Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011





* Đọc lại bài báo xưa
 NỮ SĨ TƯƠNG PHỐ TÁI GIÁ       

   


 Đó là bài báo  “Tương Phố tái giá với Phạm Tuần phủ mà vẫn là tiết phụ 100 phần trăm” của tác giả Thuỵ Giao in trên Chính Luận ba mươi sáu năm trước, ngày 18. XII. 1973 (tại Sài Gòn), sau ngày Tương Phố tạ thế tại Đà Lạt hơn một tháng, cũng là kỷ niệm lần thứ 76 ngày sinh của nữ sĩ. Bài báo nêu rõ: Tương Phố (quê gốc Bối Khê, Khoái Châu, Hưng Yên) sinh ngày 15.12. 1897 tại Đầm, Bắc Giang.

   Tôi là người vùng Bắc Giang, đang có ý định làm cuốn Bắc Giang - Danh nhân cảo luận, về các thi sĩ văn sĩ nổi tiếng có ít nhiều gắn bó với Bắc Giang, nên rất quan tâm đến chi tiết này. Gần đây, có một số sách viết Tương Phố sinh ở Thất Khê (Lạng Sơn), điều đó kích thích tôi cần đi khảo cứu.
   Đi theo đường 31, cách thành phố Bắc Giang chừng 33 km hiện còn làng Đầm (xã Phượng Sơn, Lục Ngạn) hẻo lánh. Tại sao Tương Phố lại ra đời tại đó? Hỏi lại mới biết, cụ thân sinh ra nữ sĩ là Đỗ Duy Phiên (con một Đề đốc của nghĩa quân Tán Thuật), một nhà nho lận đận nơi trường ốc lên đây dạy học. Xưa, đi lại vùng này chủ yếu bằng đường sông Lục Nam, nhưng tàu thuyền thường chỉ lên được đến Đầm là mắc một ghềnh đá. Quân Pháp đã lập tại Đầm một đồn lính khá lớn để trụ lại và khống chế các vùng lân cận. Nơi này vừa là đồn luỹ vừa là trung tâm kinh tế xã hội. Vì là dòng dõi một Đề đốc chống Pháp nên cụ đồ Phiên sợ, phải lánh đi, phiêu bạt đến chốn không ai biết tông tích mình, cụ đã chọn đây làm nơi đặt tráp, gõ đầu trẻ. Con gái đầu lòng sinh tại đây cụ đặt tên là Đàm (Chữ Hán: đàmđầm, cái đầm - hồ nước). Tại Đầm quân lính ngày càng đông, thường xuyên có vài ba tiểu đoàn lính khố đỏ. Nhiều nhà cửa mới được xây dựng, có dãy nhà khung sắt trên một trăm gian, có nhà làm bánh (bánh mì), nhà thương (bệnh viện), nhà chứa (hai nhà con gái, một cho sĩ quan, một cho binh lính)... Trong số lính người Việt, có cả những người từ quê Khoái Châu đến. Hẳn là sợ bị phát giác, cụ đồ Phiên lại lặng lẽ dời khỏi Đầm, chuyển đến tận Thất Khê, Lạng Sơn ( tại Thất Khê cụ bà sinh một cô gái nữa, đặt tên là Khê, Đỗ Song Khê. Bà Song Khê cũng giỏi thơ, là tác giả của bài Muốn ăn rau sắng chùa Hương..., gửi Tản Đà ký tên là Đỗ Tang Nữ). Năm 19 tuổi, do học ở trường Nữ sư phạm Hà thành mà Đỗ Thị Đàm yêu, kết hôn với Thái Văn Du (con của cụ nghè Thái Văn Bút - lấy Công nữ Dĩ Ty, con gái của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, mà Miên Thẩm là con thứ mười của vua Minh Mạng). Bà Đàm tức Tương Phố đã sinh được một con trai là Thái Văn Châu. Ở Huế một thời gian, Tương Phố mới biết ông Thái Văn Du trước đó đã có vợ. Bà không một lời oán trách chồng. Ông Thái Văn Du được sang Pháp học, không may bị bạo bệnh, mất. Tương Phố nhớ thương, khóc chồng mà viết tác phẩm Giọt lệ thu. Khi in trên Tạp chí Nam Phong 1928, nữ sĩ ghi rõ: viết tại sông Thương năm 1923 . Giọt lệ thu đã làm sống lại tâm trạng người chinh phụ trong văn chương hiện đại, tác phẩm ấy càng nổi tiếng hơn bởi được nữ dịch giả Pháp là Jeanne Duclos Lalesses dịch với tựa đề là Larmes d’ Automne, in trên báo Moniteur d’ Indochine. Sau đấy, Tương Phố lưu lạc nhiều nơi: Hà Nội (số nhà 4 Ngô Quyền), Huế, Nha Trang (số  60A đường Trịnh Phong)...
   Muốn tìm hiểu thêm về Tương Phố, may mắn sao, năm 2004 tôi có nửa tháng ở Nhà Sáng tác tại ngõ Yên Thế, Đà Lạt. Từ đấy, đi bộ chỉ chừng vài trăm mét là đến được nhà Thái Dương Minh (con trai Thái Văn Châu), cháu ruột bà Tương Phố. Vốn hiếu khách, biết tôi từ Bắc Giang - quê sinh của bà nội đến thăm, Dương Minh chuyện trò nhiều về bà nội lại tặng tôi một số bài thơ có bút tích của bà, một số tư liệu...   
   Sau tác phẩm khóc chồng ấy, Tương Phố có tái giá, lấy ông Tuần phủ Phạm Khắc Khánh. Sự việc ấy, Tương Phố có bộc bạch trong các bài thơ dài “Bước chân ra” và “Tái tiếu sầu ngâm” đều viết vào năm 1925, sau năm năm chồng mất. Bài Bước chân ra có những đoạn nói về người cha - cụ đồ Phiên. Thấy con gái goá chồng sớm lại mang đứa cháu ngoại về nuôi, cụ rất buồn thường ngồi bên ấm trà độc ẩm  than thở: “Nhà ta đến thằng bé này là ba đời nuôi cháu ngoại rồi, mà đều trong cảnh nghèo cả”.Để khỏi luỵ cha già, giữ tròn đạo hiếu, nữ sĩ đành thay khăn đổi áo, phụ tình xưa phụ cả đứa con thơ dại, đi bước nữa, lấy Phạm Khắc Khánh, một Tuần phủ hơn nữ sĩ nhiều tuổi. Bài Tái tiếu sầu ngâm càng rõ. Chữ Hán: tái tiếu là đàn bà tái giá, là uống rượu không thù tạc, cũng là tiếng cười mai mỉa. Tái tiếu sầu ngâm có nhiều câu thơ bi thương: Dây loan chắp mối đoạn trường/ Ngâm câu tái tiếu hai hàng lệ sa/ Dễ âu duyên mới ru mà/ Còn tình chăng nữa, cũng là luỵ thôi..., Vì chàng tâm sự dở dang/ Vì con thôi mấy đoạn trường cũng cam...  Tuần phủ Khánh chỉ thông thạo chữ Nho, còn tiếng Pháp chỉ học được mấy câu tiếng bồi. Giỏi tiếng Pháp, bà Tương Phố thường giúp chồng làm các tờ trình bằng Pháp văn, thông ngôn khi Tuần phủ tiếp viên công sứ, các quan chức khác. Sau nữ sĩ có cưới cho Tuần phủ một người thiếp nữa để bà được rảnh, ở riêng với thú văn chương tao nhã. Là vậy, nhưng nói như Tam Lang - người em kết nghĩa của nữ sĩ Tương Phố “tuy tái giá nhưng Tương Phố vẫn thủ tiết thờ chồng (Thái Văn Du), vẫn là tiết phụ 100 phần trăm”(?), cái trăm phần trăm này xem ra có phần thi vị. Trong bài thơ Đề ảnh về câu Tấn tuồng tạo hoá vai chua chát cũng có chú thích: Duyên với TVD cưới làm chính thất mà té ra thứ thất; tái giá bạn với Phạm công tròn 20 năm sống ngoài chăn gối (vào khoảng năm 1945 Tuần phủ Khánh đã mất?). Tuy vậy, chẳng nên suy nghĩ một chiều, phủ định thiên chân, khi tái giá, nữ sĩ mới 28 tuổi.
  Năm 1933, khi Phan Bội Châu đang bị quản thúc tại Bến Ngự - Huế, Tương Phố có được gặp. Lúc ấy, Tương Phố trẻ trung xinh xắn, đã nổi tiếng với Giọt lệ thu, thạo tiếng Pháp, giỏi chữ Hán, từng dịch nhiều thơ Đường: Tây Thi vịnh của Vương Duy, Tĩnh dạ tư của Lý Bạch, Tân hôn biệt của Đỗ Phủ... Cuộc đời tranh đấu phiêu dạt của Phan tiên sinh chưa từng gặp một nữ sĩ tài hoa như thế. Coi Tương Phố là tri âm tri kỷ, Phan Bội Châu đã cho in trên Văn học tuần san bài thơ tặng Tương Phố: Cái nợ cầm thi mới trả xong/ Khi vui bút mực cũng mây rồng/ Tưởng là rồi kiếp cùng trời đất/ Đâu nghĩ còn duyên với núi sông/ Mở cửa gió lùa thông hoạ vận/ Cuốn rèm trăng rọi nước soi lòng/ Đàn Nha may gặp Chung Kỳ gái/ Muôn thuở Hồng Lam với Tản Hồng. Khi chia tay, tiên sinh lại tiễn bằng một bài thơ tứ tuyệt. Tương Phố có bài họa lại: Sông Hương ngơ ngẩn buổi chia tay/ Lời ước trùng lai khó hẹn ngày/ Hoài bão lớn lao xin chúc Cụ/ Cánh bằng muôn dặm lại cao bay. .
    Cùng với Giọt lệ thu, Tương Phố còn có các tập thơ Tái tiếu sầu ngâm (1930), Khúc thu hận (1931), một số bài thơ lẻ... Tương Phố có câu thơ: Tình đẹp nhất đời/ Là tình yêu nước. Nỗi đau riêng, hai lần giữa đường đứt gánh, tâm hồn của nữ sĩ vẫn trong trẻo, với lòng yêu nước cao vọi. Tâm hồn ấy còn thể hiện rõ trong bài thơ ca ngợi Hai Bà Trưng: Non sông cũ mây mù khói toả/ Nước Tây Hồ tăm cá bóng chim/ Anh linh nay biết đâu tìm/ Khói hương để mãi đàn em sau này/ Năm năm hội đến ghi ghi nhớ/ Sử xanh còn muôn thuở khắc công/ Yếm khăn đổi lấy tang bồng/ Hai Bà Trưng để má hồng ngàn thu...
   Tôi đang lướt qua mấy trang giấy đã ố màu, bỗng Thái Dương Minh nói một câu gì đó rồi hỏi:
- Chú nghe cháu nói tiếng Bắc có rõ không?
- Rõ, chính xác như người ngoài Bắc vậy, không lẫn giữa các dấu hỏi dấu ngã, ví dụ nói hoa nở mà không phát âm thành hoa nỡ - Tôi nói.
- Vậy mà... cháu chưa một lần ra Bắc.
- Học ở đâu?
- Chính là do bà Tương Phố dạy từ nhỏ.
   Trời! Tôi bỗng cay trong mắt. Dương Minh đã chừng bốn mươi tuổi, ký ức về bà, ký ức ngôn ngữ còn ngấm trong cốt tuỷ, không hề phai lạt. Sau đấy, tôi được biết thêm: nữ sĩ Tương Phố đã tận tâm dạy các cháu về lòng yêu nước (có ảnh hưởng bao nhiêu từ Phan Bội Châu?), anh ruột của Thái Dương Minh là Thái Kim Đăng đã lên rừng theo quân giải phóng chống Mỹ, sau là liệt sĩ... 





* Bài rút từ tập THI ĐÀN NGẪU LUẬN, 
   của DUY PHI, Nxb Hội Nhà văn - 2011



  

                                                                                                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét