Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

ĐỒNG VỌNG- THƠ ĐỒNG THỊ CHÚC/ LỜI BÌNH: VÂN LONG


Nhà thơ Đồng Thị Chúc

ĐỒNG VỌNG - 
THƠ 
ĐỒNG THỊ CHÚC
LỜI BÌNH CỦA  NHÀ THƠ
           VÂN LONG



Bài được in trong tập: 
35 bài thơ tình đặc sắc về người lính
NXB Thanh Niên Quý 3- 2008 
do ANH NGỌC và VÂN LONG biên tập          


 TỪ TRÁI
CÁC NHÀ VĂN, NHÀ THƠ:
VĂN GIÁ, ĐỒNG THỊ CHÚC, VÂN LONG
NGUYỄN TRỌNG TẠO, VÂN ĐÌNH HÙNG 
   
... Chính trong cuộc vui này, Đồng Thị Chúc bất ngờ, được NT Vân Long cho xem Lời bình bài thơ Đồng vọng từ bốn năm trước. Do anh Vân Long không có địa chỉ của Đồng Thị Chúc nên đành chịu. Nay, ĐTC gửi đến...  ĐTM trân trọng giới thiệu: 
     
 ĐỒNG  VỌNG
    
Hai người tình
Ngồi bên nhau

Hai mái đầu
Điểm bạc

Chiếc áo anh đang mang
Vương bụi thời trận mạc.

Chị thân hình khô xác
Nép bên bờ vai anh
Vẫn trong chiếc áo xanh
Bạc qua mùa chờ đợi.

Trăng soi từ vời vợi
Gió về từ xa xăm
Tiếng chim gì da diết
Hay từ quy thương xuân.

            Đ.T.C
                      

LỜI BÌNH:

Lớp trẻ đọc bài thơ này không khỏi ngỡ ngàng! Hai người tình ở tuổi này hẳn đã nên ông nên bà, đáng lẽ đang vui trong một mái ấm, có con, cháu đề huề !
Nhưng họ đã hiểu ra ngay

Chiếc áo anh đang mang
Vương bụi thời trận mạc
Chị thân hình khô xác
Nép bên bờ vai anh
Vẫn trong chiếc áo xanh
Bạc qua mùa chờ đợi.

   Đoạn thơ này đã gợi lên một hoàn cảnh khá điển hình trong chiến tranh. Có biết bao lứa đôi đang yêu nhau bỗng thành lỡ dở, vì chiến tranh đã cuốn tung họ đi như những chiếc lá, sớm rời khỏi sự phát triển tự nhiên của cây xanh . Những chàng trai cầm súng lên đường đến những nơi cần họ.. Những người còn lại,  không kể gái trai, mỗi người phải đảm trách một phần việc, một bộ phận nhỏ , là chiếc đinh ốc nhỏ gắn vào bộ máy khổng lồ , vừa cung ứng sản xuất hậu cần cho cuộc chiến, vừa lo nuôi dạy những đứa trẻ lớn lên để nối bước cha anh.
Đi bất cứ đâu khi Tổ Quốc cần là khẩu hiệu, phương châm hành động của lớp thanh niên thời điểm lịch sử ấy. Ngày đó chiến trường giải ra khắp đất nước. Mở một con đường ra mặt trận cũng tổn hao xương máu của các cô gái làm đường và bảo vệ con đường cho thông suốt dưới mưa bom, còn nói gì đến nơi trực tiếp đối mặt với quân thù!
May mà còn có lúc họ gặp lại nhau, nhớ lại một thời yêu đương hẳn cũng sôi nổi, vụng về tha thiết... Các nhà văn viết truyện sẽ tạo được bao nhiêu hoàn cảnh trớ trêu khác nhau trên cái nền chung ấy . Nhưng nhà thơ Đồng Thị Chúc thì vẫn giữ nguyên hậu quả tất yếu của tình yêu trong chiến tranh: Khi họ gặp nhau thì “Hai mái đầu/ Điểm bạc”
Tôn trọng sự kiệm lời của tác giả, tôi chỉ xin rọi ánh sáng vào đoạn kết bài thơ dùng cách nói tình. Cảnh này không hẳn trong hiện tại, mà như tái hiện, vang bóng từ một điểm xa xôi nào.
Bài thơ kết thúc mà tình thơ không dứt, nó cứ ngân vang nỗi sẻ chia thương cảm trong lòng người đọc:

Trăng soi từ vời vợi
Gió về từ xa xăm
Tiếng chim gì da diết
Hay từ quy thương xuân.

V.L


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét