Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

* NGUYỄN PHAN HÁCH VÀ CUỘC NỔI LOẠN CỦA MỘT CON TIM BÉ BỎNG


        


Nhà văn Nguyễn Phan Hách
                                                  
    
   NGUYỄN PHAN HÁCH 

   Sinh năm Giáp Thân- 1944. Lừng danh khá sớm. Ông cùng ngõ với tôi. Từ nhà tôi đến nhà ông chỉ vài chục bước chân. Một hồi, có quan hệ cọc chèo, lại thôi. Nguyễn Phan Hách sinh ra, lớn lên từ một gia đình có truyền thống Nho học. Ông nội của ông Hách có thời là thầy đồ. Chú ruột của ông là Nguyễn Xuân Long, học thời Pháp, sau làm hương  sư. Bọn chúng tôi phần lớn được ông rèn cặp. Tài năng văn chương, Nguyễn Phan Hách sớm phát lộ, lại gặp nhiều may mắn. Chừng 17 tuổi, ông Hách đã có truyện ngắn in trên báo Văn học, tiền thân của Văn nghệ. Tốt nghiệp Sư phạm cấp II, ông “ngồi” ở vùng sông Lục núi Huyền dạy học vài năm rồi chuyển lên Ty Văn hoá Hà Bắc đảm nhiệm việc biên tập sách báo, sáng tác. Bạn bè cùng lứa như Duy Khoát, Nguyễn Văn Chương và tôi, ai cũng muốn đi vào trước tác. Trong khi bọn tôi còn lận đận đây đó thì năm 1973, Nguyễn Phan Hách đã được về biên tập thơ ở báo Văn nghệ. Ôi! Quá sang. Tôi muốn về ngành văn hoá cấp tỉnh chưa được đây (Khi sắp dời khỏi Ty Văn hoá, Nguyễn Phan Hách phải tìm người thay thế, đã mách nước cho ông Nguyễn Trọng Trai- Phó Ty, làm công văn sang Ty Giáo dục, định dàn xếp để tôi sang, nhưng Ty Giáo dục không chấp thuận, vì bộ môn của tôi đang thiếu). Tôi, Nguyễn Văn Chương, Duy Khoát, ba “tên” viết, sống lênh đênh ba phương trời, mỗi lần gặp nhau thường chuyện trò về Nguyễn Phan Hách, giở truyện ngắn hoặc thơ của ông mới in để cùng thưởng thức, trao đổi. Đùng một cái, năm 1977, Nguyễn Phan Hách đã sang biên tập tại Nhà xuất bản Tác phẩm mới (sau đổi tên là Nxb Hội Nhà văn). Bây giờ mở lại cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (2010) ra xem, mới biết, Nguyễn Phan Hách được kết nạp vào Hội Nhà văn năm 1978. Ông cứ lên vùn vụt. Hanh thông hiếm có. Rồi người ở liền 30 năm tại Nhà ấy, từ biên tập viên lên Tổng Biên tập, Giám đốc. Trời! Ông được đọc lại duyệt nữa văn chương của cả thiên hạ. Hiểu đôi chút về truyền thống văn chương Kinh Bắc xưa, mỗi lần gặp Nguyễn văn sĩ, tôi thường nghĩ đến Sái Thuận- người Song Liễu, cách làng tôi chừng mười lăm cây số, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi- 1475, được Đô nguyên suý Tao đàn Lê Thánh Tông giao cho làm Sái phu, quét dọn vườn văn (biên tập) ở Tao đàn Nhị thập bát tú thời ấy. Hồi ông ở 65 Nguyễn Du, có lần tôi đến thăm. Là thầy giáo, nhưng tôi dụt dè lắm. Sáng ấy, các nhà văn nhà thơ Ngô Ngọc Bội, Ngô Văn Phú, một lúc sau nhà văn Nguyễn Kiên, nhà thơ Trần Vũ Mai… ghé vào phòng ông Hách. Trò chuyện về quê hương, trao đổi biên tập. Ngồi trong phòng tầng trệt này, tôi còn trông thấy nữ sĩ Ý Nhi qua lại thấp thoáng phía trước. Nguyễn Phan Hách rủ tôi đi xem phim. Hồi ấy còn cái phòng duyệt phim ở phía Thuỵ Khuê, là cán bộ Nhà xuất bản Tác phẩm mới, ông được hai vé. Chúng tôi đi bộ, đến gần phòng chiếu phim thì gặp một phụ nữ khuôn mặt trái xoan, cặp mắt lóng lánh, xinh đẹp. Bỗng người ấy dừng ngay trước mặt chúng tôi, giơ ngón tay lên, như muốn xỉa xói ai đó: “Này ông Hách! Ông bảo con X, biên tập mà tự ý cắt cúp của tôi thế không được, bảo nó, không lần sau làm thế tôi cho cái guốc vào mặt đấy!”. Tôi phát hoảng. Ông Hách cười: “Ông có biết ai đó không? D.T.H cùng quê chúng ta đó. Đanh đá lắm…”. Chúng tôi cùng cười ngất.
   Trước cửa phòng của ông Hách có một chiếc vòi nước chung, có lần tôi thấy một cô gái vừa xả nước vào những búp tay nõn nà, khuôn giăng đầy đặn, xinh đẹp. Nguyễn Phan Hách nói: “Xuân Quỳnh đấy, đi muộn hơn một tiếng rồi. Kể cả hôm họp có Giám đốc dự, cũng đến muộn, khi đến còn cười nói huyên thuyên đủ chuyện, nhưng ai cũng quý, còn ngừng họp để nói chuyện theo nữa”. Với ông Hách, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh bịa một chuyện như thật: “ Ông Hách có chiếc xe máy, trước khi đi đâu, ông lấy xe đạp dạo một vòng xem phố xá thế nào, nếu phố vắng, ông mới về phòng dắt xe máy ra”. Nghe chuyện, ai cũng bật cười.
   Tuy “làm quan” nhưng gặp nhau, ông Hách thường cười hề hề, niềm nở, quý bạn. Ông là một người chân tình, lịch duyệt.
   Tôi dạy học ở Chí Linh, Hải Dương được tám năm thì được cử đi học Đại học, khoa Tâm lý- Giáo dục học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, nhiều buổi được Giáo sư Nguyễn Lân trực tiếp giảng dạy, năm 1971 tốt nghiệp. Sau 9 năm dạy Sư phạm nhiều vùng miền, khi Nam khi Bắc, loanh quanh thế nào, tôi lại về Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Bắc, lại “trụ trì” tại Phủ Lạng Thương, nay là Thành phố Bắc Giang.
   Ở Bắc Giang, mới biết ró hơn, ông Hách có mối tình sâu nặng nơi đây, và anh em văn nghệ sĩ vùng đất Nham Biền, Huyền Đinh cũng yêu quý, phục tài ông Hách. Chính bên dòng sông Thương này, ông Hách đã sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng: Mưa xuân trên sông Thương, Sông Lục núi Huyền, Làng quan họ quê tôi… Những bài thơ ấy đã được in trong nhiều tập tuyển. Còn thi phẩm với những câu thơ: Tháng giêng mùa hát hội/ Áo nâu ướp hương trầm/ Nón thúng quai thao rủ/ Buông dài nếp sống thâm/
   Chen nhau sau khóm trúc/ Trống cơm vỗ bập bùng/ Mắt như dao cau ấy/ Nhìn bên Đoài bên Đông/
   Cửa đình hồ bán nguyệt/ Chị Cả tựa mạn thuyền/ Anh Hai ngồi bẻ lái/ Quan họ về trao duyên…được nhà thơ kiêm nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc, đã thêm nổi tiếng. Những ngày tôi ở Lào Cai, Điện Biên, khi ở An Giang, Đất Mũi… . tôi vẫn “gặp” Nguyễn Phan Hách. Sức sống của Làng quan họ lớn lắm, hẳn còn bay trên nhiều vòm trời nhiều cánh sóng.
   Với mối tình đầu thắm thiết mà không thành, Nguyễn Phan Hách có phần tiếc nuối, từ ấy đã nuôi thi hứng cho ông dường như suốt cả cuộc đời. Chợt nhớ, hình như ông có bài thơ nào đó viết về cuộc khởi nghĩa của một trái tim bé bỏng. Một trong số những thi phẩm tiêu biểu của ông trong giai đoạn sau là bài Hoa sữa. Nghe nói, nhiều sinh viên thích. Tôi viết những dòng này đúng vào dịp thu 2010- mùa hoa sữa. Cửa sổ phòng tôi rất gần với một cây đã đẫy một vòng ôm, dày những cụm hoa trinh trắng. Bâng khuâng, nhớ những ngày tôi còn lang thang trên đất Hà thành, con người ta đôi khi có những nét trùng hợp, nhất là tâm trạng, tôi lẩm nhẩm đọc lại bài thơ Hoa sữa của Nguyễn Phan Hách:
        
Tuổi mười lăm, em lớn từng ngày
Một  sớm mai, em bỗng thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu, anh vẫn nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ.

Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan trong sương gió mong manh.

Tại vầng trăng? Tại em hay tại anh
Tại sang đông không còn hoa sữa ?
Tại siêu hình ? Tại gì không biết nữa
Tại con bướm vàng có cánh nó bay.

Đau khổ nhiều nhưng éo le thay
Không phải thời Rô- mê- ô và Juy- li- ét
Nên chẳng có đứa nào chịu chết
Đành lòng thôi mỗi đứa một phương.

Chỉ mùa thu tròn vẹn yêu thương
Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ
Hương của những mối tình đầu nhắc nhở
Có hai người xưa đã yêu nhau...

                      (Rút từ tập thơ Hoa sữa,
                      NXB Hội Nhà văn - 2000)
                         



4 nhận xét:

  1. Chào Bác Phi , đọc bài này của Bác cháu thấy trân trọng tình cảm bạn của của Bác và Bố Hách cháu quá, Khue Phong

    Trả lờiXóa
  2. Với bố NPH của Khuê Phong
    là bạn cố tri: cùng xóm, từ thuở nhỏ
    Rất nhiều gắn bó
    Chúc mùa Giáng sinh cả nhà vui, hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
  3. Bài thơ bác viết sai nhiều chỗ quá

    Trả lờiXóa