Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

* GIỮA HOA CHỢT BIẾT

                                               


Bài 5, TRĂM LẺ TÁM TÌNH KHÚC:
                                                                        


Hoa MI- MO- ZA tại DALAT
                                         

GIỮA HOA CHỢT BIẾT
      


Theo lối tràn hương săc
Hoa hoa vây tứ bề
Biết bao loài hoa lạ
Mỹ nhân thảo, Trà mi

Bạch hồng mao trắng ngọc
Cẩm tú cầu tím hoe
Này Móng rồng, Móng cọp
Hoa Chuông vàng, Vông kê
Lại Hài tiên, Vũ nữ
Mi-mô-za, Păng- xê
Hoa Tương tư, Hò hẹn
Hoa Người ở đừng về…

Bên hoa mới chợt hiểu
Dường mình chưa biết gì !


                         Công viên Hoa
                                             Đà Lạt - 2004
                                      DUY PHI                                           


Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

* ĐÀ LẠT NGẪU HỨNG (Bài 4 - TRĂM LẺ TÁM TÌNH KHÚC)


                                    



                                                                            




ĐÀ LẠT 
NGẪU HỨNG


Trời gieo niềm nhớ đất ươm mong
Gió sương thao thức giữa đồi thung
Thì ra tình ái đầy vương quốc
Đà Lạt hoa Đà Lạt em và thông.

Dã quỳ, phượng tím, mi-mô-za
Chim ca ríu rít thắm la đà
Ngày đêm lãng đãng tim thầm thĩ
Đà Lạt em Đà Lạt thông và hoa.

Tình cờ mà gặp hẳn thiên duyên
Bao điều muốn nói nói không nên
Đường về thăm thẳm thêm dày mộng
Đà Lạt thông Đà Lạt hoa và em…



                    
                                                                                        DUY PHI                       







 

* DỌC ĐƯỜNG LÔNG NGỖNG TRẮNG


                                 
                                    
                                                 Ảnh:  Thành Cổ Loa 



DỌC ĐƯỜNG 
LÔNG NGỖNG TRẮNG
                                          DUY PHI

Dọc đường bứt áo lông ngỗng trắng
Hy vọng vỗ cánh qua suối qua cầu
Tuổi tóc thề đâu biết
Lông ngỗng
Dồn phụ vương
Sóng 
Ngắt trăng
Toàn phần  
Nguyệt thực

Trọng lang trầm giếng
Huyết nàng vân ngọc trai 
Nước giếng sáng ngọc?

Dọc thiên kỷ hữu hảo
Bao lần lông ngỗng bay !
             
                Loa thành 6. 2009
                                                     
   

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

* GAI DẰM (BÀI 3, TRĂM LẺ TÁM TÌNH KHÚC)




NHỮNG VẦN THƠ
GAI DẰM


Tình yêu tự mình cháy
Lại trả về cô đơn
Mái tóc thề lốm đốm
Vẫn mê lầm sắc hương. 

Giữa cõi mơ cõi thực
Em trăn trở chén mời
Thế chấp tim, châm khói
Kết tình lưng cá voi. 

Bao mối tình đã chết
Em không là thánh thần
Lỡ một thì con gái
Nỗi buồn còn phép nhân.


Tim ơi sao
nhể được
Những vần thơ
                    gai dằm ! 



-------
* Theo ý một số câu thơ của bạn




Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

* GIẤC MỘNG BÊN Ô- SA- KA (BÀI 2, trong TRĂM LẺ TÁM TÌNH KHÚC)











       GIẤC MỘNG

       BÊN Ô- SA- KA

                                     Tặng bạn NHM
   
                                  
Ta về Cá Sấu Hoa Cà
Rẽ đường Bốn Chín vào toà Thiên Hương
Bóng ai thương thật là thương
Đã vô đây khó tìm đường mà ra.

Ta về Cá Sấu Hoa Cà
Rượu tình mới nhắp đã ngà ngà say
Ông Tơ Bà Nguyệt khéo thay
Ngày vơi lãng đãng đêm đầy thi ca.

Ta về Cá Sấu Hoa Cà
Ngõ sa - kê biếc, o - sa - ka vàng
Đứt dây, nối lại nên đàn
Tiếng tơ tiếng trúc, sắt vàng đôi ta. 


Ta yêu Cá Sấu...


                                     D.P



-------

  * Khu vực trại nuôi Cá Sấu Hoa Cà tại Kha Vạn Cân,
    quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, có hotel Tân Thiên Hương. 
** Sakê: lá to;
    osaka: hoa vàng (ảnh trên);
    hai loại cây mới, có giống từ Nhật. 



* TRĂM LẺ TÁM TÌNH KHÚC (1)

                                                                                


Uống rượu men lá
ở Tây Yên Tử



Người Dao bản Mậu lưng mây
Truyền rằng, con gái xứ này tiến vua
Đời nay, người đẹp hơn xưa
Để bao khách đến, ngẩn ngơ chuốc về.

Hồn tôi tóc bạc đã che
Chén men từng mượn cho nhoè nhớ quên
Đường thơ lãng đãng màu Thiền
Tựa cây hoang lẫn tuổi tên giữa rừng

Ai hay men lá Đồng Thông
Chạm tay chạm mắt mà đong bồi hồi
Khuya rừng gió lộng quá thôi
Em như cung nữ mà tôi... ông hoàng.

Xa Tây Yên Tử đại ngàn
Nhớ sao một đoá phong lan cuối trời...


                                   Duy Phi

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

* THÁI THUẬN - MỘT PHU CHỮ LỪNG DANH





       THƠ SÁI THUẬN

       CÁI ĐẸP NGOÀI CẢ SẮC ĐẸP        
 



Trái sang:    ĐẶNG TIẾN HUY  &  DUY PHI
bên đền thờ SÁI THUẬN ở Song Liễu, Thuận Thành, Bắc Ninh.



      
           Sái   Thuận (1441- ?), một số sách ghi là Thái Thuận.

                                      
    Chuyện rằng: Sái Thuận (tức Lã Đường) người thôn Đoài, Liễu Lâm, Siêu Loại (nay là Song Liễu, Thuận Thành). Năm ba mươi lăm tuổi, ông đỗ tiến sĩ (khoa Ất Mùi - 1475). Khi ông vinh quy, làng không đi rước. Ông giận, sau cho lính về đoạn thương long mạch, triệt đất phát tích anh tài. Lúc đó, nhân dân làng Bi (thuộc xã Trung Kiên, Văn Lâm) đón rước, nên ông về ở bên đó. Tương truyền ở bên ấy ông làm nhà đao góc để ở, bị người ta tố cáo là lộng hành làm việc thổ mộc trái phép. Ông phải biến nơi ấy thành nơi thờ Phật. Hai vợ chồng ông  phải ra sống ở một chái hẹp phía sau chùa...   

   Thái Thuận (1441- ?), một số sách ghi là Sái Thuận. Sau khi đỗ đại khoa, ông làm Hiệu lý ở viện Hàn lâm 24 năm (Theo Kiến văn tiểu lục - Lê Quý Đôn), có thời gian ông còn kiêm thêm chức Tham chính Hải Dương. Chưa rõ năm mất. 
   Sái Thuận làm nhiều thơ, sau khi ông mất, con trai ông là Sái Khác cùng một người học trò của ông là Đỗ Chính Mô mới sưu tập, làm thành sách Lã Đường di cảo thi tập(gọi tắt: Lã Đường thi tập). Trong bài Tựa, Sái Khác viết năm Canh Ngọ, cách đây đúng năm trăm năm có đoạn nói rõ, Lã Đường “làm thơ có tới hàng ngàn bài, nhưng vì không để ý đến trước thuật nên thơ của ông ít thấy toàn bộ bản thảo. Tôi từ nhỏ không ham học, nên không biết thu thập thơ ấy lại, đến khi khôn lớn thì cha đã qua đời: thương cha khi sống nổi tiếng ở đời, lúc mất không để lại tiếng tăm cho đời sau, bèn sưu tầm những bài tản mát... biên thành một tập, đại khái mười phần chỉ lấy một vài... “. Sáng tác nhiều vậy mà khi lập Tao đàn, lúc đầu, Sái Thuận vẫn không có tên trong 28 ngôi sao văn chương ấy.  
  Thơ là một thể loại có sự vi diệu, khó đọc, nhất là thơ chữ Hán. Người sáng tác thơ hầu hết mắc tật nhược đáng yêu: văn mình vợ người. Nhân năm Giáp Dần – 1494, mừng được mùa lúa bội thu, vua Lê Thánh Tông đã viết chín bài thơ. Các văn thần là Đại học sĩ, Hàn Lâm viện thị độc, Hàn Lâm viện đãi chế... cùng nhau phụng bình, phụng hoạ. Tuyển thơ vua, các bài bình, hoạ và một số bài thơ khác của 28 văn thần mà làm thành các tập Quỳnh uyển cửu ca, Văn minh cổ xuý... Các bài thơ hầu như một giọng, đại loại ca tụng thời vua sáng tôi hiền, vua Lê Thánh Tông là bậc Nghiêu Thuấn, ai cũng đội ơn thánh chúa. Tiểu thần hà hạnh chiêm y cận - Tiểu thần may mắn được nương tựa bệ hạ... Sái Thuận không có bài nào bình, hoạ. Có thể là khiêm nhường. Làng thơ, lúc đó sau vua còn là thơ của 13 ông là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp...  Trong ấy, có hai ông làm đến Phó mguyên suý. Toàn những vị thi hào thi bá quý tộc “lừng lững”, “sáng chói”, Đỗ tiến sĩ, làm Hàn Lâm viện hiệu lý nhưng xuất thân từ một gia đình bần hàn, một anh lính chăn voi, Sái Thuận đâu dám “vượt mặt” họ? Có thể là tính cách không thích xu nịnh. Trong thơ ông có câu: Càn khôn phủ ngưỡng nhất lung câm/ Mạc bả công danh dịch thử tâm (Cúi xuống ngửa lên trời đất như một cái lồng chim/ Chớ lấy công danh bắt cái tâm này phục dịch. Bài 30). Lại câu: Bắc khuyết vô thư can thế dự/ Tây Hồ hữu nguyệt cấp thi bần (Không dâng thư lên cửa bắc - ý nói vua - để cầu cạnh tiếng tăm với đời/ Đã có trăng Hồ Tây cung cấp cho đời thơ nghèo. Bài 34). Tuế nguyệt kinh nhân lưỡng mấn bồng- Năm tháng làm kinh sợ người, hai mái tóc rối bòng bong. Hoàn cảnh ấy, nếu vào hùa tán tụng, thì bổng lộc đến ngay, vậy mà ông lẳng lặng. 28 văn thần sốt sắng hoạ thơ vua đã được vua ban cho là hội viên Tao đàn, vinh danh nghìn năm: 28 ngôi sao văn chương trong bầu trời Đại Việt - Nhị thập bát tú...(Kinh Bắc có: 12 người). Không có Sái Thuận. Mãi sau, đến khi làm sách, vua mới cho Sái Thuận cùng Trạng nguyên Lương Thế Vinh làm cái chân Sái phu. Nếu công việc của Sái phu là biên tập thì đã vinh dự, nhưng không phải. Đọc duyệt, chọn tác giả nào, lấy bài nào... đã có trên là vua, dưới là hai Phó nguyên suý Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận. Hán tự có chữ "sái" là tẩy rửa... Có thể nói đó là những công việc phụ của biên tập. Hẳn là ngay thời ấy cũng có kẻ coi thường ông, cho ông là  một nô bộc, hầu chữ nghĩa cho các “ngôi sao”. Hẳn ông đã từng buồn, mới có bài thơ Lệ chi nô: Bách quả hữu long nhãn/ Như nhân kiến Tử Đô/ Bất ưng duyên hậu thục/ Hoán tác “lệ chi nô”. Nghĩa: Trong trăm thứ quả có quả long nhãn/ Cũng giống như loài người có chàng Tử Đô (một chàng đẹp trai)/ Chớ nên vì nhãn chín muộn/ Mà gọi là “lệ chi nô”- Quả lệ chi là quả vải thiều- Nhãn ngon hơn, nhưng chín muộn, nhiều người cho là “nô” là kẻ hầu là tiểu đồng của vải. Làm sái phu quét dọn, song Sái Thuận luôn có ý thức tự tin, tự trọng. Chuyện này, chứng tỏ: Vua Lê Thánh Tông cũng là có “con mắt xanh”, “con mắt thánh”. Vua biết Sái Thuận là một thi sĩ thực thụ. Dụng nhân như dụng mộc, sửa thơ. “Quét dọn” phải là người làm thơ thực thụ mới chuẩn. Trong Tao đàn có nhiều Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa đó, nhưng nhiều ông chỉ giỏi văn, chỉ biết làm thơ mà không sành thơ. Một số vị thấy vua ra đề, biết phận là học sĩ là Hàn Lâm viện hiệu thư, Hàn Lâm viện thị độc... phải phụng hoạ thì phụng hoạ. Không phải là một công việc tự thân, say mê hứng thú mà họ “bị làm thơ”. Vua ngó đến, vai trò của Sái Thuận được nâng lên. Tao đàn ra đời năm Hồng Đức thứ 25 (1494), ngay năm sau (1495) thì Phó nguyên suý Đỗ Nhuận mất, Sái Thuận mới được bổ sung vào, thành hội viên chính thức.
   Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn có viết rõ: “Sái Thuận lúc đầu là Tao đàn sái phu sau được bổ sung làm Phó nguyên suý”.  
      Trong Lã Đường thi tập, Sái Thuận có nhiều bài thơ tỏ lòng yêu, nhớ cố hương - quê cũ. Thảo tâm du tử bất thăng tư - Lòng đứa con xa như tấc cỏ mùa xuân nhớ mong khôn xiết (Đầu mùa xuân). Có những đêm Cố hương quy tứ chính thao thao - Ý muốn về quê cũ như làn nước cuồn cuộn. Sống ở Thăng Long, ông luôn nghe thấy tiếng đỗ quyên: Cố hương quy khứ phụ đề quyên _ Ta phụ với tiếng chim quyên - quê hương giục giã, Đỗ quyên hoa ngoại thanh - Tiếng chim quyên ở ngoài rặng hoa, Hà xứ nhất thanh đề đỗ quyên - Một tiếng cuốc kêu từ chốn nào vẳng lại... Đỗ quyên tức chim cuốc. Tiếng chim cuốc thường khắc khoải, gợi cho khách tha phương sự nhớ nhà thương nước. Vì yêu cố hương, ông yêu tất cả các dáng quê, lối sống quê: cây cau, khóm chuối và cảnh: Tửu gia cô tửu da vi thược/ Chu tử hành chu tịch tác phàm - Nhà hàng rượu dùng dừa làm gáo múc rượu bán/ Người lái thuyền lấy chiếu làm buồm đẩy thuyền đi... , Dân an điền dã mao vi ốc/ Tửu tạp tao khang trúc tác bôi Dân yên với đồng ruộng lấy cỏ tranh lợp nhà/ Rượu còn lẫn cả bã dùng gióng trúc làm chén... Là một nhà thơ tài hoa, Sái Thuận có nhiều bài thơ đến nay đọc còn thấy hay, lạ. Muộn giang tức sự: Bình phố thừa triều thướng/ Nông nhân sấn hiểu canh/ Hát ngưu phi bạch điểu/ Phong ngoại lưỡng tam thanh. Dịch thơ: Bãi phẳng triều lên ngập/ Nhà nông sớm vội cày/ Vắt trâu nghe mấy tiếng/ Cò trắng giật mình bay. Sái Thuận còn có lòng vị tha. Trong các bài thơ: Dậy sớm ở Tân Minh, Lưu đề ở giải vũ Hải Dương... , ông đều bộc lộ cái chí Diệc hữu tiên ưu hậu lạc vô - Có ai nghĩ đến lo trước vui sau chăng? Đó là tấm lòng ưu ái với dân với nước, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ như Phạm Trọng Yêm đời Tống.    
   Một tâm hồn thơ, một con người nhân nghĩa, một tấm lòng luôn canh cánh với cố hương như thế, làm gì có chuyện do dân làng không đón rước mà cho lính về đoạn thương long mạch, dứt tình nghĩa với quê cha đất tổ.      
   Năm 1505 có một sự kiện lớn làm kinh động cả triều chính. Thời ấy, có Trạng nguyên Ngự sử đài Đô Ngự sử Nguyễn Quang Bật (quê Bình Ngô, nay thuộc Thuận Thành, BN) cùng với Tiến sĩ Lễ bộ Thượng thư Đàm Văn Lễ (quê Lãm Sơn, Quế Võ, Bắc Ninh) là hai vị quan thanh liêm trung trực. Khi vua Túc Tông mất, có một số nội thần muốn lập Tuấn tức Uy Mục làm vua, nhưng thấy Tuấn hèn kém, hung bạo, hai ông quyết không chịu, mà muốn lập Lã Côi Vương. Nhưng mưu đó không thành. Uy Mục lên ngôi. Yên vị, Uy Mục bèn  trả thù, đẩy hai ông vào đất Quảng Nam, nhưng lại cho quân lính đi cùng, đến sông lớn huyện Chân Phúc (tức sông Lam) thì bắt hai ông phải tự tử (Tương truyền, bị dìm chết). Người ta đã đến xã Trung Kiên, Văn Lâm nay thuộc Hưng Yên để khảo sát. Bên đó có đền thờ một tặc thần thời Đường, sang làm Tiết độ sứ. Chái chùa là nơi hai vợ chồng hắn ở. Không có chuyện đón rước Sái Thuận, không có chuyện vợ chồng Sái Thuận đến ở chái chùa nào bên ấy. 
   Về năm mất của Sái Thuận, một số tác giả phán đoán, ông mất  vào khoảng 1499 - 1505. Người viết bài này cho rằng: Cỏ thể ông mất ngay trong năm 1505. Bởi Sái Thuận đồng hương với Nguyễn Quang Bật và Đàm Văn Lễ (cách nhau chỉ mươi, mười lăm dặm), lại là đồng hội đồng thuyền (cùng trong Tao đàn), quan hệ gần gũi, có thể là đồng chí hướng nữa. Bởi với cốt cách của Sái Thuận, không bao giờ ông muốn có một ông vua như Uy Mục, vua ham rượu chè, gái đẹp, thích giết người. Đêm nào vua cũng cùng các mỹ nhân uống rượu vô độ, ai say thì giết. Dân chúng gọi là vua quỷ.Ông mất ngay trong cái năm đen tối, triều đình nhũng nhiễu, nhiều kẻ chuyên quyền “dìm hãm thần liêu, có khi tự ý mà giết”. Vì sợ liên luỵ, nên bọn hương dịch Liễu Lâm phải nói thác đi, ngay cả người thân thích với Sái Thuận cũng không ai  dám nhận họ. Sau thời đó thì khác. Đến nay, làng Liễu Lâm vẫn còn họ Sái, vần còn nền móng của ngôi Nghè (nơi tư văn, đón tiến sĩ) xưa và cuối làng, vẫn còn đó đền thờ Sái Thuận.
   Đọc lại thơ Việt triều Lê sơ thì nửa đầu thế kỷ XV tiêu biểu nhất là Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi; nửa cuối thế kỷ, nổi trội nhất có Lã Đường thi tập của Sái Thuận. Đúng như Nguyễn Dữ (trong Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa, Truyền kỳ mạn lục) nhận định: “Từ khi triều Lê dựng nghiệp (tức sau Nguyễn Trãi), thi sĩ có đến hơn trăm nhà, mà duy tập thơ của ông Sái (Sái Thuận) được thịnh hành”.    Từ một anh lính chăn voi, học đậu tiến sĩ, từ một Sái phu “quét dọn” chữ lên đến Phó nguyên suý Tao đàn... , thời ấy cố hương nhiều người không thấu hiểu những khuất khúc của ông từng lẫn ông với một tên giặc... Đã đủ thời gian, minh chứng để đánh giá lại, chiêu tuyết cho ông. Nhân hướng tới Kỷ niệm một ngàn năm Thăng long, sau năm thế kỷ nhìn lại, càng rõ: Với cốt cách và Lã Đường thi tập, Sái Thuận là một nhà thơ lớn của đất nước thời đại ấy. Đọc thơ Sái Thuận, vua Lê Thánh Tông, Nguyên suý Tao đàn Nhị thập bát tú đã có lời khen ông là “tự chuyên ở trường thơ”, Phan Huy Chú khen thơ ông “tiêm tế, xinh đẹp, dồi dào”, Hoàng Đức Lương ca ngợi “có cái đẹp ngoài cả sắc đẹp”...  

       

                                                                                         

Chú thích:

* Có sử dụng một số tư liệu, bản dịch của Bùi Duy Tân & Đào Phương Bình trong tập sách Sái Thuận - nhà thơ lớn đất cổ Kinh Bắc (H.B 1978).   
 * Hai soạn giả BDT & ĐPB dùng họ Sái, có lẽ theo họ Sái của ông hiện còn ở Song Liễu, Thuận Thành. Dẫn cứ liệu, trên bia Văn Miếu - Hà Nội viết: Thái Thuận (chữ Hán), nhà văn Đặng Văn Sinh trao đổi, nên ghi là THÁI THUẬN. Rất cảm ơn...  

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

* CHU NGỌC PHAN ĐẾN VỚI MA GÀ





     CHU NGỌC PHAN
     NHÀ THƠ ĐẾN VỚI MA GÀ 




                      
     Bốn mươi năm trước, Chu Ngọc Phan tốt nghiệp khoa Văn, Đại học sư phạm Hà Nội, về dạy học tại cấp III Cao Lộc, Lạng Sơn; 13 năm dạy học ở xứ Lạng, từng cộng tác với văn nghệ xứ Lạng, hồi nhà thơ Mã Thế Vinh làm chủ tịch Hội, nhà văn Phan Quế biên tập. Học trò thầy Phan phần lớn là dân tộc Tày Nùng.
   Rất yêu vùng đất ấy, có lần Chu Ngọc Phan kể: “Ấn tượng nhất là được đi chợ xuân nghe hát lượn. Trai gái Nùng Phàn Sình có tục hát giao duyên tìm vợ tìm chồng suốt cả ba tháng xuân. Họ hát tự nhiên, vô tư ven đường ven chợ như thể trên đời này không còn có ai. Họ hát tốp ca Soong hao say xưa, mê đắm, mắt dõi nhìn bạn tình hồn nhiên như cây cỏ. Rồi suốt mùa xuân rập rình những đám cưới, đám khao, hương rượu nồng nàn khắp rừng khắp bản... ”. 
  Rời xứ Lạng về quê sông Thương đã lâu, nhưng ông vẫn có gì như mắc nợ với đồng bào dân tộc. Vùng này, ở miền Khuôn Thuỷ có nhiều bản Tày Nùng. Một hồi, bạn bè bỗng thấy ông hay đi lên trên ấy. .
   Bỗng ông nói năng về thơ miền núi thơ dân tộc có vẻ diệu nghệ: “Thơ cũng như cây lát hoa, phải được mọc trong cánh rừng thiêng mới mong trổ được nhiều cành nhiều lá và vẽ được nhiều những đường vân hoa đẹp trong lõi gỗ...”.
   Bỗng “xưởng” thơ ông “sản xuất” hàng loạt thơ tình yêu, giọng dân tộc. Viết như có gì thôi thúc, viết như phải bùa phải bả. Ông photo đóng thành những tập, tặng bạn hữu, rồi in liền mấy cuốn photo  mà ông còn nói về thơ rất sành điệu. Và anh đã viết như phải bùa mê. Anh như tiều phu khát nước/ Thấy em như hũ rượu đầy (Thung lũng rừng em), Anh mơ thành hòn đá cuội/ Cho em kỳ cọ... tháng ngày (Lời của đá).    Nếu em không chê nhà anh chật/ Nếu em thương con gà mồ côi/ Anh sẽ tìm loài dây rừng bền nhất/ Cùng em se sợi tình, sợi đôi (Lời sli gửi em). Có bài thơ mượn lời của em nữa: Nhớ anh cơm ngon không ăn được/ Rượu ngon như nước bồ hòn/ Em uống nụ cười anh thay nước/ Em nhớ lời ca anh thay cơm… (Tiếng hát của anh). Lòng có tốt như cây lim, cây kháo/ Có làm được cột nhà  tình yêu ?/ Để em sắm giường mua chiếu/ Sắm cái vò to đựng rượu/ Đón trăng rằm về ở chung (Không biết tự bao giờ) 
   Thơ Chu Ngọc Phan in báo Văn nghệ dày dày, và ra thành tập cũng liền liền: Tíếng chim khảm khắc, Uống rượu ở Lân Pùn, lại đang soạn để in tập thơ Lời của vầng trăng. Duy Khoát, Hà Nội gọi điện về: “Trên Bắc Giang, anh chàng Chu Ngọc Phan làm thơ dân tộc giỏi lắm. Kỳ thi thơ tình này, trên Văn nghệ Trẻ dễ đoạt giải đấy”.Đùng một cái, Chu Ngọc Phan đi “ẵm” giải thật. Giải Nhì. Oách lắm. Ba bài thơ đoạt giải được công bố: Suối giữa rừng, Lời sli em gửi, Tiếng hát của anh... Xin giới thiệu một bài trong đó:
           
               SUỐI GIỮA RỪNG

Hoa chuối đỏ không có mắt
Cây lim xanh không có tay
Em tắm một mình suối vắng
Đôi bờ xanh biếc rừng cây.

 Em tự ngắm cánh tay mình
 Thon thon cái măng bóc vỏ
   
 Muốn gửi cho anh lắm đó
Làm gối cho anh đêm ngày.

Em ngắm chân em thon thả
Nõn nà lụa trắng đồi cây
Muốn gửi cho anh tất cả
Làm bùa cho anh thêm say.

Cái suối đừng cười ta nhé
Cây rừng đừng mách cùng ai
Ta có người yêu rồi đấy
Muốn gửi cho anh tim này.

Không biết đám nào, chất xúc tác mạnh thế? Anh chàng thăng hoa dữ.
Mãi gần đây, Chu Ngọc Phan mới tâm sự: Hồi ấy, đi chơi, đến vùng Khuôn Thuỷ, nghe nói có một gia đình hai mẹ con, bà T.và con gái tên N , ba mươi bảy tuổi, dân tộc Nùng, bị ông thầy cúng cho là có ma gà, gia đình phải ở riêng một khoảnh đồi heo hút, cả bản xa lánh. N xinh đẹp, nhưng quanh vùng, không chàng trai nào dám đến lấy N. Chu Ngọc Phan hỏi lại một già bản. Ông già bỗng hạ thấp giọng, can ngăn: “đừng bàn đến nữa, sợ lắm vớ”, “ma gà dữ lắm”. Lại nghe nói, người nhà ấy ngủ, đêm tĩnh, ma gà nó chui ra từ hai lỗ mũi. Ma gà có khi nó “bắt” người trong nhà, có khi nó “bắt” người nào mà nó thấy, có khi làm cả đàn gà đàn lợn chết dịch…       Nghe vậy nhưng Chu không sợ, mấy mươi năm trước, ông từng làm chủ nhiệm một lớp có hai trò bị coi là có ma gà. Các trò khác sợ gần, ông cho hai trò ấy ngồi một bàn. Không có gì đáng sợ. Mê tín cả. Đến thăm gia đình bà T, ông cảm thông, thương N. Chu đã có những đêm ngủ lại ngay trong ngôi nhà có ma gà ấy. Chẳng thấy gì cả. Sáng sớm, bà mẹ nấu cho nồi nếp nương, rất tuyệt. 
Nàng N. ít nói, chuyện trò thôi mà chưa ai chỉ non thề biển gì. Chia tay, Chu về thành phố, nửa tháng sau lên đó, chỉ còn là một ngôi nhà trống. Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (Kiều). Hỏi mới biết, hai mẹ con bà T. đã dời đây vào đâu trong Đồng Nai. Nàng đi, đi thật xa để lấy chồng. Chợt nhớ, có một lần nàng đã nói vậy. 
Mất nàng, nhưng Chu Ngọc Phan được thơ, “ẵm “giải. Luật bù trừ chăng? Không sợ ma gà, nên có mối tình rất mùi mẫn…  

                                                                  D.P

Ảnh: Cây Dã hương ngàn tuổi ở
         xã Tiên Lục - quê Chu Ngọc Phan

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

* NHỚ VƯƠNG TÙNG CƯƠNG... ĐALAT





      NHỚ VƯƠNG TÙNG CƯƠNG
       MỘT NHÀ THƠ XỨ BẮC TRONG ĐÀ LẠT



                                                                               
            
   Về Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII, có chút buồn, gặp một số người thân quen đau yếu. Hà Đức Toàn, học đại học cùng nhau một lớp, ba năm, nói chuyện với anh đến nửa giờ anh mới nhớ ra, anh bị bệnh tai biến mạch máu não, đi phải chống gậy, đầu gậy ba choạc; gặp Trúc Thông, anh cũng bị bệnh như Hà Đức Toàn, nói khó khăn, rất ít nói; anh Phan Xuân Hạt đã lúc nhớ lúc quên, hai lần quên cái ghế đã ngồi (nơi anh có để hai chồng sách); Nguyễn Quang Hà từ Huế ra, mới mổ cắt ruột, lần thứ sáu, ngồi bên, thấy anh mở hộp thuốc lạ ra uống, lại chiêu bằng ngụm nước trong chai nhựa có sẵn trong túi; Lê Lựu càng thảm hơn, người nhà dìu đến, để cho anh ngó vào Hội trường một hai phút rồi dìu về, mắt khi mở khi nhắm, chân lúc bước lúc dừng, dáng run rẩy, thị lực phiêu lãng... 
   Vui, cũng rất vui, gặp được Nguyễn Phan Hách, Vũ Từ Trang, Nguyễn Hồng Hà, Phạm Trọng Thanh, đoàn Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên: Hà Cừ, Đặng Văn Sinh, Đỗ Thị Hiền Hoà, Trọng Khánh, Lê Hồng Thiện... và đoàn Hải Phòng hùng hậu: Đình Kính, Bão Vũ, Hoài Khánh, Lưu Văn Khuê, Phạm Xuân Trường, Vũ Thị Huyền... ,mấy phút giải lao, cùng Nguyễn Thanh Kim, Nguyễn Anh Thuấn, Anh Vũ... được Trần Ninh Hồ (đồng hương), chiêu đãi bia, trò chuyện tít mít, chàng bảo: "Cứ để cho hai lão kia nói, có nói cũng chẳng ra sao đâu, vì đã giận thì mất khôn"; nhớ giọng Phạm Thị Minh Thư, Vi Thuỳ Linh "đòi" được nói, nhớ nhiều lúc Đại hội nóng lên, trên 90% tham luận "bị" vỗ tay nhiều đợt (đuổi xuống?),  Chủ tịch đoàn mềm dẻo, điều khiển. Nhìn chung, rất hốt. .
   Kiểm lại trong số thân quen, Vương Tùng Cương, vắng.  
   Với Cương, quen biết đã lâu, từ hồi anh còn ở Ty văn hoá Hà Bắc, nhà ở gần quán Ba Giao, thị xã Bắc Giang... những ngày, gia đình anh đầm ấm, hạnh phúc. Sau, anh chuyển về Hà Nội, làm việc tại văn phòng Hội Nhà văn. Anh gặp bất hạnh, bỗng cô đơn, trơ trọi!
Thơ Vương cũng chuyển mạch, nhiều câu thơ khởi sắc, trong bài Chùa Bổ Đà: Cây gạo trầm tư tay dâng lửa/ Hoa như đổ phẩm lối sau chùa, thơ anh nhiều bài buồn, đọc bài Viết ngày giỗ con của anh khôn cầm nước mắt: bạn bè con vẫn thường đến nhà chơi/ cùng trang lứa đã nên chồng nên vợ/ gió hiu hắt cứ thổi về một phía/ bạc phận con/ trắng tóc mẹ cha rồi/ thăm mộ con/ chỉ có nói cùng cha/ lời xanh ấy ru giấc con yên nghỉ/ xin tự chắp mảnh đời cha còn lại/ thắp câu thơ hương khói gọi con về (8/ 1997).
Từ nỗi đau riêng, anh đã cảm thông với nhân quần, bè bạn; một lần sau khi gặp nhau, về Hà Nội, nửa đêm, Vương đã gọi điện thoại đọc cho nghe bài anh mới viết: Gửi bạn sông Thương, Tặng Duy Phi: Từng qua nghìn dặm đất/ Lại neo về sông Thương/ Chắt câu thơ bạc tóc/ Bút xới nhàu đêm trường/ Chữ thánh hiền đa mang/ Miền khai tâm trăng sáng/ Tìm bạn văn thưa vắng/ Lánh chợ đời bon chen...
Qua trải nghiệm, Vương thi sĩ chia sẻ.
Tri âm, nhớ lắm. 
Nay Vương có mối tình mới, có người bạn là một nữ hoạ sĩ. Hôm Vương thi sĩ và nữ hoạ sĩ ấy về Bắc Giang, tôi có được kiến diện. Vương thi sĩ gọi điện, mời ra quán Cây Xanh. Có cả Chủ tịch Hội Bắc Giang: Tuấn Khương, Giám đốc Thư viện: Đỗ Thái... Chúng tôi mừng, thấy nữ hoạ sĩ nền nã, xinh đẹp. Nàng còn đọc thơ nàng cho chúng tôi nghe. Người thơ, giọng thơ, hồn thơ đáng mến lắm. Vương thi sĩ nói, đã có nhau hai năm, giờ có lầu riêng, gần một hồ trong xanh đâu đó trong  Đà Lạt... 
   Bạn bè mừng cho Vương Tùng Cương và giai nhân, đời thơ mộng như Phạm Lãi, Tây Thi. Đúng là hết Bĩ đến THÁI.
Đại hội vắng Vương, hẳn là anh vẫn khoẻ?  Nhớ hai câu thơ của anh: tự nguyện đêm đêm ngọn đèn gác xép/ thi sĩ lặng trầm lam lũ trang thơ, chắc là anh đang lam lũ? Không gian Đà Lạt, các bạn văn chương Chu Bá Nam, Lê Công, Đặng Thanh Liễu, Vũ Dậu... và nàng Tây Thi hẳn giúp anh vui lên nhiều?
Nghiệp văn chương thật khắc nghiệt, các thi sĩ văn sĩ nay đầu bạc đã nhiều, thường vẫn phải vượt lên hoàn cảnh, như Chế Lan Viên nói, "hãy kiến trúc thời gian thành hạt muối"... 


                                                                               D.P

                                    Ảnh:  Hồ Tuyền Lâm ở DALAT

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

* LÊ BẦU - CHIM BẰNG...




                                                                             
                                                Trái sang:  LÊ BẦU  &  DUY PHI
                                        tại trước cửa nhà ông, khoảng năm 1998                           



LÊ BẦU -
CHIM BẰNG SẢI CÁNH  


 Nhà văn Lê Bầu (bút danh: Phan Hà, Thanh Lịch...) sinh ngày 23/ 6/ 1930 tại Hưng Yên, sau chuyển lên Bắc Giang, thường trú tại Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1988.
Tốt nghiệp Đại học Trung văn tại Trung Quốc, từng làm phiên dịch, biên tập viên văn học Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội, Lê Bầu là tác giả các tập truyện Thông reo, Hai người buồng bên kia, Độc hành... , tiểu thuyết Ngã ba cô đơn, và là dịch giả các tập sách Quê cũ, Hoài niệm sói, Điệu Tần...  
   Có đến hàng chục năm, đã thành lệ, cứ mồng hai Tết là Lê Bầu đến chơi, uống rượu tại nhà Đỗ Nhật Minh. Ông quý Đỗ, bởi Đỗ là một nhà văn đã có hơn chục đầu sách, là cháu của nhà văn Nguyên Hồng, tính Đỗ lại xuề xoà, biết uống rượu biết trò chuyện, cười đùa, không để mất lòng ai bao giờ.
   Nhà cũ của Lê Bầu, vợ con ở, một nếp nhà cấp bốn, đơn sơ thuộc khu Thùng Đấu, lợp ngói móc, gần nhà Vũ Huy Ba. Do vậy, mỗi dịp ông từ Hà Nội về, Vũ Huy Ba báo tin, chúng tôi đều đến thăm. 
   Quý bọn chúng tôi, Đỗ mời từ trong Tết: “Sáng mồng hai nhé!”. Đúng hẹn, Đặng Tiến Huy và tôi lên. Cũng có lần tôi lên một mình. Đỗ và tôi là chỗ thâm giao, tri kỷ, đã gắn bó với nhau mấy chục năm. Phải lên sơm sớm, lên để gặp Lê Bầu. Có buổi, lên đến nơi, Lê Bầu đã có ở đấy. Nhiều Tết, có cả Anh Vũ, Nguyễn Thanh Kim, Vũ Huy Ba... Hồi khoẻ, ông thường đạp xe đạp tự đến. Sau, tuổi cao, chúng tôi thường cho xe máy đến tận nhà ông đón.        
   Bà Trụ, vợ Đỗ Nhật Minh là một phụ nữ đôn hậu, luôn niềm nở, hiếu khách. Dời khu trung tâm thành phố chừng hai cây số, lên đến Dĩnh Kế- nhà Đỗ, đã được một không khí quê, đầm ấm. Chúng tôi, ai có sách mới thì tặng ông. Lê Bầu cũng thường mang sách về tặng chúng tôi. Đó là những cuốn sách ông sáng tác, hoặc mới dịch mới xuất bản. Sách của Lê Bầu đều do các chủ sách ấn hành để kinh doanh, tác giả được nhuận bút và hai mươi cuốn, hẳn ông đã phải mua thêm, lại mất công ôm khệ nệ từ thủ đô về, thật vất vả. Riêng tôi, ông đã tặng cho dăm cuốn. Sách của ông mỏng cũng chừng ba trăm trang, có cuốn năm bảy trăm trang.    
   Chúng tôi ngồi quanh Lê Bầu, nghe ông kể đủ thứ, chuyện thủ đô, chuyện làng văn, chuyện về quê gốc Quan Xuyên, huyện Khoái Châu, Hưng Yên, chuyện hồi ông sang học bên Trung Quốc,  một cô gái bên ấy yêu ông, muốn lấy nhau, sau đành chia tay lâm ly, “ta về ta tắm ao ta”... Ông là người đi rộng, biết nhiều, lịch lãm, có duyên kể chuyện:
  - Bà giám đốc N.H của ông rất uy thế, ông D. lãnh đạo cỡ số một của thành phố Hà Nội đêm, đi bộ đến thăm. Bà N.H rất quý mình, hôm nọ lên Tam Đảo, bà mang theo hai cái bánh mì, đỗ xe nghỉ ngang dốc, bà cho lái xe một chiếc còn một chiếc bà bẻ đôi, bảo, mình với Bầu ăn chung. Thế là “hai anh chị” vừa ăn bánh mì vừa ngắm thông nghe suối... 
   Ông cười tít, chúng tôi cũng tít mắt.
  - Có tay hiểu tứ mã là bốn ngựa, dịch thành: “Chiếc xe bốn ngựa chạy nhanh như gió”. Tớ thấy nghi, bèn tra lại, không phải là chữ tứ là bốn, trong bộ Vi  mà là chữ tứ bộ Dụât, có một nghĩa là bốn, nhưng còn nhiều nghĩa khác. Chữ Tứ này là một địa danh, vùng Tứ là một vùng ngựa hay, nổi tiếng. Người ta nói ngựa Tứ cũng như ta nói bánh đa Kế, mì Chũ vậy. Chứ bốn ngựa mà mắc vào một xe thì nhũng nhẵng nhùng nhằng vướng nhau, sao chạy nhanh bằng chỉ một, hai ngựa. Có những tay dịch liều thế đấy...
   Ông không nói rõ tên người dịch liều, không muốn nói xấu ai mà chỉ là kể cho vui. 
  Ông cười tít, chúng tôi cũng tít mắt. 
   Đến khi gia chủ bưng mâm lên, rượu vào chuyện càng rôm rả. Chuyện nào cũng vui, hóm hỉnh. Trước bữa rượu đã trò chuyện hai ba giờ, trong bữa rượu lại đàm đạo chừng hai ba tiếng nữa, kết thúc thường đã một, hai giờ chiều. Hồi ấy, tôi còn dùng chiếc xe máy cún- Chaly, chiếc xe cún của tôi cũng đôi ba lần được làm nhiệm vụ “khứ hồi”, đưa Lê Bầu trở lại nhà ông sau cuộc rượu. 
   Lê Bầu sinh năm Canh Ngọ (sinh 1930). Gia đình ông dời Hưng Yên lên Phủ Lạng Thương khi ông mười ba tuổi. Lê Bầu được học ở trường Con Giai- trường công lập. Năm 1945, ông học hết lớp Nhì năm thứ hai (Moyen deux), được đặc cách vào học trường Trung học đầu tiên của Phủ Lạng Thương. Người cha, luôn khuyến khích Lê Bầu mua sách, đọc sách, thường bảo: Thư trung hữu kim ngọc- Trong sách có vàng ngọc. Ông thường đến các hiệu sách Tân Tiến và Cát Lợi trên phố Ngang để mua sách. Có hôm, Lê Bầu còn ngó vào trang trại của cụ Đô Kỳ, thân sinh của nhà văn Lê Văn Trương (1906- 1964). Trang trại này nằm ở chỗ tiếp nối giữa phố Thọ Xương (sau là Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Văn Cừ) với phố Nghĩa Long (chỗ nay là Cung Thiếu nhi). Dãy tường vây quanh nhà cụ Đô Kỳ rất cao, cổng thường đóng chặt, thỉnh thoảng mới mở, nhưng có mở người ngoài cổng cũng chỉ nhìn thấy những cây nhãn trồng hai bên lối vào, còn nhà cửa đều bị che khuất. Lê Văn Trương khi ở đây, khi ở Hà Nội, Cămpuchia, Thái Lan, Trung Quốc... Có khi ông còn làm cai đãi vàng. Thực tế ấy, ông viết trong cuốn phiêu lưu ký sự Một cuộc săn vàng. Đời văn, Lê Văn Trương đã viết 125 cuốn sách. Ngay trong hai năm, 1942 và 1943, ông đã xuất bản 22 cuốn. Tiếng tăm Lê Văn Trương nổi lên như cồn. Lê Bầu nói: “Hồi đó, gần như không ai không đọc tiểu thuyết của Lê Văn Trương”. Ông Văn Trương có tầm vóc cao lớn, nước da bánh mật, răng cửa khểnh một chiếc, “nói như một cái máy và viết như một cái máy”. Lê Bầu đã trông thấy Lê Văn Trương và đọc một số tiểu thuyết của ông. Cuối đời, chính Lê Văn Trương cũng tự nhận về các tác phẩm của mình, toàn là thứ “ăn sổi”.     
   Trên đất Phủ Lạng Thương lúc ấy có hai nhà thơ nữa: Bàng Bá Lân và Anh Thơ. Bàng Bá Lân có nhà ở phố Tân Ninh (Phủ Lạng Thương), “ngôi nhà hai tầng xinh nhỏ như một tổ chim bồ câu, ẩn dưới bóng phượng vĩ xanh tốt”, ông học trường Tiểu học Pháp Việt. Trước Cách mạng tháng Tám, Bàng Bá Lân đã là một thi sĩ đồng quê nổi tiếng với tập thơ Tiếng thông reo (in 1934), với những bài thơ thôn dã: Diều ai gọi sáo véo von/ Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng/ Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi (Trăng quê).
  Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân, nhà ở khu Thùng Đấu. Tập thơ Bức tranh quê của Anh Thơ được Giải thưởng của Tự lực văn đoàn năm 1939, được ấn hành năm 1941. Anh Thơ nổi tiếng với những bài thơ về thôn quê: Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ/ Đàn sáo đen xà xuống mổ vu vơ/ Mấy cánh bướm dập dờn trôi trước gió/ Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa (Chiều xuân).
   Thời ấy, Lê Bầu còn được gặp một thi sĩ trẻ: Hoàng Cầm. Cha ông vừa dạy học chữ Hán vừa bốc thuốc, mẹ là một chi Hai quan họ. Ông sinh tại Phúc Tằng, Việt Yên, sau có nhà tại dãy phố gần nhà ga Phủ Lạng Thương. Năm mười lăm tuổi, Hoàng Cầm đã viết vở kịch thơ Hận Nam Quan (sau này, ông viết thêm hai hồi nữa). Hận Nam Quan được công diễn lần đầu (1938) tại “nhà séc Tây” cạnh trường Con Giai (Phủ Lạng Thương). Buổi diễn ấy, chính Hoàng Cầm đã đóng vai Nguyễn Trãi, ông giáo Chi đóng Nguyễn Phi Khanh, Mộng Luân, vợ ông Hồ Sĩ Lạng- chủ một hiệu sách đóng vai Sơn Nữ. Lê Bầu được xem diễn. Sau đấy không lâu, ngay cả trường nữ cũng diễn kịch thơ này, con gái giả trai đóng Nguyễn Trãi và dán râu bằng rễ bèo tây nhập vai Phi Khanh. Trước năm 1945, Hoàng Cầm còn dạy tại trường tư thục La Clarté (Ánh Sáng), là thầy giáo dạy tư của Lê Bầu trong những ngày hè. Đến năm 2003, nhân ngày sinh của Hoàng Cầm, tới mừng ông, Lê Bầu kể: Tôi nhắc lại chuyện diễn Hận Nam Quan ở Phủ Lạng Thương ngày trước, ông thân mật nói với tôi: “Năm diễn Hận Nam Quan, tao vừa tròn mười tám tuổi... “.    
   Chuyện với Lê Bầu, chúng tôi hiểu thêm nhiều về văn chương, cuộc sống.     
   Hồi Đặng Tiến Huy còn là Q. Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Thương, có một lần tôi đi cùng anh đến thăm Lê Bầu tại 105 Phùng Hưng, Hà Nội. Nơi này xưa là trụ sở, toà soạn báo Le Travail của Đảng, do đồng chí Trường Chinh phụ trách, công khai, vào những năm ba mươi của thế kỷ trước.  Căn phòng hẹp lại chia đôi, giữa ngăn bằng phên nứa. Lê Bầu ở một nửa, mười mét vuông,  được sử dụng một bên cánh cửa, rộng chừng 60 cm, người nào “to con” vào ra thì phải đi nghiêng như lách (mấy năm cuối đời, Lê Bầu có căn nhà khác, rộng rãi). Ông ở một mình, có chiếc xe đạp phải gửi hàng xóm, ngày ngày, thường xuyên là cơm bụi. Khách vào, chủ khách đều ngồi chiếu trải xuống nền nhà. Có lần được tặng một cái quạt cây, người ngồi bệt xuống chiếu nên cây quạt cao quá đầu, vướng, Lê Bầu cho người khác. Chiếc máy chữ Olimpya mua lại của người bạn, ông dùng sà sã. Dường như ông tự buộc mình vào chiếc máy chữ. Khi dịch sách, ông thường dịch thẳng, nghĩa là mắt nhìn vào bản tiếng Trung, đánh máy luôn, cứ thế chuyển cho nhà xuất bản, hoặc báo chí, ít phải tra từ điển. Tuy vậy, Lê Bầu cẩn trọng lắm. Ví dụ, nguyên bản viết về một con vật nhỏ, nhiều chân, sống ở trong nhà, nơi ẩm ướt. Ông đã tra nhiều từ điển, cả đại từ điển Trung- Việt mà chưa xác định nó là con gì. Ông gọi điện hỏi mấy ông bạn, họ bảo là con sâu đo, nhưng suy nghĩ mãi ông mới tìm ra, đó là con cuốn chiếu. Mỗi năm, Lê Bầu dịch hàng ngàn trang sách. Chợt nhớ câu thơ, tôi đã viết tặng ông: Phòng đủ trải manh chiếu/ Chí sải cánh chim bằng/ Máy chữ tàng lách cách/ Đọc, dịch thẳng nghìn trang...
   Cũng là dịch, nhưng Lê Bầu dịch có văn và dịch hay. Trong một hai chục năm gần đây, Giả Bình Ao được coi là một tác giả lớn của Trung Quốc, có nhà phê bình gọi ông là bậc “Quỷ tài”, lại có người khen văn ông “nhập mộc tam phân”- khắc sâu vào gỗ tới ba phân. Giả Bình Ao được nhiều giải thưởng văn học, có cả giải thưởng văn học Mỹ, Pháp. Riêng với nhà văn này, Lê Bầu đã dịch dăm ngàn trang, ấy là các cuốn: Thị trấn Phù Dung, Thành phố hoa, Tể tướng Lưu Gù, Hoài niệm sói, Điệu Tần (trường thiên tiểu thuyết, trên 1000 trang). Lê Bầu được giới phê bình văn học tôn là “chuyên gia Giả Bình Ao”.
   Nhà văn Lê Bầu đã được tặng nhiều giải thưởng văn học, trong đó tập truyện ngắn Hai người buồng bên kia, được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, tác phẩm dịch Quỷ thành, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004.  
   Tập sách Độc hành, 280 trang, là một trong số những tác phẩm xuất sắc của ông. Chỉ cần đọc truyện Độc hành (một trong số 8 truyện), ta đã thấy một Lê Bầu rất tài hoa trong việc sử dụng chi tiết, ngôn ngữ, xây dựng tính cách nhân vật... Đến phần cuối truyện, tác giả”ngạc nhiên, bất ngờ đến sừng sờ...”, thì độc giả cũng sững sờ và lặng đi bởi dư âm, ý nghĩa thâm thuý, tinh tế.   
   Có một bài báo viết: Lê Bầu “trung thực, lương thiện đến từng hơi thở”, cũng có thể nói thêm, một đời Lê Bầu đã “cử đỉnh” dâng được nhiều công trình lớn. Ông có duyên nói chuyện, hào hiệp, có tiếng cười sảng khoái và độc hành không nghỉ trên con đường khát vọng. Tôi nghĩ, ông là một trong số những nhà văn xuất sắc.                    
                                        Phủ Lạng Thương, 5- 2010
                                                         D P