Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

* DUY KHOÁT & NHỮNG "CHÚA NGỤC" ĐỎNG ĐẢNH


                                                Nhà thơ DUY KHOÁT



  
    Tôi là con nhà bác, Duy Khoát hơn tôi ba tuổi, là con nhà chú. Hồi học cấp II (Trung học sơ sở) ở Thứa, chúng tôi cùng một lớp. Dời mái trường Thứa, tuổi Đinh Sửu nhiều may mắn, Duy Khoát vào trường Thuỷ sản, ra trường được về Nhà xuất bản Nông thôn, tại khu Kim Liên C, Hà Nội; làm biên tập. Thế là sang rồi. Tôi cùng Minh Long vào Sư phạm, về Chí Linh dạy học. Chí Linh, một huyện đẹp, nhiều di tích lớn: Kiếp Bạc, Côn Sơn, đền Chu Văn An... lần đầu mở ra trước mắt tôi là thông trúc, là sim mua, những cánh rừng, đèo dốc, suối khe, tiếng gà gô vang động, loè nắng. Mê lắm, tôi làm thơ. Món thơ, tôi đã say, đã làm từ năm lớp năm lớp sáu, đã có thơ đăng báo, đã được giải thưởng. Tôi muốn thành nhà thơ. Kỳ lắm và hâm lắm! Đến vùng đất mới này, tôi làm bài thơ đầu tiên: Nông trường Bến Tắm, được báo Văn Học đăng. Mấy tháng sau, cũng trên báo Văn Học bỗng xuất hiện bài thơ Nông trường Tam Đảo của Duy Khoát. Bài thơ hay, có duyên. Duy Khoát tài thật. Báo Văn Học ( sau đổi là Văn Nghệ) còn in cho tôi mấy bài: Lục Đầu Giang, Đội chiếu bóng Chí Linh, Mẹ nuôi... Duy Khoát cũng có thêm một số bài in trên các báo. Có thời gian chững, nhưng rồi hai anh em lại làm thơ, cứ dài dài, thấm thoắt đã nửa thế kỷ! Duy Khoát vào Hội nhà báo, Hội Nhà văn Hà Nội. Duy Khoát giỏi nhiều mặt, đưa được hai con trai, ba con gái về thủ đô. Bây giờ, kể cả vợ chồng Duy Khoát là 6 gia đình, nhà cửa đàng hoàng. Duy Nguyên - con trai lớn là luật sư, Giám đốc một công ty chế biến thuỷ sản, Duy Hữu - con trai út là nhà báo, mạnh về thể loại phóng sự, bút ký, đã xuất bản ba tập sách, từng được giải cuộc thi ký của báo Văn Nghệ. Có nhiều việc ở quê, cưới xin, ma chay…, chúng tôi đều phải cùng về. Chúng tôi thường nghỉ tại nhà Duy Bi, đến thăm Nguyễn Văn Chương, Minh Long, Duy Hợp…  Lại có đêm, qua cổng nhà Nguyễn Phan Hách thấy trong nhà có đèn (ở Hà Nội về) là vào. Nhưng cũng có đêm Duy Khoát kéo tôi ngủ ngay tại ngôi nhà lim cửa bức bàn năm gian bên ấy. Nhà vắng, để trò chuyện. Có đêm, hai anh em tâm sự văn chương, cuộc đời, cả những chuyện “tuyệt mật”, một mình mình biết một mình mình hay về đề tài thú vị muôn thuở: tình ái... Duy Khoát đã là hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội; đã có nhiều tập sách, trong đó có các tập thơ Sóng chiều (1998), Cây lặng lẽ xanh (2004), Giọt sương trên lá (2007), Đò chiều (2008)… 
   Đề tựa cho tập thơ Giọt sương trên lá, nhà thơ Thái Giang viết: Tôi yêu các bài thơ: Chùa trong phố, Hàng phở phố làng, Kim Bôi... , lại nhận xét“năm tháng không làm thơ anh già cỗi, mà ngược lại trẻ hơn và sâu hơn. đấy chính là trái tim anh! một trái tim không bình yên, không an phận trước buồn vui, bão tố của đời, của đất nước... “. 
   Một vỉa khác của Duy Khoát là thơ tình yêu. Trữ lượng vỉa này phong phú, nhiều cung bậc, bài nào cũng có tứ, đằm thắm, dí dỏm, tinh tế. Ví dụ: Cùng em ăn một trái đào/ Bâng khuâng hương vị ngọt ngào Sa Pa/Từ nay anh mãi không già/ Em như vương mẫu chia quà đào tiên (Đào tiên)…
   Nhiều nhà thơ cứ sáng tác mà không dám tuyên ngôn. Thật đáng yêu, khi Duy Khoát dám nâng tình yêu lên thành tôn giáo của thơ. Phải nói rằng, “con chiên” này khá liều, luôn muốn “chúa”- tức người yêu “ban hôn”. Kỳ lạ! trong bài Trộm nhìn, “con chiên” thi sĩ nhiều “tội to” này cứ muốn chúa “bắt tù” mình, “giam” vào trái tim của “chúa”: Em vừa bắt gặp người trộm nhìn em mà sao không khép tội/ Kẻ trộm nhìn đã biết mình có lỗi/ Nên vội vàng đỏ mặt giả làm ngơ/ Mắc tội này ai bảo tội không to?/ Nhan sắc của em đâu của chung nhân loại/ Nếu còn gặp kẻ trộm nhìn em mãi/ Em cứ bắt giam vào trái tim mình. Thất đáng tiếc, các vị chúa ngục này thường rất đỏng đảnh, thường “cắt hợp đồng” vô cớ, thả “tù nhân” tuỳ hứng…
   Tôi thích bài thơ Trước gương của Duy Khoát:

  



         

        TRƯỚC GƯƠNG  
              
 
Trước gương nàng xoã mái đầu
Tay lần nhổ sợi tóc sâu cho mình
Bóng chiều buông xuống lặng thinh
Thời gian như gã bạc tình, tóc ơi! 


   Hình ảnh người phụ nữ xoã mái đầu trước gương rất gợi.
Tôi bỗng dừng lại trước hai chữ tóc sâu. Từ điển ghi: Tóc sâu tóc trắng hoặc nửa đen nửa trắng mọc lẻ tẻ trên đầu người còn trẻ... Thuở nhỏ, tôi cũng từng nhổ giúp tóc sâu cho những bậc cao niên, nay nhổ hết, một vài ngày sau những sợi tóc sâu khác lại xuất hiện. Mới đầu tôi cứ nghĩ tóc sâu là do con sâu nó cắn, giống như con sâu lúa cắn mà cây lúa bị vàng úa. Sau, tôi mới biết tóc sâu chỉ là những sợi tóc sớm bạc. Nói đến tóc bạc là nói đến sự già nua. Một số vị trung niên cũng gọi những sợi tóc bạc là tóc sâu. Đó là một cách nói làm giảm đi sự nghiệt ngã, tế nhị giống như các phi tần trong lưỡng cung lục viện triều Nguyễn nói vua ốm là ngự se, ngự siết vậy.
   Nàng Tay lần nhổ sợi tóc sâu cho mình là phải, bởi nàng đâu đã ở tuổi nhờ con nhờ cháu việc đó. Hơn nữa, tự nhổ tóc sâu cũng như trước khi đi đâu điểm thêm chút son phấn là công việc riêng của người phụ nữ. Nàng nhổ tóc sâu trong không gian yên tĩnh, hai tiếng Bóng chiều trong câu Bóng chiều buông xuống lặng thinh còn mang ý ẩn dụ. Cuối cùng là tiếng than: Thời gian như gã bạc tình, tóc ơi! Từ tuổi trung niên, mỗi năm mỗi tuổi, mỗi đuổi xuân di. Gã bạc tình, đã còn là gã thì đâu còn thiện cảm. Từ sợi tóc sâu mà nói được nhiều điều chiêm nghiệm. Thế gian biến cải, mọi kết cục dường như đều bi hài. Nữ sĩ họ Hồ viết: Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi. Khuyên vậy mà sự thực đã là phụ tình, cay đắng. Chuyện này đâu chỉ riêng ai!
   Bài thơ Trước gương của Duy Khoát thực mà ảo, tinh tế, hàm súc; đọc còn phải ngẫm nghĩ, có dư ba.                   Có những câu thơ cửa khép/  Mà tâm hồn mở ra.    Hình như Chế Lan Viên nói vậy...    





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét