Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

* CHU NGỌC PHAN ĐẾN VỚI MA GÀ





     CHU NGỌC PHAN
     NHÀ THƠ ĐẾN VỚI MA GÀ 




                      
     Bốn mươi năm trước, Chu Ngọc Phan tốt nghiệp khoa Văn, Đại học sư phạm Hà Nội, về dạy học tại cấp III Cao Lộc, Lạng Sơn; 13 năm dạy học ở xứ Lạng, từng cộng tác với văn nghệ xứ Lạng, hồi nhà thơ Mã Thế Vinh làm chủ tịch Hội, nhà văn Phan Quế biên tập. Học trò thầy Phan phần lớn là dân tộc Tày Nùng.
   Rất yêu vùng đất ấy, có lần Chu Ngọc Phan kể: “Ấn tượng nhất là được đi chợ xuân nghe hát lượn. Trai gái Nùng Phàn Sình có tục hát giao duyên tìm vợ tìm chồng suốt cả ba tháng xuân. Họ hát tự nhiên, vô tư ven đường ven chợ như thể trên đời này không còn có ai. Họ hát tốp ca Soong hao say xưa, mê đắm, mắt dõi nhìn bạn tình hồn nhiên như cây cỏ. Rồi suốt mùa xuân rập rình những đám cưới, đám khao, hương rượu nồng nàn khắp rừng khắp bản... ”. 
  Rời xứ Lạng về quê sông Thương đã lâu, nhưng ông vẫn có gì như mắc nợ với đồng bào dân tộc. Vùng này, ở miền Khuôn Thuỷ có nhiều bản Tày Nùng. Một hồi, bạn bè bỗng thấy ông hay đi lên trên ấy. .
   Bỗng ông nói năng về thơ miền núi thơ dân tộc có vẻ diệu nghệ: “Thơ cũng như cây lát hoa, phải được mọc trong cánh rừng thiêng mới mong trổ được nhiều cành nhiều lá và vẽ được nhiều những đường vân hoa đẹp trong lõi gỗ...”.
   Bỗng “xưởng” thơ ông “sản xuất” hàng loạt thơ tình yêu, giọng dân tộc. Viết như có gì thôi thúc, viết như phải bùa phải bả. Ông photo đóng thành những tập, tặng bạn hữu, rồi in liền mấy cuốn photo  mà ông còn nói về thơ rất sành điệu. Và anh đã viết như phải bùa mê. Anh như tiều phu khát nước/ Thấy em như hũ rượu đầy (Thung lũng rừng em), Anh mơ thành hòn đá cuội/ Cho em kỳ cọ... tháng ngày (Lời của đá).    Nếu em không chê nhà anh chật/ Nếu em thương con gà mồ côi/ Anh sẽ tìm loài dây rừng bền nhất/ Cùng em se sợi tình, sợi đôi (Lời sli gửi em). Có bài thơ mượn lời của em nữa: Nhớ anh cơm ngon không ăn được/ Rượu ngon như nước bồ hòn/ Em uống nụ cười anh thay nước/ Em nhớ lời ca anh thay cơm… (Tiếng hát của anh). Lòng có tốt như cây lim, cây kháo/ Có làm được cột nhà  tình yêu ?/ Để em sắm giường mua chiếu/ Sắm cái vò to đựng rượu/ Đón trăng rằm về ở chung (Không biết tự bao giờ) 
   Thơ Chu Ngọc Phan in báo Văn nghệ dày dày, và ra thành tập cũng liền liền: Tíếng chim khảm khắc, Uống rượu ở Lân Pùn, lại đang soạn để in tập thơ Lời của vầng trăng. Duy Khoát, Hà Nội gọi điện về: “Trên Bắc Giang, anh chàng Chu Ngọc Phan làm thơ dân tộc giỏi lắm. Kỳ thi thơ tình này, trên Văn nghệ Trẻ dễ đoạt giải đấy”.Đùng một cái, Chu Ngọc Phan đi “ẵm” giải thật. Giải Nhì. Oách lắm. Ba bài thơ đoạt giải được công bố: Suối giữa rừng, Lời sli em gửi, Tiếng hát của anh... Xin giới thiệu một bài trong đó:
           
               SUỐI GIỮA RỪNG

Hoa chuối đỏ không có mắt
Cây lim xanh không có tay
Em tắm một mình suối vắng
Đôi bờ xanh biếc rừng cây.

 Em tự ngắm cánh tay mình
 Thon thon cái măng bóc vỏ
   
 Muốn gửi cho anh lắm đó
Làm gối cho anh đêm ngày.

Em ngắm chân em thon thả
Nõn nà lụa trắng đồi cây
Muốn gửi cho anh tất cả
Làm bùa cho anh thêm say.

Cái suối đừng cười ta nhé
Cây rừng đừng mách cùng ai
Ta có người yêu rồi đấy
Muốn gửi cho anh tim này.

Không biết đám nào, chất xúc tác mạnh thế? Anh chàng thăng hoa dữ.
Mãi gần đây, Chu Ngọc Phan mới tâm sự: Hồi ấy, đi chơi, đến vùng Khuôn Thuỷ, nghe nói có một gia đình hai mẹ con, bà T.và con gái tên N , ba mươi bảy tuổi, dân tộc Nùng, bị ông thầy cúng cho là có ma gà, gia đình phải ở riêng một khoảnh đồi heo hút, cả bản xa lánh. N xinh đẹp, nhưng quanh vùng, không chàng trai nào dám đến lấy N. Chu Ngọc Phan hỏi lại một già bản. Ông già bỗng hạ thấp giọng, can ngăn: “đừng bàn đến nữa, sợ lắm vớ”, “ma gà dữ lắm”. Lại nghe nói, người nhà ấy ngủ, đêm tĩnh, ma gà nó chui ra từ hai lỗ mũi. Ma gà có khi nó “bắt” người trong nhà, có khi nó “bắt” người nào mà nó thấy, có khi làm cả đàn gà đàn lợn chết dịch…       Nghe vậy nhưng Chu không sợ, mấy mươi năm trước, ông từng làm chủ nhiệm một lớp có hai trò bị coi là có ma gà. Các trò khác sợ gần, ông cho hai trò ấy ngồi một bàn. Không có gì đáng sợ. Mê tín cả. Đến thăm gia đình bà T, ông cảm thông, thương N. Chu đã có những đêm ngủ lại ngay trong ngôi nhà có ma gà ấy. Chẳng thấy gì cả. Sáng sớm, bà mẹ nấu cho nồi nếp nương, rất tuyệt. 
Nàng N. ít nói, chuyện trò thôi mà chưa ai chỉ non thề biển gì. Chia tay, Chu về thành phố, nửa tháng sau lên đó, chỉ còn là một ngôi nhà trống. Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (Kiều). Hỏi mới biết, hai mẹ con bà T. đã dời đây vào đâu trong Đồng Nai. Nàng đi, đi thật xa để lấy chồng. Chợt nhớ, có một lần nàng đã nói vậy. 
Mất nàng, nhưng Chu Ngọc Phan được thơ, “ẵm “giải. Luật bù trừ chăng? Không sợ ma gà, nên có mối tình rất mùi mẫn…  

                                                                  D.P

Ảnh: Cây Dã hương ngàn tuổi ở
         xã Tiên Lục - quê Chu Ngọc Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét