Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

SAO LẠI NÓI LỜI PHẢN NGHỊCH / BÀI: PHẠM THUẬN THÀNH

TỪ PHẢI:
NGUYỄN TRÃI - NGUYỄN THỊ LỘ

SAO LẠI NÓI 
LỜI PHẢN NGHỊCH

                                PHẠM THUẬN THÀNH

    Vụ án Lệ Chi Viên từ khi xảy ra đến nay luôn là nỗi đau xót của lịch sử. Mặc dù chỉ vài chục năm sau vua Lê Thánh Tông đã phong quan tước cho Nguyễn Anh Vũ, con trai công thần Nguyễn Trãi, như là một sự minh oan nhưng án quyết không được chính thức sửa lại. Những năm gần đây, Nguyễn Trãi được tôn vinh là danh nhân văn hóa thì không ít người đòi xét lại vụ án và có nhiều ý kiến đổ diệt tội giết vua cho thái hậu Nguyễn Thị Anh, người thay quyền nhiếp chính đã đồng ý bản luận tội của triều đình sát hại gia tộc Nguyễn Trãi. Nghĩa là người đi kết án lại trở thành tội đồ chính. Ta có thể điểm qua một số ý kiến thuộc loại này đã đăng trên sách, báo.
   Từ điển mở Wikipedia dẫn nguồn chủ yếu ở sách “Nhìn lại lịch sử” của các tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ viết: “Một số nhà nghiên cứu cho rằng thái tử Lê Bang Cơ (tức vua Lê Nhân Tông) không phải là con vua Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Anh là người chủ mưu sát hại vua Thái Tông. Nguyễn Thị Anh được vua sủng ái nên năm 1441 vua truất ngôi của Nghi Dân mà lập Bang Cơ. Tuy nhiên, có lời dị nghị rằng Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ không phải là con vua Thái Tông. Trước khi vào cung làm vợ Thái Tông, bà đã gian díu với Lê Nguyên Sơn, một người thuộc chi dưới của Lê Khoáng
- ông nội Thái Tông. Từ khi bà gặp Thái Tông tới khi sinh Bang Cơ, thời gian chỉ có 6 tháng”.
   Báo Pháp lí điện tử có bài “Hậu cung và những cuộc thanh trừng, thao túng của các bà hoàng” có nội dung gần giống bài “Thủ đoạn độc ác “đoạt” ngôi vua của bà hoàng Nguyễn Thị Anh” tuy dẫn nguồn sách “Đại Việt sử kí toàn thư” nhưng không đúng tinh thần văn bản theo mục đích viết lối giật gân, sai sự thực lịch sử, gần giống nội dung Từ điển mở Wikipedia trên đây.
   Điều đáng nói là phần lập luận chính của những bài viết sai trái ở trên lại dựa vào những tư liệu hoặc là thiếu xác thực, hoặc là những lời lẽ của kẻ phản nghịch đã bị lịch sử trừng trị.

 CÔN SƠN 
   Với cách viết mập mờ “Một số nhà nghiên cứu cho rằng” có nghĩa là chả có ai cụ thể cả ngoài chính người viết. Còn theo nguồn sách dẫn “Nhìn lại lịch sử” thì “một số” đó chính là nhóm tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ. Nguồn của sách “Nhìn lại lịch sử” lại dựa vào Gia phả họ Đinh có mấy bài thơ nói lái được cho là của Thái phó Đinh Liệt lại rất đáng ngờ. Cái đáng ngờ là: cuốn gia phả này có đúng là viết từ thời Lê Thánh Tông không, có đúng thơ của Đinh Liệt không. Cho dù là đúng thì gia phả không thể được coi là tư liệu chính thống để tin những gì viết mập mờ trong đó (thơ nói lái) là sự thực được. Chưa kể đặc trưng thơ được phép hư cấu. Hơn nữa, nội dung thơ nói lái lại là một thứ lời lẽ phản nghịch, tội diệt tộc, lẽ nào người ta dại dột chép vào gia phả. Và đã là lời lẽ phản nghịch sao lại tin để xuyên tạc lịch sử. Một trong những bài thơ nói lái đã được gian lận diễn ra thành tư liệu lịch sử là: “Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa/Bất thức hà nhân chủng bảo đa/Chủ kháo tống thai vi linh được/Cựu binh tân tửu thịnh y khoa”. Chữ nói lái: nhung tân - Nhân Tông; tống thai - Thái Tông; thịnh y - Thị Anh. Bài thơ đã được dịch: “Nhân Tông sáu tháng đã ra hoa/Dòng máu ai đây quý báu à/Núp bóng Thái Tông làm linh được/Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha”.
   1, Trước hết phải khẳng định ngay hoàng phi Nguyễn Thị Anh không thể là người giết vua.
    Lịch sử không nói rõ thân thế Nguyễn Thị Anh và cũng không nói rõ bà được tuyển vào cung khi nào, trước và sau khi sinh ra hoàng tử Bang Cơ thì đã được phong cấp gì ở hậu cung. Người đứng đầu hậu cung trước đó là nguyên phi Lê Ngọc Dao, con gái đại tư đồ Lê Sát, người giữ quyền tể tướng. Cha con Lê Sát thế lực như vậy còn bị nhà vua trị tội. Đến Huệ phi Lê Nhật Lệ con gái đại đô đốc Lê Ngân, người thay Lê Sát giữ quyền tể tướng cũng bị nhà vua trị tội. Hoàng phi Dương Thị Bí sinh được hoàng tử Nghi Dân, từng được lập làm thái tử nhưng vì mẹ không có đức tốt mà cả mẹ lẫn con đều bị giáng chức. Một vị vua trẻ tuổi, nghiêm khắc với hậu cung như vậy thì làm sao vợ con có thể vượt quyền lạm việc chính sự được. Không những thế, nhà vua còn ra lệnh “bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch, đó là làm theo kế của Nguyễn Thị Lộ” (ĐVSKTT). Với những công thần khai quốc uy quyền đầy triều như Lê Sát, Lê Ngân vua còn trị được thì một người đàn bà trẻ ở hậu cung không vây cánh thế lực thì làm được gì với vị vua - người chồng của mình. Ngay cái chết của vua lại ở nơi khác, xung quanh có đoàn vệ sĩ theo hầu chứ đâu phải chết nơi hậu cung mà người viết ác ý dựng đứng lên mưu mày mưu nọ đổ vấy cho bà hoàng trẻ đang được súng ái và mới sinh thái tử được hơn một năm.
   2, Hoàng phi Nguyễn Thị Anh không thể có con với người khác ngoài nhà vua. Theo quy định tuyển cung nữ rất nghiêm ngặt của triều đình thì việc đưa con gái thất trinh vào cung là tội diệt tộc thì ai dám phạm, và có muốn phạm cũng rất khó khăn. Việc vua ngủ với cung nữ nào đều được thái giám biên chép cụ thể nên không thể giấu được triều đình khi có thai. Thực tế có trường hợp đẻ non, kinh nghiệm dân gian nếu con trai đẻ non 7 tháng mà được chăm sóc chu đáo vẫn sống bình thường. Giả sử hoàng phi Nguyễn Thị Anh đẻ non hoàng tử Bang Cơ thì với điều kiện đế vương không vấn đề gì. Đến thời điểm lập thái tử, vua Lê Thái Tông đã có 3 con trai, hai người con đều được phong vương cùng: Bang Cơ là thái tử, Nghi Dân là lạng Sơn vương, Khắc Xương là Tân Bình vương. Người con trai thứ tư mới sinh được một tuần thì vua đi kinh lí miền đông và mất trên đường về kinh nên chưa kịp phong vương, sau đó 3 năm đã được vua Nhân Tông (có thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính) đã phong là Bình Nguyên vương. Quan hệ giữa vua Lê Thái Tông với các con, giữa vua Lê Nhân Tông với anh em trai rất hài hòa, phù hợp lễ nghĩa hậu đãi. Điều đáng lư ý nữa là người tuyên chiếu phong lập thái tử lại do chính Đinh Liệt làm; Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT) viết: Ngày 16/11/1441. Lập thái tử Bang Cơ. Chiếu viết: “Đặt thái tử để vững gốc rễ, lập con đích để chính danh phận. Đó là mưu xa của xã tắc, kế lớn của quốc gia. Hoàng tử Bang Cơ thể chất vàng ngọc, tư thái anh minh, vừa có uy vọng của một bậc quân vương, lại đúng là danh phận con đích tôn quý. Vậy sai Nhập sai nhập nội Đại đô đốc Lê Liệt mang sắc mệnh lập làm hoàng thái tử”. Giai đoạn thái hậu nhiếp chính và vua Lê Nhân Tông trị vì được sử gia Phan Phu Tiên đánh giá trong ĐVSKTT như sau: “Nhân Tông lên nối ngôi vào tuổi ấu thơ, bên trong có mẫu hậu buông rèm trông coi chính sự, bên ngoài có các đại thần đồng lòng phò tá trị nước, cho nên trong khoảng 17 năm thiên hạ thái bình, an cư lạc nghiệp, xứng đáng là vua nhân từ”.
   3, Phải chăng Đinh Liệt là người bảo trợ thế lực phản nghịch Lạng Sơn vương vì những toan tính cá nhân?
   Đinh Liệt cùng anh ruột Đinh Lễ là cháu gọi Lê Thái Tổ là cậu, tham gia khởi nghĩa từ sớm và trở thành tướng giỏi của nghĩa quân Lam Sơn. Đinh Lễ hi sinh trong thời gian vây thành Đông Quan. Khi bình công Đinh Liệt được xếp hàng cao thượng huyện hầu. Đinh Liệt được vua Lê Thái Tông tin cậy giao cho việc tuyên lập thái tử, giao cho chức Thái phó (dạy thái tử). Sau khi vua Lê Thái Tông mất đột ngột ngày 4/8/1442, đến ngày 12/8/1442 Đinh Liệt lại cùng các đại thần Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ, Lê Bôi lập thái tử Bang Cơ nối ngôi. Như vậy trong hoàn cảnh lúc ấy Đinh Liệt đáng là chỗ dựa chính của thái hậu Nguyễn Thị Anh để ở ngôi tể tướng, nhưng thái hậu đã chọn Trịnh Khả. Bởi khi vua Lê Thái Tông còn tại vị đã tin cậy và dựa vào lòng chính trực của vị đại thần này để trừ bỏ quyền thần Lê Sát và sau đó là Lê Ngân. Ngay khi vua đưa Trịnh Khả vào nắm cấm quân Lê Sát đã biết khó toàn tính mạng. Việc thái hậu dựa vào Trịnh Khả là hoàn toàn sáng suốt. Hẳn vì điều đó mà Đinh Liệt sinh lòng oán hận, cư xử có khi không đúng mực trong triều nên ít lâu sau đã bị bắt giam. Oán hận chồng oán hận nên sau khi được phục hồi chức vị, Đinh Liệt đã có tác động làm cho thái hậu lệch hướng dẫn đến việc sát hại hai trụ cột Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục, từ đó nhờ có thế lực ngầm bảo trợ mà Lạng Sơn vương Nghi Dân đã dễ dàng giết vua Nhân Tông đoạt ngôi.
   Hành động tiếm ngôi của Lạng Sơn vương Nghi Dân phù hợp với sự lo xa của vua Lê Thái Tông khi cho rằng mẹ (Dương Thị Bí) không ra gì thì con tất cũng không ra gì nên phế ngôi thái tử khi còn nhỏ của Nghi Dân. ĐVSKTT viết: “Tháng 3/1441. Giáng Dương Thị Bí làm thứ dân. Trước đây Dương Thị Bí sinh con là Nghi Dân (tháng 10/1439). Vua lập làm thái tử (ngày 21/1/1440). Dương Thị Bí cậy thế càng lăng loàn kiêu căng. Vua vẫn nín nhịn bao dung, giáng xuống làm Chiêu nghi, muốn cho thị sửa bỏ lỗi lầm. Nhưng Dương Thị Bí lại càng hằn học trong lòng, không kiêng nể gì nữa. Vua cho là Dương Thị Bí đã cố tình như vậy thì con thị đẻ ra chưa chắc đã là người khá, mới giáng xuống làm người đàn bà thường, rồi xuống chiếu nói cho thiên hạ biết là ngôi thái tử chưa định”.


 
   4, Sự gian lận trong trích dẫn nguồn sử liệu chính thống trong các bài viết gần đây có tính xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ thái hậu Nguyễn Thị Anh với mục đích giật gân là ở chỗ cố tình bỏ đi chữ “ngụy viết” để khẳng định sử sách cũ tuy trích dẫn nguyên văn nhưng đã cho biết nguồn là sai trái. Đó là khi trích dẫn chiếu lên ngôi của Lạng Sơn vương một cách bất chính, phản nghịch. Thậm chí lời chiếu còn thể hiện Nghi Dân là kẻ loạn thần tặc tử rõ ràng khi cố tình viết ngược lại lời chiếu lập thái tử Bang Cơ của vua cha Lê Thái Tông. ĐVSKTT viết: 7/10/1459. Lạng Sơn vương Nghi Dân tự lập làm vua. Bài văn đại xá ngụy viết rằng: “Trẫm là con trưởng của Thái Tông Văn hoàng đế, trước đây đã được giữ ngôi chính ở Đông cung. Chẳng may tiên đế đi tuàn miền đông bỗng băng ở bên ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua, bắt trẫm làm phiên vương. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến cả thái úy Trịnh Khả và tư không Trịnh Khắc Phục, thái hậu bắt giết cả đi để diệt hết người nói ra. Cho nên từ đó đến giờ hạn hán sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện, đói kém tràn lan, trăm họ cùng khốn. Diên Ninh tự biết mình không phải là con của tiên đế, hơn nữa lòng người li tán nên ngày mồng 3 tháng 10 năm nay đã ra lệnh cho trẫm lên thay ngôi báu. Trẫm nhờ trời trông xuống, tổ tông phù hộ, cùng các vương, đại thần, các quan văn võ trong ngoài đồng lòng suy tôn, xin trẫm lên nối đại thống, hai ba lần khuyên mời, trẫm bất đắc dĩ đã lên ngôi vào ngày 7/10 năm nay, đổi niên hiệu là Thiệu Hưng”. Những tác giả viết bài giật gân bằng cách xuyên tạc lịch sử chủ yếu dựa vào lời chiếu của kẻ nghịch thần tặc tử này. Họ dựng đứng lên cuộc đấu tranh cung đình, thủ đoạn độc ác của hoàng phi Nguyễn Thị Anh. Trong khi lỗi của mẹ dẫn đến việc vua phế ngôi thái tử của con xảy ra vào tháng 3/1441, trước khi sinh hoàng tử Bang Cơ (9/5/1441), sau đó chính vua Thái Tông xuống chiếu lập hoàng tử Bang Cơ làm thái tử từ 6/11/1441, trước khi mất đột ngột gần 1 năm (4/8/1442). Việc thái tử Bang Cơ lên nối ngôi do các đại thần được ủy nhiệm phụ chính gồm ít nhất 5 người như ĐVSKTT đã dẫn (Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ, Lê Liệt, Lê Bôi). Vua Nhân Tông cũng không ra lệnh cho Nghi Dân lên ngôi thay mà bị Nghi Dân và một số tay chân bắc thang trèo tường thành đột nhập vào cung giết vua. Chính những đại thần tôn lập vua Nhân Tông lại là những người khởi binh đánh đổ Nghi Dân lập hoàng tử Tư Thành lên ngôi. Dựa vào lời lẽ phản nghịch “Diên Ninh tự biết mình không phải con của tiên đế” để dựng lên bài thơ nói lái mù mờ phải chăng người viết cũng là kẻ phản nghịch mà gieo rắc những nội dung phản nghịch của thời trước.
   Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ bị giết oan ở cái tội danh mưu giết vua. Tội này một phần là nỗi lo giữ ngôi từ thời Lê Thái Tổ truyền lại, còn cái chính là vua chết trong phòng Nguyễn Thị Lộ là sự thật. Nỗi oan này có thể thông cảm cho triều đình lúc đó vì vua đang vào thời khỏe mạnh sáng suốt trị nước, và cái chết của vua phải có ai đó chịu trách nhiệm. Nhưng dù bị hàm oan nhưng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ vẫn được nhân dân biết, cùng đau xót thay và sự bất tử của hai danh nhân vẫn sáng chói qua thời gian cùng non sông đất nước.

-------------------------

Viết nhân ngày giỗ 
Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ tháng 8/2012
Phạm Thuận Thành ĐT: 0168.5300.803
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét