Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

* TÔ HOÀN - KỶ NIỆM VỀ MỘT BÀI THƠ SÁNG GIÁ:



     ĐÊM MƯA

                                                                  
                                                                       
                                           
   Cuộc đời Tô Hoàn nhiều sóng gió. Ông sinh năm 1949, quê làng Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang; từng tham gia chiến tranh, là lính vận tải, sau chuyển sang Tuyên huấn Cục Hậu Cần của một Quân khu, chủ yếu là ở chiến trường Trung Trung Bộ, sớm có thơ đăng trên nhiều báo chí, có bài thơ hay được tặng thưởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1989. Cũng năm ấy, ông cho xuất bản tập thơ Có một lời ru, bị phiền luỵ. 

   Bài Tản mạn đời mình bị coi là “có vấn đề”, bị mổ xẻ nhiều nhất: Trắng đen thật giả cuộc đời/ Ẩn sâu trong trái tim người đỏ đen/ Thường là bèo bọt nổi lên/ Thường là vàng bạc nhận chìm đáy sâu/ Chữ tâm càng nặng càng đau/ Khi vui lắm bạn khi sầu mình ta. Giờ đây, quan điểm rộng mở, đọc lại, không thấy cái gọi là “vấn đề”, nhưng hồi đó là chuyện tầy đình. Buồn, ông xin về hưu, hưu non. Bài thơ Mong chờ, ông viết về người vợ rất cảm động: Mỗi ngày nhớ mỏi mòn đôi mắt chị/ Hai mươi năm mong một lá thư về/ Hai mươi năm chờ tay anh gõ cửa/ Ngọn gió đùa lừa chị những canh khuya…Tô Hoàn có nhiều bài thơ nhuần nhị, sâu sắc. Tiêu biểu là bài Đêm mưa: 



Con về thăm mẹ đêm mưa
Mới hay nhà dột. Gió lùa bốn bên
Bao nhiêu hạt thẳng hạt xiên
Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời
Con đi đánh giặc suốt đời
Vẫn không che nổi một nơi mẹ nằm. 

   Xin trích Lời bình của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi:  
“… Nếu ta thay tiếng đêm bằng tiếng chiều ( Con về thăm mẹ chiều mưa) thì nỗi niềm bài thơ bị giảm nhẹ ngay. Mưa dột thì lúc nào cũng khổ nhưng khổ nhất là dột đêm, mất cả giấc ngủ. Hai câu đầu giới thiệu hoàn cảnh, hoàn cảnh lại thật trớ trêu: mẹ ở nhà một mình, mưa đêm nhà dột, gió lùa bốn bên. Trông nhờ vào con, đứa con độc nhất thì nó lại đi xa.
Hai câu tiếp nói lên nỗi vất vả của mẹ:Bao nhiêu hạt thẳng hạt xiên/ Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời.
Hạt mưa cũng vô tình thôi nhưng trong văn cảnh của cặp lục bát này, tất cả như cố ý làm khổ mẹ. Chữ nhằm nghe thật xót. Nhằm vào mẹ đã xót lại còn nhằm vào mẹ những đêm trắng trời thì xót đau biết nhường nào! Đêm trắng vò võ nhớ con, lại bị mưa hắt vào người, vào mặt thì khổ quá còn gì! Đến cặp lục bát cuối, tác giả mới nói cho ta biết đứa con về thăm mẹ là bộ đội: Con đi đánh giặc suốt đời/ Vẫn không che nổi một nơi mẹ nằm…
   Tôi đọc câu cuối bài thơ mà run lên. Đó là tình thương mẹ của đứa con ở độ cao trào. Đó là một lời nhận lỗi về mình mà thật ra là trách nhiệm của toàn xã hội. Tác giả bài thơ- anh Tô Hoàn là một sĩ quan quân đội về hưu ở Bắc Giang. Tôi đoán bài thơ này anh viết rất nhanh vì những nỗi niềm của bài thơ đã day dứt trong anh từ lâu trở thành một bứt dứt, một ám ảnh không viết ra không chịu được. Đây là một bài thơ hay, một bài thơ viết như không, một bài thơ đọc lên chỉ còn tình, không còn câu chữ nữa”. 
  Bài thơ Đêm mưa, còn có hai kỷ niệm:
Theo nhà thơ Kim Ô kể: ở Lục Nam có anh chàng đọc bài Đêm mưa của Tô Hoàn khóc, bởi mẹ già của anh cũng đang phải ở nhà dột. Anh ta đã đem bài thơ Đêm mưa này đọc cho mấy anh chị em ruột nghe. Sau đó không lâu, ngôi nhà của mẹ già anh được trùng tu lại.  
Bài thơ Đêm mưa còn “trúng số độc đắc”, được tuyển vào tập 100 bài thơ hay thế kỷ XX, tập thơ do Trung tâm văn hoá doanh nhân phối hợp với Hội Nhà văn chọn lọc, ấn hành. Nhà thơ Tô Hoàn có nhiều tác phẩm ấn tượng, hay, nhưng có lẽ bài thơ Đêm mưa sáng giá hơn cả.       

                                                                       D.P                                        



* Ảnh: 

Từ trái sang:       TÔ HOÀN & DUY PHI đang 
trên canô chạy giữa hồ Ba Bể - Bắc Kạn (2002)
.


     
      
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét