Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011





* BỐN TÊN CỘNG MỘT
  TRẦN ANH TRANG - DUY PHI - NGUYỄN THANH KIM - ANH VŨ & NGUYỄN ANH THUẤN

 

   Bạn bè đùa gọi là “bè lũ bốn tên” vì bốn vị in chung trong tập thơ Miền quê quan họ (Nxb Tác phẩm mới - 1981): Trần Anh Trang, Duy Phi, Nguyễn Thanh Kim, Anh Vũ. Được Nxb Tác phẩm mới in thơ cho là vinh dự lắm. Bởi, nhiều nhà thơ đã tiếng tăm lừng lẫy cũng phải in ghép đôi, ghép ba, ghép bốn. Hồi đó, tổ chức sách rất cẩn thận. Nữ sĩ Ý Nhi biên tập, bận việc, nhà thơ Ngô Văn Phú phụ trách mảng thơ, huynh trưởng lên tận Bắc Giang trao đổi với tác giả từng câu từng chữ. Bìa: Văn Cao. in 6100 cuốn. mỗi tác giả chỉ được mấy cuốn. Sách ra tại Hà Nội, thì mấy hôm sau đến các hiệu sách Sài Gòn, Đà Lạt, Lai Châu... cũng thấy bán. Đây là tập sách đầu tiên của mỗi chúng tôi, vô cùng sung sướng.     
   Thơ Trần Anh Trang giàu cảm xúc, hào sảng. có những câu thơ rất gợi: Mỗi lúc vui buồn lại ra gặp sông Thương/ Con sông ấy vẫn đôi dòng trong đục/ Lại bắt gặp tiếng ve tràn sinh lực/ Bè xuôi dòng nước ắp các dòng mương... (Âm vang). Đêm ôm vợ chợt thấy lòng giật thột/ Thương con thuyền đầu bãi đứng chơi vơi (Tình biển cả).  
   Mấy bài này, sau Trần Anh Trang đều đưa vào tập thơ Đi giữa mùa xuân, tập thơ riêng. bìa: Đoàn Thị Lam Luyến. Tôi nhớ, khi vẽ, nữ sĩ kiêm hoạ sĩ này luôn dựng bìa lên trước mặt ngắm nghía rất lâu đường nét màu sắc, ngắm chiều ngắm tối, tận tâm lắm. Trần Ânh Trang có số làm quan. Được kết nạp vào hội nhà văn vn sớm nhất trong “lũ bốn tên”, anh lại được thăng chức luôn, làm đến Chủ tịch Hội kiêm Tổng Biên tập tạp chí Người Kinh Bắc, vinh hạnh lắm!  
   Nguyễn Thanh Kim có tài, hầu như hồn thơ thường trực. Cũng như Trần Anh Trang, Nguyễn Thanh Kim tốt nghiệp khoá viết văn Nguyễn Du. Anh nhiều bạn. Số bài thơ chùm thơ của anh in ấn trên báo chí ít người sánh kịp, đã xuất bản trên mười tập thơ, ngoài ra lại có mấy cuốn tạp văn, bình thơ, biên khảo. Sống có tình, anh ham bạn bè trò chuyện. Mới đầu làm ở hội VHNT tỉnh, sang báo Bắc Giang, sau anh về Hà Nội, làm ở báo Sức khoẻ & Đời sống. Mấy năm gần đây, cứ sáng sáng thứ bảy, anh nhảy xe buyt về Bắc Giang. Bỗng hình thành một tốp: Đỗ Nhật Minh, Anh Vũ, Nguyễn Thanh Kim và tôi, thường có những cuộc gặp tại một quán RTC (rượu thịt chó) nào đó, đàm đạo thơ phú. Vui và cũng kích thích lẫn nhau. Có bài nào mới viết, anh đọc luôn . rất thuộc thơ, Nguyễn Thanh Kim trực tính, sôi nổi, tinh tế. Có lần anh đọc cả thơ buồn: Trò chuyện với bóng/ Âu yếm với hình/ Đối diện cùng ảo giác/ Lòng yêu có lặng thinh... (Ẩo giác). Kẻ đi xa mắc núi/ Người ở lại mắc sông/ Anh mắc em chếch vợi/ Cõi yêu ta bềnh bồng (Bềnh bồng).
   Anh Vũ quê gốc làng Sặt, Từ Sơn. Cuộc đời anh nhiều thăng trầm và xem chừng anh là một người chịu chơi. Có thời, anh bỏ cả cơ quan, không lương, sống vất vả. Khi làm thơ, khi làm tượng, vẽ. Anh đã xuất bản hàng chục tập thơ, có chùm thơ được giải A. Tập thơ Vệt chân chim được giải A, giải Văn học Nghệ thuật năm năm một lần của tỉnh. 
  Anh Vũ có tài sáng tạo từ ngữ, nhiều câu thơ hàm súc, đạt thi tại ngôn ngoại. Khởi sự là hương ngan ngát/ Thấm vào trong phổi thật sâu/ Rồi nghe máu trong mạch đập/ Mắt mở rung rinh sắc màu/ Có sớm trong veo như thế/ Ra vườn hỏi lá vài câu (Sớm quê).
  Nửa còn trẻ con nửa đàn bà/ Em như cái gai mềm mắt ta/ Lô nhô chân rạ đồng thênh thoáng/ Mạ biếc chờ ai trải mượt mà/ Đám mây thiếu nữ thành đôi bướm/ Câu hỏi nào rơi khuất góc vườn/ Nụ non còn giấu trong thinh lặng/ Khuya khoắt nhành trăng thơm mới thơm/ Ngõ gạch gót trần không vướng cát/ Tôi buồn chẳng được sóng chân ai/ Người ta liền chị đông bè bạn/ Chẳng khiến mình thương cũng thở dài (Gai xanh).  
   Đến năm 2007 thì “lũ bốn tên” được Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp cả, Tôi là “tên” sau cùng. Rất biết ơn báo Văn học, Văn nghệ, nhờ đó mà mấy chục năm qua một số bạn hữu nhớ cho một hai câu thơ. Trần Đăng Khoa nhớ Duy Phi có Bài ca trên những chiếc guồng (đến ngày DP dự lễ kết nạp, nhà thơ thần đồng này nói ra mới biết); Lê Hồng Thiện nhớ bài Đội chiếu bóng Chí Linh; cố thi sĩ Nguyễn Bùi Vợi, nhớ bài: Lục Đầu giang... Có lần, sau hai mươi năm biết nhau qua thơ rồi mới gặp, Nguyễn Bùi Vợi xúc động lắm, đã viết bài thơ Gặp bạn (in trên Văn nghệ), có đoạn: Có phải là mình chăng?/ Bao năm đi dạy dọc/  Câu thơ Lục Đầu giang/ Chảy trong ta bát ngát; Đỗ Nhật Minh nhớ cho tôi đoạn: Suối trong quá không thể nào không uống/ Bao năm rồi gặp lại núi rừng đây/ Tay vốc nước để nước rơi thành tiếng/ Chạy giữa rừng tôi muốn gọi tên ai (Trở lại Chí Linh). thích bốn câu này, nhà văn họ Đỗ đã viết hẳn một truyện ngắn, đã in trên nhiều sách; nhà thơ nhà văn Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Anh Thuấn, Anh Vũ, Trịnh Kim Hiền, Chu Ngọc Phan, Phạm Thuận Thành… đã bình cho Duy Phi một số bài thơ: Dạy học ở Côn Sơn, Ngày xuân gặp lại bạn xưa, Với chú tôm nhỏ, Chiều xuân Kinh Bắc, Cây Dã hương ngàn tuổi... Thi sĩ Vương Tùng Cương quý mà tặng DP bài thơ Cùng bạn thơ sông Thương: Từng qua nghìn dặm đất/ Lại neo về sông Thương/ Chắt câu thơ bạc tóc/ Bút xới nhàu đêm trường/ Chữ thánh hiền đa mang/ Miền khai tâm trăng sáng/ Tìm bạn văn thưa vắng/ Lánh chợ đời bon chen/ Dẫu biết là đục trong/ Ngàn năm sông vẫn chảy/ Hồn nương cõi Thần Minh/ Đường thi nhân không mỏi/ Nâng chén thơ run rẩy/ Dốc cạn cùng hoàng hôn/ Lặng ngấm men thi sĩ/ Cảm ơn cả nỗi buồn... 
   Tuy vậy, có những năm tôi không có thơ in trên báo Văn nghệ. Ôi, một tờ báo lớn, luôn có hàng nghìn nhà thơ cộng tác. Lại có thời gian, hàng chục năm tôi mê mải viết tiểu thuyết, biên khảo biên dịch thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hoàng Văn Hoè... Đó cũng chỉ là một cách giãi bày, đỡ nhàn quá,  bất thiện. Đáng lẽ phải in nhiều thơ hơn, có tiếng vang hơn nữa. Đáng lẽ phải là chim cuốc, như Chế Lan Viên viết: Phải “cuốc, cuốc” một ngày, “cuốc, cuốc” một đêm/ May ra thiên hạ nhớ mày là cuốc/ Rồi từ đó nhỏ máu đỗ quyên và ông vua Thục/ Chớ thinh lặng lủi bên rào khéo bị người quên. Tiếc rằng, tôi đã kêu “cuốc, cuốc” hơi ít và lại hay “thinh lặng lủi”. Số cuốc mà. Vợ là Nguyễn Thị Bích An- cô giáo, sinh con một bề, tam nam là vất vả rồi. Mình làm nghề văn chương, tài hèn sức mọn, cuộc sống gia đình lúc nào cũng chênh vênh, phấp phỏng. Có lúc cuốc không thể kêu thành tiếng. Duyên số, không ai định được! 
  Kinh Bắc có nhiều cây bút sớm thành danh, sau Hoàng Cầm, Kim Lân, Lữ Huy Nguyên... , cùng lứa tuổi chúng tôi có: Đỗ Chu, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Hồng Hà, Vương Tùng Cương, Lê Quang Trang, Vũ Từ Trang, Trần Anh Trang, Đặng Vương Hưng...  , đều là những nhà văn nhà thơ sớm nổi tiếng.
   Nói “lũ bốn tên” là nói về bốn tác giả một cuốn thơ in chung gần ba mươi năm trước, đến nay cần phải cộng một, “tên” thứ năm: Nguyễn Anh Thuấn.   
   Là hậu duệ các nhà khoa bảng Kim Đôi (xã Kim Chân, Quế Võ), một làng tiến sĩ nổi tiếng, Nguyễn Anh Thuấn thông minh, lịch lãm. Thơ ông viết chơi chơi mà hàm súc: Anh đã cố trèo lên ngàn bậc đá/ Ngắm tháp cao đơn lẻ giữa mây trời/ Anh chẳng thích nếu mình là Tam Đảo/ Bị ngụp chìm trong biển trắng chơi vơi/ Anh chẳng thích mình anh trong phòng rộng/ Chăn ấm ơi! chăn ấm để làm gì?/  Anh chẳng thích mình anh trên đỉnh núi/ Cao với trời. cao ấy để làm chi? Thơ Nguyễn Anh Thuấn lừng lẫy nhất là bài Làng tiến sĩ. Làng ấy năm xưa nhiều tiến sĩ, bây giờ khác lắm. Nhà thơ Trần Ninh Hồ thích bài này, thường trích hai khổ mà ông cho rằng có diệu cú: “Thì đây bia đá vùi trong cỏ/ Nửa làng xiêu vẹo mái nhà tranh/ Thì đây mối nhấm vào gia phả/ Hoa rơi không có kẻ giật mình/ Có cây gạo cũ giờ phơi rễ/ Có con gà trắng gáy chiều vàng/ Có em không biết già hay trẻ/ Có đò không biết lúc nào sang...
   Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi nói, chỉ cần một bài ấy, Nguyễn Anh Thuấn cũng đã xứng đáng là một thi sĩ. Mừng thay, Nguyễn Anh Thuấn sau khi xuất bản mấy tập thơ, vẫn đang sung sức.
    Nói con số năm  là “nói cho vuông”, nói tới mấy “ông tướng” thường gặp, đang sống và viết tại vùng sông Thương sông Cầu sông Đuống, chứ Kinh Bắc còn mấy người nữa, Hội Nhà văn VN đã và sẽ kết nạp. Đến nay, sau nửa thế kỷ, đội ngũ thơ Kinh Bắc đã đông đảo, “hùng hậu”.  Bàn hội này hội nọ cũng chỉ là một cách bàn, không nói được gì nhiều. Điều cơ bản, là phải có tác phẩm hay, xứng với quê hương nghìn năm văn hiến.  
                                                                                                                                  
                                                                               Xuân 2008




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét