chào thua. Lạy bố, thôi, bố đến 58 Quán Sứ hay 43 Bà Triệu kẻo sắp hết giờ. Không ngờ sau cú sốc ấy Phạm Thuận Thành nẩy tứ viết được bài thơ Đi đường lớn nhớ đường mòn và đoạt giải cao.
     Lại một lần đọc Văn nghệ trẻ bài Lời tự bạch của vợ goá một nhà thơ. Có một chi tiết kể một nhóm sinh viên nghèo ở đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) rất say thơ đến mức tử vì đạo. Để có tiền in thơ họ phải bàn nhau bán máu góp. Nhưng khi sách in ra lại không có bài của các bạn thân và của người yêu. Người chủ biên là Dư Thiếu Hoa bảo vì phải chắt máu thành thơ nên không thể đưa đến bạn đọc những bài thơ hạng hai được. Tôi xúc động đến trào nước mắt chưa kịp viết cảm tưởng thì số báo sau đã xuất hiện bài rất hàm súc và đường hoàng của Phạm Thuận Thành. Phục anh nhanh nhậy quá!
     Người viết tất nhiên phải có tài. Nhưng chữ tâm của Phạm Thuận Thành còn lớn hơn. Anh lúc nào cũng tri ân báo Bắc Ninh. Anh bảo: Chính từ sân chơi này, có sự động viên của Ban biên tập mà anh trưởng thành. Tôi nghĩ đó cũng là cái duyên tương ngộ.


       Tái bút : Từ sau 2005 Phạm Thuận Thành đã cho xuất bản các sách Mài gươm sắc bút, Cổ Trai xuất đế, Tiếng vọng đồng hoang, Đất chuyển mùa (tiểu thuyết), Chuyện tình xứ tuyết, Đảo mê, Sợi tơ hồng, Đêm cuối ở Côn Sơn, Ngày nghỉ cuối tuần (tập truyện ngắn). Trong đó tiểu thuyết Cổ Trai xuất đế được dư luận quan tâm và đoạt giải của Liên hiệp. Anh cũng đoạt giải 3 truyện ngắn ở Đà Nẵng, giải Khuyến khích truyện ngắn ở Vĩnh Phúc, giải 3 thơ ở Hưng Yên, giải nhì truyện ngắn cuộc vận động sáng tác về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Bắc Ninh, giải nhì Giải báo chí Ngô Gia Tự. Anh có truyện ngắn lọt vào nhiều tuyển tập uy tín như Truyện ngắn hay Nhà xuất bản Thanh Niên, Truyện ngắn chọn lọc Nhà xuất bản Giáo Dục, Truyện ngắn hay báo Văn Nghệ, Văn Mới…

                                                      N.V.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét