Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

* HOÀNG CẦM BỊ KIM Ô TRÁCH




 

     NHÀ THƠ KIM Ô
   TRÁCH HOÀNG CẦM




   Tôi thường chơi với các bạn thơ: Kim Ô, Vũ Từ Sơn, Chu Ngọc Phan, Tân Quảng... Người ít cũng đã có ba, bốn tập thơ. Chợt nhớ nhiều về một Kim Ô gần năm mươi năm trước. Con gái trung du nhiều em nhan sắc. Làm thơ, dạy văn chương, các thầy nhà ta đều sớm nhiễm cái thói đa tình mơ mộng Nguyễn Bính: Học trò trường huyện ngày năm ấy/ Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ/ Những buổi học về không có nón/ Đội đầu chung một lá sen tơ (Trường huyện).
   Hồi ấy, các thầy giáo Kim Ô, Nguyễn Xuân Hách đều chừng hai mươi tuổi, chưa vợ. Nguyễn Xuân Hách có một em họ Phan. Kim Ô cũng có một em. Sau, Kim Ô toại nguyện, còn Xuân Hách, Thề hoa chưa ráo chén vàng (Kiều), nàng đã quên ước, để bóng chàng mãi mãi chạy theo dòng sông Lục mà khản tiếng gọi: Chảy dọc đời ta sông lục ơi/ Môi ta thầm thĩ chẳng nên lời/ Gọi sông gọi mãi người em gái/ Em như sông biếc hững hờ trôi..Một đời chàng đã viết và còn viết nhiều những vần thơ ngao ngán. Bởi yêu Phan Thị B. , lấy luôn chữ Phan- họ người yêu thay cho chữ Xuân thành Nguyễn Phan Hách. Kết cục trớ trêu:
- Tên em cùng với tên anh
Yêu nhau đem đặt bút danh. quen rồi
Oái oăm lắm mấy sự đời
Tên thì lấy được còn người thì không.   
       - Tình đầu như gió bay tan tác
Tiếng chim đồi đùa cợt trêu ngươi
Tôi lại về sông Lục núi Huyền ơi
Vục nước uống vị ngày xưa trong mát…
Ngày nay, hàng năm Nguyễn Phan Hách vẫn thường trở lại, mơ tưởng xưa, cổ tích; còn Kim Ô tình nguyện đóng chốt nơi Dốc Sàn, Chu Điện. Quả là núi Huyền sông Lục có phép thiêng. 
   Kim Ô đã xuất bản hai tập thơ: Lặng lẽ vầng trăng (Hội Nhà văn/2004), Chạm vào xa xanh (Hội Nhà văn/ 2007) - tập thơ được Giải thưởng sông Thương... Tính ông xuề xoà, chân thành, ai cũng quý. Thơ ông đôn hậu, có nhiều tìm tòi. Thơ Kim Ô, bạn đọc thường nhớ nhất các bài: Núi ông Trạng, Làng,  Thơ nhỏ... Nhiều tứ thơ, câu thơ đạt thi tại ngôn ngoại, sâu sắc, thú vị. Ví dụ: “Ai bảo dã tràng công chẳng có/ Nó đã giúp nhiều cho các nhà thơ”...
  Viết về Nguyễn Du rất khó, thăm Tiên Điền, Kim Ô có bài Một chiều Nghi Xuân, nhiều bạn đọc yêu thích:  Tôi là người thứ bao nhiêu/ Đánh đường tìm đến một chiều Nghi Xuân/ Đây rồi mộ của vĩ nhân/ Nắm xương khô chắc dưới phần mộ kia/ Hoa tàn hương lạnh tấm bia/ Bạch đàn đôi ngọn đầm đìa giọt mưa/ Cúi đầu trước một trời thơ/ Đọc bao nhiêu nữa vẫn chưa hết Kiều... Bài thơ Tháng ba của ông dung dị mà vẫn có những nét lạ: Rét gầy bịn rịn chia tay/ Nắng non mỏng dính mưa lay phay trời/ Vỏ khô cây nứt nẩy chồi/ Hoa gạo đỏ về một thời hoang sơ/ Cái cò lạc cánh bơ vơ/ Cây cầu vồng nhỏ đứng chờ cơn mưa/ Trâu cày bì bõm ruộng trưa/ Hai con sáo tắm bên bờ sông trôi/ Ì ầm sấm động xa xôi/ Bỗng đâu tiếng ếch vỡ đôi buổi chiều.  
   Không gian quê xưa thanh bình, trong trẻo. Tiếng ếch vỡ đôi buổi chiều rất độc đáo, ấn tượng. Giờ đây, cái tiếng ếch đó hầu như không còn nữa, khiến người đọc bâng khuâng luyến nhớ.
   Nhà thơ Kim Ô rất quý Hoàng Cầm, có lần đích thân, ông đi Hà Nội đón bằng được về Lục Nam để thi sĩ đăng đàn-  nói chuyện văn chương, ngâm thơ tại một trường cấp III. Kết quả tốt đẹp. vốn đa tình, có lúc thấy mình giống như tác giả của Lá Diêu bông, cũng long đong, khốn khổ, Kim Ô làm bài thơ Trách bác Hoàng Cầm. Đây là một kiểu trách yêu:



       Một vùng Kinh Bắc xôn xao
       Chị Vinh ngày ấy vịn vào lá xanh
       Làm cho đổ quán xiêu đình
       Lang thang bốn bể bác tìm Diêu bông
       Thân em giờ cũng long đong
       Tương tư thơ bác, Diêu bông cũng tìm
       Bác làm em khổ con tim
       Ngẩn ngơ ngày tháng đi tìm Diêu bông...

   Nghe nói, hồi ấy, nhận được bài thơ trách yêu, thi sĩ Hoàng Cầm rất cảm động, ông liền rút ra 99 Tình khúc, tập thơ ông còn cuốn duy nhất, ký tặng nhà thơ miền quê sông Lục, lại gọi”phó nháy” đi theo, chụp ảnh kỷ niệm.      
                                                                                                                     
                                                                                                 D.P


                    







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét