Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011




* ĐẶNG TIẾN HUY -
NHỚ NGƯỜI TÌNH SỐT VÁNG 





Khi tôi dạy học bên Hải Dương thì Đặng Tiến Huy dạy ở Lạng Sơn. Hồi ấy, ông đã có thơ văn đăng báo, vào Hội Văn nghệ của Khu tự trị Việt Bắc, từng cùng đi dự trại viết văn với Phan Quế, Vi Thị Kim Bình… , được các nhà văn Kim Lân, Nông Quốc Chấn “độc quyển”. Số phận xô dạt loanh quanh thế nào đó,  Đặng Tiến Huy về dạy tại trường Thái Thuận, sau chuyển về giảng dạy tại Trung tâm đào tạo bồi dưỡng đại học tại chức tỉnh Bắc Giang. Chúng tôi gần nhà nhau, cùng một Hội. Ăn cơm mới nói chuyện cũ cho vui: Hồi còn là học sinh Ngô Sĩ Liên, trong một cuộc thi sáng tác, Đặng Tiến Huy đã có tập thơ Trời hửng, được giải cao. Hôm phát giải thưởng, hội trường chật ních, Trần Hữu Hỷ (sau là nhà thơ Trần Ninh Hồ) lên bình, khen ngợi tập thơ. Năm 1993, ông xuất bản tiểu thuyết Chủ quán phù vân. Chừng một tuần sau thì “bùng nổ”. Người ta kiện tác giả. Người kiện là ai, cũng mấy ông bạn cả, nhưng can chẳng được. Nghe nói Nxb TN phải về tìm “nhân vật” chính của tiểu thuyết dàn xếp, nghe nói cấp uỷ có mấy lần bàn về chuyện này… Nxb phải tổ chức một hội thảo để các nhà phê bình trao đổi, phán xét… Có người đe doạ. Tác giả lo bị hành hung, lo bị khai trừ khỏi “tổ chức”… Cuốn sách đã tạo ra hai chiều dư luận. Dù sao, đây vẫn là một vùng quê văn hiến. Cũng phải đến hai tháng sau, tác giả mới thở phào nhẹ nhõm. 
   Năm 1997, tái lập tỉnh. đến Đại hội Hội VHNT tỉnh Bắc Giang, Đặng Tiến Huy được đề cử vào Ban chấp hành, được số phiếu cao. Ông trở thành Q. Chủ tịch Hội, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Sông Thương. Oách lắm. Giai đoạn này, Đặng văn sĩ đã có nhiều đóng góp, được tỉnh ủng hộ, xây dựng được Quỹ tài trợ sáng tác, lập được Giải VHNT Sông Thương năm năm một lần xét, trao giải, xuất bản được mấy tập sách quý: Văn Bắc Giang Thế kỷ XX, Thơ Bắc Giang Thế kỷ XX… Bận mà ông vẫn sáng tác. Bởi từ người sáng tác mà lên, ông cảm thông, trân trọng các cây bút, được mọi người quý mến. Đến nay, Hội còn giữ gìn, phát huy nếp ấy. 
Văn xuôi, Đặng Tiến Huy đã xuất bản hàng chục tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Tập truyện ngắn Bức tranh lụa của ông được Giải thưởng của UB Liên hiệp toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam. Về Đặng Tiến Huy, nhà văn Nguyễn Anh Đào (Phú Thọ) viết: “Đặng Tiến Huy là một tác giả có tay nghề, một con người tài hoa vùng Kinh Bắc, am hiểu cuộc sống… , luôn luôn gần gũi gắn bó với mọi số phận nhân vật, nhất là phụ nữ và trẻ em, trong đó có dân tộc ít người. Anh đã chắt chiu từng kỷ niệm, khơi trúng mạch nguồn những cảm xúc rồi bằng bút pháp trữ tình, khắc hoạ nên nhiều thiên tính cách sinh động”.  

*
Kỳ lạ, coi văn xuôi là chính mà ông lại viết Thơ là đạo của riêng tôi/ Từng câu từng chữ là lời của kinh; cũng phải to gan mới dám viết câu thơ: Mối tình không gia thất/ Là mối tình sống lâu. Đặng Tiến Huy đã xuất bản 9 tập thơ, gần đây nhất là tập thơ Đêm trăng vỡ. Thơ ông, có những nét ngẫu hứng: Vó ngựa tuần tra vượt dốc trơn/ Chiều về biên giới xuống nhanh hơn/ Nhà ai bếp lửa nhoè đêm lạnh/ Gió rít sương giăng bản chập chờn (Chiều biên giới), có những vần thơ minh triết, hàm súc: Đường phố bỗng sáng loà/ Bập bùng dòng sông đỏ/ Những gì từ hôm qua/ Sớm nay thành cũ cả (Chợt đến). Nhiều độc giả còn thích mấy bài thơ của ông về gia cảnh, ông thương con theo bạn bè ra bến xe bán nước, nắng hè, đen nhẻm: Bạn bố mua bát nước/ Giật mình nhận ra con/ Nước uống mà bỗng nghẹn/ Vội quay đi lệ tràn/ Con vui được hào bạc/ Bố mẹ nhói tâm can Cảnh nhà). Thơ ông có nét chân thực mà thăng hoa, tinh tế: Ngẩng nhìn trời xanh êm/ Lúng liếng con mắt lá/ Chùm sấu non nhú lên/ Sao lòng nôn nao quá! Và: Cửa mở, rừng hoa nhãn/ Trắng nuốt trời sóng mây/ Giọt tiếng chim bừng nắng/ Mắt ai sau lùm cây. Có những lần, do nhớ người tình mà ông phát sốt, phát sốt thật sự, “sốt váng”, hầm hập, cấp tập, nguy ngập: Bồn chồn sốt váng cả chiều/ Gió mưa chắn lối người yêu hẹn hò (Bồn chồn), Anh muốn gửi em tất cả lòng thương yêu/ Của đêm nay chập chờn cơn sốt nhớ (Sốt nhớ). Đó là những cơn sốt “đáng sợ”.

*

Tôi có chọn bài thơ Vòng tay ngọt ngào, một trong số những “cơn sốt” của ông, đã bình, in trên một số sách, báo:   
                 


 VÒNG TAY NGỌT NGÀO

Anh dầm trong mưa xối
 Anh dãi trong nắng thiêu
Vượt bao đèo, bao suối
Tìm cho được tình yêu.

           Khi ngập trong cay đắng
           Lúc vùi trong khổ đau
           Qua bến mê, cát bỏng
           Rồi chúng mình gặp nhau.

Em xoa dịu cơn đau
Em lọc trong cay đắng
Anh trở thành bé bỏng
Vòng tay em ngọt ngào.

       Lời bình: Tình yêu trong Vòng tay ngọt ngào, không phải là thuở ban đầu, vụng về, sôi nổi mà ở giai đoạn thuỷ chung, đằm thắm.
   Hai khổ thơ đầu, bộc bạch một quá trình dẫn đến tương phùng tương ngộ. Trên con đường ấy, gặp mưa xối nắng thiêu, núi đồi, sông suối, chàng đều vượt qua. Hình ảnh của chàng đượm phong vị ca dao: Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ Thất bát sông cũng lội... Đến được với nhau, không chỉ vượt qua những khó khăn do thiên nhiên mà còn phải vượt lên những quan niệm, những thiên kiến ngáng trở.
   Ngỡ giống ca dao, nhưng đọc kỹ, có nhiều nét khác. Ca dao thường nói đến vẻ đẹp bên ngoài: cổ tay đã trắng lại tròn... , lông mày lá liễu... Tình yêu trong bài thơ thiên về phía tri âm tri kỷ, điều đó khó giải mã, thường chỉ có hai người biết.
   Đến khổ thơ thứ ba thì có đột biến.
   Tình yêu thật kỳ diệu, em xoa dịu được mọi nỗi đau, lọc được từ đắng cay để cuộc sống lứa đôi có hương vị ngọt ngào, hạng phúc. Khi yêu nhau, thường thì người phụ nữ cảm thấy mình bé bỏng và chàng cũng cảm thấy nàng nhỏ xíu dễ thương, Trong Vòng tay ngọt ngào dường như ngược lại: Anh trở thành bé bỏng/ Vòng tay em ngọt ngào... Phải chăng chàng trai tự hạ thấp? Thực ra, khi người ta yêu nhau, không có khái niệm ấy, đâu có hiếm những chàng đã quỳ xuống hôn... chân nàng. Chợt nhớ hai câu thơ Pháp: Chuyện nhân thế nhờ em anh biết được/ Anh nhìn đời theo con mắt của em! Đó chỉ là một cách nói, xin đừng ai tốn công cao giọng phê phán nhà thơ lớn kia là ngù ngờ, mất bản lĩnh. Với bài thơ Vòng tay ngọt ngào, nhà văn, nhà thơ Đặng Tiến Huy đã để lại cho bạn đọc một tác phẩm ấn tượng./.                                                                                         


1 nhận xét: