* ĐOÀN NGUYÊN - LÃNG TỬ
“ĐẠI THẮNG”
Đoàn Nguyên sinh năm 1952, quê gốc đâu gần Thứa, Bắc Ninh. Sống lãng tử. Ông có vợ ở Chũ, hai con; sau hai người chia tay, bây giờ ông chưa có bến đậu. Ông có cơ sở là Mỹ An, Lục Ngạn, nơi có người chị ruột, nhưng có hồi ở suốt trên An Châu, Sơn Động, ở với vợ chồng người em gái nuôi. Có lẽ đó là cô gái từng xuất hiện trong thơ ông: Em tôi hoa biếc nhuỵ ngần/ Thắt lưng ong để bay gần bay xa… Cô em gái ấy rất giỏi giang, thường đi buôn hàng chuyến, nuôi chồng con, nuôi bố mẹ, lại thêm gánh “anh nuôi” nữa. “Anh nuôi” và người chồng của em thường rỗi, ngày ngày đánh cờ. Còn em, lưng ong bay gần bay xa, cáng đáng tất. Có những người phụ nữ nhân hậu vậy. Đoàn Nguyên từng học lái xe sáu tháng, về Trung ương cục miền Nam, từng lái zin ba cầu chạy sau đoàn tăng giải phóng Buôn Mê Thuột, sống ở Bù Đốp, Tây Ninh... Sau đó, có thời kỳ ông ở Cục đường bộ, xí nghiệp đá Yên Cư, Bệnh viện Lục Ngạn... Thời giảm biên, ông về với chế độ “một cục”: 400 000 đồng. Chừng hai mươi năm nay, ông tự sống, không lương, không ruộng đất…
Đầu năm 2006, Đoàn Nguyên tập hợp bản thảo tập thơ Muôn trùng vết lá, nộp ra nhà xuất bản X, chừng một tháng sau, được gọi ra lấy giấy phép. Đoàn Nguyên ra. Ông giám đốc nói, đã đọc rồi, nhưng tìm bản thảo mãi không thấy, đành xin lỗi, bảo Đoàn Nguyên về gửi lại bản thảo. Đoàn Nguyên hỏi, nếu một lúc nữa có bản thảo có được giấy phép ngay không? Giám đốc nói: Được! Nghe vậy, Đoàn Nguyên xin mấy chục tờ giấy trắng, ra công viên gần đấy ngồi viết, trên bốn chục bài thơ. Chừng hai giờ sau, mang lại. May sao, chiều hôm ấy, trên đường về, Đoàn Nguyên đã có giấy phép tập thơ trong tay, không phải đi Hà Nội lần nữa.
Lại có hồi, tôi đang biên tập tuyển chọn cho một tập thơ, Đoàn Nguyên đến nộp bài. Anh chàng bảo tôi, có bài viết về Hỉ Phan, cứ để mấy chữ ấy cho Đoàn Nguyên. Hỏi ra, Hỉ Phan là hiệu do Đoàn Nguyên đặt cho một em ở phố Chũ, em đang trong tầm ngắm của thi sĩ lãng tử. Một năm sau, hỏi lại về Hỉ Phan, chàng cười: vẫn chưa đâu vào đâu. Có năm, ngay mồng một Tết, tôi đã nhận được điện di động của Đoàn Nguyên. Đang ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Ở nhà hai chị Đoàn Lê, Đoàn Thị Táo… “Ra đó từ hôm nào?”, “Đã hai ngày”. Lạ thật, không làm sao hiểu nổi.
Đoàn Nguyên có thơ tặng hai chị Đoàn Lê, Đoàn Thị Tảo. Bài nào cũng oách:
Bài Chị ơi- Tặng chị Đoàn Lê:
Em về xa lắc chị ơi!/ Nhớ cây phượng chị trồng nơi trước vườn/ Sóng đôi cây liễu bên đường/ Xanh như tóc chị thả vương xuống hồ/ Người ta sách ốc mấy bồ/ Ngồi thiền chị vẽ quanh Đồ Sơn thôi/ Câu thơ chị viết chị ơi! Để cho em đọc những nơi thưa người/ Chị chia em cả nụ cười/ Để khi xa chị vượt mười bến sông/ Chị chia em cả mênh mông/ Để em vỗ sóng đến không biết ngừng/ Xa xôi cách mấy cánh rừng/Ngoái trông chị vẫn che từng bước em.
Bài Nhớ chị- Tặng chị Đoàn Thị Tảo:
Chị về với biển Đồ Sơn /Có nghe rừng thoảng từng cơn gió gầy/ Thương con đom đóm lạc bầy/ Để mùa hoa gạo rụng đầy tháng hai/ Chị về sóng trắng bờ vai/ Gót vàng dấu cát nắng mai gội đầu/ Yêu thơ chị lánh sang giầu/ Rượu ngon rót cạn cả bầu cho ai/ Trên rừng em chỉ lắm gai/ Trăng vò mái lá nguôi ngoai tiếng gà/ Tay em trót vịn rừng già/ Níu lòng em sợi biển xa biển gần/ Em thương nỗi biển bao lần/ Chị ngồi nhuộm sóng tím dần chiều buông.
*
DÌ TÔI
Dì tôi vóc hạc tựa bà
Dì đong bán cám quanh nhà mình thôi
Chắt chiu như kiến tha mồi
Tết nào cũng đỏ một nồi bánh chưng.
Dì tôi ở giữa phố đông
Quanh năm buôn bán mà không thấy giầu
Người ta mấy bậc nhà lầu
Dì tôi lưng áo vẫn màu nhà quê.
Phố dài lắm kiểu người đi
Chợ đông thương buổi tóc dì tôi xanh
Lấy chồng chịu cảnh chiến tranh
Nuôi con đành phận dụm dành cho con.
Dì tôi chắt cạn lòng son
Như trăng lọc sáng giữa vòm sao khua
Tu chùa còn được ngắm bia
Còn hương khói với trời kia đất này.
Dì tôi tu chợ ngày ngày
Bao nhiêu cay cực đoạ đày gì tôi
Cám thơm mùi gạo cám ơi!
Giấu trong vỏ trấu đầy vơi nỗi niềm.
Đ.N
Lời bình của Duy Phi:
Hai câu thơ đầu tạo được cảm giác gần gũi. Người dì, cuộc sống thật lầm lũi, Chắt chiu như kiến tha mồi, mỗi năm phải đến ngày cùng tháng tận mới loé lên một niềm vui: Tết nào cũng đỏ một nồi bánh chưng. Hân hoan, hy vọng đó, nhưng thật nhỏ bé. Đến khổ thơ thứ ba, Chợ đông thương buổi tóc dì tôi xanh, chợt nhớ thành ngữ Gái thương chồng đang đông buổi chợ. Thương là thương yêu. Chợ xưa thường đông vào lúc tám chín giờ sáng. Cách ví von, muốn nói đến tuổi xuân, lúc sung sức. Nhưng thật xa xót, Lấy chồng chịu cảnh chiến tranh, biết bao kìm nén nhẫn nhịn, tất cả tình yêu thương đều dành cho con.
Tác giả có một đoạn thơ so sánh giữa tu chùa và tu chợ, bởi vận dụng câu tục ngữ: Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Ở đây tác giả lật ngược lại: tu chợ cực hơn tu chùa. Xưa, còn có câu: Đất vua chùa làng, phong cảnh bụt,chùa là một trung tâm văn hoá, có bia tượng, có phong cảnh đẹp... Cảnh chùa yên tĩnh, thanh thản. Còn hương khói với trời kia đất này. Còn Dì tôi tu chợ, đối mặt, “đánh vật” với miếng cơm manh áo, mưa nắng. Dì tôi tu chợ ngày ngày/ Bao nhiêu cay cực đoạ đày dì tôi. Câu thơ chân thực mà lấp lánh.
Dì tôi quanh năm buôn bán mà không thấy giầu, dì tôi lưng áo vẫn màu nhà quê, nhưng cái quý là tấm lòng dì, hiền lành chất phác, không biết mua đầy bán vơi, không biết lừa lọc. Bài thơ Dì tôi viết về một người buôn bán nhỏ, nhưng đã gợi đến bao phụ nữ thôn quê xưa nay, cần cù, chịu thương chịu khó, tấm lòng thơ thảo như “cám thơm trong vỏ trấu”, Dì tôi chắt cạn lòng son/ Như trăng lọc sáng giữa vòm sao khuya. Những người phụ nữ luôn vượt lên mọi khó khăn đảm đang công việc gia đình, xã hội.
Với giọng thơ riêng, cách viết nhẹ nhàng, phóng túng, Dì tôi là một bài thơ hay, ấn tượng. Rất mừng, vừa qua có cuộc thi thơ lục bát Ngàn năm thương nhớ do các báo: Gia đình và xã hội, Tuần báo Văn nghệ, Giáo dục và thời đại, báo Người cao tuổi, Hệ phát thanh có hình Đài TNVN và Website lucbat.com phối hợp tổ chức, bài thơ Dì tôi của nhà thơ Đoàn Nguyên được Giải Nhì.
Cổ nhân nói: Đời cùng thơ dễ hay. Trường hợp Đoàn Nguyên minh chứng chăng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét