Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

NỖI CÔ ĐƠN HÌNH NÚI/ THỦY HƯỚNG DƯƠNG BÌNH THƠ VƯƠNG NGỌC MINH

NỖI CÔ ĐƠN 

HÌNH NÚI

THƠ 
VƯƠNG NGỌC MINH 
Lời bình:
THỦY HƯỚNG DƯƠNG
(Hv Hội Nhà văn Hà Nội)

Đi giữa mênh mông đời người, mênh mông cung bậc yêu ghét của lòng người. Tôi, chợt bắt gặp một tứ thơ mênh mông nỗi buồn tha hương của họa sĩ trường phái ấn tượng Vương Ngọc Minh. 

Nỗi cô đơn hình núi của người nghệ sĩ tha hương 
HS VƯƠNG NGỌC MINH 

 

Tôi, luôn không hề 
là kẻ gắp lửa bỏ tay người.
 
ngửa mặt ra
bình minh đang gần lắm
mặt trời từ từ dâng
chậm đến độ loáng cái cắt lìa đầu
chiếc bóng tôi
lũ chim đen hối hả vỗ cánh bay
xao xác giữa khung trời
phút chốc ánh sáng của buổi sớm mai
cũng hé rạng

tôi kẻ mất quê

xài tiền nhưng không hề biết
mặt tiền như thế nào
thử hỏi
trong khi ai cũng hiểu- đồng tiền
đi liền khúc ruột
thì trong đầu tôi ngày đêm
luôn có tiếng ai cất hỏi "vậy mi sống trên đời
để làm gì
hử!"

cuộc đời với miếng cơm

manh áo
đeo mang khiến chẳng thiết trả lời
hễ ra đường lớn là tôi chạy
nửa phần thân trên lúc mất đầu
lúc còn đầu


 nhỡ vấp
ngã
liền đứng dậy
nhỡ vấp
ngã
liền đứng dậy
không một lời ta thán
cứ thế..
..
vương ngọc minh.

 



Tác phẩm: Ở bên dưới da (ảnh màu) - Hs Vương Ngọc Minh 



NỖI CÔ ĐƠN HÌNH NÚI
CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ THA HƯƠNG

Thủy Hướng Dương

           Đi giữa mênh mông đời người, mênh mông cung bậc yêu ghét của lòng người. Tôi, chợt bắt gặp một tứ thơ mênh mông nỗi buồn tha hương của họa sĩ trường phái ấn tượng Vương Ngọc Minh.
         Nếu bạn chưa xem tranh VNM, bạn sẽ thấy khó chấp nhận một dòng thơ mà tôi tạm gọi là dòng thơ VNM, nhưng vì tôi đã may mắn được xem, nên tôi chấp nhận dòng thơ ông dễ dàng như chấp nhận ông trời sắp đặt thơ và họa luôn song hành từ trước đến nay. Và lẽ tất nhiên, tôi dễ dàng hiểu thơ ông như tranh của ông vậy. Chỉ cách nay hơn chục năm về trước, tranh theo trường phái ấn tượng được nhiều họa sĩ theo đuổi, rồi vì bản chất của trường phái này là kén người xem, đòi hỏi người xem phải có trình độ thẩm nghệ thuật nhất định nên hiện nay, không còn nhiều họa sĩ theo trường phái này. Hơn nữa, với cá nhân tôi, những thể nghiệm tìm tòi trong nghệ thuật đều đi đến một con đường cô đơn, lẻ loi… và khác người.

         Sở dĩ tôi nói hơi nhiều về hội họa vì tôi muốn các bạn liên tưởng về thơ VNM. Rõ ràng nếu đọc thơ ông, ta cảm nhận rõ rệt rằng ông viết thơ không hề muốn lặp lại cách thức thể hiện nào của bất kỳ ai sống trước (hay cùng) thời với ông. Một lối thơ tự sự đầy suy tưởng, cứ để ngôn ngữ trào ra trên giấy, ngôn ngữ ấy là tư duy, là cảm xúc của một họa sĩ cô đơn.. cô đơn trên chính con đường nghệ thuật mà ông đã chọn, trong chính cuộc sống mà ông đang sống và cô đơn trong chính tác phẩm của mình.




Tác phẩm: Chiều vàng (ảnh màu) - Hs Vương Ngọc Minh


         Ở bài thơ “Tôi…người” ông vẽ bức tranh bằng ngôn ngữ thơ.. hình tượng mặt trời từ từ ló dạng, đỏ rực  nhưng sao lạnh lùng quá vậy.
mặt trời từ từ dâng 
chậm đến độ loáng cái cắt lìa đầu
chiếc bóng tôi 
       Cứ theo gợi mở của VNM thì mặt trời ấy lẽ ra sẽ sưởi ấm một ngày mới, hát lên một giai điệu êm đềm ru con người vào cõi đam mê thì nó lại như một lưỡi dao khổng lồ, như một lát cắt khiến cái bóng đầu ông phải lìa. Ôi, nỗi cô đơn nào khủng khiếp thế để ông phải cảm thấy nhỏ bé, mong manh, trước hiện tượng thiên nhiên đến vậy? Tôi tự hỏi và lập tức tìm ra câu trả lời ngay phía dưới:
tôi kẻ mất quê
xài tiền nhưng không hề biết …
       Tôi chợt quặn lòng. Tôi cũng là kẻ tha hương, nhưng tôi còn may mắn hơn ông ở chỗ vẫn đang sống với những người có cùng tiếng nói, chữ viết… và thậm chí dù rất ít nhưng một năm vẫn còn có thể lên xe bus rong ruổi về quê hương một lần. Còn ông? Giữa những người không cùng ngôn ngữ, những mặt người sao không giống nơi quê… ông thèm nghe những thổ ngữ địa phương, thèm hương vị của một món ăn từ ký ức xa lơ, xa lắc…
Người ta nói, phàm đã là con người, càng xa xứ, càng cảm thấy cần hơi thở của quê hương…Cái sự đói khát một cách trừu tượng thèm quê hương cứ cồn cào, dai dẳng… như kẻ đói cần phải ăn ngay lập tức nhưng miếng ăn cứ lơ lửng trước mắt, tay không thể chạm tới mà dạ dày cứ tiết dịch liên hồi! Và tôi hiểu, điều tuyệt vọng đó chính là lý do cơ bản khiến người nghệ sĩ VNM cô đơn tới cùng cực đến mức thứ mà bất cứ người thường nào cũng mong muốn là tiền thì đối với ông:
“trong khi ai cũng hiểu- đồng tiền
đi liền khúc ruột
thì trong đầu tôi ngày đêm
luôn có tiếng ai cất hỏi "vậy mi sống trên đời
để làm gì
hử!"
        Ai đó sẽ nghĩ hình như ông quá khác thường? Không đâu, có khác chăng ông đang sống với chính ông, đang tồn tại bằng nỗi cô đơn sừng sững như đỉnh núi trong lòng. Còn tôi, chợt nhớ sự cô đơn luôn tìm đến nghệ sĩ… Nếu mỗi ngày nó đến thăm ông nhiều hơn, có nghĩa rằng ông đang vật vã đau khổ.. không phải để đoạt những sự tầm thường như ăn, như ngủ mà để đoạt lấy đỉnh cảm xúc yêu thương với nhân loại hàng ngày đang vô tình chạm tới ông (bao gồm cả hoa hồng và hố đen hủy diệt) bằng cảm xúc của kẻ tha hương.
       Tôi cứ sợ rồi ông sẽ không thể vượt qua đỉnh núi cô đơn sừng sững ấy, thật may sao, tôi mừng rỡ nhận ra rằng, ông sẽ đủ bản lĩnh để đi tiếp, sống tiếp, sáng tạo tiếp cùng nỗi cô đơn ấy.
hễ ra đường lớn là tôi chạy
nửa phần thân trên lúc mất đầu
lúc còn đầu
nhỡ vấp
ngã
liền đứng dậy
nhỡ vấp
ngã
liền đứng dậy
không một lời ta thán
cứ thế..

        Cảm ơn họa sĩ VNM đã cho tôi tận hưởng sâu sắc nhất nỗi buồn xa xứ. Một bài thơ gây ấn tượng như bức tranh trường phái ấn tượng.. Tôi lọt thỏm, nhỏ bé giữa nỗi cô đơn – ông.
       Tôi có cảm giác, bài thơ này sẽ giúp tôi không gục ngã trên đường đời! “dù có lúc còn đầu, dù có lúc mất đầu”. Vì có lẽ tôi có sống trăm năm nữa cũng không bao giờ có được nỗi cô đơn như ông, mà tôi gọi đó là nỗi cô đơn hình núi!
 

14h25’ ngày 13.11.2012

Nguồn: Thủy Hướng Dương 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét