Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

LỐI GIÓ- THƠ NGUYỄN ĐƯƠNG

         

TÁC GIẢ: NGUYỄN ĐƯƠNG 



LỐI GIÓ 
 tập thơ của
NGUYỄN ĐƯƠNG
Nxb Văn học- 2012

   

 

 BÌA TẬP THƠ LỐI GIÓ

    

Chùm thơ rút từ 
LỐI GIÓ









Chớp bể…

Mưa nguồn tôi vẫn chưa qua
Ngoài kia chớp bể bão xa rập rình
Trên cao nhật nguyệt vô tình
Em đi nhặt miếng thanh bình hoàng hôn
  

Mưa dai

 Tưởng là tránh được mưa dai
Theo em lại gặp mưa dài, buồn hơn
Hết vượt núi lại trèo non
Bánh xe vô định có tròn giấc mơ
                                 Thu 2010

       Phận đèn


Phận đèn phấp phỏng đêm giông
Ra ngõ vấp gió ,ra sông lạc đò
Cạn dầu tim cháy thành tro
Những mong sáng cả đôi bờ nhân gian


 Đưa cháu đến lớp

Cháu như chim sáo non tơ
Kéo tay cháu dắt tuổi thơ ông về

Cháu vào lớp học thương ghê
Bước đi lẫm chẫm mắt nhòe “ Chào ông”

Lối về phượng đỏ rưng rưng
Để ông ngẫm ngợi con đường… xa xăm…

                                                   2004
   



       Yên Tử


Mây mải lội thung sâu
Trời xanh ngắt trên đầu
Người đến
                 bạn cùng
                                mây trắng
Hạt bụi trần
                 vương áo
                               cũng pha lê
 Phiến đá huyền vi
                            giải thoát cơn mê
Ngàn năm sau
                         còn đến
Cây đại già
              thơm hoa trắng
                                        người về
Tình yêu người đã chọn non Yên
Tiếng hổ xưa gầm nay đã tắt
Đường trúc ve ngân dẫn dắt
Một chốn khai minh- Một cõi thiền


TÁC GIẢ NGUYỄN ĐƯƠNG

  VỚI LỐI GIÓ  
             

                                                              
                                                                 LỜI BẠT:  DUY PHI 
                                                                       
      Kỹ sư Nguyễn Đương với tôi trở nên gần gũi, thân thiết. Đó là một duyên may. Cùng sống trong thành phố bên sông Thương. Anh khá thạo tiếng Anh, Pháp, Nga, giỏi internet… Kỳ lạ, anh hơn tôi mấy tuổi mà rất khiêm nhường, nhuần nhã, có chút nữ tính. Thì ra, mọi sự đều có nguồn gốc. Quê anh ở Quảng Ngọc, Quảng Xương, Thanh Hoá, nhưng anh ra đời tại Cầu Giấy - Hà Nội, ở đó đến bảy, tám tuổi. Thuở nhỏ nhà nghèo. Có thời gian, anh được một thầy giáo nuôi cho học, có lúc phải đi làm gia sư kiếm sống, vừa học vừa dạy. Niềm yêu văn chương nghệ thuật của anh được phát lộ, bồi đắp từ hồi 16, 17 tuổi, hồi anh học ở trường Hoài Văn (tiền thân của trường Huỳnh Thúc Kháng), do mấy thầy giáo trong Huế sơ tán, tạo lập, giảng dạy. Nguyễn Đương học giỏi, thường đạt điểm cao nhất lớp. Trong số các thầy, có thầy Trần Thanh Địch, một nhà thơ, từng ra các tập thơ: Phấn thời xanh, Cánh giữa trời, Ta trong vạn kiếp… Các thầy tổ chức một đội kịch, diễn kịch của Nguyễn Huy Tưởng, Trần Thanh Mại… Vui thay, Nguyễn Đương “khuôn giăng đầy đặn” thường được chọn đóng các vai nữ. Từ diễn viên, Nguyễn Đương dần dần đảm nhiệm được công việc của một đạo diễn. Thời ấy cũng hay diễn kịch thơ. Từ đấy, mầm khao khát với thơ ca, nghệ thuật của anh nảy nở, phát triển. Trưởng thành, anh vào bộ đội, binh chủng pháo cao xạ. Nhiều năm, Nguyễn Đương dạy văn hoá cho đồng đội. Những buổi sinh hoạt đơn vị, anh thường được phân công, đọc tiểu thuyết, ví dụ: Thép đã tôi thế đấy…
   Sau 6 năm rèn luyện trong quân ngũ là 4 năm tu dưỡng trong Đại học Bách khoa. Năm 1963, kỹ sư Nguyễn Đương được điều về Nhà máy Đạm Hà Bắc, làm đến trưởng phòng Động lực… Anh về hưu ở tuổi năm mươi. Có thể nói, cuộc đời anh nhiều thăng trầm, trải nghiệm, với ít nhiều thấm thía. Tập Lối gió 63 bài thơ, 63 khoảnh khắc, bộc bạch tâm sự, đi tìm tri âm tri kỷ.  Có những câu thơ với cảm xúc chân thực, đáng yêu, viết về con: Thương con vóc liễu mai gầy/ An- pơ tuyết trắng, trời tây ngỡ ngàng (Viết cho con), viết về cháu: Cháu ở xa quê không thiếu sữa/ Chỉ khát lời ru ấm, giọng bà (Cháu xa)… Bà, đó là chị Khánh, người bạn đời mai trúc tần tảo của anh. Cụm từ lời ru ấm đã nói lên nhiều lắm.
   Trong thơ, bộc lộ rõ tâm trạng tác giả, thường trằn trọc (Tiếng gà thao thức bồn chồn- Giao thừa); tiếc quá khứ (Ngày xưa chan chứa tình người- Ngày xưa ơi); lo nghĩ cho nhân quần, khắc khoải cùng nhật nguyệt (Trên cao nhật nguyệt vô tình… (Chớp bể), Kinh kỳ khuyên một dấu son/ Làng xa thấm những nỗi buồn rưng rưng (Rưng rưng); ngẫm nghĩ nhiều về bánh xe vô định, kiếp người lênh đênh, cảm thông với những phận gái đầy bất trắc trong những năm tháng đi ra nước ngoài làm thuê: Em đi tìm gió đổi mùa/ Mã Lai, Hàn Quốc được thua kiếp người (Tìm gió), xót cho một cọng lá dọc đường biên, sớm héo: Biên cương xanh màu rất lạ/ Lá chưa kịp biếc rơi đầy (Biên cương), xót cho những cánh chuồn phận mỏng, mà bao vương nợ: Con chuồn phận mỏng ngây thơ/ Bùn nâu dính cánh bao giờ gỡ xong (Về đâu?)…
   Đọc kỹ mới biết thơ Nguyễn Đương về cảnh quê người quê, đời thường mà vẫn trí tuệ, thực mà vẫn ảo, giàu ý tưởng, thông điẹp… Đáng mừng, sau nhiều năm tháng “lênh đênh cõi người”, tác giả trở về cùng hài hoà, thiền tịnh: Đường trúc ve ngâm dẫn dắt/ Một chốn khai minh - một cõi thiền (Yên Tử). Song qúy thay, vai trò một gia sư, anh vẫn giúp cho con cháu, tư vấn cho bạn hữu nhiều điều bổ ích, không biết mệt mỏi. 


 
 

Còn nhớ, hồi cuối năm anh có viết bài tứ tuyệt vịnh tập thơ Phận đèn của 9 tác giả, trong đó có hai câu Nguyễn Đương lắm: Cạn dầu tim cháy thành tro/ Những mong sáng cả đôi bờ nhân gian.
  Tôi viết mấy dòng trên đây, trân trọng giới thiệu Kỹ sư - Tác giả Nguyễn Đương và tập thơ Lối gió cùng bạn đọc… 

                                                                      D.P 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét