Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

CHUYỆN MA / CHU NGỌC PHAN








Chuyện ma

Rút từ tập sách

TIÊN LỤC

NGHÌN NĂM HƯƠNG DÃ
 Biên khảo của  CHU NGỌC PHAN  

NXB Văn hóa Dân tộc 2012 
 





BÌA
TIÊN LỤC NGHÌN NĂM HƯƠNG DÃ



 Làng Tiên Lục trước năm 1945 là nơi có nhiều chuyện ma tà, mỗi khi được nghe kể lại thì ai cũng tin, cũng sợ. Đó là những chuyện thật như bịa, dân làng đều được chứng kiến, được biết và được kể lại cho thế hệ sau mình.
- Chuyện ma trơi : Làng tôi thời đó vẫn còn nhiều khu rừng rậm huyền bí. Xóm làng um tùm những luỹ tre và cây cao bóng cả. Nhà dân phần lớn lợp rạ, tường đất. Dân cư thưa thớt, đồng điền lan man hút tắp, nhiều khi vắng lặng đến rợn người. Đặc biệt những đêm không trăng mưa dầm, đất trời giống như khối mực đen đè chặt lên cuộc sống người dân. Vào những đêm như thế, vẫn có những lão nông cả gan thầm rủ nhau “tối nay rình xem ma trơi nhé!”
      Phải “rình xem”vì ma trơi tinh lắm. Nếu chỗ xem không kín đáo bí mật chúng sẽ biết ngay và biến mất. Giống này đặc biệt không ưa gần cận loài người. Một đêm tôi được cùng cha xem ma trơi qua một khe cửa khép hờ, cách nơi tốp ma trơi đang nô rỡn khoảng 1km. Những lần trước, cha tôi thường xem một mình hoặc thêm một ông bạn. Sáng ra nghe các cụ chuyện về “ma trơi tối qua đông quá”, tôi nửa tin nửa ngờ, nhưng cũng thấy sợ. Vào một đêm tháng 2 năm 1957 khoảng 24 giờ, tôi được cha tôi lay dậy. “Dậy! dậy!”- Cụ kéo tay tôi. Tôi bừng tỉnh, nhỏm dậy mắt dại như kẻ mất hồn. Nhà tôi ở trại, tôi lại ngủ trên gác 2 nên tầm nhìn thật thoải mái, rõ hết cỡ về phía mênh mông đêm tối. Tim tôi tức khắc đập rất mạnh. Qua khe cửa sổ, tôi nhìn ra đồng Ngoẹn, đồng Đô, Mã Vượn...Cha tôi ra hiệu phải thật khẽ khàng, tĩnh lặng. Kia rồi, ma trơi xuất hiện. Từ hai bãi mả cách nhau một cây số...Trên bãi mả đồng Ngoẹn, một rồi hai ba đốm sáng xanh lét xuất hiện. Chúng lên khỏi mặt đất bay lơ ngơ, lúc nhập một, lúc tách hai rập rờn. Cùng lúc đó, phía bãi mả Mã Vượn cũng xuất hiện hai, ba đốm sáng xanh đục rập rờn nhảy múa. Thú thực, lúc đó tôi sợ quá chỉ muốn nằm xuống trùm chăn. Nhưng cha tôi bắt phải xem tiếp để biết thế nào là ma trơi. Tôi thấy hai tốp đốm xanh từ hai nơi đang di chuyển về phía nhau. Vừa đi, chúng vừa múa may tung tảy. Hai tốp ma trơi gặp nhau ở trên một cái ao giữa đồng. Chúng nhập vào nhau như có vẻ quen thân, vui mừng lắm. Những đốm sáng quấn quýt, nhào lộn với nhau như một điệu múa tưng bừng loạn xạ. Lúc ấy đêm tối tĩnh lặng lắm, tưởng như tất cả đang mê man trong giấc ngủ sâu đằm. Một lát sau năm, sáu đốm sáng đang nô rỡn bỗng chia tách thành hai tốp, chúng lưu luyến tựa như chào nhau rồi lại rập rờn bay về nơi xuất phát. Khi tới bãi mả, mỗi tốp còn cùng nhau nhảy múa một lúc lâu mới phụt tắt. Sau lần được xem ma trơi ấy, đã buộc tôi phải suy nghĩ rất nhiều về một thế giới cõi âm mà ít người được biết. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi, không biết tại sao lũ ma trơi đó lại đố kỵ với loài người như vậy. Và vì sao cả hai bên đều sợ nhau, luôn phải xa nhau như thế.





NT CHU NGỌC PHAN
TÁC GIẢ "TIÊN LỤC NGHÌN NĂM HƯƠNG DÃ"

      Dân làng tôi hồi đó nhiều người được nhìn thấy ma trơi, họ đều tin có một thế giới ma quỉ, đó là thế giới những linh hồn con người sau khi đã chết. Nếu như vậy thì có gì phải sợ, mà phải xa nhau. Sau này tôi được nghe sự giải thích hiện tượng ma trơi theo kiến thức khoa học, nhưng trong tôi vẫn chập chờn những suy nghĩ chưa hẳn đã yên tâm, tin tưởng.
-Chuyên ma ném: Ở xã Tiên Lục trước năm 1950 có một vài lô đất có hiện tượng ma ném. Đó là đất cụ Cò Bèo, cụ Bồng Cầu xóm Chùa, đất cụ Hội Nguyên xóm Ngoẹn. Ông Hoàng Viết Phúc kể lại: Đất cụ Bèo, cụ Bồng có dạo liên tục bị ma đáp. Thường là vào mùa hè khoảng 9,10 giờ tối, tự nhiên sỏi, đá từ đâu văng vào sân thềm như có người ném. Nhất là những đêm có trăng, trời oi bức thì hiện tượng này hay tái diễn.
     Ông Phúc còn kể: Lúc đầu thấy lạ, một số các cụ cứng bóng vía rủ nhau đi rình ma ném xem sao. Các cụ: Lượng, Ái, Bồng, Bộ, Xuân... các ông: Khắc, Tài...đã bàn nhau bố trí phục kích, quyết tâm tìm cho ra thủ phạm. Hè năm đó, ma ném nhiều lắm. Một hôm, cụ Bồng được cử bí mật trèo lên mái gianh nhà cụ Bèo nằm phục từ chập tối. Cụ Lượng cùng chủ nhà trải chiếu ngồi nói chuyện trên sân. Mãi đến 10 giờ đêm, đã tưởng hôm ấy ma đi vắng không ném, thì bỗng có tiếng “cạch” ở góc sân. Một mảnh ngói vỡ bằng hai ngón tay không biết từ đâu ném tới. Cụ Bồng trên mái nhà thấy động, ngóc đầu lên nhìn tứ phía. Trời sáng trăng, nếu có người ném hẳn phải nhìn thấy. Lại “cạch” mấy nhát sỏi, mảnh ngói ném vào liếp, vào thềm nhà. Nhưng tuyệt nhiên không có viên nào ném vào người, vào chiếu. Cụ Lượng cứng vía nhất, cầm đèn chai soi tìm một viên sỏi ma vừa ném rồi lấy vôi đánh dấu. Cụ quát to: “ Nếu là ma thì hãy ném vào ta viên sỏi này”. Nói xong cụ vung tay ném viên sỏi đánh dấu vôi ra luỹ tre bờ ao. Viên sỏi văng vào thân tre lách cách, rồi rơi tõm xuống ao. Không phải chờ lâu, khi cụ Lượng chưa kịp uống cạn tách trà, thì bỗng giật bắn mình khi chính viên sỏi có dấu vôi trắng đã ném trúng lưng cụ. Thế là cuộc rình ma đáp thất bại. Cụ Bồng trên mái nhà trụt xuống kêu không nhìn thấy một bóng người nào qua lại. Cụ Bèo đành vào nhà mang chai rượu ra hầu các cụ uống suông vài chén rồi giải tán. Sớm hôm sau ngủ dậy, cụ Bèo thấy sân nhà đầy sỏi, ngói vỡ, gạch vỡ, có đến hàng trăm mảnh, trong đó còn thấy cả viên ngói vỡ có dấu vôi trắng hôm qua.
      Đất ông Hội Nguyên trên ngõ Hớm, xóm Ngoẹn cũng hay có ma đáp như vậy. Các cụ quan sát và đúc kết rằng: Cứ trở trời, sắp mưa, sắp bão hay sắp rét thì ở đây thường có ma ném. Không biết sỏi đá từ đâu cứ ném vào mấy vườn hoang liên tục suốt đêm. Bà cụ Dinh nhà ở gần đó, cứ hôm nào thấy có ma đáp thì sáng hôm sau cụ lại đi khắp xóm thông báo rằng đêm qua ma đáp, lại sắp mưa sắp bão gì đó, có thóc có sắn thì phơi đi, không lại mốc...
Chuyện ma giấu: Cụ Chỉnh xóm Ngoẹn lúc tuổi thanh niên rất sợ ma. Ban đêm cụ không dám một mình đi đâu xa. Cụ nói với mọi người:“Tôi ngủ mơ thấy làng mình ma đông lắm. Ma có ở khắp đồng làng. Nhưng thiêng nhất là ma ở Gốc Đề, Dốc Miễu, cây đa Ngõ Cầu, cây gáo Nháng, cây đa Bái, cây Hồng Phác...Những con ma ấy tôi hay gặp trong giấc mơ, phần lớn là ma đói. Ma cũng giống như người dở, không thấy mở mồm nói bao giờ, nhưng phần nhiều là dữ tợn, hay gây sự và thù vặt với con người.








      Một lần vào năm 1938, trời đã tối mịt mà chưa thấy cụ Chỉnh đi ăn cỗ về. Cụ bà biết tính chồng, không bao giờ cụ đi đâu về tối, liền xua bọn người ở và con cháu đi tìm cụ. Cụ đi ăn cỗ bên xóm Ngoài, hay lại say rượu không về được. Cụ bà cử ngay người sang xóm Ngoài hỏi xem sao. Nhưng chủ nhà bảo ông đã về từ  chập tối. Tình hình hoá căng thẳng. Hàng chục bó đuốc được đốt lên đi soi khắp các đường ngang ngõ tắt, bến ao...nhưng vẫn không tìm thấy cụ. Anh em, họ hàng đã kéo đến đầy nhà xôn xao đoán già đoán non rằng ông ấy hay đến nhà bà May, nhà ông Xổn...Lại cử người đi tìm, lại không thấy. Đêm đã khuya rồi, cụ Chỉnh bà kêu gào, khóc lóc chu chéo gọi chồng. Thì bỗng có tiếng hét to ngoài đường, rằng có tiếng người rên ngoài Vườn Rậm. Thế là đuốc, thế là rình rịch đoàn người lại đổ về Vườn Rậm. Một người kêu to: “Đôi guốc cụ đây rồi!”. Hàng chục cây đuốc cháy rừng rực bổ nhào vào Vườn Rậm, nhưng không nghe thấy động tĩnh gì. Mọi người đứng ngẩn ra một lúc thì bỗng có tiếng rên hừ...hừ...phát ra từ trong bụi tre. Đuốc lại quây soi thì thấy cụ Chỉnh đang ngồi xổm trong giữa một bụi tre to với hàng chục gốc tre gai xít dầy, ken chặt. Tiếng khóc xen lẫn tiếng cười, tiếng reo hò ồn ào huyên náo. Không biết cụ Chỉnh đã chui vào bụi tre bằng cách nào. Phải khoảng nửa tiếng đồng hồ, hai tay dao sắc ra sức phạt gai mới mở được lối cho cụ Chỉnh chui ra. Sau vụ ma giấu, cụ lăn ra ốm mất mấy tháng trời. Hỏi cụ tại sao lại chui vào bụi tre hôm ấy, cụ chỉ trả lời qua quít, hình như cụ không muốn nói ra sự thật.
       Lại một lần vào năm 1940 đi ăn cỗ làng Gai về muộn, cụ Chỉnh cũng bị một vố sợ đến vỡ mật. Vốn luôn lo tối, cụ đã phải đi sớm, ăn sớm, về sớm. Nhưng tránh cũng không khỏi “ma”, cụ vừa dắt xe đạp ra về thì bỗng thấy sâm tối mặt, hai vai nặng như chì, cụ lên xe cắm đầu cố đạp. Đi mãi, đi mãi lên đến tận Khoát Dã cụ mới đưa mắt nhìn thì hoá ra đi ngược đường. Cụ vội vàng quay ngoắt xe, đạp xuôi về Tiên Lục. Thì lại khổ vì cái tội “tuột xích”. Cứ một đoạn đường lại “tuột”, lại dừng xe, lên xe. Đã thế trời lại tối nhanh như mất cắp.Về tới cây đa dốc Đồng Anh trời tối mịt, không còn nhìn thấy đường cái. Bất thình lình cụ phát hiện phía sau mình hình như có người. Cụ đằng hắng: “Ai đấy?”.Không có tiếng trả lời. Cụ run quá khiến tay lái xe cứ quặt vòng, không thể điều khiển được. Nhưng phía sau cụ quả là có “ai đó” thật, nghe lào xào như tiếng gió. Lập tức xuất hiện ngay một bóng sáng trắng đục màu sữa to bằng nắm tay, đang từ từ tiến đến phía cụ. Không còn tí hồn vía nào, cụ cố dắt xe chạy thục mạng xuôi dốc. Cụ kịp nhìn thấy cái bóng xanh đã đến rất gần, không phải đèn, đuốc, không có bóng người...Biết là ma đuổi, cụ càng sợ. Cụ cố chạy nhanh nhưng cái chân cứ díu lại. Chạy hết dốc, cái bóng xanh rẽ xuống cánh đồng, lừ lừ bay trên mặt ruộng nước rồi vút thẳng đến bãi mả Vườn Châm. Về đến nhà, cụ Chỉnh nằm vật ra giường ngất xỉu. Cụ bà lấy dầu gió xoa cho chồng, mới phát hiện cái quần the đen của cụ ướt đẫm nước giải...
      Cũng như lần bị ma giấu, sau đận này phải đến nửa tháng sau cụ Chỉnh mới dám kể chuyện cho vợ con nghe. Cụ sợ nói ngay ma sẽ thù,“lại theo mình, hành mình mãi thì chết!”Sau này, cụ Chỉnh đã trúng ba khoá lý trưởng làng Tiên Lục(9 năm), cũng thuộc diện cứng cỏi trong giới cầm quyền hàng xã. Nhưng chẳng ai ngờ, cụ lại là người rất sợ ma, và đã hai lần bị ma “bắt nạt”như vậy.
Án cửa đình Cây Dã Trước cửa đình Cây Dã (Viễn Sơn đình) thẳng hướng cửa đình khoảng 70m, có một ụ đất lớn, phía trên trồng một bụi tre to quanh năm xanh tốt. Đó là ụ án cửa đình, được dân làng bên Giáp Đông đắp lên từ xa xưa.
     Sau năm1954, có thời gian bụi tre trên ụ bị dân chặt hết. Ụ đất cũng bị dân vạc bớt để tăng diện tích canh tác. Trước cửa đình chỉ còn mô đất thấp, khiến cửa đình nhìn thẳng vào khu dân cư xóm Chùa. Cũng thời gian này xóm Chùa đã xảy ra một hiện tượng lạ, nhà dân tự nhiên bốc cháy liên tục mà không rõ nguyên nhân.
     Tôi còn nhớ rõ, một hôm đang nửa đêm có tiếng kêu cứu thất thanh cùng tiếng kẻng ngũ liên loạn xạ. Chạy ra sân thấy ngọn lửa đỏ rực bốc lên phía giữa xóm. Cháy nhà! Cháy nhà! Tôi lao ra đường, chạy đến chỗ đám cháy thì căn nhà bếp ông Vu đã cháy rụi. Cả xóm cùng xô đến cứu chữa nhưng đành bó tay vì các ao xung quanh đã cạn nhẵn nước. Nhà ông Vu cháy lần này là lần thứ hai cũng chính ngôi nhà này. Cho đến nay, chủ nhà cũng không biết vì sao nhà mình cháy, vẫn nghi là có kẻ nào đó do thù hằn mà lén đốt.
      Ông Hoàng Viết Phúc xóm Ngoẹn kể: Ở xóm Chùa có thời gian cháy nhà liên tục. Nhà ông Cò Bèo bốn lần cháy, cháy cả ban ngày lẫn ban đêm mà không rõ lý do. Dân quân và công an xã vừa mật phục, vừa điều tra nhưng chẳng có kết quả gì. Xóm thôn xôn xao lo lắng. Nhiều người đi xem bói. Các cụ cao tuổi thì khẳng định "một trăm phần trăm” tại án cửa đình bị phá, dân xóm Chùa sinh hoạt bừa bãi dơ bẩn nên bị thần phạt.
      Thôi thì “có bệnh phải vái tứ phương”, các cụ liền hô hào con cháu mang cuốc xẻng ra đắp lại án cửa đình, trồng tre lại cẩn thận tươm tất. Nhân ngày rằm liền đó, các cụ xóm Chùa sắm lễ tạ cúng đình, kêu cầu Thần linh xá tội. Cũng lạ từ đó về sau không xảy ra đám cháy nhà nào nữa. Các hộ dân xóm Chùa từ đó làm ăn cũng dễ dàng, con người con của cũng tươi tắn, hưng thịnh hơn trước. Cũng từ đó về sau không một ai dám đụng tới ụ cây án cửa đình dù chỉ là một cành cây mớ cỏ. Những đồi rừng bạch đàn của HTX còn phải cử người trông coi ngày đêm, chứ bụi tre án cửa đình thì tuyệt đối an toàn, cứ yên tâm không lo sơ sảy một mảy may.
      Lại một chuyện lạ sảy ra năm 1968. Bà Vỹ xóm Ngoẹn nghe ai  nói làng muốn bán tre mọc trên án đình liền đến xem hỏi mua. Bà đi xung quanh ụ án, thấy bụi tre to lắm đã mừng, bụng bảo dạ sẽ liên hệ với trưởng xóm mua cả bụi tre. Nhưng bà vừa dắt xe đạp lên đường, đi được một đoạn thì tự nhiên bị ngã đau lắm, phải dưỡng thương một tháng mới khỏi. Từ đó không ai còn dám đụng đến án cửa đình  Viễn Sơn nữa. Năm 2009, làng nhắn lời cho thôn Chùa ngả tre trên án đình để làm quỹ chung, nhưng cũng không ai dám chặt, mặc dù trên ụ án còn có vài cây ruối, cây dã hương rất bắt mắt với cánh chơi cây cảnh, có thể bán được tiền triệu ngay. Anh Nguyễn Đình Hùng, người thôn Chùa có ý định cung tiến 7 triệu đồng để thôn xây gạch bó quanh ụ án cho đẹp, nhưng cuối cùng cũng không cánh thợ nào dám nhận làm, sợ động tới Thần đình.
Thầy phù thuỷ cao tay Các cụ cao niên kể lại, hồi đầu thế kỷ XX, tại xóm Chùa, xã Tiên Lục có ông thầy cúng Trần Văn Thuật, nổi tiếng là thày phù thuỷ cao tay. Ngoài việc cúng bái thông thường, ông còn có môn phép biến hoá khá kỳ lạ. Có lần ông qua chợ Tân Quang gặp một cô gái xách một chiếc thủ lợn to vừa mua trong chợ. Ông liền hoá phép trêu cô gái, biến chiếc thủ lợn thành hòn đất sét to xụ. Cô gái mất của kêu khóc ầm ĩ, quẳng hòn đất xuống ao. Lúc sau ông gọi cô gái, bảo cô xuống bến ao mà mò thủ lợn. Cô nửa tin nửa ngờ nhưng cũng bước xuống bến ao thì thấy thủ lợn thật. Cô gái phục tài ông Thuật, từ đó nếu có việc cúng bái, cô đều mời ông Thuật làm lễ chứ không bảo thầy khác.
      Lại một hôm ông Thuật đi qua một thửa ruộng có hai cô con gái đang cấy. Lúc đó khoảng tám giờ sáng, ông Thuật hỏi hai cô: Mấy giờ thì hai nàng cấy xong? Một cô nhìn ruộng, chỉ còn một vùng bằng ba cái nong chưa cấy, liền trả lời: Chỉ chục phút nữa là xong! Ông Thuật bảo: Đúng 12 giờ trưa mới cấy xong! Nói rồi ông đi lững thững về làng. Khoảng vài phút sau bỗng xuất hiện một con cá to trên ruộng, chạy ré nước lao vào chân hai cô. Con cá to bằng cái quạt nan bơi hở vây lưng vàng choé. Cá chép! Cá chép! Một cô reo lên. Cô kia thì nhao người vồ cá. Nhưng lần nào hai cô cũng vồ hụt. Cứ mải đuổi cá mãi, mặt trời tới đỉnh đầu lúc nào mà hai cô không biết. Bỗng ông Thuật xuất hiện ở đầu bờ reo to: 12 giờ trưa rồi, hai nàng cấy xong chưa? Lúc ấy hai cô thợ cấy mới biết lão thầy cúng hoá phép trêu mình. Con cá chép ban nãy giờ cũng mất tích. Từ đó tiếng tăm Thầy Thuật “phù thuỷ cao tay”càng được loang xa trong thiên hạ.
     Ông Hoàng Viết Phúc kể tiếp, ông Thuật đã yểm bùa, làm một cô gái con nhà giàu nổi tiếng “đanh đá cá cày” trong làng sau phải khiếp sợ mà thay đổi tính nết. Cô này có bài chửi ngoa ngoắt, sâu cay tục tĩu đến ghê người. Cô được bố mẹ chuyên sai đi đòi nợ. Nợ không đòi được cô ta liền dở bài chửi, gây nhiều bức xúc, tủi nhục trong dân. Được tin, thầy Thuật đã yểm một đạo bùa “Phân tâm liệt vía”khiến cô ta chỉ thích vào ngồi trong nhà xí. Cô tự nhiên không còn thiết tha đi đòi nợ, bỏ hết các công việc trong nhà. Suốt ngày cô ta vào ngồi trong một hố xí bẩn nhất giữa xóm. Dư luận cô gái nhà giàu nọ tự nhiên hoá điên loang khắp trong
vùng, ai nghe tin cũng hả lòng hả dạ. Lão nhà giàu đã đón nhiều các thầy cúng, pháp sư các nơi về  bắt ma cho con mình, nhưng đều vô hiệu. Cuối cùng lão đành phải mời đến  thầy Thuật. Thày nhận lời, nhưng yêu cầu lão phải lập một đàn chay lớn tốn kém đến bạc triệu ông mới chịu đến cúng. Lễ cúng kéo dài ba ngày ba đêm. Đến ngày thứ ba, thày bắt lão phải làm bản cam kết từ nay không được để cho đứa con gái lão chửi bới, lăng nhục dân làng nữa. Thầy Thuật đã giải bùa cho cô gái. Cũng từ đó những con nợ nghèo trong vùng đã thoát khỏi nạn bị chửi rủa của đứa con gái nhà giàu tàn ác nọ. 
      Ông Hoàng Viết Phúc còn kể: Mỗi tháng một lần, thầy Thuật phải ra bãi mả lấy quân. Ông nấu cháo hoa, rang bỏng nổ, lấy lá mít làm bát, que rào làm đũa cúng các vong hồn “tân binh phù hộ cho pháp sư trấn áp ma tà...” Đến cuối đời ông Thuật sa sút kinh tế, không còn tiền sắm lễ khao quân, bị âm binh làm phản. Ông thân cô thế cô, chết trong nghèo khó. Hiện đất của ông ở xóm Chùa( cạnh nhà ông Hưng) không có người ở, cũng không ai dám đến hỏi mua hoặc xin ở nhờ. Căn vườn vẫn bỏ hoang, gợi nhớ về một thời xưa cũ...








Chuyện mồ mả


   Ông Chu Văn Hùng năm ấy 40 tuổi, tự nhiên hai mắt bị mờ dần. Lúc đầu nhìn mọi vật như bị sương khói che phủ. Càng ngày bệnh càng nặng. Một tháng sau, cả hai mắt ông mờ tịt, không còn nhìn thấy gì. Trước mắt ông, ban đêm thì đen như mực, ban ngày thì trắng đục như sữa. Ông Hùng và cả nhà rất lo lắng. Thằng con đưa ông đi khám xét, đến mấy bệnh viện, bác sĩ đều kết luận mắt ông bình thường. Ông lo âu nghĩ ngợi nhiều lắm. Một hôm ông bảo bà nhà đến cô đồng Dung xem bói, lòng tự nhủ may ra có thể tìm ra căn cớ gì chăng. Sau khi gieo quẻ, cô Dung nói ngay: Ông về xem ngôi mộ bà cụ thân sinh ở Mã Vượn, mộ đang động đấy. Việc chuyển mộ cụ được tiến hành ngay mấy ngày sau đó. Thì quả nhiên, khi mở nắp tiểu ra đã thấy có nhiều rễ cây trắng nõn ăn vào xương cụ, trong đó có mấy sợi xuyên qua hốc mắt. Mộ cụ được chuyển sang nơi khác. Rất lạ là mắt ông Hùng từ đó cũng sáng dần ra, chỉ vài tuần sau mắt ông lại nhìn rõ bình thường như trước. Hiện nay ông đã 75 tuổi, mắt ông không đeo kính mà vẫn còn xâu kim được.
- Ông Chu Văn Kính một đêm mơ thấy vong linh cụ ông thân sinh(cụ Cố) hiện về đứng ngay đầu giường, quần áo ướt lướt thướt. Sau cơn mơ, ông nghĩ ngay phần mộ cụ đang gặp vấn đề gì. Ngay sớm hôm sau, ông cho gọi anh em đến để bàn việc sang cát mộ cho cụ. Mọi người trong gia đình đều nhất trí và tiến hành công việc ngay.
      Khi bật nắp quan tài cụ, mọi người đều kinh ngạc khi thấy bên trong đầy ắp những nước, thứ nước trong lắng, còn nhìn rõ bộ xương cụ chìm phía dưới. Mẹ tôi và các bà bá, bà thím cùng khóc ầm lên vì thương cha. Hoá ra, cỗ quan tài cụ ngày ấy được đóng bằng gỗ tốt, lại sơn ngoài nên nước không thoát được. Mộ cụ được sang cát, ông Kính tự thấy trong người an nhiên thoải mái, tính tình vui vẻ hẳn ra.
Đất thiêng: Tiên Lục nổi tiếng là vùng đất thiêng. Tôi sinh ra và lớn lên trong không gian làng với bao nhiêu câu chuyện ly kì rằng đất Tiên quê tôi được Thánh che Phật chở, nên gặp nhiều may mắn. Tôi ngẫm ra cũng thấy đúng, rồi đâm ra tín ngưỡng thật sự.
- Chuyện thứ nhất là, đất nước ta hàng trăm năm nay từng có nhiều giặc dã xâm lược, như giặc Tàu, Pháp, Nhật, Mỹ...nhưng chỉ có một lần duy nhất là giặc Pháp đặt chân lên đất Tiên Lục quê tôi. Đó là vào năm 1937, thời cụ Phác làm lý trưởng, quân đội Pháp hành quân dã ngoại (Câu lơn) có đóng lại Tiên Lục 3 ngày. Chúng đóng quân ở chùa, hai đình, vườn Châm, đồi Từ và một vài xóm.
     Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Tiên Lục cũng là nơi nhà nước ta sơ tán nhiều cơ quan, kho tàng quan trọng. Như kho đạn ở đình Cây Dã, trạm xá dã chiến ở đình Cây Bàng, Ty Giáo dục và nhiều trường học từ tỉnh sơ tán về...Một trận địa pháo và tên lửa phòng không liên tục đóng quân trên đất làng quê tôi suốt thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Nhưng tâm lý người dân Tiên Lục đặc biệt chưa bao giờ tự thấy lo sợ khi nghĩ rằng giặc có thể ập đến càn quét hay bắn phá. Mà thực tế đúng như vậy. Suốt mấy chục năm chiến tranh ác liệt, Tiên Lục ít bị địch nhòm ngó tới. Có chăng chỉ bị bắn phá sơ sơ, không đáng kể:
- Lần 1: Vào ngày 4-4 âm lịch năm 1949, máy bay Pháp ném bom xuống Vườn Mai nơi bộ đội ta đóng quân, nhưng rất may đơn vị vừa chuyển đi nơi khác. Trận bom làm chết 4 người dân ( Bà Núi già, con trai, cháu bà Núi và ông Tin Tỵ)
- Lần 2: Tháng 10 âm lịch năm 1949, một chiếc máy bay Pháp xả súng bắn xuống chợ Chùa, nhưng chỉ làm chết một người bán hàng rong từ xã khác đến.
- Thời chống Mỹ, duy nhất một lần máy bay Mỹ ném vài quả bom tạ xuống dốc Cầu Lăm, nhưng thiệt hại không đáng kể (một người bị thương).
     Hoà bình lập lại, làng xóm, đình chùa quê tôi vẫn nguyên vẹn. Tiếng trống đình, chuông chùa làng Tiên Lục lại buông hồi ngân vang trầm ấm. Cụ Cộng năm 2007, thọ 83 tuổi có lần đã tâm sự với tôi: Đất mình nghèo nhưng bù lại được Thần Phật và 6 vị Thành hoàng thiêng liêng phù giúp nên bao năm chiến tranh ác liệt, vẫn cứ bình yên vô sự. Tôi tán đồng ý cụ mà rằng: Cháu dù xa quê nhưng cũng được “Hồn quê” linh ứng luôn phù hộ độ trì nên nhiều phen lâm nguy mà vẫn tai qua nạn khỏi. Hai ông cháu cùng cười vui ngây ngất...

                                                                                                               6/5/2011


                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét