Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

ĐỒNG CHIỀU- ĐỖ VINH/ PHẠM THUẬN THÀNH bình




ĐỒNG CHIỀU

thơ ĐỖ VINH

Lời bình của 

PHẠM THUẬN THÀNH


Cuối ngày đủng đỉnh
trâu về
cưỡi trâu
cưỡi cả con đê cỏ vàng
hai sừng
đã chạm cổng làng
bốn chân
bì bõm chưa sang khỏi chiều
cái đuôi
sau rốt vòng vèo
còn vung vẩy nốt
chút heo may đồng…
ĐV
(Tạp chí Thơ số 10/2012)
Lời bình:

Thoạt nhìn tưởng đây là bài thơ thể tự do nhưng đọc lên thì nhận ra ba cặp lục bát được bố trí lại thành khúc hát đồng dao. Đúng vậy, khúc hát đồng dao hát lên được, vừa cưỡi trâu về làng vừa hát nghêu ngao sảng khoái. Khúc hát này mang đậm phong cách dân gian, có nét hóm của câu chuyện tiếu lâm tả người trán dô lối thậm xưng “chân còn trong ngõ trán đã nhô khỏi làng”, lại có nét đồng dao tả con voi “cái vòi đi trước, cái đuôi đi sau rốt”. Lối nói thậm xưng đã được tác giả sử dụng tài tình để nâng bài thơ lên tầm cao khái quát, tầm cao của sự liên tưởng hiện thực thơ. Trước hết là hình ảnh “cưỡi con đê cỏ vàng”.
Cỏ đê đã chặt trong bụng trâu nên cưỡi trâu chính là cưỡi cả con đê cỏ. Còn màu vàng cỏ đê ngoài thực hẳn cũng là màu cỏ trong bụng trâu. Màu vàng này nhấn mạnh buổi chiều tà mà từ đầu đã được nhắc đến là thời khắc “cuối ngày”. Màu vàng cỏ đê trong bụng trâu dường như làm cho ánh ngày còn kéo dài khác thường. Bên trong cổng làng có bóng tre trùm khiến ánh ngày đã sậm lại, tối dần. Nhưng khi trâu về đến làng thì buổi tà dương lại ngân lên sáng sủa khiến cho “bốn chân bì bõm chưa sang khỏi chiều”. Bên này là nhá nhem tối, bên kia hãy còn là tà dương. Ranh giới chỉ là con trâu. Thế nhưng con trâu làm nên ranh giới sáng tối ấy không còn là khoảng cách chiều dài thân trâu nữa, mà đó là khoảng cách của thời gian vô tận. Vì thế hỉnh ảnh cánh sừng con trâu chạm cổng làng nó cũng to rộng chiếm lĩnh khoảng không gian khác thường tương ứng với khoảng cách thời gian ấy. Cuối cùng là cái đuôi “sau rốt”. Nhưng không như cái đuôi con voi chỉ là thứ tự di chuyển sau cùng của con vật thông thường. Con trâu hiện thực trong bài thơ đã khác thường từ cánh sừng, bốn chân, cái bụng cỏ tất cái đuôi cũng khác thường chứ nhỉ. Đúng thế. Cái đuôi làm nhiệm vụ cuối cùng là làm sạch “heo may đồng” nhuốm đầy mình trâu suốt buổi chiều ngoài đê gặm cỏ. Làm sạch để về chuồng ngơi nghỉ. Và cái đuôi ấy còn cho bạn đọc biết đây là buổi chiều mùa thu, trời trong, nắng vàng rực rỡ, không khí cuối ngày do có heo may nên đã hơi se se lạnh. Tuy nhiên, khi vào trong cổng làng nhờ có cây cối che chắn mà khí trời ấm hơn ngoài đồng. Khi cái đuôi sau rốt vào qua cổng làng cũng là lúc khí trời heo may đã bị vẩy văng ra khỏi mình con trâu rồi. Một lần nữa ta lại thấy con trâu có kích cỡ khác thường qua những hình ảnh vừa thông thường vừa khác thường qua câu chữ của thơ. 

 
Thông qua việc mô tả bước di chuyển về làng của con trâu mà tác giả Đỗ Vinh đã vẽ nên bức tranh quê “đồng chiều” vừa rộng lớn, vừa hình ảnh, vừa màu sắc, vừa âm thanh, vừa thanh bình. Đọc thơ mà thấy ấm lòng, nhẹ nhõm, an bình và thêm yêu quê hương bội phần. Và tuy bài thơ không nhắc đến trẻ mục đồng nhưng do cách bố trí câu chữ thành bài hát đồng dao mà ta vẫn nhận ra hình ảnh trẻ mục đồng phảng phất đang cưỡi trên lưng trâu nghêu ngao khúc hát “đồng chiều”. Và do con trâu có kích cỡ khác thường mà trẻ mục đồng cũng có kích cỡ khác thường, dường như chìm vào mây vào nắng vậy.

PTT
Thường Vũ- An Bình- Thuận Thành, BN.
02413.782.355 – 0168.5300.803

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét