Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011


Phải sang: DUY PHI & TÂN QUẢNG
những ngày chùa Bái Đính (Ninh Bình)
đang xây dựng, có đến 500 pho tượng
đá còn đang đội trời.
                                                                        


* TÂN QUẢNG - NHÀ THƠ 
   THÍCH NGỦ ÚP THÌA



   Tân Quảng có mái tóc đẹp, dài xoã một cách tự nhiên. Ông say với thơ. Có hồi, tôi có những tập thơ dày mỏng nào ông cũng mượn. Bài nào thích là ông chép. Ông chép tay, hẳn đã nghìn bài? 
   Tuổi Mậu Tý (1948), Tân Quảng quê gốc làng Đọ (Gia Bình, BN), nay sống và viết tại Lục Nam, Bắc Giang. Hơn hai chục năm trước, mỗi lần đạp xe về quê, ông hay ghé qua thăm tôi. Người ta nói Tân Quảng chẳng biết làm gì ngoài làm thơ (?). Đôi lần, có người mời viết ký (thứ mì ăn liền, viết là in, nhuận bút bài ký thường bằng ba bốn bài thơ), nhưng lần nào ông cũng từ chối. Ông chung thuỷ với nàng thơ lắm. Khi nảy ra ý định, trước khi làm thơ, Tân Quảng thường đọc một số bài thơ đồng đề tài để tạo cảm hứng. Ông làm được một bài thơ có khi mất cả mấy tháng. Thơ Tân Quảng, nhịp độ nhàn tản, song bài nào cũng có duyên. Trong vẻ thơ chân mộc, vẫn ánh lên những câu chữ, những ý thơ bay bổng. Thú nhất là lúc Tân Quảng đọc thơ, mái tóc rung lên làm nhịp, giọng oang oang, không kể gì đến xung quanh. Nếu ông đọc thơ trong quán nào đó thì các quầy bên đều đổ dồn mắt lại. Nhà thơ mà! Nhà thơ phải khác! Tất nhiên có cả những người cười giễu, nhưng Tân Quảng đâu có để ý đến họ. Ngồi với Tân Quảng chỉ nên chuyện trò về thơ.   
   Có lần ông đến chơi, bỗng đọc tặng tôi mấy câu thơ ca Đào Duy Từ, Xuân Diệu dịch: Chợ ồn, sống trầm tĩnh/ Nhà cao, lòng khiêm hoà/ Khác thường là vậy đấy/ Đừng buộc người hiểu ta. Tôi sống bên chợ. Đó là một sự động viên lẫn nhau? Không hẳn thế, có một phần Tân Quảng trong đó.
   Trí nhớ của Tân Quảng khá tốt, thuộc nhiều thơ thiên hạ. Có lần đối ẩm, ông đọc cho tôi nghe những câu thơ lục bát ông thích: Đèn mờ nửa đỏ nửa xanh/ Để em đỡ trẻ, để anh đỡ già (Lê Đình Cánh), Chiều ba mươi Tết ở quê/ Mẹ còn chân vấp nón mê ra đồng... (Nguyễn Hưng Hải)... Có lần ông kể lại cuộc gặp Thu Viễn- Biên tập viên Chương trình Tiếng Thơ Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, cuộc phỏng vấn đã phát sóng… Lại có lần ông đọc cho tôi nghe những bài thơ ông mới sáng tác. Ví dụ, bài thơ bốn câu Rượu bách xà: Câu thơ tâm đắc về rừng/ Bỗng dưng vô nghĩa, bỗng dưng nhạt nhoà/ Cụng nhau ly rượu bách xà/ Lùa bầy rắn độc bò qua miệng mình. Ý thơ lạ lắm. 
   Yêu hồn thơ Tân Quảng, đã có lần tôi bình thơ ông, giới thiệu trên báo, chí. 

*

NGỦ ÚP THÌA

Nhà nghèo quen ngủ úp thìa
Nằm giữa là vợ nằm rìa là con
Phản gỗ mộc chiếu cói sờn
Đêm mưa giấc ngủ chập chờn ngoài chăn
Kín đầu thì lại hở chân
Bíu bo co kéo có ngần ấy thôi
Khéo làm con thức mình ơi!
Nằm như cá giở đầu đuôi sao đành
Lằng nhằng cái bất thành văn 
Tránh sao rơm lửa để gần với nhau
Hẳn là trời còn rét lâu
Úp thìa mà ngủ ai đâu bằng mình.
                                     T.Q

   Lời bình của Duy Phi: 

   Ngủ úp thìa là một thành ngữ, tôi được biết từ nhỏ. Những cái thìa xưa không đa dạng như bây giờ, chúng thường một loại, đều cong cong, nếu úp vào nhau thì ôm khít, đỡ chiếm diện tích trên chạn bát. Xưa, hầu như nhà nào cũng nghèo, hiếm chăn đắp, mà các tấm chăn đều chăn đơn, mỏng và hẹp. Chẳng cứ ba mà ngay cả hai người cũng phải nằm kiểu úp thìa mới ổn, đâu có ấm ớ như nhà nọ chồng còng vợ còng nằm nghềnh ngàng để thiên hạ giễu: Chồng còng lấy vợ cũng còng/ Nằm phản thì chật nằm nong thì vừa. Thời tôi còn là một cậu bé, hay ngủ với người anh họ. Chúng tôi chỉ có một cái chăn đơn hẹp cũ, nhiều chỗ đã sơ mướp. Chắc là bị ông bố mắng nhiều về tội đạp rách chăn, anh bảo tôi: Chỉ đắp bụng, đừng đắp chân. Bởi tuổi mới lớn, mê ngủ, chũng tôi hay đạp lung tung. Bây giờ, nghĩ lại cũng cay mắt. Nhiều đêm đông, chúng tôi cũng từng ngủ úp thìa nhưng đâu được như tác giả bài thơ này, bởi đàn ông nằm với đàn ông/ như gốc như gác như chông như chà... Nhà thơ của chúng ta ngủ úp thìa với... vợ. Mà cũng khéo sắp xếp làm sao: Nằm giữa là vợ nằm rìa là con. Chính cách sắp xếp ấy đã khơi mạch cho thơ. Đêm đông xưa, thường nhà nào cũng trải ổ rơm, no cơm tấm ấm ổ rơm mà! Hẳn nhà này cái rơm cái rạ cũng đã hết, nên mới phải nằm phản. Đêm mưa giấc ngủ chập chờn ngoài chăn là một câu thơ có nghề, tĩnh mà động, thực mà ảo. Từ khéo, từ mình trong câu Khéo làm con thức mình ơi, dùng chính xác, “đắc địa”, ngọt ngào ý vị. Vì thương con bên rìa sợ hở lạnh hay vì cái sự úp thìa, rơm lửa mà nàng xoay trở khó ngủ. Chẳng thể khác,chàng thầm thì với nàng: Nằm như cá giở đầu đuôi sao đành. Rồi cứ vậy. Úp thìa mà ngủ. So với những anh chàng nào đó Chuột kêu chít chít trong rương/ Anh đi cho khéo, kẻo đụng giường mẹ hay... thì anh chàng ngủ úp thìa Lằng nhằng cái bất thành văn này là quá đàng hoàng, hạnh phúc. Chàng còn mong cho trời dài dài cái rét...  
   Lục bát là thể thơ dân tộc, có 12 câu mà vận dụng được nhiều thành ngữ, tiếng nói dân dã: ngủ úp thìa, lửa gần rơm, nằm như cá giở đầu đuôi, nằm rìa, bíu bo co kéo... Ngày nay, đời sống nhân dân ta đã khác xưa nhiều, nhưng ngay dẫu trong chăn dày nệm ấm, thú ngủ úp thìa phải đâu đã hết.
   Tân Quảng đã in các tập thơ Mưa không qua ngọ (2004), Bóng quê (NXB Hội Nhà văn 2007). Bài thơ Ngủ úp thìa của nhà thơ Tân Quảng ý tứ hàm súc, đã được sử dụng trên một số phương tiện thông tin đại chúng, được nhiều độc giả, thính giả trân trọng, ghi nhận. Nét đẹp của bài thơ là chút hóm hỉnh, tự trào, tự hào với chất quê bình dị, như một “bảo tàng mini” về ngôn ngữ, tập tục, bản sắc mà hướng tới lòng yêu non sông, đất nước. 
 

  
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét