Trần Nhân Tông(1258- 1308)
CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ
Cư trần lạc đạo phú- Bài phú chữ Nôm, Trần Nhân Tông trước tác. Có mười đoạn (có đoạn 14 câu, có đoạn 27 câu...) và kết thúc bằng một bài kệ. Bài phú đã được dịch, nhưng nhiều từ cổ, nhiều điển cố, hầu hết khó hiểu, huyền bí. Gần đây có một số tác giả đã phải phóng dịch.
Theo gương đó, Duy Phi tôi liều, rút ra mỗi đoạn lấy dăm câu trọng yếu, đặt thành tứ tuyệt (sẽ có chú thích) để tiếp cận được với tư tưởng của Phật hoàng, cốt để tự răn dạy cho mình. Xin chép lại cả 10 bài tứ tuyệt đã soạn và bài kệ đã dịch. Mong được bạn đọc trao đổi và lượng thứ.
I
Đan thần, xương đổi, mộng bay lên
Tiên giới trường sinh chẳng phải tìm
Tính sáng lòng không hơn ngọc quí
Đọc kinh vui thú nhạt hoàng kim.
II
Chẳng hiềm cay đắng với dưa rau
Mặc giấy vận sồi có quản đâu
Vui đạo nửa lều hơn điện ngọc
Nghĩa nhân ba ngói cũng hơn lầu.
III
Trần tục mà nên phải dốc lòng
Sơn lâm không đạo hoạ vô cùng
Bồ đề mong quả một đêm chín
Phúc gặp Ưu đàm kiếp trổ bông.
IV
Tam tạng cần chăm đọc thấu kinh
Ngũ phần hương đốt cốt tâm thành
Tích nhân tu đạo Thích Ca đó
Giữ hạnh dứt tham Di Lặc - mình.
V
Bật gốc tìm cành thương lão Câu
Cười thay Diễn Nhã chạy tìm đầu
Kim cương lồng lọt không hề nóng
Nuốt lật, thịt da có xước đâu.
VI
Tâm tướng trong ngoài bụi chẳng vương
Chúa - ngay, cha - thảo, bậc hiền lương
Tham thiền ân trả thân mình nát
Học đạo thờ thầy dọt óc xương.
VII
Từ bi nhiều kiếp hãy cầu mong
Cứu độ dẫu thân nát mấy vòng
Đạo nghĩa chẳng quên, luôn giữ thảo
Miệng tin lòng lỗi, nguyện hoài công.
VIII
Kinh lục đọc sao bằng thấy hay
Tu thân tơ tóc sửa ngày ngày
Ngôn từ thấu suốt đừng lo ngại
Tám gió, cơ quan phải lọc rây.
IX
Trà Triệu, bánh Thiều đói... chẳng qua
Ruộng Tào vườn Thiếu vẫn hoang mà
Gieo củi trước thầy tâm đà mở
Nghe trúc, lộc đào lặng ngộ ra.
X
BÀI KỆ:
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
Cơ tác xan hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
Dịch thơ:
Ở đời vui đạo nhớ tuỳ duyên
Thấy đói ăn ngay, nhọc ngủ liền
Báu sẵn trong nhà đừng kiếm nữa
Tâm không trước cảnh hỏi chi Thiền ?*
CHÚ THÍCH:
Phần lớn dựa vào các bài giảng trong Thiền viện Thường Chiếu, HT Thích Nhật Quang biên soạn. .
Bài I:
Ở đây, Ngài dạy không cần hoán cốt bay lên thượng giới, không uống thuốc trường sinh bất tử, tiên đạo để được sống lâu muôn tuổi, mà gìn một tính sáng sẵn có nơi mình. Đối với người tu thiền làm sao cho tâm rỗng rang sáng suốt... Yêu tính sáng tức là yêu đạo, nhận sống được với tâm đạo cho nên càng đọc kinh Phật càng thích thú....
Bài II:
Ăn rau ăn trái bình thường, nghiệp miệng chẳng hiềm điều đắng cay. Thân mặc vải thô vẫn không phân biệt đẹp xấu. Nửa gian lều còn quý hơn thiên cung. Ba viên ngói còn hơn lầu gác. .. Tinh thần của Tổ là trọng đạo đức, mến nhân nghĩa chứ không phải vật chất hay địa vị, danh vọng ở đời.
Bài III:
Người thật tu ở ngay cạnh trần tục mà thành tựu đạo quả, còn quý hơn kẻ lên rừng núi mà chẳng biết chỗ tột của đạo, chỉ luống uổng một đời công phu... Cho nên tâm mới là cái chủ yếu, chứ không phải chỗ ở là chính...
Ưu đàm: hoa nhà Phật. Khi kiếp ưu sầu qua, hoa nở, cũng là sự ngộ đạo.
Bài IV:
:
Chúng ta phải học kinh điển Tam tạng giáo, sách dạy giáo lý Thiền uyển Thanh quy. Ngũ phần hương: giới hương - giữ giới cho trong sạch; định hương - phải làm cho tâm an định; tuệ hương - phải mở sáng trí tuệ; giải thoát hương - phải được giải thoát; giải thoát tri kiến hương - giải thoát những cố chấp tế nhị của mình... Dứt được tâm tật đố, tâm tham lam thì còn gì mà khổ. Nếu biết ứng dụng đúng như vậy chúng ta sẽ là Phật Thích Ca, Phật Di Lặc chớ không đâu xa.
Bài V:
Diễn Nhã Đạt Đa quên cái đầu thật, nhận bóng cái đầu làm thật, khi mất cái bóng thì cho rằng mình mất đầu, chạy loạn kiếm tìm chẳng khác người điên. Trong tu cũng vậy, nếu không soi lại mình, cứ chạy tìm pháp tu này pháp tu nọ bên ngoài thì càng tìm càng mất mình. Muốn chuyển cái nghiệp của mình, phải chuyển bằng trí tuệ Bát Nhã, đó là nhát gươm sắc bén nhất cắt đứt những dây mơ rễ má, mọi thứ ràng buộc khiến chúng ta vướng trong luân hồi sinh tử.
Lật, một loại quả gai, hạt dẻ. Nuốt lật, ý nói tu khổ hạnh.
Bài VI:
Tu hành là phải tâm giới trước, tâm (trong) đẹp thì tướng (ngoài) tốt, không phải giả bộ cho người đời quan sát. Thờ chúa ngay thờ cha thảo, mới là bậc trượng phu trung hiếu. Ân của chúa, cha lớn lắm, hết đời thân ta (nát) không đủ đền đáp.
Dọt có nghĩa là đập mạnh vào, làm cho nó đau, mòn. Cả xương óc của ta dầu có đau, mòn nữa thì ta vẫn chưa đủ trả ơn thầy ơn Phật.
Bài VII:
Vì cảm đức từ bi của đức Phật, nguyện tu nhiều kiếp, chết đi sống lại, mấy vòng luân hồi vẫn chưa đủ đền đáp. Người mà miệng nói tin Phật, trong lòng lại mưu tính xằng bậy thì dù có đem vàng ngọc dâng cúng cũng chẳng đạt đạo.
Bài VIII:
Kinh lục: kinh Phật và Ngữ lục của chư Tổ. Chúng ta phải tránh, dù lỗi bằng mảy tơ sợi tóc cũng không được phạm. Phải thấu suốt lời Phật Tổ dạy. Muốn đạt đạo thật sự, phải không để cho tám gió làm lay động.
Tám gió: lợi (cầu lợi), suy (yếu đuối), huỳ (nói xấu, chế giễu người khác), dự (thích khen nịnh), xưng (nói phao lên), cơ (đói), khổ (đắng cay), lạc (vui thú).
Bài IX: .
Triệu: Triệu Châu, nhà sư thấy ai cũng mời uống trà; Thiều Dương, nhà sư gặp ai cũng mời ăn bánh. Các sư cho bánh ăn, cho nước uống mà ta vẫn đói khát. Ruộng nhiều ở Tào (tức Tào Khê, chỗ ở của Tổ Huệ Năng; vườn nhiều ở Thiếu (tức Thiếu Thất, chỗ ở của Tổ Đạt Ma), thế mà các thầy tu vẫn để hoang. Có nghĩa: các Tổ đã hết lòng dạy dỗ, mà các thiền sinh vẫn lơ là, đó là do lỗi ở thiền sinh. Nhà sư Tuyết Phong lúc còn đi tham vấn, đặt bó củi trước Động Sơn mà hiểu biết. Linh Vân là đệ tử của Tổ Quy Sơn nhìn thấy hoa đào mà sáng tỏ. Hương Nghiêm nghe tiếng hòn sỏi chạm vào cành trúc vang lên, vỡ lẽ ra. Đó là mấy ví dụ về các kiểu ngộ đạo.
Hội X:
Bản dịch bài KỆ có tham khảo một số bản dịch cũ.
Xưa, Thiền sư Huệ Hải dạy, người đời nhiều khi đói không chịu ăn, đòi trăm thứ, mệt không chịu ngủ, nghĩ muôn việc. Sư nhắc các thiền sinh, đói thì phải ăn, nhọc thì phải ngủ, đừng đòi hỏi thêm điều gì khác. Tuy vậy, sống tuỳ duyên nhưng không được trái đạo lý.
Câu cuối của bài Kệ, Phùng Thị Mai Anh (Trong sách Chốn tổ Vĩnh Nghiêm) dịch: “Không có tâm đối với cảnh vật thì đừng có hỏi chuyện Thiền”. Dịch thế là theo đạo đức thông thường, do chưa hiểu được khái niệm vô tâm của đạo Phật.
Trong Thiền viện Thường Chiếu giảng, đối với ngoại cảnh dù đẹp xấu, thuận nghịch... , tâm mình đều phải vô tâm, tức là không dấy động. Được như vậy thì đó là thiền rồi, không cần hỏi chi nữa.
Bài thơ và phần luận rất hay, cảm ơn bạn đã chia sẻ.
Trả lờiXóa(ongmattrilieu.blogspot.com)