Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

* DUY PHI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN...




 TRẢ LỜI 
    NHÀ VĂN TRẺ HỌ NGUYỄN      

   Nhà thơ Duy Phi quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh nhiều năm gắn bó với nghề dạy học. Năm 1980 ông về công tác ở Hội Văn học- Nghệ thuật Hà Bắc. Ông đã có 4 cuốn tiểu thuyết lịch sử và trên 20 đầu sách thơ, khảo cứu, dịch thuật (dịch thơ chữ Hán của tiền nhân). Ông vừa cho ra mắt tiểu thuyết lịch sử “Đệ nhất Phi tần”. Nhà văn Trẻ Nguyễn Văn Học - Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam Chủ nhật đã trao đổi với ông về sự kiện này.



NVH: Đang là một nhà giáo, cơ duyên nào dẫn ông đến với Hội Văn học- Nghệ thuật Bắc Giang và chuyển sang nghiên cứu sáng tác văn học?


Nhà thơ DP: Tôi đã chuyển ngành. Tôi tự nhận mình là một nhà giáo được đào tạo công phu, dạy văn cấp II, muốn học thêm Văn, phòng Giáo dục huyện lại cử tôi đi học Đại học Tâm lý - Giáo dục... Tôi được thấy Nguyễn Lân (Chủ nhiệm khoa) và rất nhiều thầy cô rất giỏi giảng dạy. Tôi chịu khó học. Hết năm thứ nhất có cuộc thi toàn khoa, bảy tám môn học, cả viết và vấn đáp, tôi may mắn đỗ thủ khoa. Ra trường, tôi rất tận tuỵ với nghề. Nhưng thơ đã đến với tôi sớm hơn, từ năm mười lăm mười bảy tuổi có tác phẩm được in ở tỉnh, được giải thưởng. Từ năm hai mươi tuổi, tôi có một số bài thơ được đăng trên báo Văn học - sau đó là Văn nghệ và các báo chí khác. “Nàng thơ” đến với mình đầu đời, có sức hút mạnh hơn. Những năm dạy học thì tôi vẫn hướng tới thơ. Năm 1980, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mới nhen nhóm, có ba nhà giáo được chuyển sang, đó là Anh Vũ, Đỗ Nhật Minh và tôi. Chúng tôi được coi như nòng cốt, đều vừa sáng tác vừa biên tập sách, tạp chí của Hội. Gọi là chuyên nghiệp ư? Cũng chưa hẳn. Đúng là đã ở chuyên ngành, nhưng ở Hội địa phương, người cán bộ Hội thường phải đảm nhiệm việc “thường trực” ngày tám tiếng, nhiều sự vụ. Đêm về mới là của mình. Thời gian dành cho đọc, viết không nhiều lắm.  
NVH: Tính đến nay, ông đã cho ra đời 5 tiểu thuyết lịch sử. Viết tiểu thuyết lịch sử không phải đơn giản. Vì ngoài hiểu biết lịch sử ra phải có vốn văn hoá nhất định. Ông có nghĩ mình đã chọn lựa một thể loại khó nhằn?  
Nhà thơ DP: Đúng vậy, tiểu thuyết là một thể loại “khó nhằn”, tiểu thuyết lịch sử càng “khó nhằn”.  Đã nhiều nhà văn tài năng có những tác phẩm nổi tiếng ở thể loại này: Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Yến, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải... Từ một cây bút thơ, tôi đi vào tiểu thuyết lịch sử cũng là “liều” lắm. May mắn cho tôi, được sinh ra lớn lên ở Kinh Bắc, một trong những vùng quê có bề dày nghìn năm văn hiến, có quan họ, 14 làng cười, tranh dân gian Đông Hồ, lại một kho tàng phong phú về văn học dân gian, nhiều tập tục bản sắc, lại có nhiều danh nhân như Sái Thuận, Nguyễn Gia Thiều, Thân Nhân Trung, Cao Bá Quát, Đề Thám... luôn thôi thúc phải động tâm, động bút. Chút ít vốn liếng tâm lý học, Hán học, sử học và thi ca có giúp cho tôi. Vui, cần mẫn, nhiều khi vượt được thử thách. Đã xuất bản dăm cuốn tiểu thuyết lịch sử, đã học cổ nhân: Việc khó trong đời khởi nơi chỗ dễ, song mỗi khi bắt tay vào một cuốn mới, tôi vẫn bối rối, bởi cái “chỗ dễ” luôn lẩn khuất...            
NVH: Theo ông, làm thế nào để viết được tiểu thuyết lịch sử một cách nhuần nhuyễn, không khô cứng mà vẫn đảm bảo những yếu tố lịch sử? Cái khó nhất của thể loại này là gì?  
Nhà thơ DP: Có tác giả trung thành với lịch sử, minh hoạ lịch sử, có tác giả coi lịch sử chỉ như cái đinh, trên đó họ treo gì tuỳ ý, có tác giả “sáng tạo”, vận dụng nhiều yếu tố đời sống hiện đại, có khi còn bẻ “cua tay áo” nhiều tình tiết lịch sử.  “Hài cốt”, anh linh lịch sử có sẵn, cái khó là tạo dựng được tính cách nhân vật, phải có “da thịt”, ngôn ngữ, phải có tâm hồn sống động. Mỗi thời, mỗi người có cách viết khác nhau. Viết mềm, đó là một phương châm của tôi. Mềm và yếu là bạn của sống (Nhu nhược giả, sinh chi đồ). Cứng và mạnh là bạn của chết. Lão tử  triết lý vậy. Về mặt xã hội học không biết chân xác đến đâu, nhưng với tiểu thuyết lịch sử thì 100% đúng. Hình như chất thơ, hương liệu trữ tình có giúp cho tôi những trang mềm, hướng tới nhuần nhụy. Với tôi, cái khó nhất của thể loại này là cần có chất liệu - yếu tố thứ nhất: ngôn ngữ thời đại mà mình tái hiện, trên cơ sở đó mà hư cấu, tưởng tượng.  

NVH: Không ít những tiểu thuyết lịch sử ra đời và chẳng để lại tiếng tăm gì. Bây giờ, độc giả quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề thời sự, nóng bỏng. Ông có sợ viết tiểu thuyết lịch sử ra rồi không ai đọc?
Nhà thơ DP: Rất nhiều tác phẩm in ra không ai đọc, song không chỉ riêng với tiểu thuyết lịch sử. Tâm hồn con người vốn đa dạng, có bạn đọc chỉ quan tâm đến những vấn đề thời sự, nóng bỏng, ngược lại, có những độc giả chỉ ham đọc những trang viết về cái động trong tĩnh, để tìm hiểu bề sâu chiều xa của cuộc sống. Tâm trạng con người cũng thời tiết, khi mưa khi nắng. Đọc, nghe mãi những vấn đề thời sự nóng bỏng thì cũng có ngày “bão hoà”, lại đổi gió. Người hiện đại vẫn yêu nón ba tầm, áo tứ thân và nhiều thứ đồ cổ. Và cũng khác vậy, tiểu thuyết lịch sử không phải là một thứ đồ cổ. Người viết bao giờ cũng lao tâm khổ tứ vì hiện tại. Mỗi tình tiết trong tiểu thuyết lịch sử thường có đường link với những vấn đề thời sự. Tiểu thuyết loại nào nếu hay cũng có những bạn đọc tri âm tri kỷ của nó. Viết cho có bạn đọc, đó là tài năng là phẩm chất của mỗi cây bút. Tôi cũng giống như phần lớn các tác giả đều có niềm lạc quan hồn nhiên, tin rằng, nhất định sách mình ra sẽ chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc.


NVH: Không ít người nói, viết tiểu thuyết lịch sử phức tạp, mất thời gian và khó hay hơn tiểu thuyết bình thường. Vậy tại sao ông vẫn trung thành với thể loại này?

Nhà thơ DP:
Cuốn nào tôi viết thường cũng một hai năm. Nếu mỗi chi tiết tình tiết, ngôn từ cổ trong cuốn Đệ nhất Phi tần hiện ra như những cái trở, cái tụ, con chíp của máy thu hình, hẳn là cũng phải... hàng rổ. Viết tiểu thuyết lịch sử quả là phức tập, mất thới gian. Nhưng, nói vui, đó là: Ma đưa lối quỉ đem đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi- Kiều). Cổ nhân cũng dạy, về học thuật trước tác nên chọn đường hẹp. Tôi cũng không biết, vì sao cuối cùng mình lại chọn nghề điền thư canh bút (bút làm cày, sách làm ruộng). Nhà nông thì “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” cũng là hẳn nhiên. Viết tiểu thuyết lịch sử có cái thú riêng. Khi viết, ngày đêm được tâm sự, trò chuyện, đồng cảm với nhiều bậc vua chúa, phi tần mỹ nữ, trăn trở cùng những cuộc thăng trầm của lịch sử và số phận của mỗi nhân vật. Với những trang viết của mình, tôi cũng đã góp phần làm sáng tỏ được một số nhân vật lịch sử của quê hương mình và đất nước: Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Đặng Thị Huệ, Hoàng Văn Hoè... Đồng thời, tôi cũng thực hiện được ý đồ góp phần “chiêu tuyết” cho một số danh nhân như Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Đình Bảo... thời Lê Trịnh, lâu nay nhiều người còn đánh giá thiên lệch. Tiểu thuyết loại nào, viết cho hay cũng khó. Tiểu thuyết lịch sử có cái hay riêng, tính trung thực được bộc bạch, trong khi tiểu thuyết hiện đại thường né tránh. 
NVH: Ông còn có dự định nào?   
Nhà thơ DP: Tôi sắp in tập thơ thứ chín của tôi. Sau đó, tôi sẽ in Thiên duyên, tiểu thuyết lịch sử về Huyền Trân công chúa (chừng 300 trang) và tập tạp ký Thi đàn ngẫu luận… … 
NVH: Xin cảm ơn ông và chúc ông có nhiều cảm hứng sáng tác!

                                                NGUYỄN VĂN HỌC (thực hiện)
                     



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét