Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

* NGUYỄN NGỌC LY, BÀI THƠ MƯA - "THÌ TREO GIẢI NHẤT... "

                                             

   Thành phố Bắc Ninh nhiều người vẫn nhớ đến một Nhà thơ ngoài Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là Nguyễn Ngọc Ly.
     

                       MƯA

         Trời mưa bong bóng phập phồng
          Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?
                                      Ca dao

Ấy là tôi nói ngày xưa
Mẹ tôi tái giá - đò đưa theo chồng
Không mưa cũng thể phập phồng
Lùa tôi ngõ trước, mẹ vòng lối sau. 

Ấy là tôi nói ca dao
Con chuồn chuồn ớt đậu vào đời tôi

Bà đừng ru cháu bà ơi
Ví thêm ngọn nắng mồng tơi giậu nhà

Ấy là tôi nói áo hoa
Mẹ mua cho tết tỉnh xa gửi về
Dì tôi dỗ: áo của dì
Để cho tôi mặc, không thì tôi không...

Ghét lây bảy sắc cầu vồng
Giá như biết chặn lối vòng cơn mưa.

                                   5. 2. 1991
                                      N. N. L

   Lời bình của Duy Phi:

  Hai câu mưỡu là những câu ca dao quen thuộc, đã rõ đề tài, mạch thơ, chủ ý. Khổ thơ đầu, vào ngay chuyện: người mẹ đi tái giá. Không chỉ dừng lại ở cách than vãn trong ca dao Mẹ đi lấy chồng con ở với ai, tác giả có những chi tiết cụ thể. Chợt nhớ cảnh “giữa đường đứt gánh tương tư” của Tương Phố đầu thế kỷ trước. Chồng mất, sau tang, nữ sĩ phải “Bước chân ra”, , nàng gạt nước mắt đi bước nữa, nhưng đâu phải để tìm vui thú cho mình:  Dễ âu duyên mới ru mà/ Còn tình chăng nữa, cũng là luỵ thôi, đi bước nữa” là để giữ đạo hiếu (vì thương cha già, ông thường thở dài, nói: Nhà ta đến đứa bé này là ba đời nuôi cháu ngoại, mà đều trong cảnh nghèo khó), để lấy chỗ nương tựa cho con: Vì chàng, tâm sự dở dang/ Vì con, thôi mấy đoạn trường cũng cam. Ở đây, người mẹ trong bài thơ Mưa đã Lùa tôi ngõ trước, mẹ vòng lối sau. Quyết thay khăn đổi áo, người mẹ đã lập kế để thoát. Bị mắc lừa một cách tội nghiệp, cậu bé mất mẹ. Đọc câu thơ này, không ít người đã nhỏ lệ.
   Khổ thơ thứ hai, nỗi cay đắng được nói bằng hình ảnh: Có con chuồn ớt đậu vào đời tôi. Mồng tơi là những thứ rau của mùa hè. Ngọn mồng tơi mềm, nắng già nắng trưa hè là rũ xuống. Thương cháu côi, trưa hè, muốn cháu dịu đi nỗi chua xót, bà thường ru cháu, nhưng đó là những lời ru buồn từ lòng bà từ nghịch cảnh (bà già nuôi trẻ nhỏ, bao nhiêu cơ cực lại trút lên vai bà), nên lời ru như “vít thêm ngọn nắng” xuống ngọn mồng tơi non nớt.
   Khổ thứ ba, thêm một tình tiết nữa: Tết, người mẹ từ tỉnh xa mua áo gửi về cho con. Cậu con vẫn giận, vẫn hận, người dì phải khéo léo: Dì tôi dỗ: áo của dì/ Để cho tôi mặc, không thì tôi không...  Mấy khổ thơ đã dùng điệp ngữ Ấy là... Ấy là... , đến hai câu này lại dùng điệp dì... dì, không... không. Tài hoa lắm!
   Vẫn là phát triển ý từ những câu mưỡu, hai câu kết: Ghét lây bảy sắc cầu vồng/ Giá như biết chặn lối vòng cơn mưa. Từ nỗi buồn, tiếng gào thét bởi Lừa tôi ngõ trước mẹ vòng lối sau, đến câu này chỉ bộc lộ bằng từ ghét, mà cũng không dám nói cụ thể là ghét mẹ. Vì sao, lúc này tác giả đã ở tuổi bốn mươi (bài thơ được sáng tác đúng vào ngày sinh của NNL 5.2), tuổi đã chín chắn. Đời con người, nhất là phụ nữ Xuân bất tái lai, ca dao còn có câu: Gió đưa cây trúc ngã quỳ/ Ba năm chực tiết còn gì là xuân. Chực tiết là giữ tiết hạnh, ba năm để tang chồng. Đó là chân tính. Người mẹ trong bài thơ Mưa đã nuôi con năm bảy tuổi. Đi bước nữa không phải là tội lỗi. Nhớ con, ngày Tết, từ tỉnh xa gửi về cho con manh áo, thế thôi. Chồn mới lại con bồng con bế, nghéo khố bán mặt cho đất bán lưng cho trời là cảnh chung, khổ luỵ là cảnh chung, Đau đớn thay phận đand bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung, Nguyễn Du viết vậy. Với lại, cuộc ra đi của người mẹ được nhiều người đồng tình, bày ra kế để ra được khỏi nhà... , để cháu chịu mắc chiếc áo mẹ gửi). Người mẹ không có lỗi, nhưng ai cũng ước ao trong cuộc sống không có cảnh ấy. Thời chống Mỹ đã nhiều người vợ liệt sĩ cắn răng ở vậy nuôi con. Ngày nay, nhiều cuộc ly hôn. Hỡi những ai trước cảnh “chia tay”, xin một lần nữa nghĩ đến: đứa trẻ!
   Cuộc đời nhà thơ Nguyễn Ngọc Ly (đã khuất, nguyên quán Đông Hồ, Thuận Thành, cư trú Tiền An, TP Bắc Ninh) nhiều gian nan, mười bốn năm làm nghề đạp xích lô. Ông có tập thơ Mưa thầm. Làm thơ lục bát thường khó, dễ lẫn với ca dao, nhưng Nguyễn Ngọc Ly đã vượt được. Sống giữa miền Kinh Bắc, quê hương quan họ, nơi có nhiều tầng văn hoá, phong phú thành ngữ, tục ngữ... , trong bài Mưa này, có nhiều câu tác giả đã vận dụng được cách nói tự nhiên, trong sáng mà nhuần nhụy, hàm súc. Đó là một thi phẩm độc đáo, đặc sác, có sức lay động. Hồi mới ra cuốn tuyển Thơ Việt Nam thế kỷ XX - Thơ trữ tình (2005), lần ấy tôi gặp cố nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi (Chủ biên), ông tâm sự: “Vừa rồi, có một nhà thơ nước ngoài phỏng vấn tôi, hỏi trong tuyển thơ này, Chủ biên thích bài nào nhất. Tôi nói: Mưa của Nguyễn Ngọc Ly”.
   Chỉ là một lời nói miệng, nhưng phải chăng đã vinh dự như một cái giải thưởng lớn? 
 Trong thơ, nhiều khi trải nghiệm nhiều, học vấn cao, chữ nghĩa giỏi cũng không đạt. Cần có thêm các yếu tố: nỗi niềm, thiên bẩm..Trường hợp này thì André Chénier (Pháp) hoàn toàn đúng:Nghệ thuật chỉ làm nên bài thơ/ Còn trái tim mới là Thi sĩ....     










               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét