Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011





* THEO OPEN- TOUR
 RỜ VOI THÁI 

   

 Cổ nhân nói: “Biết rộng mười phần không bằng tinh thông lấy một... ”, nhớ đó, nhưng khốn nỗi cái tính tò mò từ thuở nhỏ thôi thúc. Thấy tôi bảo đi Thái, không rủ ai, nhiều người nghi ngờ, chắc hò hẹn với một nàng nào đó… Tôi đến chỗ tập trung để công ty Lữ hành Opentour (Du lịch- Mở) đưa ra sân bay mới biết đoàn có sáu cặp vợ chồng trẻ, ba vị cao niên là Quý, Miễn và tôi, cộng với chàng Nghĩa - hướng dẫn viên du lịch, tất cả là mười sáu. Máy bay bôinh khổng lồ, thường chở gần bốn trăm khách, nhưng chuyến ấy vắng, đến hơn nửa là ghế trống. Trên máy bay, tôi tự do xê dịch, ngồi sát ô cửa nhỏ nhìn ra ngoài trời, ngó xuống mặt đất. Chỉ mươi phút đầu còn thấy làng mạc nhà cửa, sau dưới cánh bay tất cả là một biển mây, trùng trùng mây, những đụn mây cây mây tháp mây, mây hình vẩy cá hình long ly quy phượng... Ngay trước ghế tôi, một cặp vợ chồng ôm nhau. họ đi Thái chuyến này trong tuần trăng mật. Tôi đang trong máy bay của hãng Air asia -Tháiland, hai nữ nhân viên hàng không, họ ngồi hai ghế trước mặt, đối diện để quan sát, hướng dẫn cho du khách. Đó là những cô gái Thái rất trẻ và xinh, có lúc họ nói chuyện với nhau ríu rít, tôi chăm chú nhìn ngắm họ và mơ tưởng.   
   Sau chừng nửa giờ bay thì có bữa ăn nhẹ: bánh kem, thịt hộp, nước hoa quả, coffee (càphê)...Tôi nhìn đồng hồ, đã bay được bốn mươi phút. từ Hà Nội  sang Bankok khoảng cách hơn một ngàn cây số, tốc độ bay chừng 750 km/ h, chỉ bay khoảng tám mươi phút. Vậy là chúng tôi đã vượt qua Thượng Lào, sông Mê Kông, đang bay trên đất Thái. Đấy là đoán vậy thôi, dưới cánh bay vẫn chỉ là mây bông cuồn cuộn, không biết họ tính không phận thế nào chứ trên mây trắng khó biết ranh giới. Xưa, đất nước này gọi là Xiêm (còn gọi là Xiêm La, bởi bao gồm hai bộ phận Xiêm phía bắc và La Hộc phía nam hợp lại.
   Gần đây, đọc cuốn sử Đại Nam liệt truyện, mới biết Việt Nam và Thailand từ triều Nguyễn đã có quan hệ tốt. Chúa Nguyễn cùng với vua Xiêm từng có ước thề hoạn nạn cứu nhau. Bị Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ấnh từng đến trú chân ở Vọng Các (Bankok), vua nước Xiêm đã cho cháu là Chiêu Tăng đem hơn hai mươi vạn quân đưa về. Bị phục binh, quân Xiêm thua to, từ đó “sợ Tây Sơn như cọp”. Sau chúa Nguyễn phải dùng kế khác. Nguyễn Ấnh lên ngôi vua lập triều Nguyễn, hai bên giao hiếu mật thiết. Ví dụ: “Năm 1823, Miến Điện sai sứ sang thông hiếu, xin tuyệt giao với vua Xiêm. Vua Minh Mạng khước từ, lại sai sứ sang Xiêm báo việc ấy. Vua Xiêm đưa thư trần tạ”. Năm 1824, vua Xiêm là Chiêu Lục Thư băng. Sứ Xiêm sang báo tang. Vua Minh Mạng nói: “Nước Xiêm với ta như môi với răng, nay trong nước ấy có vua chết, đáng thương!”. Bèn nghỉ chầu ba hôm. sai sứ sang viếng. Năm 1827, bị ngoại xâm, trên hai trăm người Xiêm sang ta tị nạn, họ đói, phải hái lá nấu bèo ăn. Vua ta nói: Trẫm coi dân nào cũng thế, sao nỡ điềm nhiên ngồi nhìn mà không cứu. Bèn sai phát 4000 phương gạo, 200 phương muối để chẩn cấp... Quan hệ hữu hảo, thuyền bè xiêm thường qua lại các bến cảng nước ta buôn bán. Người miền Nam có nhiều giống cây lấy từ Xiêm: dừa Xiêm, mãng cầu Xiêm...             
   Cô bé nhân viên hàng không nhắc mọi người. Tôi phải thắt lại đai quanh bụng. Máy bay đã xuống tầm thấp, chúng tôi đã nhìn thấy những cánh đồng mênh mông, những con đường thẳng vút, những cụm nhà cửa dân quê theo từng dãy ngăn nắp. Một tiếng “kịch” nhẹ, bánh xe máy bay đã tiếp đất. Chúng tôi xuống sân bay Suvarnabhumi. Hướng dẫn viên Nghĩa vội chạy ra trước tập hợp mọi người trong đoàn, tay giương lên lá cờ đỏ có thêu chữ: HaNoi - Opentour. Nghĩa nói, xin cứ theo cờ này mà đi. Đông lắm, có đến hàng trăm đoàn, hàng ngàn du khách. Tôi trông dáng họ mà đoán có người Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh Quốc, Hoa Kỳ, người khu vực A Rập... Nghĩa rẽ mấy lần, hết khu nhà này sang khu khác, chúng tôi phải nhanh chân đi theo, chậm một tý là lạc, mà lạc ở đây ngôn ngữ bất đồng, sim di động nước mình không sài được, khó tìm, mà có tìm được nhau cũng hụt hơi.
   Lúc này, chúng tôi có thêm một hướng dẫn viên người Thái. Anh tên Long, người thấp đậm, đội mũ chìa. Từ đây, Long trở thành hướng dẫn viên số một, đi đâu, xem gì, mua vé các “sô” biểu diễn đều do Long cả. Long nói tiếng Việt như người Sài Gòn mình vậy, rất vui tính. Tán đủ chuyện. Có nhiều chuyện tiếu lâm du lịch.
   Có lẽ chương trình các tour không khác nhau nhiều, năm ngày bốn đêm. Ngay buổi chiều trên đất Thái, xe chúng tôi chạy thẳng đến thành phố Pattaya - Thiên đường du lịch. Ở đó hai ngày đêm, ra vịnh Siam, lặn xuống biển xem san hô, lại theo dù bay lên trời tìm cảm giác lạ. Hai ngày hai đêm sau, chúng tôi về Bankok.
   Long, người hướng dẫn du lịch trên đất Thái, trêu hoài các cặp vợ chồng, “Đi du lịch Thái ai mang vợ đi là một sai lầm lớn”, trêu cả mấy “bố”. thấy cái áo tôi màu mốc mốc, Long bảo tôi “Tháiland muốn mua lại cái áo”; thấy nhà giáo Miễn khoác cái bóp, cái thứ chỉ phụ nữ mới dùng. Chả là, con gái ông lo cho bố đủ thứ: đôla, baht - tiền Thái... nhét vào đó. Thế là ông ta cứ thế khoác toòng teng đi khắp đất Thái. Long cũng nói “bố” để lại cho con cái bóp. Trong chúng tôi có một ông, do tính giản dị, đi du lịch xứ nóng, chỉ mang theo một cái cặp như đi họp. Khi mua vài ba thứ: dép Thái, mấy hộp bánh, mấy cái áo... Mỗi cửa hàng cho ông một cái túi. thế là lỉnh kỉnh quanh mình ông ba cái túi. Long cười: ông giản dị thành ông... ba bị! Chúng tôi vui suốt. Long nói: từ năm 1949 trở lại đây, Xiêm mới có tên là Thailand. theo tiếng Anh, chữ land có nghĩa là đất nước, xứ sở. chữ Thai vừa có nghĩa dân tộc Thái, người bản địa vừa có nghĩa là tự do. Nước Thái có diện tích 513 000 km2 (rộng gấp 1,5 lần nước ta)... Long người Thái có bố gốc Hoa, mẹ Việt. Con trai Thái mười tám tuổi phải đi làm nghĩa vụ quân sự mười bảy tháng, sau đó phải đi tu một năm. Long đã tu được một đợt sáu tháng. Bên này 90% dân số theo đạo Phật phái Tiểu thừa (Phật học chia hai bậc tu: bậc thấp là tiểu thừa, người tu chỉ độ cho mình, giống như cỗ xe nhỏ chỉ chở được mình; bậc cao là đại thừa, bậc tu độ được mình và người khác, như cỗ xe lớn chở được nhiều người. Đạo Phật ở nước ta chủ yếu theo phái đại thừa). Mấy tháng vừa rồi, sáng sáng Long cùng các tu sĩ khác mang bát đi khất thực, được gì mang về chùa bày ra ăn chung. Ngày chỉ ăn một bữa. Sau khi dẫn khách du lịch kỳ này, Long sẽ tu tiếp. Long tính vui, nghe biết vậy. Đến lúc Long bỏ mũ ra, đầu cạo trọc trắng hếu, chúng tôi mới thật tin là anh ta không nói xạo.
   Ở bờ biển Thiên đường du lịch Pattaya có dịch vụ: du khách nào muốn bay, người ta mắc vào dù, cho ca nô kéo, du khách được bay lơ lửng trên không vài ba phút. Giá vé: 350 baht. Anh chàng có vợ mới cưới đi cùng cũng bay. Nghĩ đến họ, tôi bỗng nảy mấy câu thơ vui:

Chiều, theo dù lượn biển
Tìm thượng giới lưng mây
Đêm, tàu em cao tốc
Biết Thiên đường trong tay…

   Nơi đây, các “nhiếp ảnh gia” Thái cứ thấy khách lên dù “bay” là bấm máy, mỗi người một kiểu. Một lúc sau mình quay lại thì họ đã bày ảnh mình ra bán. Ảnh in trên đĩa. Ai thích thì mua, không thích thì thôi, họ không hề nài ép. Cả chuyến đi, tôi được họ chụp ảnh bốn lần, tôi chỉ mua ba chiếc. Khi mua ảnh, một ông bạn tôi nói với giọng nhân từ: “Phải mua cho các cháu, kẻo các cháu đói”. Thấy Long trừng mắt nhìn ông ta, tôi chợt hiểu. Hỏi ra, một phó nháy này, mỗi ngày chỉ cần chụp một trăm tấm ảnh, chi phí qui ra tiền việt 3000 đ/ tấm. bán 100 tấm nếu có 50 người mua, mỗi tấm 100 baht (bằng 50 000 vnđ). Vậy giải bài toán: (50 000đ x 50) – (3000đ x 100) = 2 200 000đ/ ngày. Nếu chỉ bán được 30% ảnh thì mỗi ngày mỗi cháu chụp ảnh đã có tiền triệu. Thu nhập các cháu dịch vụ hơn hẳn mấy vị “thượng đế” du lịch như chúng tôi. Đâu có ai đói? Ở đây, phẩm chất con người được định bằng hiệu quả công việc, mình mua ảnh là tùy ý, nếu nghĩ vì thương các cháu có khi lại lạc hậu. Dân số Thái là 65 triệu, GDP là 8542 đôla/ người. Đời sống dân thường gấp mười lần ta. Phải chăng vì thế mà Long trừng mắt?
   Người Thái rất trọng du khách. Hôm ở Pattaya, ba chúng tôi đứng ở ban công tầng 3, của hotel Thế kỷ, nhìn xuống cái bể bơi dưới mặt đất. Bỗng xuất hiện ba phụ nữ Thái đi bên cạnh bể bơi, họ ngước lên nhìn thấy chúng tôi trên cao, cả ba chắp tay trước ngực cúi đầu chào đến... “một phút”.  Cảm tình và nể phục sự giáo dục của họ.
   Nhà ga sân bay sạch. đường phố sạch. Chừng mười giờ đêm thì trước mỗi nhà có một túi thải để ngay trên vỉa hè. Họ không xả rác ra đường bất cứ lúc nào. Xe chúng tôi đi đường cao tốc, mười hai làn xe chạy, hàng trăm cây số không thấy một cái túi ni- lông vương vãi, không thấy các bãi rác. Bọn chúng tôi ăn cam quýt, chuối không ai dám vứt xuống đường, đều phải bọc lại để vào túi lưới ngay trước ghế mình. Sau đó, lúc khách nghỉ thì lái xe dọn, họ thả vào đâu, không biết nữa.
   Xe ô tô chạy bên trái đường, người lái ngồi bên phải xe. Làn đường nào xe nấy đi. Qua hàng trăm cây số không thấy những đường xương cá bắt vào đường cao tốc (chỉ có những đường hoặc vượt lên trên hoặc luồn phía dưới), nên tốc độ xe thường phải trăm cây số. Đường một chiều, xe đi hàng năm hàng sáu. Ô tô là chính, hoạ hoằn mới thấy một chiếc xe máy (một lần, tôi có trông thấy một hiệu bán xe máy ở ngoại ô, nhưng không đến ba mươi chiếc). Đi mấy ngày, không gặp một tai nạn giao thông nào...     
   Nhà cửa vùng quê Pattaya thưa thớt đơn giản như ở vùng quê miền Tây Nam Bộ nhưng cây cối không được xanh tươi như bên mình. Biển Pattaya đẹp nhưng không thể so sánh với Hạ Long, Nha Trang… Bù lại, Thailand có cung điện Hoàng gia, thường gọi là Cung Điện Lớn (The grand palace), nơi đây có nhiều ngọn tháp khổng lồ bọc vàng dát ngọc lấp lánh, có bức tượng Phật Ngọc (The Emerald Buddha), có chiếc ngai vua bằng vàng ròng. Hướng dẫn viên du lịch ở đây lại là một anh có đeo trước ngực tấm biển nhỏ- người của Hoàng gia. Phải là người của Hoàng gia mới được dẫn khách vào cung điện. Anh nói: các vua Thái đều gọi là Rama. Vua Rama V, lớn lên ở nước Anh, đến mười lăm tuổi mới về làm vua. Ông có nhiều phi tần và hàng trăm con, ông không ở cố cung mà cho xây một cung điện mới, kiểu hiện đại. Cung điện cũ để cho mọi người xem. Sau cách mạng tư sản 1932, dưới triều Rama VII, từ một nước theo quân chủ chuyên chế, Thailand chuyển sang quân chủ lập hiến, từ 1980 trở lại đây theo con đường dân chủ (?). Anh ta cho chúng tôi xem bức ảnh ông vua hiện tại: Rama IX và giới thiệu cả ảnh hoàng tử, một cậu bé chừng mười hai tuổi, rồi đây sẽ trở thành Rama X... Người Thái còn chiêu khách bằng những nhà hàng tối tân rộng mênh mông, ví dụ: một quán ăn rộng nhất thế giới (the world’s  largest restaurant), cùng lúc chứa năm ngàn thực khách, nhân viên phục vụ chạy bàn đi bằng giày pa- tanh; những siêu thị tân kỳ như Tokyo, Big C.Robinson, hoặc Sogo market... ; chiêu khách bằng những thành quả nghiên cứu khoa học thực dụng: thăm trại rắn, quảng cáo về các thứ thuốc từ rắn, xà bin hoàn - loại thuốc “ông uống bà khen”. họ còn lôi cuốn du khách bằng các tiết mục xiếc cá sấu, xiếc hổ, xiếc voi, xiếc cá heo, vườn chim, thú, xem các “sô” ca múa dân Thái, các “sô” nude, sex khí công. Hình như người Thái dồn mọi nỗ lực cho du lịch, dùng những nghệ sĩ tài năng nhất, kỳ lạ nhất (vũ nữ, pêđê biểu diễn). Muốn chụp hình với các “em” pêđê chân dài, xinh như mộng, được thôi, chụp xong nếu là một em ghé vào mình phải trả em 200 baht (100 000 VNĐ). nếu hai em ghé hai bên, 400 baht. Về các chương trình nghệ thuật, họ chọn lọc kỹ, mỗi “sô” chỉ hơn một giờ, thuyết minh, hát toàn bằng tiếng Thái, du khách các nước không hiểu gì, mà tiết mục nào cũng đông, hàng ngàn người xem, không thấy ai bỏ dở (trừ hai ba  “sô” sex, thô tục). Ở Thái, còn có dịch vụ thuê vợ. Một ông Tây chỉ cần bỏ ra 300 đô thuê phòng, 300 đô thuê vợ thì có một tuần đầm ấm. Kìa trông, những đôi anh chị dạo trên phố,  nếu vợ đi trước chồng lễ mễ bê, xách đồ đi theo, đó là vợ chồng thật. Còn nếu anh chồng già ngoắc tay một cô vợ trẻ, đích thị là vợ thuê. Thế giới đổ xô đến Thailand. Rất nhiều cửa thu tiền. du khách dễ bị mụ mẫm, vung tay quá trán, trong những mê cung mê lộ của xa hoa, hưởng lạc. Mỗi năm Thailand đón 16 triệu khách! (Nước ta năm 2010 đón 5 triệu du khách). Kỳ lạ, vậy mà thu nhập du lịch chỉ chiếm 5% GDP của Thailand, còn là thu nhập từ xuất khẩu gạo, hải sản, dệt may, máy móc, giày dép, nữ trang... Từ đó suy ra, nền Công nghiệp mới của Thailand cũng khá lắm.
Đêm ở Bankok, tôi hay đi dạo. Bankok mười triệu dân nhưng ban ngày và nhất là ban đêm đường phố thông thoáng. lác đác, một hai chục nhà mới có một nhà mở cửa: bán hàng mây tre đan, gội đầu, tạp hóa... Vắng là vắng hàng quán nhỏ, vắng những người đi bộ trên vỉa hè chứ lòng đường thì xe ô tô vẫn kìn kìn đi hàng năm hàng bảy. Sang đường rất khó. Dứt khoát là phải sang đúng chỗ có vạch sơn trắng và phải chờ đèn đỏ chặn dòng xe. Nhưng nếu không mau chân cũng không sang nổi, bởi những chiếc xe từ các ngách rẽ. Anh bạn đi cùng tôi nhăm nhăm chạy sang đường, rồi cũng phải chờ đến lần đèn đỏ lần thứ tư mới sang được. Chúng tôi ở tại Grand ville hotel, dưới dòng chữ tiếng Anh còn có dòng chữ Hán: Mi giang đại tửu điếm, nghĩa là Nhà khách biệt thự lớn (quán rượu lớn) bên sông. Toà nhà hai mươi bốn tầng. Khu này dân gốc Hoa, trên bản đồ Bankok có tên là China Town, khu phố cổ nằm cạnh dòng sông chao Praya. Người Hoa đã sinh sống tại đây từ hồi Bankok được vua Rama I chọn làm kinh đô (1782). Mười giờ đêm, tôi lang thang sang phố bên cạnh, đi dọc cả một dãy phố bày bán súng. Đủ các loại: súng lục, súng săn, máy ngắm. Tôi đi một đoạn nữa, trước cửa nhà thường có chữ India (Ấn Độ). Bên các ô cửa đóng có những người đàn ông da ngăm ngăm nằm ngay ở vỉa hè. Hẳn đêm nay họ sẽ ngự tại “khách sạn ngàn sao”. Đi một chặng nữa, tôi thấy một phụ nữ béo tốt, nằm lề đường gối đầu lên chiếc túi ni- lông hành lý(?). một tứ thơ buồn chợt đến: Ngự hotel ba sao - hai mươi bốn tầng, buồn/ ta dạo phố/ Bỗng gặp một nàng mập mạp khểnh vỉa hè túi “hành lý” phồng căng/ Khách sạn ngàn sao” mùa này “ve”** dạo nhạc/ Chị Hai, du khách tự phương nào, “thi sĩ lớn” nào chăng? Dạo phố đã ngán, tôi trèo lên một cầu vượt. Lòng cầu vượt khá rộng, trên có mái. Tôi thong thả đi qua một cầu vượt vắng lặng, nhưng đến đầu bên kia theo hình thước thợ, lại nối vào một cầu vượt khác. Ở đây là ngã tư mà. Bất thần tôi rùng mình: một phụ nữ không mặc áo vú vê nhẽo nhuột nằm ngay cạnh lối. Đã đến sát, không thể kêu lên, không thể lùi lại, tôi liều bước bên người khoả thân ấy... Xuống đến vỉa hè, tôi mới yên tâm, may không bị người ấy ôm la toáng, không gặp bọn tiêm chích. Ngẫm lại, sang đất khách chớ nên mạo hiểm.  
   Mới hay, đâu cũng có mặt trái của nó. Song ấn tượng chủ yếu, tôi thấy Thailand là một nước giàu mạnh, tươi đẹp; tôi vẫn thầm phục cách đầu tư, cơ sở vật chất, tổ chức du lịch, sự lễ phép lịch sự, hiếu khách của người Thái. Với tôi, mấy ngày lăng xăng đây đó chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, làm sao biết những gì sau “sàn diễn”? Sẩm rờ thôi, nhưng tôi rất mừng, cuộc du ngoạn đã gợi cho mình nhiều suy ngẫm:

Chỉ chê mình, gã là tên ngu dại
Chỉ biết tán tụng mình, mi càng xuẩn ngốc hơn
Sau cuộc lữ hành cần mộc dục
Bụi bặm trôi, minh triết thì đừng.

   Đó là bài thơ Mộc dục. Chữ Hán, xưa vua chúa thường dùng, mộc dục là tắm gội…  

                                                               
                                     Phủ Lạng Thương 4- 2009
                                                                                                    
                                                           






  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét