Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

* ĐỖ VINH, TRỊNH KIM HIỀN - HAI NHÀ THƠ NHIỀU QUỶ THUẬT





   Thơ Bắc Giang có một cây bút “hóm”, đó là Đỗ Vinh. Là một nhà giáo, dạy văn cấp III, oách lắm, Đỗ Vinh sớm có thơ đăng, bài thơ về nông trường cam, tôi đọc trên báo Văn nghệ từ thuở xa xưa. Vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, đất Kinh Bắc chỉ có ba bốn “thi sĩ” quê, có thơ trên báo Văn nghệ. Chưa từng gặp nhau, nhưng chúng tôi biết về nhau và quý nhau lắm. Đỗ Vinh kiên lòng, bền bỉ đi với thơ, thấm thoắt đã đến dăm chục năm.  Khi viết thơ ngắn, khi trường ca, đã in bảy tập, ông từng được giải thưởng về thơ của Hội VHNT tỉnh (1985). “Đồng chiều” là bài thơ nổi tiếng của Đỗ Vinh: Cuối ngày đủng đỉnh trâu về/ Cưỡi trâu cưỡi cả con đê cỏ vàng/ Hai sừng đã chạm cổng làng/ Bốn chân bì bõm chưa sang khỏi chiều/ Cái đuôi sau rốt vòng vèo/ Còn vung vẩy nốt chút heo may đồng... Bài thơ này đoạt giải thơ thiếu nhi cuộc thi năm 2001, toàn quốc. Mấy năm gần đây, Đỗ Vinh có sự cách tân, viết khác đi, đọc thơ ông ai cũng thấy có yếu tố “kỳ”, mới mẻ. Mùa thu 2008, Đỗ Vinh đã in tập thơ Khúc lẻ đàn (được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT VN). Thế là vinh dự lắm.  Trong tập, phần lớn là những câu thơ như văn xuôi, nhiều chỗ trúc trắc, ý tứ trổ ra những góc cạnh, mở ra nhiều liên tưởng. Có khi là bộc lộ đức khiêm nhường, mà bền chí, Có những tấm lòng ngậm chặt hoá ngọc trai (Thấp thoáng bùn đen), Sợi dây dài tôi gò lưng cuộn sức (Lời hứa của người đi trên dây), Ngọn hạt đỗ trong con còn vặn nhỏ (Lại nhớ về cha...). Chán ghét lối thơ cũ, nhà thơ Đỗ Vinh viết: Bầy trâu đã già cỏ xưa kiệt sức/ Dài dài nhai lại lời lời xanh xao (Bầy trâu nhai lại). Không hài lòng với mình, luôn khao khát, tác giả đã lấy tên bài Khúc lẻ đàn làm tên chung cả tập, và lại trích một đoạn lên đầu tập, như một tuyên ngôn một tiêu chí. Phong cách “Đồng chiều” trong một cánh chim, cũng có nét như “Phút giờ chim báo bão”: Ngậm ngàn thông tin trong cặp mỏ/ Rồi tung ra sương khói giăng thành/ Bay tìm đỉnh nhưng không gặp đỉnh/ Bay qua khát vọng đỉnh mình/ Cặp mỏ ngậm hoàng hôn làm chiều/ Đôi mắt mở ban mai làm sáng.
   Hồi Đỗ Vinh ra tập thơ Khúc lẻ đàn (Nxb Hội Nhà văn 2008), tôi đọc kỹ, tâm đắc với bài thơ Lụa trắng tên gì, ẩn ảo nhưng không phải là không rõ: Em trắng lên từng vuông phất lên từng dải/ Lẫn vào núi tuyết anh mò phau phau/ Lặn vào kiêu sa anh nhầm công chúa/ Nhập vào xanh đỏ anh tìm tinh khôi/ Có đêm em khóc hay lụa mỏng/ Có ngày em mặc hay lụa mặc/ Bông hoa hồng bạch mặc gì nữa đây/ Bông hoa huệ ấy trắng sau mỗi ngày/ Mặt hàng nào cũng muốn ướm thử vào em/ Ướm ngang thân trắng phận tròn...
   Bài thơ thật có duyên. Vừa rồi, báo Văn nghệ số đặc biệt, nhân dịp Quốc khánh 2/ 9 / 2010 có in chùm thơ hai bài của Đỗ Vinh: Lụa trắng tên gì và bài Nhớ chai rượu có nút lá chuối. Với thơ, Đỗ Vinh luôn nghĩ suy, sáng tạo, độc đáo, cao vọng và quyết liệt. 

*
              
   Làng thơ trên đất này, còn có Trịnh Kim Hiền, người Trại Cháy, Quý Sơn, Lục Ngạn. Không rõ Trịnh Kim Hiền bắt đầu viết, có thơ in trên báo chí từ tuổi nào, nhưng chắc cũng từ hồi còn nhỏ, lại nghe ông từng là một cây bút thơ tiêu biểu ở vùng Kon Tum, Đắc Lắc trước đây, những năm tháng ông ở Tây Nguyên, là một cán bộ ngành địa chất.
   Ông mới có bài đàn đá khá thú vị: Biết bao nhiêu vùi lấp? Hố thời gian thẳm sâu/ Biết bao nhiêu chèn ép/Những địa tầng đỏ nâu/ Mà đá nguyên hồn đá/ Cứ trong ngời lung linh/ Tiếng đàn chia mấy nửa/ Nửa nào cho riêng mình/ Khi vui gõ đàn đá/ Gõ đàn đá khi buồn/ Trái tim cũng hoá thạch/ Vọng mãi tình nước non. Trở về Kinh Bắc, Trịnh Kim Hiền sớm thuyết phục Ban biên tập (tạp chí của Hội) chúng tôi bằng thơ. Ông lặng lẽ, suy ngẫm, chọn lọc ý tứ, từ ngữ và chau chuốt. Khó tìm trong thơ Trịnh Kim Hiền một câu thơ dở thơ nhạt. Bài nào cũng kiệm lời, lắng đọng. Không phải ngẫu nhiên, không phải do cảm tình, chiếu cố vùng sâu vùng xa mà do chất lượng, thơ Trịnh Kim Hiền đã mấy lần giành được giải cao (giải A, giải Nhất) trong các cuộc thi, trong bình xét thơ hàng năm của Tạp chí Hội.
   Trịnh Kim Hiền có bài thơ về cây: : Cây lớn cả khi người ngủ/ Mê mải xanh ngày xanh đêm/ Sao nỡ chặt vào ngọn suối /Sao nỡ chặt vào tiếng chim. Trên thi đàn, có bài thơ Tre của Nguyễn Duy, mà bài thơ Tre của Trịnh Kim Hiền vẫn có duyên riêng: Bao nhiêu gai góc bịt bùng/ Mà trong trắng một tấm lòng thẳng ngay/ Mỗi năm tre có một ngày/ Vặn mình cho lá rụng đầy tháng tư.
Leo núi Huyền Đinh, in trên Tạp chí Sông Thương. Tôi đã đi đọc lại. Bài thơ đáng yêu:  Leo Huyền Đinh thì leo một mình/ Không leo hai leo ba leo bốn/ Leo Huyền Đinh thì leo một hơi/ Mình mình đứng mình mình khắp chốn/ Leo Huyền Đinh không leo một lần/ Mà leo hai leo ba leo bốn... / Leo Huyền Đinh thì không nhìn chân/ Mà ngẩng mặt xem mây gió cuộn/ Leo Huyền Đinh thì leo suốt đời/ Thì leo cả lúc mình không muốn. Đọc Leo núi Huyền Đinh mới biết là bạn nói đúng, Trịnh Kim Hiền “ghê” và hóm.
   Hai nhà thơ trên có quỷ thuật, trong thơ nhiều khói sương, ẩn ảo.   


           
  
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét