Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

TỪ HAI PHÍA CỔNG TRỜI/ DUY PHI







ĐOÀN VĂN NGHỆ SĨ BẮC GIANG
MÃ PÌ LÈNG 3/6/2912





TỪ HAI PHÍA
CỔNG TRỜI  
                        DUY PHI
                                               

    Có một chiều nghỉ ở khách sạn Khải Hoàn- Đồng Văn, chúng tôi rủ nhau dạo phố. Tất cả năm người. Trên hè phố, có nhiều cây đào, trong những nhành lá xanh biếc lấp ló quả xanh quả chín. Chợt nhớ những ngày ở Singapore, nếu ai đó chỉ vặt một cái hoa cái lá cũng bị phạt 500 đôla, trên phố Đồng Văn này, tôi muốn hái đào lắm mà không dám hái. Thấy một hàng bán chè hương bưởi trên vỉa hè, Tô Hoàn rủ vào thưởng thức. Chủ quán là một thanh niên khôi ngô, mảnh khảnh. Đào ở mấy cây kia hái được không cậu? Ai hái thì hái, các chú ạ! Để cháu hái cho các chú mấy quả nhé! Cây đào này, gần quán, người ta vặt nhiều. Vừa nói, anh chàng vừa trèo lên cây, như khuất trong vòm lá. Hỏi ra, chủ quán là Nguyễn Thế Hiểu. Thoắt, Hiểu đã mang xuống một nắm đào. Cậu rửa cẩn thận rồi bày lên đĩa. Tân Quảng, Trần Hồng Minh, Tô Hoàn, Vũ Từ Sơn và tôi, mỗi người mỗi quả. Đào xanh, còn chát. Để cháu về trẩy cho các chú mấy quả. Đó là tiếng nói của một cô gái ngồi bàn bên. Ngay từ lúc vào, tôi đã thấy dưới chiếc ô (dù) lớn - loại ô có thể che mưa nắng cho cả chục người, quanh một bàn nhỏ có mấy cô gái, cứ ngỡ thiếu nhi cả, không ngờ, toàn thiếu nữ. Cô gái vừa lên tiếng, khá xinh xắn, ra lấy chiếc xe máy vút đi, một thoáng đã mang lại một túi đào. Sau, chúng tôi mới biết, đó là Mồng Thị Mai Hương. Rửa đào, lấy dao bổ thành từng miếng như bổ cau. Mai Hương nói, hôm nay ít quả chín. Chúng tôi được nếm những miếng đào ngọt lạ.
   Mai Hương, dân tộc Nùng, người Bắc Quang, đại học luật tại chức, đang công tác ở cơ quan Thi hành án của huyện.
   Đồng Văn ơi! Thật lạ, thời nay, trên phố vẫn còn những dãy đào ai hái thì hái. Lại có cô gái, tự nguyện, lên xe máy về cơ quan, hái đào mời chúng tôi như những người thân thuộc.
   Mai Hương có việc phải đi. Chúng tôi hỏi thêm Hiểu. Chàng trai này sinh năm 1986, bố quê Đông Hưng Thái Bình, mẹ ở Khoái Châu, Hưng Yên. Bố mẹ cháu chia tay khi cháu còn trong bụng mẹ. Gia đình khó khăn, mẹ cháu luôn đau yếu, cháu phải tự lập từ nhỏ, đã vào Sài Gòn đánh giày. Một bà bán chè bông bưởi quý cháu như con, tên là bà Loan Đồng Tháp, bà dạy cháu cách làm chè bông bưởi. Cháu thôi đánh giày, bán chè từ đấy. Bây giờ, ngày nào cũng vậy, sáng cháu đi chợ bán điện thoại di động, chiều bán chè. Bàn cờ này ai đánh? Cờ thế đó chú ạ! Cháu có những thế cờ, ai vào đánh ngồi phía nào cũng chỉ có thua. Cháu lên đây một mình, đã tám năm. Có khi đi hai ba năm mới về quê một lần. Có vợ chưa? Cháu chưa. Nhà ở thì các chú trong Bưu điện thương, cho thuê giá rẻ… Cũng là phiêu dạt, nhưng Hiểu không sa vào đám bụi, thể hiện là một thanh niên thông minh, có chí, có có bản lĩnh. Cô gái nào có được người chồng như Hiểu thì yên tâm lắm.
    Vừa chuyện trò vừa ngắm phố, bỗng tôi nghe thấy tiếng “Huầy! Huầy!”, tiếng roi vút, tiếng rậm rịch và tiếng lục lạc ở cổ trâu vang lên. Một chàng trai, ăn mặc màu đen đồng phục, hẳn là người Mông rồi. Con trâu lấm và anh chàng cũng lấm. Mặt mũi mồ hôi,  nhiều nắng gió. Thúc trâu đi giữa phố mà như đi vào chỗ không người. Không nhìn ai, dáng đăm chiêu, vội vã. Người và trâu huỳnh huỵch trên phố. Một nét thật Đồng Văn, thật phố cổ. 




THIẾU NỮ DAO 

 
   Bọn tôi đứng lên đi dạo, ngắm những ngôi nhà cổ, tường trình đất, lợp ngói âm dương. Đi dọc theo phố, tôi mê mải ngắm mấy bụi xương rồng hoa đỏ trên những bức tường xếp bằng đá. Chợt nhận ra một loại hoa mới, nở thành chùm, màu trắng, thoáng hương, tôi hỏi một thiếu phụ. Cô n ói, đó là cây bướm ngả. Cô tên là Ái, gốc Ninh Bình, lên đây dạy Tiểu học. Không lẽ hỏi đi hỏi lại. Tôi chợt nhớ, bên suối trong rừng thường rất nhiều cây hoa bướm. Những khóm cây đứng, nở xoè hoa trắng. Mỗi làn gió, cả đám hoa rung lên như muôn vàn những cánh bướm dập dờn. Loài cây bướm ấy, lá liền một phiến. Còn cây hoa bướm này khác, lá hình tim rất giống lá cây hoa ban Tây Bắc, giống lá dây móng bò bên lán Bộ Chỉ huy Miền trong rừng Tà Thiết- Đông Nam Bộ. Gọi là cây bướm ngả bởi các nhành mềm, dày nặng lá, trĩu xuống. Tôi phải bíu đá trèo lên mới ghi hình được mấy chùm hoa…
   Khi nhảy xuống thì chỉ còn Hồng Minh đang đợi. Hai chúng tôi cứ dọc theo phố. Bỗng thấy có tiếng Tân Quảng trong một nhà gần đó. Thì ra, thấy cổng nhà người ta có khóm hoa tường vi, cánh cổng có chạm khắc như hình mặt trống đồng, trên nóc cổng giữa đỉnh có hình một chiếc đầu trâu, hai sừng chĩa ra, cong vút, mấy “ông tướng” nhà ta: Tô Hoàn, Vũ Từ Sơn, Tân Quảng, cứ thế kéo vào sân - một đoàn khách lạ hoắc, không mời mà đến. Hồng Minh và tôi kịp thời bổ sung vào đoàn. Ông chủ dáng đạo mạo, vẻ ung dung đôn hậu, niềm nở, mến khách. Được đà, tự khai và hỏi tới tấp. Ông chủ pha trà. Bà chủ cũng xuất hiện chào mời. Thật lạ, đoàn này có duyên, gặp được người muốn gặp. Ông là Nguyễn Thế Đường, sinh năm Mậu Dần- 1938, dân tộc Tày, làm nguyên Bí thư Huyện uỷ Đồng Văn mười một năm (1986- 1996). Sau đấy, ông được điều lên làm trưởng Ban Dân vận tỉnh Hà Giang… Thân sinh ông Đường là cụ Nguyễn Quang Đạm, từng làm Trưởng ty Văn hoá Hà Giang, một lần được đón Bác Hồ và đ ược chụp ảnh với Bác. Bức ảnh Trưởng ty Đạm bên Bác Hồ đã được phóng to, treo gian giữa, nơi trang trọng nhất. Tôi nói thêm, trong đoàn này có mấy anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hội nay là nhạc sĩ Nông Quốc Bình… Ông Đường đều biết cả. Chủ khách đã hoà làm một. Hỏi thêm về con cái, sự học hành của các cháu, chúng tôi biết thêm: ông Đường có con trai là Nguyễn Văn Tuệ, Bí thư Huyện uỷ Quang Bình vừa chuyển về làm Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Hà Giang. Ông Tuệ có ba con đại học, hai nữ: Nhài, Kinh tế quốc dân, Nhâm, Ngân hàng; nam: Mạnh, Công an.
  Ông Đường còn kể: cột cờ Lũng Cú mới được xây đẹp thế, hồi ông còn là Bí thư Huyện, năm 1986, lúc đó còn đơn sơ lắm, ông cho người đi tìm, được một cây sa mu cao 16 met, dựng làm cột cờ. Lá cờ ngày ấy còn nhỏ. Nay lá cờ rộng 54 met vuông.     
   Lúc ra sân, nhìn núi non xung quanh, nhà thơ Tân Quảng bảo, thế phong thủy của nhà ông Đường cực đẹp, tựa sơn, có thanh long bạch hổ, phía đông có ngọn núi nhọn vươn lên như trụ biểu. 
     Ở vùng xuôi, nghe hai tiếng vua Mèo là kinh lắm. Vua Mèo Vương Chí Sình (1985- 1962), tức Vương Chí Thành, từ nhỏ, ông đã được học hành cẩn thận, học chữ Hán, học chữ Pháp. Tính cách độc lập tự chủ của ông rất cao, thời Tưởng không theo Tưởng thời Pháp không theo Pháp. Sau cách mạng tháng Tám 1945, ông theo cách mạng theo Bác Hồ. Tuần lễ vàng, do Bác Hồ kêu gọi, vua Mèo Vương Chí Sình đã hiến cho Nhà nước mới 22 000 000 đồng bạc trắng hoa xoè và 9 kg vàng. Vương Chí Sình là Đại biểu Quốc hội Nhà nước mới hai khoá, sau trở lại Đồng Văn, làm chủ tịch huyện… Ông Chí Sình làm việc rất nền nếp, phong độ, được lòng nhiều dân bản. 



MÃ PÌ LÈNG 


 Mã Pì Lèng con đèo chừng 20 cây số, thuộc ba xã: Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái, huyện Mèo Vạc do vết đứt gãy của đợt tạo sơn cách đây 32 triệu năm vách đá cao bảy trăm mét, dựng đứng 90 độ  làm 6 năm, hai vạn thanh niên, trên hai triệu ngày công. Hồi thi công, phải dè sẻn, nhường nhịn từng ngum nước. Ngày hè đổ lửa, 12 người được một xô nước, đục đá làm đường cả tuần mới được một ngày đi tắm đi từ sáng đến trưa tới sông Nho Quế, tắm xong, buổi chiều để về, lại như chưa tắm!!!   Nhớ những thanh niên trong đội cảm tử, leo vách núi đục đá tra mìn, ngay phía dưới, không xa để sắn mười chiếc quan tài.
   Thời đang phá đá mở đèo, nhà thơ Xuân Diệu lên thăm, có thơ để lại: 
Đá nhỏ bắt đầu rơi lộp bộp
Sau lôi đá lớn đổ ầm ầm
Trần Đăng Khoa viết”Cái thực tế rất cụ thể rất chính xác như thế này không phải là thơ”. Một số Thanh niên xung phong hồi đó, còn quả quyết, Xuân Diệu còn ứng khẩu đọc thơ trên đèo Mã Pì Lèng: 
Ôi, Mã Pì Lèng trăm gian nghìn khó
Chín tháng treo thân, vạt núi ngang trời
Khát cháy cổ, nhường nhau từng ngụm nước
Nắm cơm nào từ trăm thước câu lên…
Nguyễn Hải Trừng:
Mây đạp dưới chân trời đụng trán
Đường Thục, Mã Pì Lèng, đâu hiểm hơn?
Những câu thơ na ná như thơ cổ điển Trung Hoa, còn lấy thành ngữ bên ấy để so sánh nữa.
   Trong một bút ký, Đỗ Doãn Hoàng than”Đi thực tế rồi, các nghệ sĩ vĩ đại của chúng ta cũng không thai nghén được tác phẩm nào xứng tầm”.
  Cuộc sống của người Mông và các dân tộc ở đây đã nhiều thay đổi. Ở xã Tả Phìn, Đồng Văn, tôi có dịp trò chuyện với một già bản. Ông bảo, chúng tôi không bao giờ theo “họ”, nghìn đời vẫn thế. Tôi nghĩ đến 22 đồng bào dân tộc nơi đây: Mông, Tày, Kinh, Dao, Lô Lô, La Chí, Pà Thẻn… , sống trên đá, những ý chí sắt đá, tận trung với nước, bám trụ…  Dân bản, nhiều chuyện còn lơ mơ, nhưng ai cũng biết Bác Hồ, ơn Bác Hồ.  Lên Hà Giang lần đầu, năm 1998, tôi có gặp nhà thơ Hùng Đình Qúy, dân tộc Mông, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi còn nhớ mãi mấy câu thơ của anh, viết về miền Tào Dú: Tượng Bác Hồ/ Ở đó làm râm che trời nắng cả/ Từ nay Tào Dú mãi mãi như đoá hoa trên đá.
   Hà Giang đã bỏ được cây anh túc. Trong một bữa nhậu, một anh bạn nói: có rượu mới có bạn, càng say càng lắm bạn! Chợt nhớ các thi nhân xưa, nhiều người qúy bạn, tiếp bạn không bằng rượu: Ngoài cửa mừng người dầu cái vẹt/ Trong nhà thết khách mặc con cờ (Nguyễn Trãi), Đầu trò tiếp khách, trầu không có/ Bác đến chơi đây ta với ta (Nguyễn Khuyến). Nghèo, sống đạm bạc vậy mà ông cha ta đâu thiếu bạn. Lại nhớ, mấy nước quanh ta: Thái land, Malaysia, Singapore, du khách dẫu có đi cả ngày, qua hàng ngàn mâm cơm, cũng chẳng thấy mâm nào cụng ly, “Zô! Zô!”…
      Đêm, về thành phố Hà Giang bên núi Neo núi Cấm, được các bạn Hội Văn nghệ Hà Giang đón tiếp chu đáo. Đoàn chúng tôi do nhạc sĩ Tuấn Khương - Chủ tịch Hội dẫn đầu. Nhớ hôm mới đến, Hội Hà Giang cho mượn cả xe lẫn lái. Thật vui, chúng tôi được gặp các gương mặt Hà Giang, Chủ tịch Hội Bàn Thị Ba, nhà văn Trần Bé, nghệ sĩ ảnh Thanh Hiền, chánh văn phòng Liễu…    Mai Xa Hà Giang rồi, tôi lan man nghĩ đến những nương ngô treo khắp các sườn núi đá, nhớ chuyện nhà thơ Cao Xuân Thái kể ở trại sáng tác Tam Đảo năm nào, có khi bốn năm tháng cao nguyên đá không có mưa, rồi một ngày kia, nửa đêm mưa xuống, nhà nhà trong bản hò reo, gõ thau gõ chậu, rủ nhau đi tắm đi giặt đi hứng nước ăn nước uống. Mọi người hò hét vui như hội. Ôi, một cao nguyên đá- công viên địa chất toàn cầu, diện tích đên 2350 cây số vuông, với những vết đứt gãy cách nay vài triệu năm, đa dạng các loại thạch địa tầng, đa dạng cổ sinh vật học, còn dấu tích những tập hợp hoá thạch của Huệ biển, Trùng thoi, Cúc đá… Ôi, một Hà Giang bí ẩn và huyền thoại, một Hà Giang với những địa danh: Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, chợ tình Khau Vai Mèo Vạc, Phố cổ Đồng Văn, Cổng Trời Quản Bạ, Đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng, Cột cờ Lũng Cú… Những địa danh mới xướng lên đã lay động tâm can sông núi.
       Đêm, về thành phố Hà Giang bên núi Neo núi Cấm, được các bạn Hội Văn nghệ Hà Giang đón tiếp chu đáo. Đoàn chúng tôi do nhạc sĩ Tuấn Khương - Chủ tịch Hội dẫn đầu. Nhớ hôm mới đến, Hội Hà Giang cho mượn cả xe lẫn lái. Thật vui, chúng tôi được gặp các gương mặt Hà Giang, Chủ tịch Hội Bàn Thị Ba, nhà văn Trần Bé, nghệ sĩ ảnh Thanh Hiền, chánh văn phòng Liễu…    Mai Xa Hà Giang rồi, tôi lan man nghĩ đến những nương ngô treo khắp các sườn núi đá, nhớ chuyện nhà thơ Cao Xuân Thái kể ở trại sáng tác Tam Đảo năm nào, có khi bốn năm tháng cao nguyên đá không có mưa, rồi một ngày kia, nửa đêm mưa xuống, nhà nhà trong bản hò reo, gõ thau gõ chậu, rủ nhau đi tắm đi giặt đi hứng nước ăn nước uống. Mọi người hò hét vui như hội. Ôi, một cao nguyên đá- công viên địa chất toàn cầu, diện tích đên 2350 cây số vuông, với những vết đứt gãy cách nay vài triệu năm, đa dạng các loại thạch địa tầng, đa dạng cổ sinh vật học, còn dấu tích những tập hợp hoá thạch của Huệ biển, Trùng thoi, Cúc đá… Ôi, một Hà Giang bí ẩn và huyền thoại, một Hà Giang với những địa danh: Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, chợ tình Khau Vai Mèo Vạc, Phố cổ Đồng Văn, Cổng Trời Quản Bạ, Đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng, Cột cờ Lũng Cú… Những địa danh mới xướng lên đã lay động tâm can sông núi.
      Mai xa Hà Giang rồi! Về Đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng, không dám giấu sự vụng dại của mình, tôi có bài thơ sau: 

MÃ PÌ LÈNG


Mã Pì Lèng!
Vắt vẻo như tiếng khèn
Nghe Mã Pì Lèng tuổi đi học
Đầu bạc mới cao nguyên 
Xe qua Mèo Vạc không rượu chợ
Men nào đã ngấm mắt liêng biêng 
Mấy triệu năm, thi gan đá
Một gốc ngô thôi cũng diệu huyền.

Mã Pì Lèng!
Dốc xống mũi ngựa, đèo chết ngựa
Trước mặt non cao vai bật ngửa
Nho Quế dưới kia, hút mắt nhìn 
Nhớ bao chàng trai
Đội cảm tử
Treo mình vách đá
Khí xung thiên.  

Mã Pì Lèng! 
Kìa em gái Dao xòe váy đỏ
Ta mơ người đẹp hoa rong riềng
Tượng đá am con
Ai quỳ lạy  
Ngửa mặt ta vái
Trời đá thiêng

Mai về túp nhỏ
Thân khe cạn 
Mã Pì Lèng, Mã Pì Lèng ! …
                       
               Hà Giang- Bắc Giang 6- 2012
                                                                                     
                                  D.P
      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét