Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

NGƯỜI VĂN ĐẶNG TIẾN HUY/ BÀI: NGỌC DƯƠNG

Người văn Đặng Tiến Huy.
Ảnh Phó Nhòm


NHÂN 20/ 11 - NGÀY NHÀ GIÁO
ĐTM ĐĂNG BÀI CỦA
NS NGỌC DƯƠNG
(Nguyên Chủ tịch Hội VHNT Lào Cai)
viết v
NHÀ GIÁO - NGƯỜI VĂN 
ĐẶNG TIẾN HUY

Trại sáng tác văn học nghệ thuật do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Viêt Nam tổ chức cho các "nguyên thủ" tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, khai mạc sáng nay 14/11/2012. Ở đây, "Thủ" nghĩa là Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, còn "Nguyên" nghĩa là... đã nghỉ hưu.  19 gương mặt thuộc các tỉnh phía Bắc, từ Thừa Thiên-Huế trở ra quen biết nhau trong quá trình quản lý Hội Văn nghệ địa phương những năm trước đây nay được tái ngộ. Có Ngọc Bái, Trần Nhuận Minh, Đàm Thế Du, Tô Nhuận Vỹ, Hồ Anh Tuấn, Trịnh Quang Khanh, Hoàng An, Dương Soái, Lê Huệ, Hữu Phương, Cao Xuân Thái, Nguyễn Thành Viên, Hữu Ninh, Đăng Thanh, Võ Quê, Nghệ sĩ Nghị, Đặng Tiến Huy và Ngọc Dương... Nhà văn Đỗ Kim Cuông khai mạc Trại.

NS NGỌC DƯƠNG
Chuyện bên rìa 
TRẠI SÁNG TÁC 

1. Người văn Đặng Tiến Huy

Trong trại sáng tác văn học nghệ thuật giành cho các nguyên chủ tịch hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành từ Huế trở ra, tôi may mắn được ở cùng phòng với Đặng Tiến Huy tại Khách sạn Công đoàn tỉnh Quảng Ninh. Anh là người văn, tôi không gọi là “nhà”, vì anh không phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. 


 
 Ảnh: HỮU NINH
  
   Tuy nhiên, đến nay anh có tới 27 cuốn sách đã xuất bản. Trong đó có 3 tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, một tập ký, 1 tập lý luận phê bình văn học, 10 tập thơ, 2 tập truyện thiếu nhi và nhiều cuốn sách sưu tầm biên soạn khác... Có mấy cuốn sách được tái bản đến hai, ba lần. Đáng chú ý, trong 3 cuốn tiểu thuyết của anh có một cuốn làm anh “nổi tiếng”. Trên bìa 1 của Tạp chí Giáo Dục & Thời đại số tháng 10 năm 1993 chạy một hàng tite khá giật gân: “7 cuốn sách tai tiếng nhất năm 1993”! Một trong 7 cuốn sách đó
là cuốn tiểu thuyết Chủ quán phù vân của Đặng Tiến Huy do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Sau khi phát hành được một thời gian ngắn thì có lệnh cấm và thu hồi. Vì thế mà trên diễn đàn thông tin đại chúng lúc đó xôn xao bình luận. Có người bảo viết ghê quá, làm xấu hình ảnh hiện thực hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Có người ca ngợi Đặng Tiến Huy như một Mác Két ở Việt nam! Đáng chú ý là, nó nhanh chóng được một cơ sở ở Cộng hòa Pháp xuất bản và bán chạy như tôm tươi!...
Đặng Tiến Huy tuổi Quý Mùi - 1943. Anh xuất thân từ ngành Giáo dục, làm thày giáo dạy ở huyện Văn Quan, Lạng Sơn từ năm 1966. Đến những năm 90 anh về quê dạy ở Trung tâm đại học tại chức tỉnh Bắc Giang (nay gọi là Trung tâm Giáo dục thường xuyên). Tháng 10 năm 1999 anh trúng cử Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh này, đồng thời làm Tổng biên tập tạp chí Sông Thương. Năm 2001 làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang.
 

2. Chiếc đồng hồ đeo tay Liên Xô
                                                  
Chiếc đồng hồ Raketa từ năm 1968
đến nay vẫn chạy chính xác.

Những năm làm chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Lào Cai mình thường xuyên gặp Đặng Tiến Huy trong các cuộc hội họp của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Từ cuối năm 2003 anh nghỉ hưu, mình 2007 cũng hưu nên chúng mình không có dịp gặp nhau nữa. Nay có trại sáng tác này, được gặp lại nhau, mình thấy Đặng Tiến Huy vẫn phong độ như ngày nào. Đặc biệt, xa nhau đã hằng chục năm  mà thấy trên cổ tay anh vẫn đeo cái đồng hồ ngày nào, nom như một món đồ trang sức cổ mà vẫn chạy rất chính xác. Mình hỏi nhãn hiệu gì mà giữ lâu vậy? Anh giơ cánh tay trái lên: “Raketa của Liên Xô”, mua từ năm 1968 đấy, mới có 44 năm! Và anh kể:
Mùa hè 1968, ngành Giáo dục huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn được phân phối hai chiếc đồng hồ đeo tay Liên Xô. Cả ngành giáo dục huyện gần 300 giáo viên, biết ưu tiên cho ai bây giờ? Không thể đặt ra tiêu chuẩn phân phối theo kiểu “Đường sữa từ trên xuống, cuốc xẻng từ dưới lên”... Cũng không thể ưu tiên thương binh, gia đình liệt sĩ hay giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh...vì đối tượng vẫn nhiều mà đồng hồ thì ít. Ông thư ký Công đoàn ngành bèn nghĩ ra sáng kiến bốc thăm. Người ta cắt những miếng giấy vuông gấp làm tư, bỏ vào chiếc hộp các tông, trong gần 300 mảnh giấy gấp ấy có hai mảnh ghi tên hai chiếc đồng hồ Raketa của Liên Xô một nam, một nữ.
Chẳng biết giời xui đất khiến thế nào hay được tổ tiên  phù hộ mà Đặng Tiến Huy bốc được đúng chiếc đồng hồ nam, và một cô giáo bốc được chiếc đồng hồ nữ! Sau đó thày giáo Huy đã bỏ ra vừa vặn hai tháng lương, tổng cộng 100 đồng để mua chiếc đồng hồ. “Chính vì vậy mà cho đến bây giờ, đã bốn mươi tư năm, tôi vẫn đeo nó trên tay” -  Đặng Tiến Huy nói.
Còn mình thì nghĩ, cái đồng hồ đeo tay lại được mua ở cái thời kỳ mà con người thiếu thốn mọi thứ sinh hoạt thiết yếu nhất, từ cái kim, sợi chỉ trở đi thì nó khác nào bây giờ được cấp lô đất ở thành phố! Lúc ấy, giá trị vật chất của nó... “vĩ đại” lắm. Khi “mở cửa” hàng hóa tràn vào, đồng hồ bán la liệt như vỏ hến, nào Ra đô, Citizen... khiến chiếc đồng hồ Raketa cũ kỹ, “cọc cạch” của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết đã sụp đổ nay chẳng còn là cái gì! Ấy thế mà người dùng vẫn cứ giữ nó như một báu vật! Phải chăng, nó đã “chuyển hóa” từ một giá trị vật chất thành giá trị tinh thần. Mà giá trị tinh thần thì khó mà đong đếm được, khó mà định giá được bằng tiền hay vàng bạc. 
Nguồn: PHÓ NHÒM TÂY BẮC - NGỌC DƯƠNG  

1 nhận xét: