Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011





NGUYỄN KHÔI- VỚI 
ĐÌNH BẢNG, KINH BẮC  


  Nguyễn Khôi sinh năm 1938, người Đình Bảng. biết tiếng ông từ lâu, mãi đến những năm ông về hưu, chúng tôi mới gặp. Ông mời Đặng Tiến Huy và tôi về Đình Bảng nhân ngày hội làng: rằm tháng Ba, Âm lịch. Hôm ấy cả làng Đình Bảng nhà nào cũng có cỗ, có khách. vui lắm! Bà vợ Nguyễn Khôi tên là Hè, dân tộc Thái, về hưu, vẫn xinh đẹp. Bà Hè làm đến Vụ trưởng. Nguyễn Khôi cũng tương đương, ông làm Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc Văn phòng Quốc hội. Người Đình Bảng, đất từng phát đế vương, có khác.
   Nguyễn Khôi đã xuất bản nhiều đầu sách. Về biên soạn, ông có các tập: Bắc Ninh thi thoại, Cổ Pháp cố sự, Bàng gia vọng tộc...
   Bắc Ninh thi thoại, tác giả điểm các cây bút văn chương Bắc Ninh xưa nay với cách đánh giá riêng, với nhãn quan học thuật. Khi biên soạn Cổ Pháp cố sự, ông rất chú trọng kết cấu: bài mở đầu là Tên làng, tiếp theo là những bài viết về sư Đinh Không (thế kỷ thứ VIII), sư Vạn Hạnh (thế kỷ X- XI)... , kết thúc sách là là bài Cổng làng - mở đón. Ông tâm sự: “Viết để hồn ta còn chút tĩnh mịch rêu phong cổ kính như thể thời gian bám chặt vào những bờ tường, mái ngói nhấp nhô; 62 bài cũng là 62 cái ngẫu hứng có chút hơi hướng văn hậu hiện đại (không theo chương hồi, phi tuyến). Đó là Xứ Kinh Bắc thu nhỏ, lấy “cớ” một làng mà tuỳ hứng viết ra những điều ấp ủ”. Tập sách Bàng gia vọng tộc đi sâu vào một chi, gốc là họ Lý Đình Bảng, có hậu duệ là các thi sĩ Bàng Bá Lân, Bàng Sĩ Nguyên, Bàng Ái Thơ... Cùng với sách biên soạn, Nguyễn Khôi có các cuốn biên dịch: Tiễn dặn người yêu, Khun Lú Nàng Ủa... , chuyển ngữ tiếng Thái ra tiếng phổ thông.   
   Nguyễn khôi đã có ba tập thơ: Gửi mường bản xa xăm, Trai Đình Bảng và tập Trưa rừng ấy (100 bài tứ tuyệt).
    Ông yêu làng, viết về làng một bài thơ có tên dài, ấn tượng: Làng cây số mười lăm đường Số Một (tính từ thủ đô ngược lên phía Bắc).

... Đến cây số 15, bên phải, đường Số Một
Là làng ta Đình Bảng đã nghìn năm
Hương Cổ Pháp, nền đất xưa Diên Uẩn
Sông Tiêu Tương trước mặt chảy lặng thầm

Xưa vua Lý đỗ thuyền bên rừng Báng
Cả dân làng ra đón trống chiêng khua
Trai tráng làng tưng bừng quần áo đỏ
Khiêng kiệu vàng đi rước nhà vua...
   Bài thơ nhiều địa danh: chùa Dận, ao Rối, ao Đình... , đầy ắp những kỷ niệm lẫn tưởng tượng: những ngày xuân đón vua về dâng hương quốc mẫu, những ngày hội quan họ... Mạch thơ dào dạt, nghiêng về phía chân mộc, mà vẫn có những câu thơ khắc họa, sâu lắng: Cứ như thế, ba mươi đời con cháu/ Lý hoàng thân từ Hàn quốc lại về/ Dù tản mác khắp chân trời góc bể/ Góc tâm hồn vẫn gửi lại nơi quê... Thơ viết về người, cũng là viết về mình.
   Thơ tứ tuyệt của Nguyễn Khôi cũng chắt lọc, tinh tế. Bài thơ Trưa rừng ấy rất gợi: Trưa rừng ấy cùng ai nằm yên ả/ Mây trời xanh cây lá cả ngàn xanh/ Chỉ có nắng ở trên lưng ngọ nguậy/ Con ong vàng ve vẩy mắt long lanh. Một cảnh nude. Nếu không nude, sao thấy được cái nắng trên lưng ngọ nguậy? Hình ảnh “con ong vàng ve vẩy mắt long lanh” thật vui, nhiều ý, thấy nụ cười Nguyễn Khôi trong đó. Trong tứ tuyệt Nguyễn Khôi, bài thơ Ao làng được nhiều người thuộc hơn cả:
Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang
Bỗng dưng lại thấy nhớ ao làng
Cái đêm hè ấy ai ra tắm
Để cả bầu trời phải tắt trăng.
   Nhiều người khen: từ tắt tác giả dùng rất đắt, không thể dùng chữ nào thay nó được. Cả bài thơ như một bức tranh lụa. nếu trăng sáng thì trăng là tâm điểm, tắt trăng thì tấm thân ngà ngọc dầy dầy sắn đúc một toà thiên nhiên kia trở thành tâm điểm. Ông trời chiều thiếu nữ (cũng là chiều tác giả) tắt trăng, để có một vẻ đẹp quê hương dân dã, kín đáo.  Về bài thơ Ao làng, có lần Nguyễn Khôi bộc bạch: “Đời mình từng ngắm nhiều mỹ nhân: Tô Châu, Matxcơva, Canquitta, Rôma, Vơnidơ, nàng tiên cá Cophenhagen, người đẹp thành Viên... lắm phen xao xuyến trái tim thơ mà rồi vẫn thấy “ai” đó ở quê mình là dịu hiền, tình chung thắm đượm. Giữa bầu trời bao la đêm dài đen tối thăm thẳm kia, không gian thì rộng mở, thời gian như ngưng trôi đã hiện ra một người yêu thương nhỏ xíu, đầy chất thơ chất mộng “trắng quá nhìn không ra...”, Chao ôi, đó là cái ao huyền thoại, mơ và thực của đêm vừa qua đấy thôi...”.
   Thực lẫn mơ, có vẻ Liêu Trai, nhưng có một lần đúng vào ngày hội đền đô, Nguyễn Khôi, Đặng Tiến Huy và tôi dạo trên đường làng Đình Bảng, tác giả đã chỉ cái ao làng xuất xứ của bài thơ ấy. Lúc này, bọn tôi thấy ông mỉm cười, mắt lấp lánh - một Nguyễn Khôi mấy mươi năm trước..                                     
    Gần đây, Nguyễn Khôi lại có chuyến đi Trung Quốc. về, ông có gửi tặng tôi một bản foto tập Bắc hành vãng cảnh, chừng 50 bài thơ, viết tay. Ông đến với bến Tần Hoài, Thái Hồ, được ngắm ngọn triều ầm ầm của sông Tiền Đường, thưởng ngoạn cảnh thực của câu Kiều - Nguyễn Du: Triều đâu nổi sóng đùng đùng/ Hỏi ra mới biết là sông Tiền Đường; được dạo Phong Kiều lộ, tựa gốc phong ở Hàn Sơn tự mà đọc bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
   Xưa, Nguyễn Hàm Ninh đã có bản dịch thơ: Trăng tà tiếng quạ kêu sương/ Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ/ Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn. Ngắm cảnh, đọc thơ xưa, ngẫu hứng, Nguyễn Khôi cũng có bài thơ mới, Dạo Phong Kiều lộ:
chiều sương dạo phố phong kiều
tựa đình “chiết liễu” gió reo đôi bờ
thuyền ai về bến cô tô
lửng lơ nghe tiếng chuông chùa hàn sơn.   
   Chưa có điều kiện đọc kỹ Bắc hành vãng cảnh, nhưng ở tập thơ này có nét hay riêng, dễ nhớ. Bởi sau mười ngày du ngoạn phiêu diêu xứ người, đi mấy vạn dặm, Nam Ninh từng ăn ngủ/ Quế Lâm từng ngắm hoa... Đẹp mà không đến nỗi sa đà. Nguyễn Khôi bản lĩnh và nhất quán: Không đâu bằng chốn quê nhà/ Trai thanh gái lịch đậm đà tình quê.
   Dồn nhiều công sức vào làm mấy cuốn sách về quê, lại tâm huyết trong từng câu chữ, tình yêu với Đình Bảng, Bắc Ninh, Kinh Bắc của nhà thơ Nguyễn Khôi thật sâu sắc, rất đáng trân trọng./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét